Vào những ngày cuối tháng chạp, khi rặng xoan ven đê trút mưa hoa tím, bãi ngoài đê rực vàng hoa cải tôi thường tha thẩn đứng dưới vệ để trông về phía làng Phùng xa lắc ngóng đợi mẹ về.
Con đê ngoằn ngoèo uốn lượn theo dòng sông nhỏ. Đoạn đê này có những chuyến xe kéo lốp cao su đặc, phương tiện duy nhất chở khách bình dân từ Cầu Phùng về vùng quê ven bờ sông Đáy. Lâu lâu mới có chiếc xe đạp của những người làm ăn trên tỉnh về. Nghe tiếng chuông “kính coong” là lũ trẻ chạy theo reo hò đến khản tiếng hụt hơi. Hiếm hoi lắm mới nghe thấy tiếng còi toe toe của chiếc xe hòm (ô tô) đi về phía Phủ Quốc oai. Thấy xe này, lũ trẻ chỉ đứng nhìn từ xa đợi xe đi qua mới dám chạy lên đê hít hà mùi khói xăng nồng khét.
Tôi không lên đê để reo hò chạy theo xe đạp hay hít khói ô tô mà lên để đứng ngóng mẹ về vào mỗi dịp cuối năm. Tôi ở quê với ông bà, không được hàng ngày sống bên mẹ. Mẹ chỉ về quê trong dịp Tết, nên cứ mỗi lần mẹ về là thấy cả mùa Xuân theo mẹ về trên chiếc xe kéo. Tôi đứng dưới chân đê để dễ thấy hình bóng mẹ cùng chiếc xe in trên nền trời từ phía xa. Nhìn thấy mẹ càng xa tôi càng được ngồi lâu bên mẹ sau một năm xa cách. Thích nhất là khi xe rẽ vào đường gạch giữa làng thấy lũ bạn đứng thập thò chỉ chỏ. Chúng không chạy theo xe mà chỉ đứng nhìn mình bằng ánh mắt thèm muốn pha lẫn ghen tị. Xe lắc lư nhưng tôi thấy lâng lâng như bay trên mây…
Trên xe như cả phiên chợ Tết quê thu nhỏ. Dưới sàn xe chật hẹp chất đầy những gói măng, miến, bóng, mộc nhĩ, tôm khô, gia vị và nhiều thực phẩm cho mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết. Để trên cao là những hộp hương vòng, hương trầm, những hộp mứt đủ loại bọc giấy bóng kính, những bức tranh Tết cuộn tròn trong trong giấy báo. Chưa kịp yên chỗ ngồi trên xe, tôi đã mở cuộn tranh này hít lấy hít để tận hưởng mùi thơm đặc trưng của giấy dó, của phẩm màu thảo mộc và thấy như Tết đã về ngay trên xe.
Trên chỗ ngồi, bên cạnh mẹ là cái tay nải đựng quà Tết biếu ông bà và có cả quà của mẹ cho tôi. Quà biếu bà khi thì váy yếm, khi thì thắt lưng, khăn mỏ quạ. Quà của ông thì khăn xếp, áo the, quần trắng. Nhận quà biếu, ông thường vui vẻ khen: “Ừ cái hàng này đẹp đây. Chà, mặc vừa vặn như đo, thợ Hà thành may có khác…”. Bà thì kín đáo: “Mẹ ăn chắc mặc bền, váy áo nâu sồng nó kêu sột soạt quen rồi, giờ mặc loại này nó trơn tuồn tuột thấy sao sao ấy…”. Mẹ cười: “Bà sột soạt cả năm rồi, ba ngày Tết thì cũng hết sột soạt để vui với bà con làng xóm chứ”.
Quà Tết của tôi cũng là quần áo mới. Nhưng vật đầu tiên tôi lục tìm trong phần quà là cục xà phòng giống quả xoài nhỏ, ngoài bao có in hình người phụ nữ tóc bới cao. Mẹ bảo đó là xà phòng Cô Ba Tý sản xuất trong Nam kỳ, chợ quê không có. Xà phòng dùng hết tôi cẩn thận cất cái bao trong cặp sách để giữ hương thơm còn vương trong giấy gói cho đến Tết năm sau…
Năm tháng trôi qua. Giao thông thuận tiện. Đường từ Hà thành lên xứ Đoài không còn xa vời vợi để phải thao thức vấn vương: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng…” (Quang Dũng). Trên đê không còn những đứa trẻ hò reo chạy theo tiếng chuông xe đạp hay hít hà khói thải ô tô. Không còn thằng bé đứng chờ mẹ về tóc đầy hoa xoan tím. Nhưng mẹ vẫn về trước mỗi mùa xuân. Mẹ không ngồi trên chiếc xe kéo thô sơ lắc lư, cót két bởi những vũng nước trên mặt đê chưa kịp khô sau những ngày mưa dầm gió bấc. Xe nặng nề như chở cả phiên chợ quê ngày giáp Tết.
Mẹ về trong khói hương trầm ngát để thấy cháu con đoàn tụ đón Xuân về.
- Xem thêm: Những mùa xuân trên bến sông