Đã có nhiều phân tích về thói quen tích trữ vàng và những giải pháp có thể thực hiện để huy động vàng trong dân, biến vàng thành tiền đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những bước đi riêng để có thể làm giảm đi tầm ảnh hưởng của vàng. Dù có nhiều ý kiến chưa đồng tình khi thấy mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao (thường xuyên ở mức vài ba triệu đồng mỗi lượng), hay có tình trạng độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh vàng… thì đến thời điểm này, có thể nói những bước đi ấy đã thu được những kết quả nhất định. TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia mới đây đã nhận xét, Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng hướng trong việc chống vàng hóa, đôla hóa.
Theo lộ trình của Chính phủ, tình trạng vàng hóa phải chấm dứt trong năm nay và khoảng 3-4 năm nữa, tình trạng đôla hóa sẽ chấm dứt. Mục tiêu đầu tiên chưa hoàn thành, do trạng thái vàng tại một số ngân hàng thương mại vẫn còn âm, khiến cho dự tính chấm dứt huy động vàng kể từ ngày 25-11 phải lùi đến ngày 30-6-2013. Một khi các tổ chức tín dụng không còn được huy động vàng thì hình thức thay thế chính là hoạt động mua bán giữa ngân hàng và người dân. Dĩ nhiên, muốn người dân bán vàng, biến vàng thành tiền, điều kiện tiên quyết là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giữ lạm phát ở mức thấp. Một mức lạm phát kỳ vọng thấp sẽ là cái neo giúp nâng cao giá trị tiền đồng, tạo niềm tin cho người dân. Khi lạm phát được duy trì ổn định, không ai dại gì để đồng tiền chết dí trong vàng, mà sẽ nhanh chóng chuyển thành tiền để đưa vào sản xuất – kinh doanh sinh lời.
Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có đề cập một số nội dung quan trọng liên quan đến quản lý thị trường vàng. Để xử lý triệt để vàng hóa nền kinh tế và tận dụng nguồn lực vàng miếng trong dân, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước dự kiến tập trung xây dựng cơ chế mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Đây sẽ là kênh chính để huy động nguồn lực vàng trong dân nhằm mục tiêu chuyển hóa nguồn lực vàng để phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo các quyền hợp pháp của người dân đối với vàng miếng như mua bán, nắm giữ, được bảo đảm an toàn thông qua dịch vụ giữ hộ của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng thông qua việc cấp phép cho các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đáp ứng đủ điều kiện quy định với mức thuế nhất định…
Từ những kết quả bước đầu của việc giảm ảnh hưởng của vàng, các chuyên gia kinh tế hy vọng chủ trương chống đôla hóa rồi sẽ cũng được thực hiện và sớm đạt được thành quả. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chúng ta phải hướng đến mục tiêu không dùng ngoại tệ cho thanh toán các dịch vụ nội địa hoặc gửi tiết kiệm. Người dân, doanh nghiệp có ngoại tệ phải chuyển đổi ngay sang tiền đồng ở ngân hàng. Dĩ nhiên, khi ấy nguồn cung ngoại tệ của hệ thống ngân hàng nói riêng và của đất nước nói chung phải đủ để đáp ứng mọi nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp khi họ cần ngoại tệ. Được như vậy, mục tiêu chấm dứt tình trạng vàng hóa, đôla hóa trong tương lai không xa mới có thể thực hiện.
Minh Hằng