Miền thượng là tổ hợp kết dính của núi, rừng, sông, suối, thung lũng, bình nguyên, vực sâu, muôn loài, và hệ thống hồ nước. Không có hồ nước tự nhiên sinh thái rừng không được cân bằng, nhiều loài động vật cũng không thể tồn tại khi thiếu nước, khoáng chất, và không gian để quẫy đạp, sinh hoạt.
Hồ thủy điện, thủy lợi giờ “nhân bản vô tính” khắp Tây Nguyên, nên hồ Lak tự nhiên này đây chợt hóa “cổ”, dày lên ký ức nguyên sinh lẫn văn hóa tộc người, và đặc biệt là nó không “đuổi” dân đi như hồ thủy điện…
Một làn sương hư ảo nhả xuống mặt hồ. Dãy núi vòng cánh cung rộng thênh làm hậu cảnh vĩnh cửu cho con hồ ở phía xa ấy khói sương cũng giăng phủ, kéo rê đi, chỗ đậm chỗ nhạt theo sắc trắng xám của sương. Các buôn làng M’nông lâu đời tít bên bờ bên kia của hồ bị sương “ngậm” mất, chưa thể thấy le lói ra vào lúc này.
- Xem thêm: Trekking rừng thông Đa Mân – D’ran
Những sợi nắng đầu ngày tinh khiết như màu mật ong đục thủng những màn mây xám ban sớm để rót le lói ánh sáng xuống con hồ mênh mông. Một chiếc thuyền độc mộc M’nông của người tần tảo xẻ sương và ánh vàng ngọt lịm ấy hiện ra.
Đó không phải là cảnh dàn dựng kỳ công của đạo diễn bậc thầy nào đó cho một bộ phim về miền hoang dã, mà là những gì bày ra thật mỗi sớm bên hồ Lak. Khi hoàng hôn về, hồ phơi ra cũng tương tự, chỉ có là sắc màu và giai điệu khác đi theo sự phối vẽ vạn vật thực chất của trời cao kia.
Hoàng đế phải “quy phục” non biếc, thế thôi!
Cứ có dịp ngang qua quốc lộ 27 là tôi ở lại xứ Lak ít lâu, và chiêm vọng hồ Lak cho thỏa, rồi mới đi tiếp. Đó là những lúc tôi dang hai tay trước vũ trụ mà hít sâu, thở phào một cú hả hê, coi như tự thưởng cho mình một “cữ” tiệc thiên nhiên. Thân thuộc thế, nhưng mỗi lần đối diện với nó đều thấy nó lạ. Nó là tuyệt đại danh thắng mà người ta chưa nỡ lố bịch khi rào tất cả phúc lợi thiên nhiên của chúng sinh lại để bán vé như ở Đà Lạt nên thảo dân như tôi còn được ngắm nhìn đất nước một cách tự do. Mà hồ Lak không chỉ có thế…
Nếu hồ nhân tạo thì chẳng có gì để nói, vì tôi không thích cái gì tạo ra bằng lý trí và áp đặt. Hồ Lak là hồ tự nhiên, sinh cảnh từ sự trằn trọc sinh nở và thổn thức miệt mài của tạo hóa mà thành. Chừng bảy mươi năm trước, hồ này còn lọt trong rừng nguyên sinh nhiệt đới, nghĩa là không gian thiên nhiên xung quanh vẹn lành. Những làng M’nông, Ê đê nằm trên lưu vực của nó tựa vào mẹ thiên nhiên để sinh sống thanh bình, an lạc.
Ngài Bảo Đại thời lập Hoàng Triều Cương Thổ trên toàn cõi Tây Nguyên vào giữa thế kỷ trước cũng phải chọn hồ Lak là đích đến, và là điểm “hạ trại” cho những cuộc đi săn xuyên đại ngàn dài ngày của mình. Cái ngọn núi đất nằm bên mép hồ nơi ông dựng trại, rồi sau đó cất luôn một dinh thự trên đây để nướng thú ăn, vui chơi, thưởng lãm hồ Lak và làm chốn nghỉ dưỡng đến nay vẫn còn hiện hữu, chết với cái tên “Bảo Đại”.
Đứng trên “trại săn” xưa của ngài Hoàng đế cuối cùng của nền phong kiến Việt Nam, nhìn xuống thấy cả hồ Lak như một viên ngọc lóng lánh, nhận ra nơi đây xưa đúng là một cái rốn sinh thái, đa dạng sinh cảnh, quần tụ muôn loài. Ngày ông Nguyễn Đức Hòa, cận thần của vua Bảo Đại còn sống, ông kể với tôi rằng chuẩn bị cho những chuyến đi săn dài ngày từ Đà Lạt sang hồ Lak bao giờ cũng quy mô và kỳ công khi vừa đảm bảo sinh mạng vua và vừa thỏa mãn cảm giác tự do khám phá, chinh phục thiên nhiên của ngài.
- Xem thêm: Chư Mom Ray – đại ngàn Tây Nguyên
Ngài hay hỏi chừng quần thần (gọi “bạn săn” cũng đúng thôi): “Còn bao lâu nữa tới Lak!?”. Mà không chỉở vị trí ngọn núi nằm trong lòng hồ này, tại bất cứ ngọn núi nào quanh xứ Lak cũng đều nhìn thấy hồ Lak. Nó rộng ngót ngàn hécta mà, lại thông ra dòng sông mang tính nữ Krông Ana (khác dòng sông mang tính nam Krông Nô – cũng thuộc Tây Nguyên) tạo ra dải đồng bằng phì nhiêu gần đấy rồi hòa vào con sông Sêré Pôk hùng dũng chảy qua dòng sông lớn hơn của lục địa, sông Mekong.
Quanh hồ Lak là nơi cư trú lâu đời của người M’nông – sắc dân ngữ hệ Môn-Khmer, và hàng xóm của họ là người Ê đê bih – sắc dân ngữ hệ Malaiyo-Polynesien. Trong tiếng M’nông “Lak” nghĩa là nước, nên khi họ gọi cả vùng mênh mông này là “Nước” cho thấy đặc trưng thiên nhiên nổi trội của xứ này, đến độ đỉnh núi cao nhất trong xứ cũng đặt tên là “Yang Lak” (thần Nước).
Xứ của “nước” và thần nước ngồi trên cao đó để nhìn xuống, coi ngó, che chở. Khi cơ chế nhà nước được xác lập xuống vùng sơn nguyên cùng xã hội bán khai này, người ta đặt tên cho cái đơn vị hành chính có hồ Lak ngự trị này là “xứ Lak”, “quận Lak”, “huyện Lak”. Giờ vẫn thế, “huyện Lak”.
Vì là xứ nước, nên đây là quê hương của con xuồng độc mộc. Những rừng cây cổ thụ đã biến mất ở xứ Lak, nhưng nay những con thuyền độc mộc – đục nguyên một cây cổ thụ thành chiếc thuyền – vẫn còn được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của các bon, buôn người bản địa sống ven hồ. Họ đi rẫy, ruộng bằng xuồng. Đi đánh bắt cá, hái sen, súng, rong, ốc, vui chơi, nghỉ ngơi bằng xuồng – cây gỗ đục rỗng không chìm và di chuyển được trên mặt nước.
Những người phụ nữ M’nông, Ê đê từ bon Triết, Trấp, Kuôp, Tơ lơ… ngồi chỗ chót đuôi con xuồng độc mộc thân thiện với thiên nhiên chống lướt như bay trên mặt nước giữa thời buổi máy móc cơ khí khiến cứ như “thế giới mẫu hệ” của họ muốn đẩy lùi sự nhốn nháo và khó hiểu của văn minh công nghiệp.
Không sao, xứ Lak huyền bí sự thật là đã hết huyền bí, nhưng dù lột trần nó vẫn là nó, kiểu như vạn vật xung quanh hồ Lak đang chuyển động theo thế cuộc mới thì những thực thể gắn bó với nó cũng buộc phải dịch chuyển, vận động theo một cuộc chơi mới. Bản chất “núi rừng” đã nhào luyện cho họ sự bền bỉ thì cũng dạy cho họ cách để thích nghi, tồn tại. Như hồ Lak đó, vẫn đẹp đến não nùng cả ngày lẫn đêm, dù cái gen, “back ground” rừng núi không còn. Con hồ tráng sĩ. Nó đẹp một cách cô độc với lịch sử của nó.
“Sức chịu” cuối của bản sắc núi rừng
Nhưng không, đó chỉ là sự đề kháng cuối cùng của văn hóa bản địa truyền thống. Bởi hơn trăm chiếc xuồng độc mộc ở các bon làng ven hồ kia chỉ là những vật dụng rừng cuối cùng, vì hai chục năm nay không xuất hiện được thêm chiếc mới nào, mà rừng cây chỉ còn là ký ức. Cũng như những con voi kia, 18 con còn lại ấy, sẽ già cho đến biến mất toàn bộ, vì không hề có con voi nào được sinh ra bởi rừng nguyên sinh đã mù xa, nghĩa là không gian sinh sản cho loài voi đã cạn hết.
Lak là một trong ba xứ voi của Tây Nguyên, cùng với Bản Đôn ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) và Nhơn Hòa (ở huyện Chư Sê, Gia Lai). Cảm giác thật “núi rừng” khi ngồi trên lưng những con voi lội ra hồ Lak cổ xưa. Nhưng mà khoảnh khắc này cũng là tạm bợ, vay mượn, chứ không phải sinh hoạt như thế vốn tồn tại trong từng nếp nhà dài ở buôn Trí, buôn Lê, buôn Jun.
- Xem thêm: Chèo thuyền mạo hiểm trên sông Đạ Đờn
Loài voi linh thiêng và thân thuộc đến thế, với người M’nông, giờ nó như “khách” hằng ngày đi qua buôn, trở thành cái máy in tiền cho các công ty du lịch từ trên phố Buôn Ma Thuột xuống thâu tóm hết voi để làm “cai đầu dài” trong dịch vụ chở khách du lịch đi thăm hồ Lak. Voi xưa là vật kiêng nể, cưng nựng, tự do, nay suốt ngày trói và mở, vắt kiệt sức cho du lịch, quần quật như thế còn tâm lực nào mà cảm hứng như một thực thể của tự nhiên, để làm tình, sinh đẻ.
Không sao, buôn Jun – cái buôn tâm điểm của xứ Lak, vì chỉ có nó mới thò ra hồ Lak (tiếng M’nông “Jun” có nghĩa là thò ra, lồi ra) – vẫn ngạo nghễ mấy chục căn nhà dài lê thê như thế suốt bao đời qua. Cũng như người ta biến nơi ở thuần khiết an lành của buôn Jun nhỏ bé trở thành chỗ tối ngày chộn rộn du khách phương xa đến tham quan không gian sống nguyên bản sơn cước, dập dìu hàng quán ăn nhậu trong lòng buôn nhưng rất ít người buôn tham gia vào hoạt động du lịch ấy.
Mọi thứ xung quanh hồ giờ đã chật nêm, vì làn sóng dân nhập cư như vũ bão, sau vài chục năm. Đại đa số người M’nông ở cái làng hiểu hồ “Lak” nhất này vẫn ra hồ, xuống ruộng, lên rẫy như bao đời để kiếm sống. “Du lịch” là cái gì mặc kệ, ai trục lợi, hưởng lợi từ bản sắc của họ hãy cứ hưởng. Thời buổi cho những kẻ cơ hội, tinh ranh và xảo quyệt, chứ không phải cho những người thiện lành và chân chính.
Chỉ tiếc là người ta đặt một đô thị – trị trấn huyện lỵ, huyện Lak, tỉnh Đắk Lắk – ngay bên hồ Lak. Mà một đô thị, như ta biết đó, khi nó ra đời ở Việt Nam, nó sẽ nuốt chửng những gì thuần hậu và tinh túy của thiên nhiên.
Đây đó ở hồ Lak, người ta đang phân chia không gian của nó để làm du lịch, và cảnh dân nhập cư mới san lấp mặt hồ để cất nhà cũng bắt đầu xuất hiện. Mà du lịch, khi vận hành theo bản năng ăn xổi, tận thu, vắt chanh, không dựa trên ánh sáng của khoa học và lương tâm, nó sẽ xới tung mọi thiết chế xã hội, đến tài nguyên văn hóa, tâm hồn, tinh thần con người. Tôi nhủ mình, ờ, để xem con hồ huyền thoại nhất Tây Nguyên này rồi sẽ có một cuộc đời kế tiếp ra sao nào trong bóng nước long lanh đó.