Chiến lược “Xoay trục” sang châu Á của Mỹ từng được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố hồi tháng 10-2011 thông qua bài viết “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”, đăng trên chuyên san “Chính sách Đối ngoại”.
Trong bài viết chiến lược này, bà Clinton đã tuyên bố: “Một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất trong nghệ thuật lãnh đạo của Mỹ trong thập niên tới sẽ là tăng cường đầu tư thực chất về ngoại giao, kinh tế chiến lược và các lĩnh vực khác ở châu Á – Thái Bình Dương, vì khu vực này đã trở thành động lực chủ chốt của chính trị toàn cầu do có nhiều đầu tàu chủ chốt của kinh tế thế giới và cả các cường quốc đang trỗi dậy quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia”.
Tuy nhiên, chiến lược này ngay từ khi được công bố đã gây ra không ít tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ, không chỉ về nội dung mà cả tên gọi, khi các quan chức làm việc tại Nhà Trắng cố ý chuyển “Xoay trục” sang một tên gọi khác là “Tái cân bằng”. Đây là điều trớ trêu bởi nước Mỹ luôn cần và có lợi ích rõ ràng ở châu Á – Thái Bình Dương.
Nhằm giúp độc giả Mỹ và khu vực hiểu rõ hơn về chiến lược này, tháng 6-2016, sau gần bốn năm nỗ lực cùng các cộng sự, Kurt Campbell – cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương, hiện là Chủ tịch Công ty Tư vấn Asia Group – đã cho xuất bản cuốn sách Xoay trục: Tương lai nghệ thuật lãnh đạo của Mỹ ở châu Á.
Cuốn sách 500 trang này là kết quả của các cuộc gặp gỡ cá nhân và kinh nghiệm ngoại giao ở châu Á của ông. Tác giả đã chỉ ra nguồn gốc của chiến lược Xoay trục – đó không phải là một chính sách nhất thời mà xuất phát từ những tiếp xúc đầu tiên giữa Mỹ với châu Á từ hơn 200 năm về trước trên con tàu của Đại tá hải quân Perry tới châu Á.
Cùng với phân tích về giá trị địa-chiến lược, kinh tế của khu vực, tác giả cũng cho rằng, ngoài những tranh chấp ở biển Hoa Đông, Biển Đông, eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, châu Á đang phải đối mặt với những thách thức lớn khác. Châu Á đang bị lôi kéo giữa bá quyền và cân bằng quyền lực khu vực. Hệ điều hành của khu vực này đang là sự hòa trộn giữa những nguyên tắc của thế kỷ XXI và thế kỷ XIX. Các cường quốc hiện tại và mới nổi của khu vực này đang đứng trước lựa chọn sẽ trở thành các cổ đông hay kẻ gây rối; các quốc gia khu vực đang bị lôi kéo giữa xung đột và cùng tồn tại hòa bình; các nhà nước đang chuyển đổi theo con đường cải cách dân chủ, hay trở lại độc tài. Cơ cấu kinh tế và quan hệ thương mại ở cấp độ khu vực đang bị lôi kéo giữa tiêu chuẩn cao và các biện pháp bảo hộ mềm.
Để tiếp tục thực hiện chiến lược “Xoay trục”, tác giả đã đưa ra “Kế hoạch 10 điểm” với những kiến nghị táo bạo và có tầm nhìn xa, trong đó đề nghị tổng thống Mỹ cần có thông điệp nêu bật tầm quan trọng của châu Á với người dân Mỹ và Nhà Trắng có báo cáo hằng năm về chính sách của Mỹ với châu Á; các biện pháp tăng cường quan hệ với đồng minh và đối tác kết nối hệ thống mạng lưới; cách thức xử lý sự nổi lên của Trung Quốc trong hợp tác và cạnh tranh; can dự và tranh thủ các hệ thống đa phương khu vực; các biện pháp nhằm tăng cường “hệ điều hành châu Á” với vai trò dẫn dắt của Mỹ…
Trong quan hệ với các đối tác, Kurt Campbell khẳng định “quan hệ gần gũi với Việt Nam” như là một bộ phận quan trọng của chính sách xoay trục sang châu Á.