Chuồng ngựa của gia đình là không gian đáng nhớ đối với Cường khi hoài niệm tuổi thơ nửa thế kỷ trước.
Những năm học trường trung học Nguyễn Thượng Hiền trước năm 1980, trong lớp tôi có vài người bạn sống ở miệt Bà Quẹo. Đến thăm nhà các bạn đó ở đường Tân Kỳ – Tân Quý (xưa là hương lộ 13), lần nào trên đường về cũng nghe có tiếng lóc cóc phía sau rồi dáng một chiếc xe thổ mộ vượt qua trong ánh đèn đường tù mù của những năm sau 1975. Xe thổ mộ, gọi nôm na là xe ngựa, chạy từ Hóc Môn về Bà Quẹo, ghé ngang ngã ba Ông Tạ rồi chạy về phía chợ Hòa Hưng. Sau đó đi xa hơn, ra phía Sài Gòn.
Mấy bạn sống quanh khu vực chợ Ông Tạ kể rằng trước năm 1968, ngày nào cũng có xe thổ mộ chạy hàng đoàn từ Bà Quẹo đổ hàng xuống với nhiều cần xé rau củ quả, gà vịt, hoa vạn thọ. Những thứ hàng đó không chỉ bán trong chợ mà còn bày bán trên đường Thoại Ngọc Hầu (Phạm Văn Hai), từ ngã ba cho đến Cổng Bom, một con hẻm gần chiếc cầu bắc qua rạch Nhiêu Lộc. Đức Thành, một bạn học cùng lớp nhà ở đường Mai Khôi (Chử Đồng Tử) kể rõ: khoảng hai năm 1979 và 1980, Thành dậy sớm từ hai giờ rưỡi sáng để phụ gia đình buôn bán nên không lạ gì cảnh xe ngựa đổ hàng xuống đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám gần cư xá Tự Do, khoảng giữa ngã tư Bảy Hiền và chợ Ông Tạ.
Trong ánh đèn chai leo lét treo hai bên thành xe, dân buôn đưa gà, heo trong mấy cái bu đan bằng tre, rau quả trong các giỏ cần xé xuống. Đến năm giờ sáng, mấy chiếc xe này lại di chuyển lên ngã ba Ông Tạ để xuống rau củ cho bạn hàng bán lẻ chợ Ông Tạ. Thỉnh thoảng lại có thêm mấy chiếc xe bò đi qua, lủng lẳng chai đèn treo dưới gầm, chở lu khạp và đổ hàng ở chợ Tân Bình. Xe ngựa hình thành một bãi đậu ngay trước cửa trường Thánh Tâm, cách ngã ba Ông Tạ chừng hai mươi mét, bãi thứ hai nằm góc ngã tư Bảy Hiền trước Sở Chăn nuôi.
Mỗi xe ngựa chứa sáu đến tám người. Bác đánh xe ngồi vắt vẻo trên đòn ngựa bên tay trái, còn bên phải đòn có thêm một người khách nữa. Hai đòn xe ngựa dài này được buộc vào hai bên hông con ngựa. Bên trên mui xe ngựa hơi cong, phần phía trước hơi dài hơn thùng xe một chút. Có hai miếng gỗ cong hai bên thành xe có thể kê quang gánh và thúng. Mỗi bên thân xe có cửa sổ để khách ngó ra ngoài, gặp trời mưa thì buông hai mảnh vải cuộn sẵn hai bên để nước mưa không hắt vào. Những người chạy xe ngựa ở trong khu gần nhà thờ Chí Hòa thường có nhà xây trên miếng đất lớn đủ rộng để chứa nổi xe ngựa, có chuồng cho ngựa nghỉ ngơi. Họ thường là người địa phương đã ở vùng này qua nhiều đời.
- Xem thêm: Đi dạo Sài Gòn xưa với Petrus
Cường, sống ở Bà Quẹo từ nhỏ có cha làm nghề đánh xe ngựa nên biết khá rõ về bến xe ngựa chỗ ngã ba Bà Quẹo. Nó nằm ở góc đường Trường Chinh và đường Tân Kỳ – Tân Quý bây giờ. Thật ra, đây chỉ là trạm dừng chân để các xe ngựa đậu lại rồi đi tiếp. Thỉnh thoảng, Cường đi học về buổi chiều, đứng ở góc đường đợi ba về. Ba của Cường sau khi đưa khách trên chuyến xe cuối ngày ra phía Tân Sơn Nhì hay Đồng Mô, trên đường về nhà sẽ đi ngang và nếu thấy Cường, ông sẽ dừng xe, tươi cười kéo tay lên cho ngồi cạnh ông. Từ đó về nhà hai cây số, con Khịt hoặc con Giang, một trong hai con ngựa thay nhau kéo xe sáng hay chiều, thong thả đi về trên con đường lộng gió với hàng cây hai bên. Cường nhớ dù chỉ ngồi đánh xe, ba luôn ăn bận đàng hoàng với áo sơ mi màu mỡ gà, quần kaki vàng, đội mũ phớt lộ chút tóc quăn hai bên mai. Về tới nhà, ông đưa ngựa vào chuồng rồi hạ càng xe để trước cửa nhà.
Chuồng ngựa của gia đình là một không gian đáng nhớ đối với Cường khi nhớ về tuổi thơ nửa thế kỷ trước. Chuồng khá rộng, thoải mái. Con ngựa Khịt có lông màu nâu, con Giang lông hung đỏ đứng nhai cỏ chậm rãi khi không chạy xe, buổi tối thì ngủ đứng. Phảng phất trong đó có mùi nước tiểu ngựa và luôn thoang thoảng mùi cỏ, mùi lúa là thức ăn của chúng. Có cả một ổ chó sống chung chuồng với hai chú ngựa. Có lần ở tuổi lên mười, ra chuồng ngắm bầy chó con, Cường bắt gặp một con rắn hổ mang đang ngẩng đầu khè dọa nên la hoảng lên, người lớn nghe tiếng chạy ra tìm đập. Lần khác, chị của Cường bắt được một con ếch rất to trong chuồng, mà người trong xóm gọi là ếch bà. Khi chị Cường đem ra làm thịt ếch, nó kêu ré lên, giọng như đứa con nít khiến Cường phải năn nỉ chị đem thả nó ra ruộng.
Thỉnh thoảng cha của Cường đưa hai chú ngựa đi đóng lại móng. Ông thợ đóng móng chỉ làm mỗi việc đóng móng cho hàng trăm chú ngựa quanh vùng nên rất rành nghề. Ngựa vừa đến, ông nhanh chóng cột một chân sau là chân thuận mà ngựa hay đá, lên cao cho an toàn. Sau đó ông nhanh chóng dùng dụng cụ đục đẽo những chỗ bị chai quanh móng cũ, nhổ đinh rồi lấy móng cũ bị mòn ra, đóng móng mới vào.
Giao thừa năm 1968, Cường được người chị dẫn đi chơi tới khuya. Trên đường về nhà vẫn còn thấy ánh đèn dầu của những sòng bầu cua cá cọp trên lề đường. Về nhà ngủ một giấc, đến khi tỉnh dậy thì đã thấy nằm dưới bộ ván gỗ từ lúc nào. Xung quanh nhà đầy tiếng súng nổ, máy bay trực thăng trên trời xả đạn bắn xuống những cây dừa hay những nhà có địa thế cao. Bộ ván ngựa bằng gỗ tốt chặn những viên đạn xuyên qua che chở cả gia đình Cường. Lúc đó khu Bà Quẹo là nơi tranh chấp rất quyết liệt giữa hai phe. Có mấy người du kích mang dép râu gõ cửa nhà Cường xin bánh tét ăn vì đói. Khoảng 8 giờ sáng, nghe lệnh tản cư của chính phủ, gia đình Cường quyết định chạy xuống khu Bàn Cờ vì có người quen ở đó.
Trên đường đi là những cảnh khủng khiếp do cuộc giao tranh để lại. Lúc đó, mới thấy chiếc xe ngựa của gia đình thật quan trọng vì có thể chở được cả nhà hơn chục người. Tới Bàn Cờ, ăn được bữa cơm thịt kho tàu trứng vịt ngon lành và những trái pôm (táo) Mỹ đầu tiên thì nghe tin chiến sự sẽ lan dần tới. Xe ngựa lại lóc cóc đưa cả nhà quay về nhà người bạn của gia đình ở hẻm chùa Khuông Việt khu Ông Tạ. Mấy ngày sau, tình hình êm dần, gia đình lại lên xe ngựa kéo về nhà. Chú ngựa Khịt tội nghiệp, vừa chạy vừa sợ sệt giữa tiếng bom đạn mình ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn ráng đưa cả nhà từ nơi này sang nơi khác. Về đến nhà, mới biết bạn của Khịt là chú ngựa Giang đã chết vì bị bom đạn cắt mất một chân. Cả nhà thương xót như mất một người thân, nhất là ba. Buồn hơn nữa, là con Khịt bỏ ăn, mắt lúc nào cũng đầy nước và rồi mấy bữa sau chết theo con Giang. Ba của Cường mất cả hai con ngựa, đành bỏ nghề.
- Xem thêm: Tiếng xình xịch chạy dọc đường Nam bộ
Một thời gian sau, chính phủ có chương trình thay thế những chiếc xe ngựa thô sơ, hiện đại hóa các phương tiện di chuyển. Ba của Cường được hỗ trợ chuyển đổi thành tài xế xe Lambro ba bánh, hai bên thành xe ghi rõ hàng chữ “Thay thế mã xa”. Ông chạy xe lam được một thời gian rồi chuyển sang lái xe buýt. Không lâu sau đó, ông mất khi chưa tới tuổi sáu mươi vì cả đời cực nhọc lo nuôi tới 13 người con.
Sau năm 1975, do khan hiếm xăng dầu, lại thấy có những chiếc xe ngựa được dùng lại, chạy trên đường từ Bà Quẹo về phía Hòa Hưng. Xe ngựa được lưu hành thêm mấy năm rồi ngưng hẳn.
Cách nay gần hai mươi năm, Cường xây căn nhà trên nền đất của gia đình. Khi đào móng nhà, anh nhặt được một cái móng ngựa. Nhớ trong một vở kịch, người diễn viên khẳng định ai nhặt được móng ngựa sẽ gặp may mắn, Cường cất kỹ cái móng ngựa trong tủ. Việc làm ăn sau đó rất thuận lợi, giúp anh nhanh chóng giải quyết mọi món nợ do làm nhà. Mọi người bảo anh may mắn vì nhặt được móng ngựa. Trong thâm tâm, anh nghĩ có lẽ đó là di vật của con Giang năm xưa khi nó bị mất một chân vì bom đạn. Cái móng ngựa rỉ sét đó gợi lại rất nhiều tình thương của người cha thân yêu và những buổi chiều tuổi thơ được ngồi bên cạnh ông trên chiếc xe ngựa chạy lóc cóc về nhà.