Sau các đợt giãn cách kéo dài, có nhiều nguyên do để con người trong các đô thị tìm lại một người bạn tưởng đã lãng quên lâu năm: chiếc xe đạp.
Bài hát Xe đạp ơi do Ngọc Lễ viết, với tiết tấu gợi nhắc hoài niệm thân thương lưu luyến đã từng rất nổi tiếng vào khoảng 10 năm sau Đổi mới, khi tinh thần xã hội đang trong cơn phấn hứng tăng tốc, vượt trội. Đó cũng là nhạc khúc đưa tiễn chiếc xe đạp đi vào dĩ vãng của một thời nghèo khó nhưng đầy chắt chiu ân tình. Trong gia tốc của nhịp sống mới, người ta quá dễ dàng thay chiếc xe đạp bằng những chiếc xe Dream nhái giá rẻ khai sinh từ các công xưởng Tàu để đáp ứng nhu cầu cấp thời là phải nhanh, phải bám kịp thực tiễn sống động.
Ba mươi năm sau, chiếc xe đạp trở nên hiếm thấy trong đời sống đô thị Việt Nam. Hay nói đúng ra, thì cũng chỉ thỉnh thoảng gặp những vòng bánh “quay đều quay đều quay đều” của nó gắn với hình ảnh rã rời của người nghèo trên đường phố và các miền quê. Xe đạp gắn với sự chậm tiến và bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy nhịp sống phát triển.
Trong khi đó, ở phương Tây thì ngược lại, khi cuộc đua tăng trưởng đã đạt đến một mức độ cao, vật chất và an sinh đảm bảo ổn định, thì con người tìm kiếm một sự phát triển có tính nội tại hơn: giảm tốc, an thư trong tinh thần, chăm chút cho chất lượng bầu khí mà mình đang thở. Trong vô số những giải pháp triển khai để tìm lại nhịp chuẩn của cuộc sống, chiếc xe đạp quay trở về, trở nên phổ biến ở các đô thị lớn.
Người ta bỏ thói quen vội vàng di chuyển ở cự ly ngắn trên một khối động cơ tạo ra khí thải làm ô nhiễm, thường xuyên phải nếm mùi ùn tắc, mà chủ động tìm lấy nhịp chuẩn trong giao thông, kiểm soát sự di chuyển của mình bằng chính sức khỏe vận động cơ thể. Não trạng của họ đi đến một nhận thức khác, thoát ra khỏi cách đánh giá giai tầng dựa trên vật chất hay nhìn phương tiện để đoán đẳng cấp con người.
Không cần phải sở hữu trong nhà những chiếc xe đạp đắt tiền. Trên các đường phố Âu Mỹ, tìm xe đạp cho thuê giá rẻ khá dễ dàng. Các trạm thuê xe được tổ chức tiện dụng cho cư dân thoái mái sử dụng. Và không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển khoảng ngắn, nhiều dịch vụ giao nhận hàng hóa cũng được triển khai bằng phương tiện xe đạp.
Hạ tầng giao thông an toàn dành cho xe đạp được các chính phủ triển khai trên tinh thần khuyến khích người dân chọn lựa phương thức giao thông này, vì nó tạo ra những điểm cộng cho môi trường và góp phần cân bằng khung cảnh sống cho các đô thị công nghiệp. Ljubljana (Slovenia), Barcelona (Tây Ban Nha), Boston, San Francisco (Mỹ), Paris (Pháp), Vienna (Áo), Milan (Ý), Malmö (Thụy Điển), Utrecht, Amsterdam (Hà Lan), Tokyo, Osaka (Nhật) hay Đài Bắc (Đài Loan)… trở thành những thành phố lý tưởng cho người chọn giao thông, du lịch bằng xe đạp.
Đã có những nơi đưa giao thông xe đạp vào trong các bản quy hoạch đô thị hiện đại, bởi sống chậm, di chuyển xanh và an toàn lúc này là một chỉ số mới, đo lường sự phát triển của các thành phố đương đại.
Quãng thời gian đại dịch COVID-19 quét qua châu Âu, hãng BBC có bản tin nói về việc lục địa già nua này đã chi 1 tỷ EURO vào việc xây dựng hạ tầng cho xe đạp trước “cuộc cách mạng xe đạp” ngày càng gia tăng. Không chỉ ở các thành phố phát triển xứ ôn đới, mà ngay thành phố Bogotá ở nước nhiệt đới Colombia cũng khuyến khích người dân đi xe đạp nội thành để tránh kẹt xe. Họ thiết kế làn đường tạm thời dành cho xe đạp với những khung giờ cố định để người dùng xe đạp có thể yên tâm di chuyển.
Sau những đợt cấm túc kéo dài vì đại dịch, đi xe đạp trong đô thị trở thành một xu hướng, trào lưu lớn ở phương Tây. Nhiều người đã bỏ qua những chiếc xe hơi ngột ngạt và thiếu linh hoạt để di chuyển trên những “con ngựa sắt” vừa vận động thể chất, vừa góp phần bảo vệ môi trường chung. Đặc biệt, sau thời gian dài giãn cách tù túng và mất gắn kết với cộng đồng, đi xe đạp trong thành phố giúp giảm căng thẳng, đem lại cảm giác tự do và một cuộc sống kết nối với tự nhiên và tha nhân tốt hơn các phương tiện lưu thông khác.
Tìm lại lối sống từ tốn và thân thiện – đó là cách diễn đạt lý do đầy đủ nhất để nói về chọn lựa chiếc xe đạp của con người đô thị trong đại dịch. Đó không chỉ là chọn lựa phương tiện nhất thời, hay xu hướng có tính tâm lý đám đông, mà khả năng cao, sẽ là xu hướng sống được xây dựng từ một triết lý bền vững.
Tìm lại lối sống từ tốn và thân thiện – đó là cách diễn đạt lý do đầy đủ nhất để nói về chọn lựa chiếc xe đạp của con người đô thị trong đại dịch. Đó không chỉ là chọn lựa phương tiện nhất thời, hay xu hướng có tính tâm lý đám đông, mà khả năng cao, sẽ là xu hướng sống được xây dựng từ một triết lý bền vững.
Tại Việt Nam, các đô thị đông dân như Sài Gòn, Hà Nội hay các thành phố du lịch như Nha Trang, Hội An, Đà Lạt… gần đây, cũng có thể thấy rõ trào lưu đi xe đạp. Vào các buổi sáng sớm ở các tuyến phố trung tâm, dòng người chạy xe đạp dần chiếm số đông. Khởi đi từ nhu cầu thể dục thể thao, nhiều người đã chọn xe đạp làm phương tiện đi làm (cần phải nhắc tới một nguyên nhân thuộc về kinh tế: xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng giá và việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng).
Xe đạp như người bạn lâu năm của thuở hàn vi nay trở lại trong cơn hoạn nạn, với một diện mạo mới đầy bao dung, độ lượng và dễ chịu. Trong các cửa hàng xe đạp, có thể nhận thấy các nhãn xe đến từ châu Âu, Nhật với mức giá vài trăm triệu đồng, nhưng cũng có những chiếc xe đạp nội địa với giá chỉ vài ba triệu.
Đi xe đạp bây giờ người ta có thể nhòm ngó nhau và xuýt xoa vì một chiếc xe đạp đẹp, nhưng cái đẳng cấp mà xe đạp tạo ra trong hệ thống thang bậc đẳng cấp xã hội thì không gay gắt và nghiệt ngã như xe hơi hay túi hàng hiệu… Cả thành phố ra đường đạp xe vào buổi sáng sớm, cũng là một hình ảnh lành mạnh, điềm tĩnh, tự do và cân bằng của Sài Gòn sau nhiều ngày thừa thãi pháo đài và phong tỏa.
- Xem thêm: Phấn đấu lên… đẳng cấp xe đạp
Ở Sài Gòn bây giờ muốn đi xe đạp cũng không nhất thiết phải mua, sở hữu. Dịch vụ thuê xe tư nhân và công cộng đang có chiều hướng phổ biến hơn. Các điểm cho thuê xe đạp giá rẻ mở ra khắp các quận trung tâm và đang có sức hấp dẫn cao đối với khách hàng thanh niên. Có thể kể đến một vài cái tên: MR Biker, Toàn Thắng Cycles, The Bike Coffee, Saigon Bike Shop, Queen Bike… Và trong tháng 11 này cũng đã có một dự án cho thuê xe đạp công cộng được triển khai. 500 chiếc xe đạp được đặt ở 43 trạm trong khu vực quận 1 cho khách thuê di chuyển trong các chặng ngắn ở trung tâm.
Cũng đã có những bày tỏ lo ngại đối với lưu thông xe đạp ở một đô thị nhiệt đới, giao thông vẫn còn lộn xộn, hạ tầng chưa có sự chuẩn bị cần thiết cho sự trở lại này. Nhưng điều trước hết có thể nhìn thấy là đại dịch đang xoay chiều nhận thức thị dân thông qua một hành vi chọn lựa giao thông. Một khi lựa chọn ấy đủ phổ biến (và đủ lớn như một “cuộc cách mạng xe đạp” ở phương Tây), mang lại ích lợi cho sức khỏe con người và môi trường, tốt cho giao thông thành phố, thì cần những giải pháp tiếp theo trong chính sách quy hoạch.
Có thể hiểu hơn, vì sao nhà thiết kế xe đạp người Nhật Kiyohara Shinji nói: “Vì thế, xe đạp không chỉ là xe đạp”.