Sự hồi phục của giá dầu thế giới sau một quãng thời gian suy giảm là sự trợ lực đáng kể cho thị trường chứng khoán. Đầu tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út cho biết Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự định tổ chức họp mặt bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế vào tháng 9 tại Algeria để đề ra mức giới hạn mới đối với sản lượng dầu của các nước xuất khẩu dầu – thường gọi là “đóng băng sản lượng”. Sau đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu mỏ toàn cầu vẫn chậm hơn tốc độ tăng trưởng nhu cầu, do các nhà sản xuất ngoài OPEC không gia tăng sản lượng và nhu cầu dầu của thế giới sẽ ngày càng tăng. Giá dầu thô vì vậy đã tăng gần 5% trong phiên thứ Năm (11-8) và tăng tiếp hơn 2% trong phiên cuối tuần, qua đó giúp giá dầu thô có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4-2016. Giá dầu thế giới tăng, như thường lệ, đã hỗ trợ cổ phiếu dòng dầu khí nước ta tăng điểm, hòa với đà tăng chung của thị trường.
Việc VN-Index bật tăng khá nhanh và mạnh ngay khi giá của nhiều cổ phiếu trở về vùng hấp dẫn – nói theo thuật ngữ chuyên môn là về “ngưỡng hỗ trợ” – cho thấy dòng tiền chưa hề có ý định rút ra khỏi thị trường mà chực chờ sẵn để mua ngay khi được dịp. Và như đã phân tích, một khi thị trường hồi phục, gần như ngay lập tức các cổ phiếu bluechip tạo sóng. Sự hào hứng của người mua khiến cho không chỉ nhóm cổ phiếu bluechip thẳng tiến mà còn lan rộng sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao. Dù vậy, đóng góp chính vào thành quả tăng 4,51% (từ 627,39 lên 655,71 điểm) của VN-Index trong tuần thứ hai của tháng 8 vẫn là nhóm cổ phiếu của các công ty vốn hóa lớn. Theo thống kê, chỉ riêng bốn cổ phiếu VNM, VCB, VIC, MSN đã đóng góp đến 18,5 điểm, chiếm 65% số điểm tăng trong tuần của VN-Index.
Dòng tiền bắt đáy hoạt động khá tích cực ngay khi VN-Index xuyên thủng mốc 630 điểm đã chứng tỏ rằng đa số nhà đầu tư trên thị trường cho rằng đó là vùng giá “có thể mua vào”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có thể VN-Index đã xác lập một vùng giá mới ở mức khá cao. Nhưng động thái chốt lời cũng ngay lập tức xuất hiện khi chỉ số này chạm mốc 660 cũng cho thấy người nắm giữ cổ phiếu không tin tưởng lắm vào đà tăng mạnh của thị trường. Ngoài ra, một động lực chính của thị trường là động thái mua ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài – sẵn sàng đồng hành cùng thị trường trong giai đoạn khó khăn – lại cũng bán chốt lời khi giá cổ phiếu tăng lên đã cho thấy tầm mức ngắn hạn của các giao dịch đầu tư. Trong tuần mà VN-Index tăng điểm 4,51% ấy, khối ngoại bán ròng trên HSX đến 366,7 tỉ đồng, ngay cả VNM – một trong những tác nhân chính của thị trường trong đợt phục hồi này và là cổ phiếu yêu thích của khối ngoại – cũng bị họ bán ròng. Cùng với việc các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao vẫn cứ tăng/giảm “hết công suất” (lúc tăng trần vài phiên, khi lại giảm sàn nhiều phiên liên tiếp), tính ổn định của thị trường thực sự không cao và đà tăng của các chỉ số là khá mong manh.
Chính vì vậy, trong giai đoạn này, việc tìm cách bắt đáy những cổ phiếu không cơ bản, những cổ phiếu giảm quá nhiều so với giá trị, hay cổ phiếu đầu cơ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình thế giới vẫn khá bất ổn, kinh tế vĩ mô trong nước chưa có nhiều điểm sáng tích cực thì việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu đầu cơ là khá mạo hiểm. Sự tụt dốc không phanh của những DRH, TTF… là những lời cảnh báo. Đó cũng là lý do mà dòng tiền đầu tư hiện vẫn hướng nhiều vào các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt.
Ngọc Khang (DNSGCT)