Triathlon (Tri) là một môn thể thao khó nhưng hấp dẫn, mang lại trải nghiệm thú vị và khám phá tiềm năng bản thân, đòi hỏi sự bền bỉ thể lực và ý chí. Trước đây, phần lớn người tham gia thể thao ba môn phối hợp triathlon đều là nam giới. Nhưng từ năm 2023, phong trào “Women For Tri” đã dần mở ra cánh cửa mới cho câu chuyện này.
Vào ngày 7/5/2023, tại Đà Nẵng, đã diễn ra thành công giải quốc tế ba môn phối hợp VinFast IRONMAN 70.3 Việt Nam 2023. Mùa giải này đã kết hợp tổ chức sự kiện “Women For Tri” nhằm truyền cảm hứng cho phụ nữ tham gia triathlon ba môn phối hợp, giúp họ vượt qua thách thức, khám phá và phát triển tiềm năng bản thân.
Phụ nữ tham gia triathlon đối mặt với nhiều khó khăn riêng, bao gồm việc cần cân bằng thời gian giữa gia đình, công việc và tham gia thể thao, cũng như vấn đề thể chất và chu kỳ hàng tháng.
Trong sự kiện “Women For Tri”, các khách mời đã chia sẻ trải nghiệm khi bắt đầu tham gia triathlon ba môn phối hợp cũng như kinh nghiệm vượt qua khó khăn để duy trì môn thể thao này. Khách mời là những phụ nữ thành công đến từ nhiều lĩnh vực xã hội và luôn nỗ lực luyện tập môn triathlon ba môn phối hợp.
Nguyễn Thị Trà My (Myca), một vận động viên và nhà vô địch BIM Group 5150 Phú Quốc 2022, đến từ Đà Nẵng, đã tham gia sự kiện và chia sẻ niềm vui mà triathlon mang lại cũng như kinh nghiệm luyện tập.
Nguyễn Thu Trang, một huấn luyện viên bơi lội và vận động viên ba môn phối hợp, là nhà vô địch nữ chung cuộc IRONMAN 70.3 Việt Nam năm 2022, đến từ Hà Nội. Thu Trang chia sẻ yếu tố quan trọng nhất để thành công với thể thao ba môn phối hợp.
Teppi Nguyễn, một vận động viên và CEO của công ty TEB Communications, đến từ TP.HCM, đã chia sẻ câu chuyện vượt qua nỗi sợ ban đầu để chinh phục triathlon. Hiện nay, chị là nữ CEO thực hiện chuỗi podcast truyền cảm hứng “Why you run” – Vì sao bạn chạy.
Tham gia sự kiện còn có Phạm Nguyễn Tố Phương, vận động viên, Chủ tịch của Việt Nam Triathlon Club (VNTC) và giám đốc công ty sách HHES, ba năm liền vô địch Trifactor Vũng Tàu 2020, 2021, 2022. Tố Phương chia sẻ hành trình đến với Triathlon và các kế hoạch luyện tập dành cho phụ nữ với ba môn phối hợp.
Vượt qua khó khăn ban đầu, tìm thấy niềm vui đích thực
Phạm Nguyễn Tố Phương chia sẻ câu chuyện về hành trình đến với môn thể thao Triathlon. Xuất thân từ một gia đình thể thao, mẹ của Tố Phương là huấn luyện viên bơi lội và ba là huấn luyện viên bóng rổ. Từ khi còn nhỏ, cô đã tham gia nhiều môn thể thao như bóng rổ, bóng ném, cầu lông, bóng bàn và nhiều môn khác, nhưng chúng không đủ thử thách và không đem lại sự hài lòng thực sự cho cô.
Tố Phương cho biết: “Năm 2016, khi gia đình đi biển cùng nhau, tôi chứng kiến một cuộc đua bơi đạp chạy đang diễn ra và tôi thấy rất hấp dẫn. Tuy nhiên, gia đình đã cản lại và cho rằng tôi không nên thử môn này. Mặc dù vậy, tôi quyết định học bơi mặc dù ba mẹ và chồng phản đối. Năm 2017, khi tôi tham gia lần đầu tiên vào giải đấu IRONMAN 70.3 Việt Nam, tôi nhận ra rằng môn triathlon thật sự đầy thử thách và mang lại niềm vui thực sự cho mình”.
Chia sẻ về hành trình đến với Triathlon, Teppi Nguyễn đã vượt qua khó khăn ban đầu và khám phá nhiều niềm vui. Vào năm 2019, cô được truyền cảm hứng bởi những người bạn của mình, khi thấy họ tham gia vào cuộc đua IRONMAN 70.3 VN. Sau khi theo dõi cuộc đua hấp dẫn, cô quyết định rằng chắc chắn mình cũng phải tham gia. Mặc dù Teppi khi đó chưa biết bơi biển.
Teppi Nguyễn chia sẻ: “Trước đây, khi nhìn xuống bể bơi mà không thấy đáy, tôi không dám bơi qua. Tôi chỉ đứng và gần như khóc.Tôi không hiểu tại sao mình lại đặt mình vào thử thách lớn như vậy và không biết liệu mình có thể vượt qua nỗi sợ này hay không. Sau đó, để đối mặt với nỗi sợ, tôi dành thời gian để học bơi với một huấn luyện viên chuyên nghiệp. Đã qua 3 năm kể từ thời điểm đó, hiện tại tôi đã vượt qua nỗi sợ ban đầu và tự tin trong việc bơi biển”.
Vận động viên Trà My, chia sẻ câu chuyện trước khi trở thành nhà vô địch BIM Group 5150 Phú Quốc năm 2022: “Ban đầu, xuất phát điểm của Trà My là vận động viên bơi. Nhờ những người bạn ở Đà Nẵng, họ đã cho tôi tin rằng, khả năng của mình không chỉ là bơi, mà còn có thể đạp xe, chạy bộ. Từ đó, Trà My bắt đầu yêu thích ba môn phối hợp”.
Yếu tố cần thiết cho phụ nữ chinh phục thể thao ba môn phối hợp
Phạm Nguyễn Tố Phương, chủ tịch VNTC cho biết: “Với phụ nữ tham gia Ba môn phối hợp, hai chữ “cân bằng” thời gian là một thử thách. Phương phải bay 60 chuyến bay trong một năm, với lịch bay dày đặc như vậy, việc tập luyện trở nên cực kỳ khó khăn. Giải pháp cho việc này vẫn là phải lên kế hoạch rất cụ thể và tận dụng thời gian một cách tối ưu”.
Phương chia sẻ thêm: “Sự ủng hộ từ gia đình là yếu tố quan trọng để phụ nữ có thể tham gia thể thao ba môn phối hợp”.
Nhà vô địch Trà My cho biết kinh nghiệm luyện tập: “Khi mình đã định sẵn việc tham gia cuộc đua, cần phải chuẩn bị thể lực một cách kỹ càng trong nhiều tháng trước đó, thậm chí nửa năm đến một năm”.
Đối với những giải quan trọng, sự chuẩn bị trước đó càng trở nên quan trọng hơn việc chỉ tập bơi, đạp xe và chạy. Do đó, Trà My cũng thêm vào chế độ luyện tập những bài tập bổ trợ như tập gym. Ngoài ra, Trà My nghiên cứu các bài viết chuyên môn để giảm nguy cơ chấn thương và phát triển cơ bắp tốt hơn.
Huấn luyện viên Nguyễn Thu Trang, nhà vô địch nữ chung cuộc IRONMAN70.3 Việt Nam năm 2022, đã chia sẻ yếu tố quan trọng đến thành công: “Nếu bạn muốn đạt thành công, hãy giúp đỡ nhiều người khác cùng thành công. Khi bạn làm điều đó, bạn sẽ nhận được sự cổ vũ và hỗ trợ từ mọi người”.
Nguyễn Thu Trang cũng chia sẻ quan điểm: “Đối với Trang, tình yêu thể thao không chỉ là đam mê, mà còn là sự cam kết tình yêu. Mỗi cuộc chơi đều có những khó khăn, thử thách và đó chính là điều hay của thể thao và của Triathlon. Vì vậy, Trang không thấy khó, mà mình thấy hấp dẫn”.
Phạm Nguyễn Tố Phương, Chủ tịch VNTC, cho biết về kế hoạch hỗ trợ cộng đồng phụ nữ tham gia Triathlon: “Lâu nay, Phương đã ấp ủ một ý tưởng để truyền cảm hứng và khuyến khích nhiều chị em phụ nữ tham gia ba môn phối hợp. Khoảng 3 năm trước, Phương thành lập nhóm tập luyện VNTC Women dành riêng cho phụ nữ. Trong Ba môn phối hợp, môn đạp xe thường được xem là khó khăn nhất đối với phụ nữ. Đạp xe ngoài đường lâu, phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đen da, đau lưng, đau chân. Đây là lý do chủ yếu khiến phụ nữ ít tham gia Ba Môn Phối Hợp.
Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch hợp tác với các đơn vị như Liên đoàn Xe đạp Mô tô Việt Nam để tổ chức nhiều chương trình đạp xe dành cho chị em phụ nữ. Hi vọng rằng những hoạt động này sẽ mang lại niềm vui và truyền cảm hứng, cho chị em thấy đạp xe cũng thực sự thú vị. Sau đó, môn bơi và môn chạy bộ sẽ trở nên đơn giản hơn”.