Kinh tế phục hồi sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn, có thể đạt được chỉ tiêu 12% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Tâm lý của thị trường tài chính là chờ đợi lãi suất tiếp tục giảm. Với diễn biến thuận lợi của chỉ số giá tiêu dùng trong nửa đầu năm nay, trần lãi suất cũng dần dần được tháo gỡ. Từ cuối năm ngoái, trần lãi suất kỳ hạn một năm trở lên đã không còn. Đến cuối tháng 6 vừa qua, chỉ kỳ hạn từ 1-6 tháng là còn được áp trần lãi suất huy động (7%/năm), nhưng nhiều ngân hàng cũng đã tự điều chỉnh giảm dưới mức trần này. Dù lãi suất cho vay bình quân liên tục giảm, nhưng vẫn chưa kích thích được nhu cầu sử dụng vốn của nền kinh tế, chứng tỏ lãi suất không phải là nhân tố quyết định ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các khoản vay có lãi suất dưới 10%/năm hiện chiếm khoảng 14% tổng dư nợ, từ 10 – 13%/năm chiếm trên 50% tổng dư nợ, mức 13 – 15%/năm chiếm khoảng 24% và trên 15%/năm chiếm khoảng 12% tổng dư nợ. Nếu phân loại theo lĩnh vực, lãi suất cho vay phổ biến với các lĩnh vực ưu tiên là từ 7 – 9%/năm, với các lĩnh vực kinh doanh khác là 9 – 10,5%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn khoảng 11 – 13%/năm. Mức lãi suất như vậy cũng khá hợp lý, so với mức trên 20%/năm cách đây hơn một năm, nhưng vẫn chưa hấp dẫn được các doanh nghiệp. Các ngân hàng đang tích cực tung ra nhiều gói hỗ trợ lãi suất, tất nhiên mức lãi suất thấp mới chỉ trong các tháng đầu, nhưng cũng cho thấy sự cố gắng của các ngân hàng trong việc đưa đồng vốn rẻ hơn đến với người có nhu cầu. Mục tiêu đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức dưới 10%/năm là có thể.
Có vẻ như nhiều ngân hàng đã vượt qua giai đoạn tái cơ cấu để hiệu quả hóa hoạt động kinh doanh của mình. Trong cuộc điều tra Xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo Thống kê tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước vừa tiến hành, các tổ chức tín dụng tự đánh giá rằng môi trường kinh doanh bên trong đang diễn biến thuận lợi, trong khi môi trường kinh doanh bên ngoài vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có nghĩa là các tổ chức tín dụng đang tin tưởng vào khả năng quản trị của mình, chỉ chờ “điều kiện bên ngoài” thuận lợi là có thể “phất cờ” trở lại. Dù vậy, môi trường kinh doanh bên ngoài (điều kiện phát triển kinh tế, xã hội phản ánh qua điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng, cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá và các quy định khác của Nhà nước…) cũng đang được cải thiện.
Cầu tín dụng suy giảm theo đánh giá là nguyên nhân chính cản trở các ngân hàng tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Mà mức cầu này phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tăng trưởng kinh tế, phục hồi các ngành sản xuất, dịch vụ trong thời gian tới. Dù vậy, điểm tích cực là lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm hơn một năm qua và có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới, đặc biệt là lãi suất cho vay. Hầu hết các chuyên gia tài chính – ngân hàng đều cho rằng lãi suất huy động vốn và cho vay bình quân sẽ giảm trong nửa cuối năm nay, trong đó lãi suất cho vay giảm mạnh hơn. Đó là do lãi suất huy động đã giảm liên tục từ đầu năm ngoái đến nay nên dư địa để giảm không nhiều, trong khi lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm do có độ trễ.
Minh Hằng