Vướng mắc về thủ tục, thời gian kiểm định sẽ khiến lượng ôtô nhập có thể đến giữa năm 2018 mới về tới Việt Nam.
Thời điểm đầu năm 2018 khi thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN giảm về 0% mà người tiêu dùng Việt Nam chờ đợi mua xe với giá rẻ hơn chỉ còn hơn hai tuần nữa. Thế nhưng Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô đã “dội gáo nước lạnh” đối với người tiêu dùng vì xe nhập khẩu vào Việt Nam bị ách lại, giá xe không giảm mà thậm chí người mua muốn có xe phải trả thêm tiền.
Trả thêm tiền cũng khó có xe
Nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và các hãng xe cho biết đã phải gửi thông báo tới khách hàng cáo lỗi và cắt đơn hàng trong một, hai tháng đầu năm với nhu cầu khách đặt xe nhập khẩu vì lo ngại không có nguồn hàng về do vướng quy định tại Nghị định 116/2017.
Các mẫu xe nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ khó về nước trước thời điểm tháng 3-2018. Nếu tính cả thời gian kiểm định xe, hoàn thành thủ tục đóng thuế, đăng ký nữa thì có thể đến giữa năm 2018 người tiêu dùng mới có xe nhập.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách hệ thống ôtô đã qua sử dụng của Toyota tại TP.HCM cho biết vướng mắc với doanh nghiệp nhập khẩu xe kể cả chính hãng là hãng cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định.
Theo bà Hiền, Nghị định 116 được Chính phủ ban hành ngày 17-10-2017, quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, có hiệu lực đầu tháng 1-2018. Theo nghị định, không chỉ DN nhập khẩu xe đã qua sử dụng hết đường làm ăn mà còn có nhiều DN nhập khẩu và lắp ráp ôtô gặp khó trong việc nhập ôtô.
“Vì vậy tầm tháng 3-2018 đơn vị nào làm nhanh nhất thì xe mới về tới Việt Nam, mất thêm thời gian kiểm định cũng mất 15-20 ngày, hoàn tất thủ tục đóng thuế xe đến tay người tiêu dùng cũng phải tháng 5, tháng 6-2018. Người tiêu dùng muốn có xe nhập nhanh phải trả thêm tiền, mà cũng chưa chắc đã có xe”, bà Hiền nói.
Ông Trần Tấn, Tổng giám đốc một công ty kinh doanh ôtô nhập khẩu tại TP.HCM, cho biết theo quy định Nghị định 116, đơn vị nhập khẩu cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp.
Theo ông Tấn, điều kiện này khó khả thi bởi lẽ có nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu, giống như việc Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm định cho xe lưu hành trong nước, không có thẩm quyền cấp cho xe xuất khẩu.
“Những hãng xe nhập khẩu chủ yếu từ châu Âu vào Việt Nam có thể nhập về sớm vì các nước châu Âu cấp giấy chứng nhận chất lượng trên. Nhưng những xe nhập từ ASEAN sẽ gặp khó vì các nước chỉ chứng nhận cho xe nội địa. Đặc biệt, các xe Thái Lan sản xuất cho thị trường trong nước tay lái ôtô bên phải, trong khi sản xuất cho Việt Nam tay lái bên trái nên phải chứng nhận khác, mất thời gian, phải chờ đợi”, ông Tấn chia sẻ.
Giá xe khó giảm
Hiện nay chỉ có khoảng 20 chủng loại xe được sản xuất, lắp ráp trong khu vực ASEAN, tuy nhiên, mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối (40%) và có đủ sản lượng để được hưởng thuế suất ưu đãi từ 30% hiện nay về 0% từ 1-1-2018 lại không nhiều.
Hơn nữa theo chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng, quy định yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng của nước xuất khẩu và kiểm định mẫu xe từng lô hàng sẽ khiến xe nhập khẩu vào Việt Nam khó khăn hơn. Và đương nhiên khó có chuyện giá xe sẽ tiếp tục giảm và có những xe nhập từ ASEAN hưởng thuế 0% giá sẽ rẻ như kỳ vọng.
Theo ông Đồng, rào cản ngăn chặn làn sóng xe nhập có thể ồ ạt vào Việt Nam năm 2018, gia tăng sự cạnh tranh cho các đơn vị sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Tuy nhiên, điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, họ chịu thiệt nhiều nhất vì giá xe không giảm.
Giá ôtô nhập khẩu có thể tăng vì quy định buộc phải kiểm định mẫu xe theo lô trong Nghị định 116/2017. Đại diện một công ty phân phối ôtô nhập khẩu chính hãng, cho biết quy định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhiều DN, và không hợp lý, tăng thêm chi phí cho DN, chi phí này được tính vào giá bán khiến người mua chịu thiệt.
“Ví dụ, nếu đầu tháng 1, DN nhập về một lô mẫu xe Z5, cuối tháng 1, DN nhập về tiếp một lô cũng mẫu xe Z5 nữa, các xe giống hệt nhau về thông số kỹ thuật nhưng vẫn phải kiểm định cả hai lô. Với thời gian chờ đợi kiểm định, chạy kiểm tra khí thải 3.000km, thời gian chờ đợi có thể lên tới hai tháng, ảnh hưởng tới việc giao xe cho khách hàng.
Chi phí mỗi lần thử nghiệm DN phải trả cũng vài chục đến cả trăm triệu, chưa kể chi phí lưu kho, tất cả sẽ cộng vào giá khi bán ra cho khách”, vị đại diện công ty dẫn chứng.
Nhiều hãng xe cho biết quy định ngặt nghèo trên đã khiến hoạt động nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN về Việt Nam gặp khó khăn có lợi cho xe trong nước. Bằng chứng là hiện nay giá xe không giảm mà có hãng còn đang tăng giá trở lại.
Bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng, phải chờ tới thời điểm quý II-2017 mới biết chắc chắn xe nhập tác động đến thị trường ôtô Việt Nam hay không. Hiện giá xe có thể nói đã gần chạm đáy qua một quá trình giảm nhiều đợt trong năm qua, vì vậy người tiêu dùng đừng trông chờ thêm nữa.
Một số chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng giá sẽ tăng nhẹ do thiếu nguồn cung ở một số mẫu xe nhập khẩu vốn có doanh số cao.
Nhập khẩu ôtô giảm mạnh
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan số lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu đang có xu hướng giảm mạnh thời gian gần đây, nhất là dòng xe dưới chín chỗ ngồi. Cụ thể, thông tin mới nhất trong nửa đầu tháng 11-2017, cả nước chỉ nhập 325 ôtô dưới chín chỗ ngồi, bằng khoảng 1/5 so với mức trung bình trong 10 tháng đầu năm. Đặc biệt, xu hướng giảm số lượng nhập khẩu xuất hiện từ tháng 9, tháng 10. Bởi tháng 9 chỉ có 908 xe dưới chín chỗ ngồi được nhập về trong khi đó tháng 10 giảm xuống còn 878 xe.
Tính từ đầu năm đến ngày 15-11-2017, cả nước nhập khẩu 80.761 ôtô nguyên chiếc các loại, tổng trị giá kim ngạch gần 1,8 tỉ USD. Trong đó, dòng xe dưới chín chỗ ngồi là 34.759 chiếc, tổng trị giá kim ngạch đạt gần 634 triệu USD.
Lượng ôtô Thái Lan, Indonesia chiếm 58,2% thị phần, số liệu 10 tháng đầu năm 2017, tổng lượng ôtô nguyên chiếc nhập từ Thái Lan là 28.889 chiếc, từ Indonesia là 16.120 chiếc.
Theo Theleader