Câu chuyện của thị trường nước ta những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 tới sẽ chịu sự tác động không nhỏ vào một sự kiện diễn ra từ ngày 28 đến 31-7. Tất nhiên, sẽ là một sự kỳ vọng rất lớn. Trong bốn ngày cuối cùng của tháng 7 này, vòng đàm phán cuối cùng của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đi đến thống nhất toàn bộ nội dung trong TPP, giúp cho hiệp định quan trọng này có thể được ký kết trong thời gian cuối năm nay. Nếu như TPP đi được đến hồi kết thì đây thực sự là một cú hích lớn cho nền kinh tế nước ta. Sự kiện này thậm chí còn được đánh giá là sẽ có tác động và giá trị đem lại còn lớn hơn cả việc chúng ta được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chín năm trước. Trước những sự kiện kinh tế quan trọng như thế này, thị trường chứng khoán thường chỉ phản ứng bằng cách… tăng điểm. Sự hưng phấn từ kỳ vọng TPP có thể không chỉ dừng lại ở những cổ phiếu của những doanh nghiệp may mặc đầu ngành như TCM, HSG… được hưởng lợi trực tiếp từ TPP mà sẽ lan tỏa sang những cổ phiếu cùng ngành. Ngoài ra, còn có những ngành khác như hạ tầng khu công nghiệp, vận tải và cảng biển. Sự cộng hưởng thông tin tích cực từ TPP và các hiệp định thương mại được ký kết thời gian qua sẽ củng cố cho xu hướng tăng trong trung hạn của thị trường thời gian tới.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sự rung lắc, thậm chí là điều chỉnh nhẹ khi thị trường tiến tới những cột mốc quan trọng là khó tránh khỏi. Đã có những phiên “đỏ lửa”, khi một số cổ phiếu dẫn dắt như nhóm cổ phiếu ngành tài chính đối mặt với áp lực chốt lời cộng với một số thông tin tiêu cực liên quan đến việc khởi tố nhiều cựu lãnh đạo PVN và GPBank. Dù vậy, tính chung nhiều phiên thì mức độ tác động từ thông tin tiêu cực đến thị trường hầu như không đáng kể, không mạnh và cũng không kéo dài như các lần trước. Một phần do những thông tin nhạy cảm kiểu này không còn quá xa lạ nên các nhà đầu tư đã quen dần. Những thông tin như vậy sẽ ngày càng ít có tác động đến thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến những tín hiệu về sự hồi phục của nền kinh tế, sự tăng trưởng lợi nhuận của các công ty và đặc biệt là chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho thị trường chứng khoán.
Hai chỉ số thị trường của thị trường tuần qua không thay đổi nhiều. VN-Index tăng nhẹ 0,42%, từ 628,63 điểm lên 631,26 điểm, còn HNX-Index giảm nhẹ 0,86%, từ 87,07 điểm xuống còn 86,32 điểm. Điểm đáng quan tâm là thanh khoản chung trên thị trường tiếp tục giảm, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HoSE giảm 14,1%, trên HNX giảm 12,8% so với tuần trước. Rõ ràng khi thiếu vắng thông tin hỗ trợ cùng với việc chỉ số VN-Index tiến sát ngưỡng 640 điểm đã khiến giao dịch thị trường diễn ra giằng co và thanh khoản sụt giảm. Ngân hàng, bảo hiểm vẫn là tâm điểm của thị trường trong các phiên này nhưng tầm ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu trên đã giảm bớt khi dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bluechip còn lại. Có lẽ đà giảm của thanh khoản chỉ ngưng lại khi kết quả của vòng đàm phán TPP được công bố.
Tuần qua, dù vẫn tiếp tục mua ròng nhưng tác động từ việc làm trên của các nhà đầu tư nước ngoài không đáng kể khi giá trị mua ròng mỗi phiên trong tuần đều khá thấp. Khối ngoại cũng không còn giao dịch tích cực trên sàn HNX như trước và đã xuất hiện nhiều phiên bán ròng. Cụ thể, khối ngoại mua ròng gần 200 tỉ đồng trên sàn HoSE nhưng chỉ mua ròng 13,5 tỉ đồng trên sàn HNX. Động thái này của khối ngoại cũng lại là… hợp lẽ thường của họ. Khi thị trường giảm điểm, lao dốc, nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu thì khối ngoại thường là cái neo để chống đỡ thị trường, mua ròng liên tiếp. Nay khi thị trường “lình xình” và đứng ở mức giá cao, khối ngoại không mua ròng nhiều thì cũng dễ hiểu. Dù vậy, do đặc điểm “mua lớn, bán lớn”, nên tại một số thời điểm nhất định, lệnh mua của khối ngoại cũng tác động đến giá của một số cổ phiếu lớn, từ đó tác động lên các chỉ số.
Thị trường chứng khoán vẫn đang ở thời điểm tốt để đầu tư và xu hướng tăng được duy trì. Nếu như các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đã tăng mạnh trong thời gian qua, thì dòng tiền trong thời gian tới sẽ tập trung vào các nhóm vốn hóa lớn chưa tăng nhiều như sản xuất sắt thép, dầu khí, thực phẩm – đồ uống. Và dĩ nhiên còn là cổ phiếu của những doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh tốt trong quý II đang và sẽ được công bố.
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới (27-7), thanh khoản đã tăng trở lại, đạt 2.549,837 tỉ đồng trên HoSE và sắc xanh cũng chiếm ưu thế. Toàn thị trường có 128 mã tăng giá, chỉ 82 mã giảm giá, giúp VN-Index tăng thêm 4,2 điểm, dừng ở 635,46 điểm. Một loạt các mã như TCM, REE, HVG… tăng điểm mạnh chứng tỏ những thông tin tích cực đã có tác động không nhỏ lên giá cổ phiếu. Thị trường vẫn đang chờ con sóng lớn.
Thành Huân (DNSGCT)