Do chỉ có duy nhất một phiên giảm điểm (ngày 14-4) nên tuần từ 13 đến 17-4 VN-Index tăng đến 14,29 điểm (2,55%), dừng ở 568,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 86,36 triệu đơn vị/phiên, tương ứng với tổng giá trị giao dịch bình quân 1.659,88 tỉ đồng. Trong khi đó, trên HNX, do có hai phiên giảm điểm so với ba phiên tăng điểm nên kết thúc tuần, HNX-Index chỉ tăng 0,63 điểm (0,76%), dừng ở 83,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 46,55 triệu đơn vị/phiên, tương ứng với tổng giá trị 609,39 tỉ đồng. Dòng tiền của khối ngoại “đột ngột” chảy vào giúp cho thị trường chứng khoán đảo chiều, từ ngột ngạt, lo lắng chuyển sang hào hứng, tích cực. Nói “đột ngột” là bởi khi phiên giao dịch cuối tuần trước kết thúc, không ai có thể dự báo được kịch bản của dòng tiền khối ngoại, dù các chuyên gia có cùng nhận định rằng một khi khối này mua ròng thì thị trường có khả năng sẽ thoát khỏi tình trạng cạn kiệt thanh khoản như những gì đã xảy ra từ nửa cuối tháng 3.
Năm phiên giao dịch là cả năm phiên mua ròng mạnh, đây chính là tuần (từ 13 đến 17-4) mua ròng lớn nhất kể từ đầu năm của khối ngoại. Tính ra, trên hai sàn, khối ngoại đã mua ròng 44,57 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 1.008,48 tỉ đồng. Nhiều về giá trị, nhưng cổ phiếu chọn mua của khối ngoại lại khá tập trung, đó là các mã trụ cột thuộc nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, PVD, PVS…), ngân hàng (VCB, CTG, BID…) và một số mã cơ bản (như MSN, VIC, DPM, PPC, VNE…). Đặc biệt trong phiên giao dịch cuối tuần (17-4), khối ngoại đã có phiên mua ròng cao nhất kể từ đầu năm 2015 với giá trị lên đến 357 tỉ đồng. Nhờ hơn ngàn tỉ đồng mua ròng tuần qua, nên dù tháng 4 mới qua được hơn một nửa, khối ngoại đã mua ròng gần 1.350 tỉ đồng, một sự nghịch đảo trạng thái hoàn toàn so với tháng 3 u ám bán ròng 939 tỉ đồng.
Đã từng nhiều lần diễn ra trên thị trường nước ta, là khi khối ngoại mua ròng hào hứng thì các nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng tích cực tham gia mua bán. Bởi giao dịch của khối ngoại tuy chiếm tỷ trọng không cao nhưng việc họ chỉ giao dịch những mã cổ phiếu lớn khiến cho mức độảnh hưởng đến thị trường là rất đáng kể. Thực ra, dù có khối ngoại dẫn dắt thì trong vài phiên giao dịch đầu tuần thị trường vẫn còn trầm lắng, xu thế tích cực chỉ tăng dần trong các phiên cuối tuần. Tâm lý chung của các nhà đầu tư cá nhân cải thiện dần khi thấy khối ngoại tiếp tục mua mạnh, phiên sau cao hơn phiên trước. Nhờ đó, thanh khoản trên HoSE từ mức dưới 1.500 tỉ đồng/phiên đã trở về mốc trên 2.000 tỉ đồng/phiên trong hai phiên giao dịch cuối tuần. Không những thế, xu hướng dòng tiền cũng đã lan tỏa khá đồng đều ra toàn thị trường, một tín hiệu tích cực cho thấy động lực tăng điểm đang khá mạnh mẽ. Nhóm cổ phiếu dầu khí đang đóng vai trò chủ đạo, nhiều mã trong nhóm “P” đồng loạt tăng điểm và duy trì sắc xanh trong hầu hết các phiên. Các nhóm ngành “nóng” đều tăng giá trong tuần qua, như ngành khai khoáng (tăng 8,7%), vận tải – kho bãi (5,71%) và chứng khoán (2,61%), bất động sản (2,05%)…
Theo các chuyên gia, đợt hồi phục của thị trường chứng khoán tuần qua do giá dầu thế giới tăng khiến cho giá của nhóm cổ phiếu dầu khí tăng lên và sự trở lại của dòng vốn ngoại. Sự hồi phục của giá dầu thế giới đã kéo dài nhiều phiên do thị trường kỳ vọng rằng nguồn cung dầu của Mỹ đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, xét trong dài hạn thì lượng cung dầu của thế giới chưa có dấu hiệu giảm, vì vậy khả năng giảm trở lại của giá dầu là có thể xảy ra. Dòng vốn ngoại thì khó kéo dài do khối ngoại chịu sự tác động không nhỏ bởi chính sách tiền tệ đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong quý I, đồng USD mạnh lên và những dự báo về việc FED nâng lãi suất đã khiến cho nhà đầu tư nước ngoài rất thận trọng trong việc giải ngân, thậm chí rút vốn ra khỏi thị trường. Chỉ khi FED cam kết chưa nâng lãi suất ngay trong tháng 4 mà lùi thời điểm xuống tháng 6 hoặc tháng 9, dòng vốn ngoại mới quay lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Một khi lãi suất đồng USD tăng lên, khối ngoại có thể lại rút vốn. Rủi ro là có, nếu trạng thái rút ròng của khối ngoại xảy ra trong vài tháng tới.
Có thể thấy tâm lý của nhà đầu tư đa phần đều muốn mua bán ngắn hạn, bởi vậy chỉ sau vài phiên tăng giá, nhiều cổ phiếu đã bị chốt lời. Phiên giao dịch đầu tuần mới (20-4) hầu như các cổ phiếu tăng giá trong tuần trước đều giảm giá trước áp lực bán ra mạnh mẽ, trừ nhóm cổ phiếu dầu khí. Với 154 mã giảm giá so với 68 mã tăng, VN-Index giảm 3,28 điểm, lùi về 565,04 điểm. Khối ngoại vẫn mua ròng hơn 130 tỉ đồng trên HoSE, nhưng vẫn không ngăn được đà giảm của VN-Index. Thanh khoản giảm so với tuần trước, chỉ còn 1.601,676 tỉ đồng. Biểu hiện của thị trường cho thấy một sự tăng trưởng kéo dài của thị trường là điều khó xảy ra trong giai đoạn hiện nay.
Thành Huân (DNSGCT)