Chuyến đi Sơn La đầu tiên của tôi cách đây khoảng năm năm. Dịp ấy, du lịch Sơn La mới chỉ là cao nguyên Mộc Châu mát mẻ, thoáng đãng, nên thơ với đồi chè trái tim, thác Dải Yếm, đồi thông Vũng Áng, những đoạn thảo nguyên thơ mộng không thua gì châu Âu dọc cung đường quốc lộ 6…
Cho đến chuyến đi tháng 11 vừa qua, chúng tôi mới biết Sơn La còn hơn thế nữa, xứng đáng tên gọi “Một Sơn La – Ba điểm đến”, gồm: Cao nguyên Mộc Châu, Thành phố Sơn La và Lòng hồ Sông Đà. Mảnh đất Co Mạ (Thuận Châu), Ngọc Chiến – (Mường La), Tà Xùa (Bắc Yên), hoặc hang Hua Bó, Thẳm Tát Tòng, suối nước nóng Nước Bú… nghe còn lạ tai nhưng khá độc đáo, thu hút và giữ chân nhiều lữ khách. Ngoài ra, khu di tích trung đoàn Tây Tiến xây dựng từ cảm hứng bài thơ Tây Tiến của thi sĩ Quang Dũng cũng làm chúng tôi ngạc nhiên rung cảm.
- Xem thêm: Những “vịnh Hạ Long trên cạn” xứ Bắc
Tuy nhiên, tạo nên sự hứng khởi cao độ nhất cho cả đoàn phải nói đến lòng hồ sông Đà tại Quỳnh Nhai. Huyện Quỳnh Nhai cách Mộc Châu khoảng 180km và cách thành phố Sơn La khoảng 60km, đi từ cung đường quốc lộ 6 quẹo phải vào đường 279. Đường đi khá tốt, ngang qua nhiều bản của đồng bào, các thửa ruộng bậc thang… Nơi đây, hiện chưa thành sản phẩm tour. Đang có dự án xây dựng các sản phẩm hoàn chỉnh, và kết nối cung đường 279 từ Sa Pa sang theo liên tuyến Sa Pa – Quỳnh Nhai.
Chúng tôi được đi nhờ canô của anh bạn thổ địa, chủ một công ty cơ khí, người đang ôm ấp giấc mơ biến lòng hồ sông Đà khu Quỳnh Nhai thành tuyến điểm hấp dẫn. Trải nghiệm lòng hồ sông Đà nơi đây, du khách có dịp khám phá thêm những điều độc đáo khác. Thứ nhất là cây cầu cao nhất Đông Nam Á mang tên Pá Uôn thuộc xã Chiềng Ơn. Cầu dài 1.418m, đường dẫn hai đầu cầu dài 500m. Cầu gồm hai mố và 11 trụ, trong đó trụ chính của cầu cao tới 98,6m. Chiều cao toàn cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m. Đứng trên cầu, lòng hồ sông Đà hiện ra thơ mộng! Những chiếc ghe của bà con dân tộc vùng cao khai thác thủy sản trên hồ tạo thêm khung cảnh nên thơ giữa đất trời.
Tất nhiên, khám phá lòng hồ vẫn là điều lữ khách chờ đợi nhiều nhất. Canô vừa rời bến, khung cảnh không khác vịnh Hạ Long hiện ra trong tầm mắt. Nước dâng cao, xanh thẫm, đồi núi, các hòn đảo lớn nhỏ đôi bờ lúc ẩn lúc hiện. Gió sông mát rượi… canô tiếp tục đi về phía trước mênh mông… Trên trời, những đám mây hình thù kỳ lạ như vảy rồng khổng lồ bám vào núi đồi, tạo không gian thêm diễm ảo hữu tình. Canô rời bến khoảng hơn một giờ đồng hồ, phía trước hiện ra ngọn tháp trông chẳng khác Hồ Gươm. Đây là cột mốc của lòng hồ sông Đà khu vực này, nơi trước đây dưới đáy hồ là thung lũng vùng núi Tây Bắc… Khách có thể neo canô, leo lên cột mốc nhìn ngắm xung quanh, chụp hình lưu niệm.
- Xem thêm: Thung Nham, thắng cảnh yên ả ở Ninh Bình
Đi trên lòng hồ, mọi người còn có dịp nhìn ngắm tìm hiểu đời sống của những người dân tộc đánh bắt cá mưu sinh. Bữa ăn gồm đặc sản cá lòng hồ sông Đà tất nhiên chẳng ai muốn bỏ qua. Cá sông Đà đa dạng, độc đáo và thơm ngon bậc nhất trong các sông hồ nước ta. Từ chạch chấu, cá bống, lăng, hồi, cá chiên “khủng”… nướng lửa than, hoặc nấu canh, lẩu đều ngon. Xen lẫn cá là thịt dê, gà đồi, heo rừng của người dân tộc trong vùng giá vừa rẻ, sạch, chế biến đơn giản nhưng luôn đảm bảo ngon, thơm. Du khách thưởng thức mà như nếm phải bùa mê!
Từ lòng hồ, lữ khách có thể theo vệt nắng cuối ngày men đường bộ vào thăm đồng bào bản Bon khi mùa lúa vàng cuối thu chuẩn bị gặt xong. Có cơ hội thì tìm hiểu lễ hội của người dân bản địa: Kin Pang Then, Gội đầu và lễ hội Mợi. Nơi đây ngày xưa quan tây Pháp từng chọn các cô gái Thái vào đội múa xòe. Ngày nay, ban ngày các em các chị bán thịt buôn cá, khi có đoàn khách yêu cầu hoặc hội diễn, từ bàn tay chuyên nghiệp mạnh bạo dùng dao chặt thịt cá, họ uyển chuyển váy xòe mười ngón tay theo điệu hát cung đàn mê hoặc khách phương xa!
Nhiều du khách đến đây cũng quan tâm yếu tố tâm linh. Đền thờ Long Sơn Thủy (thờ thần sông, thần núi) và đền thờ Nàng Hang (vị nữ tướng linh thiêng người Thái) nằm trong một cụm, trên ngọn đồi có tầm nhìn ngắm lòng hồ lý tưởng nhất.