Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý trước, vì từ cách đó nhiều ngày biết bệnh tình của chị trở nặng, nhưng khi nhận được tin chị từ giã cõi đời (vào lúc 19 giờ 5 phút ngày 23-4-2016), những người quen, đồng nghiệp, đồng sự của chị – nhà báo Nguyễn Minh Hiền – vẫn cảm thấy bàng hoàng, đau xót. Sẽ không còn một người bạn, người lãnh đạo, người chị thân thiết luôn “sống” với nghề, với từng số báo, bài báo, dù đó là những bài báo do chính tay chị viết, chỉ đạo đề tài, “đặt hàng” cộng tác viên…
Biết được tin chị mất qua những dòng cáo phó trên website của báo, nhiều cộng tác viên đã gửi mail về tòa soạn bày tỏ sự tiếc thương. Chuyên viên kinh tế Trần Văn Thọ gửi về từ Nhật: “Thật bất ngờ và đau buồn khi nghe tin chị Minh Hiền đã thất lộc. Lần gặp đầu tiên và trò chuyện được nhiều là lúc cùng lên máy bay ở Sài Gòn để đi Nha Trang dự Hội thảo Hè năm 2008. Thông minh và hiền dịu đúng như tên của chị là ấn tượng của tôi lúc đó… Có lần chị viết thư đề nghị tôi viết bài, sự chân tình của chị làm mình không thể không cố gắng đáp ứng dù đang bận bù đầu. Tôi còn nhớ câu kết luận trong một thư của chị: Anh nhớ ưu tiên cho bạn bè. Thật là thân thiết, chân tình. Vô cùng thương tiếc chị Nguyễn Minh Hiền”.
Những năm thập niên 1990, chị công tác tại báo Phụ Nữ TP.HCM (phó tổng biên tập), rồi về làm tờ Đại Đoàn Kết Cuối tuần (sau đó, tờ báo này được chuyển ra Hà Nội cho cơ quan chủ quản). Đầu năm 1999, chị về phụ trách tờ Tin Công Thương của Hiệp hội Công Thương TP. Hồ Chí Minh do “mê làm báo quá” như chị từng nói. Kiên trì với một ấn phẩm chẳng mấy tên tuổi, chỉ sau bốn năm, chị đã vận động khắp nơi để xin được giấy phép xuất bản tuần báo Doanh nhân Sài Gòn cùng ấn bản Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần.
Với Doanh nhân Sài Gòn, chị không chỉ là tổng biên tập đầu tiên, mà còn là người “khai sinh” cho hai tờ báo. Trong môi trường báo chí khắc nghiệt với nhiều va chạm, cám dỗ, chị luôn tạo ra sự khác biệt, nhẹ nhàng nhưng vẫn quyết liệt trong đấu tranh chống lại cái xấu, cái tiêu cực…, đồng thời cổ vũ những cái tích cực, những tấm gương, tinh thần khởi nghiệp của những doanh nhân – doanh nghiệp trong nước, hay góp sức trong những chương trình mang tính từ thiện để xã hội bớt đi những mất mát, đau thương.
Những ngày đầu của hai tờ báo, khó khăn trăm bề. Người nghèo chạy ăn từng bữa thế nào thì báo cũng “chạy” bài (viết) từng số như thế. Làm tổng biên tập, chị vẫn thường xuyên viết bài để tăng cường chất lượng nội dung. Có khi báo phải in vào buổi sáng, mà quá nửa đêm hôm trước mới có những bài viết cuối cùng. Báo tuần mà ban biên tập phải trực duyệt bài không khác gì àm báo ngày. Quanh chiếc bàn dài trong tòa soạn, chị cùng với anh em biên tập viên và kỹ thuật chờ đợi sửa bài, dàn trang, chuyện trò vui vẻ. Trong công việc cũng như ngoài đời, chị luôn nhẹ nhàng, nhưng cũng rất dứt khoát, biết cách xử lý công việc sao cho ổn thỏa nhất. Trời không phụ lòng người, hai “đứa con” của chị đã ngày càng khởi sắc, có số phát hành khá và ổn định. Dân trong nghề thán phục, bởi làm báo một cách đàng hoàng tử tế mà sống được trong thời buổi trăm hoa đua nở đó (thời điểm năm 2003) là rất khó.
Công việc của một tổng biên tập rất nặng nề. Báo mới, chưa nhiều người biết, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nội dung, chị mở ra những hoạt động mang tính xã hội như thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, chương trình trợ giúp những người bị ung thư… Cũng chính từ ý tưởng và đề xuất của chị trên Doanh nhân Sài Gòn vào năm 2004 mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra quyết định công bố lấy ngày 13-10 làm “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Dù chị không còn làm tổng biên tập Doanh nhân Sài Gòn kể từ năm 2009, chúng tôi vẫn lưu giữ biết bao ấn tượng tốt đẹp nhất về chị, về thời gian đầu chăm sóc những đứa con của mình.
Tháng 8-1999, chị phát hiện mình bị ung thư khi con trai duy nhất của chị còn nhỏ. Chị nói với bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, khi ấy là Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, rằng ráng giúp cho chị sống được năm năm, tới lúc con trai chị tốt nghiệp trung học phổ thông. Vậy mà chị đã sống chung với căn bệnh hiểm nghèo ấy đến 17 năm, nhìn thấy con học hết phổ thông, đi du học tự túc và ngay sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Tài chính ở Pháp đã về nước làm việc để có điều kiện chăm sóc mẹ. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng sau này cũng phải khen ngợi chị, coi trường hợp của chị là ngoài sức tưởng tượng của thầy thuốc và cho rằng chính lối sống lạc quan, tích cực của chị đã mang lại điều kỳ diệu.
Những năm cuối đời, chị vẫn miệt mài trăn trở với nội dung của từng số báo Người đô thị, nơi chị là thành viên Hội đồng biên tập. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, chị vẫn nghĩ rằng mình còn có thể tham gia vào nội dung của tờ Người đô thị sắp tới… Nói chị “sống chết với nghề” là vì vậy.
Chị ra đi ở tuổi 66, nhưng những dấu ấn về chị vẫn còn mãi trong người đọc, đồng nghiệp cũng như trong lòng những người làm báo Doanh nhân Sài Gòn. Chúng tôi cầu mong chị yên nghỉ chốn vĩnh hằng.
Ly Lam (DNSGCT)
Xem thêm:
Sâu thẳm buồn vui của một người làm báo
Nghề viết văn, không tập trung là thua