Người ta gọi những đường chạy địa hình như Sa Pa Mountain Marathon, Vietnam Victory Challenge (Đà Lạt)… hay Ironman 70.3 là những cuộc đua “hành xác”. Vì người chạy phải trải qua những cung đường lầy lội, đá sỏi sắc nhọn, dốc cao, vực sâu… trong thời tiết mưa gió hay nắng gắt. Trong các cuộc đua này, vận động viên khó tránh được tai nạn, chấn thương, quần áo lấm lem bùn đất khi ngã sóng soài trên các vũng bùn lầy, bị vắt bám vào người hay đôi chân kiệt sức đến không nhấc lên nổi. Vì sao những người kinh doanh bận rộn vẫn chờ đợi để tham gia những cuộc đua “hành xác” này? Và họ vẫn dành thời gian luyện tập nhiều tháng trước mỗi cuộc thi. Sau đây là chia sẻ của những người trong cuộc về đam mê của mình.
Nguyễn Trọng Hiếu, CEO của Gamma Furniture Corporation
Tôi hay gọi vui các cuộc đua marathon địa hình hay Ironman là “nghi lễ hành xác” cho những người muốn đi tìm con người mới. Tình trạng kiệt sức, mất nước, lạc đường, bơ vơ trong rừng, vọp bẻ, chấn thương… khi đua Ironman cũng giống như bao trở ngại khác trong cuộc sống, chỉ cần có đủ sức mạnh về ý chí thì sẽ vượt qua được. Ngoài ra, cuộc đua cũng cho bài học là cần xây dựng nền tảng sức khỏe, tìm hiểu, lên kế hoạch cho đường chạy đồng thời đón nhận, xử lý, ứng biến nhanh trước các sự cố để đến đích trước hạn mức thời gian (cut-off). Tiếng hò reo cổ vũ, nụ cười của những khán giả không quen và lời động viên chân thành của bạn bè trên mạng xã hội Facebook bỗng trở thành động lực làm cuộc “hành xác” bớt đau đớn và thú vị hơn.
Với tôi, việc chạy đường dài là công cụ để quản lý bản thân, giống một giải pháp quản trị ERP (hệ thống hoạch định tài nguyên) cho doanh nghiệp vậy. Chạy đều giúp dễ điều khiển giấc ngủ, quản lý cân nặng tốt hơn, tăng cường sức chịu đựng, giữ tập trung khi làm việc với cường độ cao. Chạy bộ cũng tốn khá ít thời gian hơn so với các môn thể thao khác và tôi có thể luyện tập ở nhiều nơi trong các chuyến công tác. Trên đường chạy, đầu óc như được “dọn” sạch, mệt mỏi tan biến và hầu như chỉ còn đọng lại những vấn đề quan trọng cần giải quyết. Và hơn hết, đó là một thói quen. Có người thích một cốc cà phê thơm lừng buổi sáng, có người chọn một liều thuốc giảm đau tự nhiên (endorphin free) cho cơ thể sau một buổi chạy. Tôi thì chọn cả hai vì nó giữ tinh thần phấn chấn cho quá nhiều việc đang chờ giải quyết trong ngày mới.
Nguyễn Quang Thành, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Công ty Jetstar Pacific Airlines
Gần đây phong trào thể thao địa hình mang tính thử thách cao như các giải chạy địa hình, Ironman… bắt đầu phát triển mạnh ở Việt Nam. Khi tôi đăng ký chạy 100km ở Sa Pa hay thi đạp xe ba ngày liên tiếp trong vùng rừng núi Đà Lạt, nhiều người bạn thắc mắc: “Sao tôi phải bỏ công sức, tiền bạc của mình để đi “hành xác” và đem về mệt nhọc, thương tích đầy người?”.
Có lẽ nếu nói rằng đó là hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, vượt qua giới hạn bản thân thì hơi trừu tượng. Nhưng với tôi, đó là mục đích có thật. Nhưng cái dễ thấy hơn là tôi được hòa mình với thiên nhiên một cách trọn vẹn. Cuộc sống nơi đô thị và công việc nhiều áp lực hằng ngày khiến chúng ta thường xuyên cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Không gì tốt hơn để giải tỏa căng thẳng bằng một chuyến chạy địa hình. Chỉ cần hòa mình vào thiên nhiên, đổ mồ hôi trên những con đường mới, “trầy vi tróc vảy” vượt qua từng đoạn núi cao, suối sâu, bạn sẽ có những giây phút cảm xúc vỡ òa. “Aaaa…”, bạn đã từng hét lên thật to như thế với những người bạn mới quen giữa núi rừng bao la chưa? Đó là lúc tôi để cảm xúc thăng hoa cùng thiên nhiên, một cảm giác sảng khoái và tự do hoàn toàn, giải phóng những năng lượng tích cực, sẵn sàng cho một tuần mới với những thách thức mới trong công việc. Hầu như ai trong chúng ta cũng có những niềm đam mê riêng, có người mê tốc độ, mê vật chất, có người lại mê nhậu, mê… gái đẹp. Còn với tôi, thể thao địa hình là một đam mê tuyệt vời.
Nguyễn Linh Chi, Giám đốc bộ phận Kỹ thuật số và Di động Công ty TNHH Havas Media Việt Nam
Chạy địa hình cũng giống như kinh doanh vậy, luôn có thử thách mới. Mỗi lần vượt qua một đường chạy, tôi lại cảm thấy hạnh phúc như khi đạt được một mục tiêu trong kinh doanh. Hơn nữa, chạy đường dài cho tôi sức khỏe và sự “lì đòn” trước những khó khăn trong cuộc sống.
Tôi thích chạy những đường địa hình như Angkor Wat Half Marathon, Sa Pa Mountain Marathon, Vietnam Victory Challenge (Đà Lạt)… vì được thử nghiệm những cung đường lạ, cảnh vật mới mẻ, cho con người những cảm xúc tươi mới. Trong hành trình 100km Sa Pa Mountain Marathon, hẳn nhiên cũng có những lúc mệt mỏi, chấn thương nhưng điều đó là xứng đáng để có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh tuyệt đẹp của núi rừng. Đây là hành trình tìm lại cảm giác, tìm sự trải nghiệm của bản thân. Tôi cũng muốn truyền cảm hứng sống lành mạnh cho nhân viên của mình, đặc biệt là phụ nữ. Tôi muốn nhân viên xem các đường chạy như bài tập ý chí cho bản thân. Họ sẽ thấy rằng thể thao không đơn thuần là giảm cân, giữ dáng mà còn là cách rèn luyện ý chí và thái độ sống nghiêm túc. Còn với tôi, thể thao đã như một thói quen, không luyện tập có thể tôi không còn là tôi nữa. Hiện tôi đang háo hức chuẩn bị cho giải chạy 100km đường địa hình tại Mông Cổ sắp tới, hẳn là đang có nhiều thử thách thú vị chờ tôi trên cung đường này.
Nguyễn Tiến Đạt, phóng viên Webthethao.vn
Tôi tham gia Vietnam Mountain Marathon (VMM) đến nay mùa thứ 3, từ 42km lên 70km và năm nay là quãng đường chạy 100km. Giải chạy này luôn hấp dẫn tôi vì nó mang lại những trải nghiệm khác nhau ở mỗi lần tham gia. Đây cũng là nét đặc thù của chạy địa hình, hầu như bạn không thể biết trước được điều gì đang chờ đón mình trên đường chạy. Ai đã “trót” mê loại hình thể thao này thì đều có mong muốn được khám phá những giới hạn mới của bản thân.
Để có thể hoàn thành cự ly dài nhất là 100km,“sống sót” qua 23 giờ đồng hồ suốt từ 11 giờ đêm hôm trước, tôi phải chuẩn bị thể lực kỹ lưỡng trong vài tháng, tích lũy cả sức bền lẫn sức mạnh. Công việc của tôi khá bận rộn nên tôi phải tranh thủ tập chạy sau giờ làm việc quanh hồ Hoàn Kiếm, gần nơi tôi công tác hoặc chạy lúc sáng sớm bằng cách chạy đi chạy lại trên cầu vượt ở gần nhà. Có những tuần quá bận không thể tập được thì tôi phải tập “bù” với lịch khá dày, chạy khoảng gần 160km/tuần (tương đương mỗi ngày chạy trên dưới 21km). Tuy nhiên, tại giải chạy vừa rồi, tôi đã phải trải qua quãng đường rất dài vì buồn ngủ. Không biết bao nhiêu lần tôi phải dùng hai tay vừa đi vừa tát vào mặt hoặc hét to giữa núi rừng trên quãng đường 10km chạy một mình. Tôi còn không dám ngả lưng chợp mắt vì sợ bỏ lỡ cuộc đua. Động lực giúp tôi hoàn thành đường chạy chính là lá cờ Việt Nam mang theo bên mình.
Chạy dài đường địa hình đối với tôi như một liệu pháp giảm stress vì khi chạy tôi thường “vứt bỏ” mọi tính toán, suy nghĩ công việc, giống như một cách thiền. Tôi đã chạy gần được ba năm và nhận thấy chạy bộ giúp cải thiện sức khỏe rất tốt. Từ khi chạy, tôi không còn bị ốm vặt như trước, ăn ngon và ngủ tốt hơn. Quan trọng hơn, chạy bộ giúp tôi có cách nhìn cuộc sống tích cực, lạc quan hơn.
- Thanh Nhã