Ironman đã trở thành một trong những cuộc đua hấp dẫn nhất trên thế giới trong hơn mười năm qua. Tuy mới du nhập vào Việt Nam từ năm 2014, Ironman đã nhanh chóng trở thành sân chơi quyến rũ cho đa dạng các đối tượng tham gia. Nhiều người tự hỏi vì sao một cuộc đua “hành xác” lại có sức hút đối với giới doanh nhân đến vậy? Hai tác giả Bruce Eckfeldt, CEO của một công ty Top 500 thế giới, thành viên của Hội Doanh nhân New York và Bill Carmody, CEO của Trepoint, kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực digital marketing, sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Mối liên hệ của Ironman và việc kinh doanh theo Bruce Eckfeldt
Theo chia sẻ của Bruce Eckfeldt với tạp chí Forbes, những thử thách mà vận động viên Ironman nói riêng và ba môn phối hợp (triathlon) nói chung phải vượt qua có những nét tương đồng với các thử thách mà nhà lãnh đạo gặp phải trong quá trình điều hành doanh nghiệp. “Dù bạn có xuất sắc ở một môn thể thao trong đó, thì cũng không thể khẳng định rằng bạn sẽ thành công ở Ironman. Vận động viên về đích thành công phải xuất sắc cả về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời biết chuẩn bị chu đáo cả về sức khỏe lẫn các phương tiện hỗ trợ trong thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi”, Bruce viết. “Giống như triathlon, nhà lãnh đạo doanh nghiệm phải xuất sắc ở cả ba năng lực cốt lõi, đó là thiết lập tầm nhìn, phát triển chiến lược và quản lý nhân sự”.
Ngoài ra, theo Bruce, khi đã có khả năng tham gia được vào các cuộc thi Ironman 70.3 hoặc Ironman 140.6, vận động viên sẽ được phát triển một số năng lực có thể giúp họ trở thành một nhà lãnh đạo thành công.
Thứ nhất, đó là sự cân bằng. Điều đầu tiên một vận động viên triathlon học được là sự cân bằng giữa ba môn thể thao khác biệt. Trong những ngày luyện tập cuối cùng chuẩn bị cho cuộc thi, vận động viên phải dồn cả ba môn vào một buổi tập. Theo đó, chúng ta phải đạp xe ngay sau một chặng bơi đuối sức, và phải chạy bộ ngay khi đôi chân rã rời chưa kịp nghỉ ngơi sau một chặng dài đạp xe. Không chỉ chơi tốt đều cả ba môn mà vận động viên còn phải có sự chuyển tiếp nhanh chóng giữa các môn thi để tiết kiệm được nhiều thời gian. So sánh đến vai trò của các CEO, ông Bruce Eckfeldt cho biết: “Người CEO thành công phải biết nguồn lực của mình mạnh, yếu thế nào, từ đó họ phải thiết lập đúng mục tiêu và phải biến mục tiêu đó thành một chiến lược hoàn hảo đồng thời phải đánh giá được hiệu suất làm việc của nhân viên”.
Thứ hai là tính kỷ luật và cam kết mạnh mẽ. Để hoàn thành một cuộc đua Ironman, bạn cần phải tập luyện khoảng từ 10 đến 15 giờ mỗi tuần, trong bốn đến sáu tháng. Như vậy, mỗi ngày, chúng ta phải dành từ khoảng hai giờ tập luyện và bảy đến chín giờ ngủ mỗi đêm. Việc tự tạo ra động lực và kiên trì lịch luyện tập là một trong những thử thách khó khăn nhất. Để hoàn tất phần thi chạy bộ sau khi đã đạp xe đến rã rời đôi chân đòi hỏi một nghị lực phi thường, càng phi thường hơn là việc thức dậy vào lúc 4-5 giờ sáng để lao vào tập bơi trong làn nước lạnh giá mùa đông. “Đối với người kinh doanh, những khó khăn, thử thách trong công việc cũng “tê tái” không kém. Họ cũng cần sự kiên nhẫn cùng với một tinh thần “thép” để giải quyết ổn thỏa những vấn đề về huy động vốn, bài toán nguồn nhân lực, chiến lược và mục tiêu…”, ông Bruce viết.
Thứ ba, Ironman giúp vận động viên có khả năng tập trung một cách cao độ. Bruce viết: “Nhiều nhà quan sát cho rằng thách thức lớn nhất mà các vận động viên phải chịu đựng là đau đớn về thể chất. Trên thực tế, dù các cơn đau thể chất có khắc nghiệt đến mấy cũng không bằng việc chịu đựng một cuộc đua kéo dài đến 10 giờ, vừa nhàm chán vừa kiệt sức. Chính vì vậy, quan trọng nhất là phải giữ sự tập trung trong suốt cuộc đua để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Trong kinh doanh cũng vậy, người ở vị trí CEO cần giữ vững các mục tiêu dài hạn trong khi phải xử lý các vấn đề phát sinh mỗi ngày, đòi hỏi phải có khả năng tập trung cao độ. Các nhà quản lý nếu để mình bị cuốn vào những chi tiết hằng ngày và “bỏ quên” các mục tiêu quan trọng sẽ dễ bị rơi vào tình trạng mất định hướng.
Câu chuyện của Bill Carmody
Bill Carmody, người sáng lập và CEO của Trepoint, cho biết: “Vào đầu năm nay, khách hàng lớn nhất của chúng tôi đã quyết định không gia hạn hợp đồng sau năm năm chúng tôi cùng hợp tác. Điều này có thể xem như là một cái kết cho doanh nghiệp chín năm tâm huyết của tôi. Lúc nhận được cuộc gọi khủng khiếp này, tôi bần thần cả người và tự hỏi mình sẽ làm gì lúc này?”. Chính cuộc đua Ironman đã vực dậy tinh thần của Bill.
Anh kể: “Năm trước, tôi đã có dịp nghe vận động viên triathlon thế giới Siri Lindley chia sẻ về những giấc mơ của cô ấy một cách hào hứng. Sau khi nghe tôi chia sẻ mục tiêu là hoàn thành một cuộc đua Ironman nào đó, Siri đã đề nghị được làm huấn luyện viên cho tôi, còn gì may mắn hơn thế? Nhưng thực tế luyện tập hoàn toàn không dễ dàng, hoàn thành một cuộc thi Ironman 140,6 dặm bao gồm bơi 2,4 dặm, đạp xe 112 dặm và chạy bộ 26,2 dặm trong vòng chưa đến 17 giờ đòi hỏi một quá trình luyện tập thể lực và tinh thần đáng kinh ngạc. Nhưng nhờ Ironman, tôi đã khám phá ra nhiều bài học tuyệt vời”.
Thứ nhất, kỷ luật chính là tự do. “Lần đầu tiên, tôi lĩnh hội bài học này là từ cuốn sách Extreme Ownership của hai tác giả Leif Babin và Jocko Willink. Nhưng tôi thẩm thấu đầy đủ ý nghĩa điều này khi bắt đầu thức dậy từ 3 giờ 30 sáng để hoàn thành bài tập kéo dài hai, ba giờ đồng hồ cho cả ba môn thể thao. Dù có bận bịu đến đâu, công việc có quan trọng đến đâu, bạn cũng phải cố gắng dành thời gian cho việc luyện tập hằng ngày”. Kỷ luật đi ngủ sớm và dậy sớm đã thay đổi lịch trình mỗi ngày của Bill, buộc ông phải từ bỏ những thói quen không tốt như la cà uống vài ly rượu với bạn bè sau giờ tan sở, hút thuốc và làm việc đêm khuya… Sau đó Bill đã áp dụng những hiểu biết này vào công việc kinh doanh. Bill bắt buộc bản thân phải tập trung và hoàn thành các mục quan trọng nhất. Và sự kỷ luật đã giải phóng ông khỏi hầu hết những điều vô ích gây căng thẳng, khó chịu hằng ngày. Từ đó, Bill đã có tự do như ông mong muốn.
Thứ hai, sức khỏe tốt hơn sẽ giúp tăng sức chịu đựng. Ban đầu, lịch tập luyện mỗi ngày khiến Bill bị kiệt sức vì cơ thể của ông chưa quen với lượng bài tập nhiều và vất vả. “Thật kỳ diệu là chỉ sau một vài tuần, cơ thể của tôi bắt đầu “thèm” được tập thể thao. Tôi bắt đầu nhận ra thời gian tập buổi sáng giúp tôi tỉnh táo và tập trung tốt hơn trong ngày dài làm việc. Quá trình huấn luyện tham gia Ironman, tôi đã có được thể trạng khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Sức khỏe về thể chất đã cho tôi thêm nhiều năng lượng và sự tập trung để giải quyết những vấn đề quan trọng trong công việc kinh doanh”.
Bill cho rằng nhờ Ironman, ông nhận ra “khó khăn” chỉ là một khái niệm tương đối. “Trước đây, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ chạy được ba dặm, nhưng nay, tôi đã có thể chạy 13 dặm trong khoảng thời gian chưa đến hai giờ. Trong kinh doanh cũng vậy, đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc trước những thử thách có vẻ như là “bất khả thi”. Tuy nhiên, khi tập trung toàn bộ sức lực, ý chí cùng sự hỗ trợ của những đồng đội toàn tâm toàn ý thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua, mọi vấn đề đều có cách giải quyết. Tôi muốn chia sẻ với tất cả bạn bè, đồng nghiệp của tôi, vấn đề khi tham gia Ironman không phải là chúng ta có đủ sức khỏe hay không mà quan trọng hơn là cam kết hoàn thành Ironman bằng tinh thần “thép” mà ai trong chúng ta cũng có”.
- Thanh Nhã