Trong một cuối tuần muốn rời khỏi thành Rome ồn ào mà túi tiền chỉ có hạn, chúng tôi khăn gói lên tàu đến Napoli rồi lên phà ra đảo Ischia. Mấy hòn đảo trên biển Tyrrhenus nước Ý có phí sinh hoạt khá dễ chịu vì chưa quá đông du khách. Cũng nhờ vẻ xa vắng đó, chúng tôi đã được thấy phần nào đời sống nguyên bản của ngư dân, nông dân vùng Địa Trung Hải.
Những viên ngọc trong vịnh Napoli
Ischia là một trong ba đảo núi lửa nằm ở cực Bắc của vịnh Napoli. Từ thế kỷ thứ VIII, cụm đảo xinh đẹp này đã là nơi buôn bán sầm uất của những thủy thủ Hy Lạp. Ngày nay, Ischia và đảo Procida cạnh bên đang dần trở thành thiên đường nghỉ dưỡng. Ischia nổi tiếng với Terme Poseidon, cụm hồ bơi nước nóng có thiết kế tuyệt vời. Những ai không thích cái lạnh buốt của biển nước Ý sẽ thấy khu nước nóng này là địa điểm lý tưởng để bơi lội. Chúng tôi vui vẻ chi 22 euro/người cho vé vào cửa để được tắm từ 1 giờ chiều đến 7 giờ tối. Cả khu có đến chục hồ bơi với nhiệt độ nóng lạnh khác nhau, tất cả đều dùng nước biển. Khu Terme có cả bãi biển riêng rất đẹp, đồ ăn rẻ và ngon, hoa quả ngọt lịm. Đặc sản của Terme Poseidon cũng như của cả hòn đảo là món xúp bạch tuộc dùng với rượu vang trắng sản xuất tại địa phương.
Sau nửa ngày ngâm nước nóng cho giãn gân cốt, hôm sau chúng tôi thuê xe máy chạy lòng vòng trên đảo. Diện tích Ischia không quá lớn nhưng phong cảnh đa dạng và ngoạn mục nhờ địa hình núi lửa. Theo bản đồ, mọi người đi lên phía bắc đảo, theo con đường xuyên qua ngôi làng cổ xây bằng đá để lên núi. Ở đây nhà nào cũng có vườn nho. Nho được trồng kín cả các ban công bằng đá. Qua khỏi ngôi làng cổ kính là đoàn đã tới lưng chừng núi. Trong làng, hồng, lựu, kiwi, vả, ôliu trĩu quả đang mùa chín rộ nhìn thấy mà thèm. Nhưng đẹp nhất phải kể đến những ruộng nho bậc thang bao quanh mấy ngôi nhà thờ màu trắng. Đi một lúc nữa thì gặp con đường mòn nhỏ để lên pháo đài trên đỉnh núi. Đi gần lên pháo đài thì thấy có những bậc thang nhỏ xíu dẫn vào một vườn nho bên dốc núi. Lúc này ai nấy mới nhận ra trên núi có rất nhiều vườn nho không được thu hái, lá héo rũ, quả còi cọc đã bốc mùi rượu.
Chúng tôi rẽ vào pháo đài nằm trên đỉnh núi. Trong khuôn viên, oải hương và hương thảo vẫn nở hoa thơm ngào ngạt từng bụi lớn bên chân bức tường đá. Sân chính còn để những thùng gỗ đựng rượu, còn cả bức tượng gà trống bằng đồng đứng trên cửa sổ cao nhất. Từ pháo đài mọi người bắt đầu con đường đi xuống thung lũng, xuyên qua các vườn nho. Đường bằng phẳng và không dốc lắm, tuy vậy người ngồi sau vẫn mấy lần thót tim khi xe vòng vèo qua khúc cua hiểm hóc! Từ dưới núi nhìn lên có thể thấy bảng hiệu tên của các thương hiệu rượu vang xây bằng đá rất lớn trên những bức tường của các vườn nho. Ở đây các gia đình tự trồng nho, cất rượu và khách có thể tới các hầm rượu này uống thử rồi mua luôn tại chỗ.
Ngọn núi cao nhất của đảo là Epomeo. Trên đỉnh núi có độ cao 788m tọa lạc một tu viện độc đáo với lối kiến trúc khảm trực tiếp vào đá. Tòa nhà nhỏ gọn được hình thành từ thế kỷ XV đã nhiều lần bảo vệ dân địa phương khỏi giặc giã xâm lấn. Sau này, các nữ tu đến đây và tiếp tục đục đẽo biến tòa nhà thành tu viện trang nghiêm.
Ngày nay, cả tòa tu viện được khắc vào đá núi lửa có màu xanh lá đặc trưng của Ischia. Đứng ở khoảng sân nhỏ, chúng tôi nhìn thấy rõ đảo Procida. Nhà cửa trên đảo này nhìn từ xa như những viên kẹo màu rực rỡ được xếp chồng lên nhau, nổi bần bật trên nền trời xanh nhức mắt vùng Địa Trung Hải.
Procida làng xưa êm ả
Những ngôi làng đầy màu sắc tại Procida đã từng góp mặt vào nhiều cảnh quay trong các bộ phim nổi tiếng về nước Ý cổ xưa. Mặc kệ biến động ngoài kia, Procida vẫn là nơi nhiều thế hệ của một gia đình cùng sinh sống, là nơi mà người dân địa phương tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống thời Trung cổ và phần lớn người dân sống nhờ vào biển.
Gần như tất cả các cư dân ở Procida đều sở hữu một chiếc tàu đánh cá hoặc thuyền chèo tay loại nhỏ. Từ cảng Marina Grande, chúng tôi đi bộ một quãng ngắn thì đến được làng chài Corricella. Trời nắng đẹp, các chàng ngư dân ngồi chăm chú sửa lưới sau chuyến đi biển. Nhóm đàn ông lớn tuổi hơn thì uống cà phê, đánh bài cười nói rôm rả. Du khách đi một vòng phố cảng rồi ghé vào nhà hàng nào đó để thưởng thức hải sản tươi. Mỗi nhà hàng Corricella thường có một thực đơn riêng, dựa trên nguồn cá tôm tươi rói được lấy từ những chiếc thuyền đánh cá vừa cập bến. Hôm đó chúng tôi được thử món cá pezzogna nướng rất ngon. Nghe đâu đây là loại cá chỉ có ở vùng biển này. Thịt cá vừa thơm vừa ngọt, dùng chung với rượu chanh hoặc vang trắng khá hợp vị.
Khu phố cổ nhất đảo nằm trên mỏm đá nhô ra biển, bao quanh là tường thành cổ với cổng thành vẽ tranh fresco rất đẹp. Trong khu phố cổ, nhà cửa và cả nhà thờ đều nhỏ nhắn xinh xắn thường xây bằng đá màu trắng ngà, lối ngõ cũng hẹp nhưng sạch sẽ. Các ngôi nhà trồng rất nhiều hoa trước sân và có nhiều hoa lạ, màu sắc sặc sỡ. Thích nhất là cuối mỗi phố đều có một ban công hướng ra biển. Đường bờ biển ở đây là dải đá uốn lượn với các hang động rất lớn có phần ngầm dưới biển thông nhau nên mọi người có thể đi thuyền, lặn, hoặc câu cá. Chưa thấy ở đâu mà người câu cá đứng ở độ cao mấy chục mét thả mồi câu xuống như ở đây! Tôi đặc biệt thích những tòa nhà xây trên vách đá nhìn thẳng ra biển, ban công nhô hẳn khỏi bờ đá, như đang ở lưng chừng trời với xung quanh là biển xanh. Ngộ một cái, phố ở đây nhỏ nhưng treo rất nhiều bảng chỉ dẫn một chiều, cứ mỗi ngã tư một cái mà hai ngã tư nhiều khi cách nhau không quá mười bước chân.
Vào ngày trời trong, đứng trên điểm cao Terra Murata, du khách có thể nhìn thấy tất cả các con đường dẫn đến núi Vesuvius. Từ thế kỷ thứ IX, các cuộc tấn công của hải tặc xảy ra thường xuyên nên người dân Procida – trước đây vốn sinh sống rải rác trên khắp hòn đảo – tập trung thành nhóm tại điểm cao này. Thế kỷ XVI, để bảo vệ Procida khỏi các cuộc tấn công, chúa đảo cho xây dựng bức tường thành bao quanh Terra Murata. Những tên cướp biển có thể đã là quá khứ, nhưng ngày nay cư dân vẫn còn sống trong các bức tường pháo đài kiên cố.
Dưới bóng của tu viện Saint Michael Archangel, người dân bày các quầy hàng bán quần áo thêu tay, rượu chanh, các loại đặc sản. Nếu như ở nhiều nơi trên nước Ý, người bán hàng chủ yếu là dân nhập cư với hàng hóa thường không rõ nguồn gốc thì tại các đảo trong vịnh Napoli, chủ gian hàng thường là nông dân giờ rảnh tự đi bán sản phẩm do mình làm ra. Kiên nhẫn lắng nghe những câu trao đổi bằng tiếng Anh lơ lớ, du khách sẽ hiểu thêm phần nào về đời sống thanh bình mà đầy màu sắc của dân đảo chính gốc.