GS-TS Nguyễn Quang Ngọc – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển yêu thích toán học, đăng ký vào học tại Đại học Tổng hợp Toán, thế nhưng ngay những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo về Hà Nội, số phận lại run rủi sắp đặt nhầm chỗ cho ông vào khoa Sử và được nghe bài giảng đầu tiên ở trường đại học của GS Trần Quốc Vượng.
Thế là anh sinh viên trẻ Nguyễn Quang Ngọc ngày ấy quyết định gắn bó đời mình với sử học bởi lòng kính trọng kiến thức uyên bác và niềm say mê đến tột cùng bài giảng “khai tâm” ấy của thầy. Hơn 40 năm gắn bó với nghề ở nhiều vị trí khác nhau, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng: “Sử học là một khoa học liên ngành đứng ở vị trí đầu bảng trong đào tạo và xây dựng bản lĩnh, nhân cách con người. Nếu Sử học được nghiên cứu và sử dụng một cách khách quan, nghiêm túc thì hiệu quả phục vụ xã hội của nó sẽ rất cao so với nhiều ngành khoa học xã hội khác”. Được đồng nghiệp và học trò mệnh danh là “Nhà sử học làng quê”, bởi những mảng văn hóa, đời sống, xã hội, chính trị ở các làng quê, đặc biệt là vùng châu thổ sông Hồng được ông nghiên cứu một cách thấu đáo, hữu cơ dưới con mắt của một nhà khoa học. Cũng bởi lẽ đó, trước mùa lễ hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về sự “bùng nổ” văn hóa lễ hội cũng như truyền thống lễ hội.
____
Thưa, ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng hiện nay có hai chiều hướng phát triển văn hóa đều “quá đà” ở ta: Một là chạy theo văn hóa đương đại thế giới (mà ta hay dùng từ là bắt kịp hay hòa nhập) một cách rập khuôn (thể hiện rõ ở một số hoạt động Văn hóa nghệ thuật). Hai là “phục cổ” cũng mù quáng như các lễ hội, tục hầu đồng…?
Đó là một vấn đề, nếu chúng ta không biết cách xử lý thì nó sẽ không thế này thì sẽ thế kia. Ở đây có một mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống. Trước hết phải hiểu truyền thống là gì, hiện đại là gì. Tôi cho là ngay cả trong giới làm văn hóa cũng không có quan niệm thật rõ ràng. Do quan niệm không rõ ràng nên đi vào vận dụng thành tùy tiện. Phải có quan niệm một cách chuẩn mực thì vận dụng mới chính xác được. Chẳng hạn có người cho rằng: Truyền thống là tất cả những gì đã cũ, đã được hình thành, định hình trong quá khứ. Nhưng cũng có người cho rằng truyền thống là tất cả những gì tốt đẹp của quá khứ và được đưa vào đời sống hiện tại. Hiện đại là cái gì? Là cái mới hình thành, nảy sinh, ra đời trong cuộc sống hiện tại. Thường nói đến hiện đại là người ta nói đến công nghệ. Mà nói đến công nghệ tức là nói đến phương tiện, điều kiện chứ không đi sâu vào thực chất của văn hóa. Do vậy, nhiều khi hiện đại chỉ là quan niệm về hình thức thôi. Do không hiểu thấu đáo khái niệm truyền thống cũng như hiện đại nên khi vận dụng lúc thì quá tả, lúc thì quá hữu. Cả hai điều đó đều dẫn đến sự phát triển lệch lạc của văn hóa.
____
Vậy, theo quan niệm của ông về truyền thống và hiện đại?
Theo tôi, giữa truyền thống và hiện đại có mối quan hệ khăng khít. Cách đây mấy chục năm, cụ Trần Đình Hượu có cuốn sách, tôi cho có cách giải thích khá hay “Đến hiện đại từ truyền thống”. Do vậy, phải làm thế nào đó để chúng ta hiểu đúng, truyền thống là gì, hiện đại là gì, mối quan hệ hữu cơ của hai vấn đề này như thế nào thì chúng ta mới giải quyết được bài toán phát triển văn hóa. Còn nếu chúng ta chỉ nói khơi khơi, đại ngôn, nói cho hay thì chả để làm gì, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Nếu hiểu truyền thống: “Truyền” là những cái xê dịch liên tục từ đời này sang đời khác, từ quá khứ cho đến hiện nay; “Thống” là những rường mối lớn, những mối nối tiếp nhau không dứt, là tất cả những cái gì xảy ra trong quá khứ, tạo thành dòng chảy liên tục, tác động và hiện hữu trong cuộc sống ngày hôm nay, thế thì hãy coi chừng. Bởi truyền thống có những cái tốt, những cái chuẩn mực cho đến ngày hôm nay, nhưng nó cũng có khối cái bảo thủ, lạc hậu, phản tiến bộ. Không phải tất cả những gì là truyền thống đều tốt. Cho nên trở về với truyền thống cũng phải cảnh giác. Trở lại với truyền thống không phải là trở về với tất cả những gì cũ kỹ ngày xưa.
Truyền thống có những cái tốt, những cái chuẩn mực cho đến ngày hôm nay, nhưng nó cũng có khối cái bảo thủ, lạc hậu, phản tiến bộ.
____
Ông có thể nói rõ hơn về sự chuẩn mực của truyền thống?
Có người cho rằng, trở về với truyền thống là trở về với những giá trị truyền thống. Nhưng nói đến giá trị truyền thống là nói đến cái tốt, cái chuẩn mực. Nhưng giá trị truyền thống cũng không phải “nhất thành bất biến”, mà ít nhiều vẫn có biến đổi trong không gian và thời gian, dưới những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể tác động. Trong điều kiện này giá trị này là chuẩn mực, nhưng trong điều kiện khác đi thì có thể sẽ không còn là chuẩn mực nữa. Có thể nó rất tốt ở điều kiện này, nhưng sang điều kiện khác nó trở thành không tốt, thậm chí có khi lại tiêu cực. Ví dụ: Chủ nghĩa yêu nước là đỉnh cao của giá trị truyền thống. Nó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc cho đến ngày hôm nay. Nhưng quan niệm về chủ nghĩa yêu nước trong điều kiện chúng ta phải một mình chống lại các thế lực xâm lược hùng mạnh từ phương Bắc, phương Tây phải khác với điều kiện xây dựng đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Khái niệm về chủ nghĩa yêu nước cũng phải có sự biến đổi linh hoạt, hợp thời, đúng với điều kiện của thời đại chứ không thể rập khuôn, cứng nhắc.
____
Việc khôi phục các lễ hội có phải là cái cách trở lại với truyền thống văn hóa?
Lễ hội chính là nhu cầu của cuộc sống từ trong quá khứ cho đến tận ngày hôm nay. Đó là nhu cầu chính đáng của các làng xã trở về với cuộc sống văn hóa, cuộc sống tâm linh. Có một thời kỳ chúng ta hiểu không đúng và dẹp bỏ hết bởi quy về mê tín dị đoan. “Ai ơi mùng chín tháng Tư/ Không đi hội Gióng thì hư một đời”, “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba”, “Chết bỏ con bỏ cháu/ Sống không bỏ mồng sáu tháng Giêng”… Đó là cách nhắc nhở con cháu trong gia đình tham dự vào các lễ hội làng, như một truyền thống văn hóa không thể không thực hiện. Đi hội là một nhu cầu, người ta cần phải đi để được hòa mình vào trong cộng đồng, để thăng hoa với cộng đồng, quên hết cả những khó khăn đời thường. Thế thì tại làm sao chúng ta lại xóa bỏ những ngày hội đó đi?
____
Đó đúng là nhu cầu xuất phát từ người dân, nhưng cho đến bây giờ nhiều lễ hội đã được mở rộng quy mô quá mức và nhiều địa phương, hay chính cả những người dân địa phương cũng chỉ coi đó là một dịp làm ăn trong năm…
Tôi cho rằng đó là truyền thống đã bị lợi dụng, không phải phục vụ cho văn hóa mà phục vụ cho kinh tế. Trên danh nghĩa, người ta gọi là phát triển du lịch, nhưng cũng không phải là du lịch văn hóa mà thực chất đây là một kiểu kiếm tiền. Điều đáng nói là kiểu kiếm tiền này không phải cho nhà nước, cũng không phải cho nhân dân, mà chỉ cho một số tổ chức, thậm chí là cá nhân. Người ta kiếm tiền bằng mọi cách, bằng mọi giá. Một khi văn hóa bị biến thành một phương tiện kiếm tiền thì đó là một sự phỉ báng, tàn hại và tiêu diệt văn hóa. Khôi phục một lễ hội thì hãy để cho nó trở lại với giá trị truyền thống của nó, tất nhiên có thể nâng nó lên cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện hiện nay, chứ không phải cải biên nó thành ra một phương tiện vơ vét lợi nhuận. Đành rằng đã tổ chức lễ hội thì cần phải có dịch vụ, mà dịch vụ là phải có lãi. Tuy nhiên lãi ở đây phải là phục vụ lễ hội một cách tốt nhất, văn hóa nhất, hiệu quả nhất, lãi ở đây phải là những đồng tiền “sạch” được thu về từ những dịch vụ tốt, chính đáng. Chẳng hạn, lễ hội thường đi đôi với ẩm thực. Đến với mỗi vùng quê được thưởng thức những món đặc sản của địa phương cũng là cái hay. Nhưng phải là các món đặc sản theo kiểu tổ chức lễ hội để người ta được hòa vào cuộc sống tâm linh của làng quê đó. Chứ không phải phục vụ mấy món ăn mà ở đâu người ta cũng có thể thưởng thức được với giá “cắt cổ”. Những quầy bán lưu niệm thì toàn hàng của nước ngoài… Trông xe bình thường lấy 2.000 đồng bây giờ lấy gấp 10 lần. Nếu lễ hội vốn chỉ là của một làng, hay một số làng thôi, thì hãy cứ giữ quy mô truyền thống ấy. Tạo điều kiện cho các làng xã khôi phục lại lễ hội, thậm chí có cải biên, nhưng phải dựa trên cái nền, cái cốt của lễ hội truyền thống của tổ tiên để lại, mà lễ hội truyền thống nào ở các làng quê Việt Nam thì cũng đều có nguồn gốc sâu xa từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước sơ khai… Không tùy tiện sáng tác kịch bản lễ hội, càng không nên tìm kiếm một kịch bản lễ hội chung cho các làng khác nhau, các vùng khác nhau trong cả nước… Tương tự như phong trào xây dựng hương ước ở ta hiện nay. Hương ước là rất cần cho các cộng đồng trong điều kiện quản lý chưa đi vào được từng ngõ ngách, chưa có quy định một cách rất cụ thể… Nhưng nếu từ xưa đến nay làng tôi chưa từng có hương ước thì đừng có bắt phải có hương ước. Lễ hội cũng vậy, làng tôi, nghe kể từ ngày xửa, ngày xưa cũng có lễ hội, nhưng lâu lắm rồi đã không tổ chức nữa. Dân làng tôi không ai còn nhớ, không ai còn quan tâm đến lễ hội làng mình, thế thì khôi phục lễ hội trên cơ sở nào và để làm gì? Có người nói rằng nếu không nhớ thì họ sẽ cho mẫu, cho cả kịch bản lễ hội nữa… cứ thế mà làm theo. Nghe cũng có vẻ hay đấy, nhưng hãy thử nghĩ kỹ mà xem đó có phải là lễ hội truyền thống, là văn hóa tâm linh ở làng quê không nhỉ?
____
Ông có cho rằng một ví dụ điển hình về việc khôi phục truyền thống quá lố đó là việc phát ấn ở đền Trần?
Tôi xin nói, phát ấn ở đền Trần nguyên thủy chỉ là hình thức mở đầu ngày làm việc của năm mới của vua, quan… Nhưng gần đây, việc khai ấn đã được giải thích là hình thức thưởng công, ban phát chức tước, bổng lộc của vua quan nhà Trần sau chiến thắng quân Nguyên Mông. Đó là việc lợi dụng lịch sử, văn hóa vì mục đích kinh tế. Nhiều người vẫn biết xin ấn chả được gì, nhưng hoạt động này khai thác được tâm lý số đông thích được thăng quan tiến chức, thích được thưởng công, chỉ mong “ngồi mát ăn bát vàng”. Họ giẫm đạp lên nhau, tranh cướp nhau đến mất cả nhân tính, mà có khi chỉ là là chiếc ấn rởm in vội trên vải hay trên giấy nhòe nhoẹt và bẩn thỉu. Ở đây người ta đang phô diễn một thứ văn hóa gì nhỉ, và các nhà tổ chức có tin rằng đây là một sự xúc phạm ghê ghớm đến tổ tông đã một thời làm nên “hào khí Đông A”, “non sông muôn thuở vững âu vàng” hay không?
Việc phát ấn ở đền Trần khai thác được tâm lý số đông thích được thăng quan tiến chức, thích được thưởng công, chỉ mong “ngồi mát ăn bát vàng”.
____
Đó có phải là do hiệu ứng tâm lý đám đông xuất phát từ việc làm của một số các vị quan chức?
Trong xã hội ta hiện nay có một số diễn biến tâm lý hoặc quan niệm khập khiễng, không có cơ sở gì nhưng vẫn tin, vẫn theo. Người xưa quan niệm, tổ tiên mất đi rồi nhưng vẫn phù hộ cho con cháu được an bình, ấm no. Nhưng hiện nay, quan niệm này cực đoan hơn rất nhiều: Các cụ quyết định mọi đường hướng của con cháu. Ông này lên được chức này chức kia là do xin được các cụ ở thế giới âm. Thế cho nên mới có chuyện mồ mả bây giờ được chú trọng như thế. Tôi chưa từng thấy ở đâu trên trái đất này, cuộc sống của người âm lại được quan tâm hơn cuộc sống của người trên dương gian. Thôi rồi, đủ cả các mẫu hình kiến trúc được đưa vào xây dựng mồ mả. Ở nhiều nơi, thành phố của người chết trùm lên cả làng xóm của người sống. Đốt vàng, đốt mã đủ các loại. Từ tâm lý đó, họ cho rằng nhu cầu về thăng quan, tiến chức… cứ xin là các cụ cho. Việc đi xin này cũng xuất phát từ tâm lý nhìn vào mấy ông quan chức. Mấy ông đó là mẫu hình của sự thăng tiến, các ông đến xin và có vẻ thành tâm lắm. Thậm chí có những ông chức tước rất cao rồi mà vẫn cứ đi xin… do vậy người dân nghĩ chắc là xin là được nên cũng đua nhau làm theo. Người dân coi các ông đó như là tấm gương. Chỗ này phải nói rõ, nếu các ông đó đi cầu xin với tư cách cá nhân thôi thì không sao, nhưng nếu đến với tư cách là nhà lãnh đạo thì nó lại là chuyện khác. Anh là nhà lãnh đạo thì anh phải luôn luôn nghĩ rằng mình là người đại diện và hành xử với tư cách là người đại diện chứ không thể là với tư cách là một cá nhân bình thường. Nếu ở vị trí lãnh đạo càng cao thì tính đại diện càng lớn. Thế cho nên nếu các vị đến khai ấn đền Trần với ý nghĩa mở đầu một năm mới quốc thái dân an cho đất nước thì quá hay, quá tốt. Nhưng nếu các vị đến đó chỉ để cúi xin một cái ấn, cầu mong vị trí cao hơn, bổng lộc nhiều hơn, thì là đã tự đánh mất đi vị trí đại diện của mình rồi đấy. Việc làm ấy sẽ khiến người ta nghĩ rằng hóa ra vị trí hiện tại của quý vị cũng chỉ là của đi xin mà thôi. Mong các vị hãy vì sự phát triển lành mạnh của lễ hội và văn hóa, gương mẫu không đi xin ấn kiểu này nữa.
____
Ông đánh giá thế nào về văn hóa người Việt hiện nay?
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Vậy thế nào là tiên tiến, thế nào là đậm đà bản sắc dân tộc? Đậm đà bản sắc dân tộc nói khác đi là anh xây dựng một nền văn hóa hiện đại đạt chuẩn mực quốc tế nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống của ta, hay là cái bản sắc của ta. Bên cạnh đó, người ta vẫn nói chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Càng hòa nhập sâu thì càng phát triển mạnh, vậy làm thế nào để giải bài toán “hòa nhập mà không hòa tan”? Văn hóa còn thể hiện ở một xã hội “dân giàu, nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhưng bài toán dân chủ là bài toán cực kỳ khó. Về lý thuyết mà nói thì trí tuệ của một người, của một cộng đồng, một dân tộc cộng lại sẽ thành một núi trí tuệ. Nhưng đấy là lý thuyết, còn thực tế thì không đơn giản như vậy. Phải có một cơ chế để cho mọi trí tuệ đều được phát huy, đều được tích hợp chung theo một hướng. Nếu muốn khai thác trí tuệ cộng đồng trên cơ sở dân chủ thì phải có cơ chế tổ chức, cơ chế khai thác, chứ không thể chỉ nói khơi khơi là đề cao dân chủ, nhưng lại lợi dụng dân chủ để mà làm theo ý mình. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào phát huy được sức mạnh truyền thống dân chủ hay gọi là trí tuệ tập thể. Phải có sự hiểu biết đến nơi đến chốn để khai thác một cách triệt để sự đóng góp của cộng đồng thì mới nâng cao được trí tuệ và sức mạnh của đất nước. Nói tóm lại là văn hóa, dù cách nào chăng nữa cũng phải được hình thành trên cơ sở hiểu thật rõ mình, rõ người… và dân chủ chính là thước đo của văn hóa, là nguồn lực phát triển vô tận của đất nước.
Phải có một cơ chế để cho mọi trí tuệ đều được phát huy, đều được tích hợp chung theo một hướng.
____
Ông có thể nói về công việc của Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển do ông làm Viện trưởng từ năm 2004 đến nay?
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 2004 trên cơ sở là Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa (được thành lập từ năm 1988). Viện được giao phụ trách hai mảng chuyên môn chính là nghiên cứu và đào tạo sau đại học về Việt Nam học và Khoa học phát triển. Mảng Việt Nam học triển khai theo hướng tiếp cận liên ngành và khu vực học. Chúng tôi nghiên cứu tổng thể về một không gian văn hóa xã hội và tìm ra các đặc trưng của nó. Kết quả nghiên cứu này lại làm cơ sở cho mảng chuyên môn thứ hai là Khoa học phát triển. Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu các mô hình phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển vùng. Chẳng hạn trong năm 2010, chúng tôi vừa mới nghiệm thu đề tài khoa học cấp Nhà nước về mô hình tổ chức và quản lý các đô thị trực thuộc Trung ương; tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội”; hay mới gần đây thôi, chúng tôi vừa tổ chức thành công hội thảo khoa học “Đô thị Quảng Yên, truyền thống và định hướng phát triển”. Từ khi thành lập đến nay, viện đã tổ chức ba cuộc Hội thảo quốc tế về Việt Nam học với nhiều hội thảo quốc tế khác; triển khai một chục đề tài khoa học cấp nhà nước và nhiều chương trình khoa học hợp tác quốc tế trong nước, đào tạo hơn trăm thạc sĩ, trong đó có hàng chục người nước ngoài và thạc sĩ Việt Nam học đẳng cấp quốc tế. Năm nay chúng tôi bắt đầu đào tạo tiến sĩ Việt Nam học cho cả nghiên cứu sinh Việt Nam và quốc tế. Căn cứ vào kết quả bước đầu đã đạt được và tham khảo mô hình các trung tâm Quốc học của các nước phát triển, tôi thực tin là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang phát triển đúng hướng và khẳng định vị trí của mình trong nền học thuật nước nhà.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
- Xem thêm: