Chưa hết, tới năm 2018, khi các cam kết với AFTA có hiệu lực, mức thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm xuống còn 0% thì hậu quả đáng buồn có thể thấy trước là thị trường sẽ chỉ còn lại các nhà nhập khẩu! Từ đó có thể suy diễn tiếp là trong thời gian tiếp theo, mỗi năm ViệtNamsẽ phải chi khoảng 12 tỉ USD để nhập khẩu xe về đáp ứng cho nhu cầu trong nước.
Khách hàng bỏ ý định sắm xe vì bất ổn về thuế và phí
Trong báo cáo của mình, VAMA khẳng định sức mua ôtô giảm mạnh trong bốn tháng qua không phải vì kinh tế khó khăn, mà do người tiêu dùng đang e ngại chính sách bất ổn về thuế và phí. Đầu năm 2012, lệ phí trước bạ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã lần lượt tăng lên ở mức 15 và 20%. Lệ phí cấp biển số tại Hà Nội lên tới 20 triệu đồng/xe. Tiếp đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông với mức cao và sẽ tăng 20% sau từng năm khiến nhiều khách hàng phải từ bỏ ý định mua xe. Ngoài ra, lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng quá cao (dao động từ 18 đến 20%), chưa kể điều kiện cho vay lại rất chặt chẽ càng khiến nhiều khách hàng chùn lòng.
Ông Gaurav Gupta điểm lại thực tế từ đầu năm 2012 để thấy các chính sách và đề xuất liên quan đến ngành ôtô tại Việt Nam đã thay đổi liên tục, bắt đầu từ việc tăng lệ phí trước bạ, phí cấp biển số tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến đề xuất phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, rồi Hà Nội xóa bỏ hàng trăm điểm trông giữ xe công cộng. Đó là chưa kể đến các đề xuất như “5×5” (cấm ôtô đi vào nội đô năm giờ mỗi ngày và thực hiện năm ngày trong tuần). Tất cả những động thái đó đã tác động không tốt đến thị trường ôtô trong nước. Nếu người tiêu dùng không biết rõ những mức thuế và phí nào đang chờ đợi họ ở phía trước thì chắc chắn họ sẽ bỏ quyết định mua xe. Với doanh số thấp kéo dài như vậy, các nhà sản xuất ôtô khó có thể duy trì hoạt động, bởi họ sẽ không thể tiếp tục giảm giá và giảm sản lượng như hiện nay. Vào thời điểm này, các nhà sản xuất đã bắt đầu buộc phải thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm sản lượng vì hàng tồn kho quá nhiều và không có dấu hiệu cải thiện về doanh số.
Ông Laurent Charpentier khẳng định rằng các thành viên VAMA đều mong muốn đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chứ không muốn chỉ lắp ráp đơn thuần, nhưng để làm được điều đó thì chính sách phải ổn định để các nhà sản xuất dựa vào đó mà xây dựng các kế hoạch dài hạn.
VAMA cho biết đã gửi đến các cơ quan chức năng bản đề xuất gồm ba điểm: (1) Hủy bỏ đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân (tốt nhất là không bao giờ áp dụng); (2) Chỉ áp dụng một mức phí trước bạ thống nhất là 5% đối với xe con trên toàn quốc và (3) Giảm thuế giá trị gia tăng.
Ông Laurent Charpentier cho rằng chỉ cần thực hiện được hai đề xuất đầu tiên thì thị trường ôtô sẽ nhanh chóng tìm lại được sức tăng trưởng.
Anh Hào