Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm nay, nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 4 tỉ lượt. Một trong những yếu tố giúp ngành vận chuyển hàng không phát triển liên tục bất chấp những trở ngại liên quan đến giá nhiên liệu, khủng hoảng nhân sự cũng như chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng mới chính là sự hiện diện của nhiều công nghệ mới để phục vụ hành khách.
Công nghệ sinh trắc học
Công nghệ sinh trắc học đã trở nên phổ biến tại hầu hết các sân bay trên thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt dịch vụ của ngành vận chuyển hàng không. Nhiều hãng hàng không đã đẩy mạnh đầu tư để triển khai các hình thức nhận diện bằng dấu vân tay hay khuôn mặt trong việc quản lý an ninh như Delta hay JetBlue Airlines, trong khi đó sân bay Heathrow đã trang bị đến 36 cổng hành khách tự làm thủ tục vào cửa máy bay bằng công nghệ sinh trắc học tại nhà ga số 5, còn sân bay Hamad thì công bố kế hoạch đầu tư một hệ thống nhận diện khuôn mặt thay cho hộ chiếu.
Sân bay Changi vượt lên trước, đã sử dụng công nghệ này tại tất cả các điểm kiểm tra hành khách tại nhà ga số 4 của mình. Không chỉ tại các khu vực mặt đất, công nghệ sinh trắc học cũng sẽ xuất hiện trên máy bay ở độ cao hàng chục ngàn cây số để xác định vị trí ghế ngồi cho hành khách cũng như đơn giản hóa việc thanh toán khi sử dụng các dịch vụ có thu phí.
Công nghệ Blockchain
Mặc dù vẫn còn là một công nghệ mang tính tương lai và đang còn trong quá trình thăm dò trong lĩnh vực hàng không nhưng Blockchain cho thấy có nhiều tiềm năng sẽ tạo nên những đổi mới khá cơ bản cho hoạt động của ngành này trong thời gian không xa. Nhìn thấy được hiệu năng to lớn từ nền tảng lưu trữ, chia sẻ dữ liệu Blockchain, các hãng hàng không và sân bay như Lufthansa, Air New Zealand, British Airways, Heathrow, Geneva hay Miami đều đang thực hiện những dự án hợp tác với các công ty công nghệ để làm chủ công nghệ này.
Trí tuệ nhân tạo
Năm 2017 đã chứng kiến sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hàng không thế giới mà Chatbot là một điển hình. Với khả năng tích lũy lượng thông tin lớn hơn, những chatbot hiện nay có thể trả lời được nhiều câu hỏi phức tạp mà hành khách đưa ra. Xa hơn, nhiều hãng hàng không cũng triển khai trí tuệ nhân tạo tại nhiều dịch vụ khác như bổ sung thêm chức năng kết nối của các kênh truyền thông xã hội, dự đoán giá vé cho hành khách, báo cáo tình trạng kỹ thuật của máy bay và hiệu quả vận hành tại sân bay hay cung cấp khả năng loại bỏ sự ách tắc giao thông như cách mà sân bay Bắc Kinh đang dự định tiến hành với Aviation Brain – ứng dụng do Tập đoàn Alibaba đề xuất.
Công nghệ robot
Cùng với trí tuệ nhân tạo, người máy là một phần không thể tách rời. Hình ảnh của những chú robot có khả năng hỗ trợ, hướng dẫn hành khách lên máy bay, vận chuyển hành lý, thậm chí xác định được những nguy cơ uy hiếp an ninh tại Sân bay Haneda (Nhật Bản) đang trở thành hình mẫu mà nhiều sân bay lớn khác đang học tập. Hành khách sẽ nhìn thấy hình ảnh tương tự ở Sân bay Incheon (Hàn Quốc): Những người máy do Tập đoàn LG chế tạo đảm nhận công việc hướng dẫn thông tin cũng như vệ sinh sàn nhà của sân bay.
Công nghệ dịch thuật
Có thể xếp công nghệ này thuộc trí tuệ nhân tạo, nhưng với tiềm năng to lớn của nó đối với hành khách thì có thể xếp vào một xu hướng độc lập. Ngồi trên máy bay của hãng hàng không nước ngoài và điểm đến là một đất nước xa lạ có thể làm nhiều hành khách lo ngại về những rào cản liên quan đến ngôn ngữ. Những phần mềm hỗ trợ dịch thuật trong giao tiếp sẽ trở thành một giải pháp đắc lực để vượt qua rào cản đó, giúp hành khách hiểu rõ mọi điều nghe thấy và yên tâm cả trong khi bay lẫn khi đặt chân xuống nhà ga.
Hãng hàng không Air New Zealand đang cho thử nghiệm bộ tai nghe Google Pixel Bud Bluetooth có khả năng dịch trực tiếp khoảng 40 ngôn ngữ khác nhau dành cho hành khách tại nhà ga sân bay và cả trên khoang khách máy bay. Nhiều công ty công nghệ lớn như Microsoft, Facebook hay Google cũng đang đầu tư phát triển công nghệ dịch thuật vốn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch.
Công nghệ tương tác thực tế
Cùng với công nghệ thực tế ảo (VR) và công nghệ thực tế hỗn hợp (MR), công nghệ tương tác thực tế (AR) đã trở nên nổi bật trong năm 2017 vì có thể cung cấp cho hành khách những trải nghiệm thú vị từ các chương trình giải trí trong chuyến bay hoặc xác định hướng di chuyển ở những sân bay rộng lớn. Cả ba công nghệ này đều có khuynh hướng dẫn đầu trong năm nay nhưng có lẽ AR nắm giữ nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực hàng không nhất.
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, nhu cầu di chuyển tăng cao cùng với việc cắt giảm chi phí hiệu quả sẽ giúp các hãng hàng không tiếp tục gia tăng lợi nhuận trong năm 2018, cho dù phải đầu tư nhiều dịch vụ và công nghệ mới trong khai thác. Điều này sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian hiện thực hóa nhiều công nghệ mới trong dịch vụ dành cho hành khách, giảm bớt áp lực của lượng hành khách ngày một đông, cũng như đem đến cho họ những trải nghiệm thú vị hơn trên những chuyến bay.