Làm báo Tết cùng Sơn Nam
Vào dịp Xuân 1976, ông Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) gọi chúng tôi lên chỉ đạo: “Năm nay là cái Tết thống nhất đầu tiên, Tuần báo Văn nghệ Giải phóng phải ra số báo Xuân thật hay và thật đẹp!”. Tôi và nhà thơ Hoài Vũ – phụ trách báo đưa mắt nhìn nhau, lòng ai cũng phấn khởi và tràn đầy niềm vui. Hồi đó, tôi phụ trách bộ phận văn xuôi của báo; tuần nào cũng lo đi đặt bài, biên tập và xử lý các bút ký, truyện ngắn. Chúng tôi bước ra và móc tay với nhau đầy quyết tâm: Tết này phải làm tờ báo Xuân cho ra trò như lời dặn của anh Tư.
Và rồi, tôi gặp nhà văn Lý Văn Sâm, đề nghị anh viết cho một bài về phong cách ăn Tết ở Nam bộ. Anh liền giới thiệu ngay sang anh Sơn Nam với lời dặn: “Chúng ta nên đặt bài với anh Sơn Nam – ổng rành và viết loại này giỏi lắm. Để tôi gọi điện thoại nói trước với ổng rồi các anh tới gặp”. Gọi điện trao đổi xong, anh Hai (Lý Văn Sâm) hồ hởi bảo tôi: “Rồi. Giờ anh cứ xuống tòa soạn báo Tin Sáng gặp ổng, trao đổi cho kỹ. Ổng đồng ý rồi đó!”. Tôi cùng với Hồng Việt (con nhà thơ Huyền Kiêu) lấy chiếc xe Honda 90 mang từ chiến khu về, phóng ngay tới tòa soạn báo Tin Sáng là nơi Sơn Nam đang làm việc ở đó. Đón chúng tôi từ ngoài cửa, Sơn Nam dắt chúng tôi lên lầu bước vào ngay căn tin của báo và hỏi hai chúng tôi: “Ở đây có Lúa mới (nhãn hiệu một loại rượu trắng) ngoài kia ngon lắm, ta làm vài ly nghe?!”. Tôi hơi hoảng vì vốn là dân tửu lượng rất kém, vội chối từ. Nghe vậy, Sơn Nam cũng dễ dãi: “Vậy ta uống cà phê nha! Tôi cũng vừa làm một chặp với anh Đoàn Giỏi, ảnh từ ngoài kia mới về. Bạn bè cũ, lâu rồi mới gặp”. Vừa uống cà phê, tôi tranh thủ đặt hàng anh viết bài về Tết ở miền Nam. Sơn Nam nhận liền. Anh bảo sẽ viết một bài về việc chưng “MÂM NGŨ QUẢ” ngày Tết của bà con Nam bộ và hẹn chúng tôi hai ngày nữa tới lấy bài. Thế là vui quá rồi!
- Xem thêm: Cải cách giáo dục Nam bộ đầu thế kỷ XX
Đúng hẹn, Hồng Việt đến nhận bài và đưa về cho tôi một xấp giấy báo có chữ viết tay nhỏ li ti, xen vào nhiều chỗ dập, xóa thay vào bằng các chữ màu mực đỏ. Một bài rất dài viết về kiểu ăn Tết ở nông thôn Nam bộ, đọc rất thú vị. Tôi thích nhất là đoạn anh nói ở trong Nam, ngày Tết phải kiếm cho đủ các loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài… để chưng mâm ngũ quả với ý nguyện: “CẦU, VỪA, ĐỦ, XÀI”. Đó là lần đầu tôi mới được biết và hiểu về ý nghĩa của mâm trái cây chưng ngày Tết.
Báo Xuân Văn nghệ Giải phóng năm 1976 rất đẹp, riêng bài của Sơn Nam đăng trang trọng đầy cả hai trang. Báo phát hành đã được bà con Sài Gòn đón đọc và bàn tán khá nhiều. Ra Tết, anh Nguyễn Đình Thi tới thăm báo, khen cười ha hả. Anh thân mật trao đổi với tôi và Hoài Vũ: Các anh trong này chọn đăng bài của Sơn Nam là rất giỏi. Ngoài kia, anh em văn nghệ sĩ đọc rất thích. Mong các anh tiếp tục có thêm nhiều bài như vậy!
Giang sơn gấm vóc
Năm 1990, Đoàn Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đi dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5 ở Hà Nội bằng tàu hỏa giường nằm. Mỗi khoang có hai giường tầng, bốn người. Khoang chúng tôi gồm: nhà thơ Lương An, dịch giả Lê Khánh Trường, nhà văn Sơn Nam và tôi. Anh Sơn Nam và tôi bị đau chân nên được cho nằm giường dưới. 19g30 tàu chạy. Chúng tôi lúc đầu còn rôm rả nói chuyện, khoảng 22 giờ, dường như ai cũng ngủ, chỉ còn lại mỗi Sơn Nam vẫn ngổi bó gối, mắt hấp háy dán vào cửa kính nhìn ra khung cảnh ở bên ngoài.
Giữa khuya, tôi đang chìm vào giấc ngủ sâu, bỗng cảm thấy như có người khều vào chân mình. Buồn ngủ quá, tôi khẽ cựa mình rồi lại ngủ tiếp. Lần này, lại thấy có người lay chân tôi thật mạnh, kèm theo tiếng thì thào: “Dậy, dậy xem nè! thành phố nào mà lớn vậy?!”. Tôi mở mắt ngồi dậy, thấy Sơn Nam vẫn ngồi thù lù bên cửa sổ, anh chỉ tay cho tôi thấy ở trước mặt đèn sáng như sao sa, rất dài và rất rộng. Giữa lúc ấy có một ánh đèn pha ô tô chạy trên đường song song với tàu hòa chiếu thẳng vào mặt, làm tôi lóa mắt.
Xe chạy qua, tôi mới định thần nhìn kỹ và xác định tàu đang chạy cùng hướng với đường ô tô. Xem đồng hồ thì đã gần 2 giờ sáng. Vậy thì cái thành phố nào “lớn” dài và rộng ở đây? Nhìn kỹ thì thấy cái thành phố đó cứ dập dềnh chuyển động không ở yên một chỗ. Nghĩ một lúc, tôi mới thấy đó là biển đêm đen thẳm, còn các ánh đèn “dài và rộng” đó là của các thuyền câu mực. Vì vậy, cái “thành phố lớn” đó nó cứ mãi dập dềnh. Nghe nói vậy, Sơn Nam mới vỡ lẽ và ngồi ngẫm nghĩ rồi nói một mình: Vậy là mình tới Phan Rang rồi à?
- Xem thêm: Tục thờ Thần Nông ở Nam bộ
Từ đó cho tới sáng, cứ mỗi lần thức giấc, tôi vẫn thấy cái bóng Sơn Nam ngồi bó gối thù lù bên cửa sổ kính toa xe lửa, mắt ông cứ hấp háy, chăm chú nhìn ra bên ngoài. Sáng hôm sau, tôi hỏi anh: “Thế trước đây, anh chưa đi dọc miền Trung lần nào hay sao?”. Sơn Nam lắc đầu rất thành thực: “Chưa. Hồi đó khó lắm, mà mình cũng chẳng có điều kiện. Chỉ có một lần Huế mời ra nói chuyện họ cho đi máy bay Dakota quân sự của Mỹ, nên có nhìn thấy gì đâu!”.
Có lẽ vì vậy, suốt chuyến đi xuyên Việt bằng tàu hỏa, tôi thấy được tâm hồn, ánh mắt một văn nhân Nam bộ xao xuyến với mênh mông núi non hùng vĩ, mây trắng, biển xanh… dọc dài dải đất từ Trung ra Bắc và anh có những lời bình về từng cảnh vật ở địa phương rất sâu sắc và dí dỏm. Có lúc, tôi thấy anh ngồi lút vào giữa giường, chân xếp bằng, mắt lim dim như ngồi thiền. Tôi tôn trọng nên để anh như vậy một lúc thật lâu, tới khi anh sửa thế ngồi thì tôi mới hỏi: “Anh ngồi thiền hả?”. Anh cười, tháo cặp mắt kính ra lau mắt, nói: “Đâu có. Tàu qua quê hương của Lễ Thành Hầu mình phải tưởng nhớ đến người đã có công khai phá đất phương Nam. Đức Nguyễn Hữu Canh là vị có công lớn với vùng đất phương Nam lắm”. Sơn Nam là như vậy. Anh rất ham tìm hiểu, nghiên cứu và xem xét thấu đáo từng vấn đề. Khi đã biết, đã hiểu anh rất kính trọng, biêt ơn những người mở đất, giữ nước. Tôi cũng đã từng thấy anh khăn đóng áo dài, tham gia tế lễ ờ đền Lăng Ông – Tả quân Lê Văn Duyệt. Trông anh lúc ấy thật thành kính và trang trọng.
Sơn Nam với phim Người tình
Đi làm phim Người tình suốt 2 năm với Jean Jacked Annaud – nhà văn hóa, đạo diễn người Pháp thực hiện. Sơn Nam sành sỏi tiếng Pháp, cùng đạo diễn Vinh Sơn luôn đương đầu với những khó khăn và cũng lắm chuyện vui cười “Bằng mười trăm đô” thú vị, tan biến nhọc nhằn.
Người của họ mới từ Pháp qua xứ ta làm phim, thế mà lúc ăn biết cầm đũa. Sơn Nam nói ở bển, tụi nó vào nhà Việt Nam ăn uống rành rồi, qua đây để lấy lòng gái đẹp Việt Nam. Họ còn hỏi sông Cửu Long sao không có con rồng. Sơn Nam nói:
– Ở xứ chúng tôi dồi dào thủy hải sản đã từng ăn thịt rất ngon. Nhưng chưa được ăn thịt rồng bao giờ. Mấy ngài muốn thấy rồng, chúng tôi sẵn sàng mời đi xem. Đó là đám múa Lân – Sư – Rồng. Đám tang xe bốn bánh chở quan tài có hai con rồng vàng rực rỡ hai bên hông xe.
Nghe vậy, mọi người cười ha hả. Khi đi làm phim Người tình, Sơn Nam cũng đã từng “sửa lưng” đạo diễn Annaud, trong lúc quay đám cưới chàng trai Hoa Kiều. Vào giờ ăn trong nhà hàng, trong khi những người sắm vai người Việt, mặc áo dài khăn đóng. Trong đó có con cháu ông Huỳnh Thủy Lê (nhân vật có thật ngoài đời, được dựng phim Người Tình) thì phải ngồi ở ngoài cho ăn cơm hộp. Sơn Nam phản đối cách đối nhân xử thế ấy. Annaud xin lỗi và ra mời toàn bộ vào cùng ngồi ăn bên nhau.
Một cảnh quay phim Người Tình cũng còn đọng mãi trong lòng người xem là dòng sông Mê Kông mênh mông, đỏ ngầu phù sa xuất hiện ở đầu phim, được quay ở Đại Ngãi (Sóc Trăng).
- Xem thêm: Địa danh có nguồn gốc từ nguyên quán
Với lục bình, dừa nước, trâu chết và cây cổ thụ trôi bềnh bồng trên sông trong phim cũng không đơn giản. Chủ con trâu đã khóc nức nở khi bán con trâu yêu quý cho đoàn làm phim, họ dìm con trâu đến chết để thả. Riêng 3 cây cổ thụ thì đoàn yêu cầu phải bứng gốc luôn. Nhưng khi quay, gốc nặng nên 3 cây chìm không quay được. Đoàn phải chuyển về Cát Lái – Sài Gòn, gắn thùng phi vào dưới gốc để cây nổi. Nhưng cả 3 ngày mở máy bị trời mưa âm u, không quay được. Sơn Nam yêu cầu đoàn làm phim phải cúng. Bởi theo Sơn Nam “Nhất đâm Hà Bá, nhì phá Sơn Lâm”, đất trời không thuận. Annaud – đạo diễn người Pháp này không chịu nghe cho là mê tín dị đoan.
Trời vẫn mưa, mọi việc trì trệ. Thấy thế, Annaud đồng ý cúng ngay. Sơn Nam mặc khăn đóng áo dài, cả đoàn làm phim đứng nghiêm trang bên mâm cúng nhỏ. Sơn Nam thắp hương khấn nguyện và rải gạo, muối và rượu xuống sông. Sau đó, bỗng dưng trời nắng lên quang đãng. Sơn Nam đắc ý cười chúm chím, rỉ tai cùng đạo diễn Vinh Sơn
– Giờ tụi Tây hiểu thế nào là tâm linh phương Đông. Có thờ có kiêng, có kiêng có lành. Người phương Tây mấy ai hiểu điều ấy.