Ngay khi thị trường ngoại tệ biến động, Ngân hàng Nhà nước đã có những bước đi cần thiết để làm chủ tình hình và khẳng định tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ. Phản ứng của thị trường là khá tích cực và chỉ ít ngày sau tỷ giá đã bình ổn trở lại.
Trước đó, có luồng quan điểm cho rằng đồng Việt Nam đang được định giá cao, như vậy sẽ không có lợi cho việc xuất khẩu, nhất là khi tình trạng phá giá đồng tiền đang được nhiều quốc gia tiến hành, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của họ trên thị trường thế giới. Muốn trở thành một nước xuất khẩu, là công xưởng của thế giới thì phải định giá thấp tiền đồng. Theo những lập luận này, đồng nội tệ được định giá cao dễ khiến một quốc gia trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa nước ngoài, dự trữ ngoại hối thiếu hụt, phải vay nợ nước ngoài nhằm bù đắp sự thiếu hụt ấy.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 18,2% so với năm 2011, xuất siêu được 780 triệu USD, riêng tháng 1-2013 đã xuất siêu 770 triệu USD. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước tăng cường mua vào USD, giúp dự trữ ngoại hối lên đến 30 tỉ USD, là chỗ dựa lớn cho việc bình ổn tỉ giá và kiềm chế lạm phát. Nhờ nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, Ngân hàng Nhà nước có thể đáp ứng được nhu cầu USD của các ngân hàng thương mại để bán cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Từ nhiều năm qua, nước ta phải nhập nhiều mặt hàng thiết yếu và hàng hóa phục vụ cho sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu. Vì lý do này, việc tỷ giá bình ổn là rất quan trọng. Nếu tỷ giá tăng, giá cả hàng hóa nhập khẩu và liên quan đến hàng nhập khẩu cũng tăng, tạo sức ép lên lạm phát.
Qua sự việc tỷ giá biến động vừa rồi, nhiều chuyên gia cho rằng để thị trường ngoại tệ luôn ổn định, Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng bán USD cho các ngân hàng thương mại khi nhu cầu ngoại tệ tăng lên, đồng thời từng bước điều chỉnh tỷ giá khi thị trường có diễn biến mới. Theo đó, tỷ giá có thể được điều chỉnh lên xuống tùy từng thời điểm, mức độ lạm phát, giá trị của đồng USD trên thị trường quốc tế, cung cầu ngoại tệ trong nước… Tăng tỷ giá trong thời điểm này và thời gian tới sẽ không có lợi bằng giữ bình ổn. Khi kinh tế từng bước hồi phục, nhu cầu nhập khẩu tăng lên, dự báo kim ngạch nhập khẩu năm 2013 lên đến trên 130 tỉ USD, nếu tỷ giá tăng sẽ tác động đến lạm phát.
Một điều quan trọng hơn, việc ổn định tỷ giá sẽ tạo được niềm tin của dân chúng đối với tiền đồng. Sự điều chỉnh tăng tỷ giá chưa được cân nhắc kỹ rất dễ tác động đến tâm lý của người dân, đem đến một kỳ vọng tỷ giá tăng trong tương lai… Ngân hàng Nhà nước đã tạo được niềm tin cho người dân vào tiền đồng, khi giữ tỷ giá ổn định trong suốt năm qua và điều này rất nên được duy trì trong những năm tới. Thói quen giữ vàng và ngoại tệ của người dân lâu nay một phần bắt nguồn từ việc thiếu niềm tin vào tiền đồng. Vậy nên, một sự biến động tỷ giá chỉ làm thổi bùng lên lạm phát và bất ổn vĩ mô mà thôi, và như vậy thì hoạt động xuất khẩu chưa chắc được hưởng lợi.
Cần nhớ rằng hiện lãi suất tiết kiệm tiền đồng các kỳ hạn dưới một năm là 8%/năm, cao hơn mức trần lãi suất tiền gửi USD đến 6%/năm.Dễ thấy là nếu tỷ giá không tăng hơn 6%/năm thì người nắm giữ tiền đồng và gửi tiết kiệm có lợi hơn nắm giữ USD. Đây cũng là một cái neo để việc giữ tỷ giá ổn định trở nên dễ dàng hơn.
Minh Hằng