HDR, nội dung có độ tương phản động cao là xu hướng của TV trong những năm gần đây. Với các nội dung thường, OLED gần như bất tử nhưng với các nội dung HDR thì sao? Đó là một câu hỏi thật sự rất khó trả lời, nhất là khi HDR gần như chỉ xuất hiện ở những mẫu TV cao cấp nhất của năm 2017.
Trước khi đi sâu vào HDR cho các TV OLED và TV LCD (bất kể là QLED hay LCD đèn nền LED, bất kể dùng tấm nền IPS hay VA…) thì chúng ta phải khẳng định một chiều: chất lượng hiển thị nội dung thông thường mà bạn xem hằng ngày (SDR) của TV OLED là bất tử so với LCD. TV OLED vượt trội hơn TV LCD (bất kể loại LCD) ở hầu hết các hạng mục: khả năng tái tạo màu, độ tương phản, độ sâu màu, độ trễ tín hiệu, thời gian đáp ứng… Nhưng có một điểm mà OLED vẫn chưa thể vượt qua LCD, đặc biệt là với các TV dùng chấm lượng tử sau này: độ sáng. Vậy TV QLED (LCD dùng chấm lượng tử) hay TV OLED có khả năng hiển thị HDR tốt hơn?
HDR là gì?
HDR là chuẩn hình ảnh cho phép hiển thị những hình ảnh với dải tương phản động cao trên TV. Còn đơn giản hơn thì HDR sẽ giúp TV của chúng ta hiển thị được nhiều sắc độ ánh sáng hơn, nó là khoảng tương phản giữa điểm sáng nhất và tối nhất của một hình ảnh. Bạn hãy tượng tượng bằng cách nhìn lên bầu trời, hay nhìn xuống biển: mây và mặt nước không cùng một màu, nó sẽ có nhiều sắc độ ánh sáng khác nhau, nhiều lớp khác nhau.
Có nhiều yếu tố quyết định khả năng hiển thị HDR, nhưng có hai mục chính mà bạn phải quan tâm: màu sắc và độ tương phản.
Màu sắc:
Nếu đã biết đến HDR thì các bạn phải biết là các TV hỗ trợ HDR thực thụ buộc phải hỗ trợ 10 bit màu, tức 1 tỷ màu sắc. Với các TV 10 bit màu thật sự, mỗi màu R, G và B cơ bản lại có thể hiển thị ở 1024 cấp độ khác nhau thay vì 256 cấp như hầu hết các TV đại trà, do đó số màu thực tế hiển thị được sẽ là 1 tỷ màu thay vì 16 triệu màu. Chính vì vậy mà khi mua TV thì các bạn nên để ý điều này. Nếu bạn chọn mua những dòng TV LG OLED 2017 hay QLED của Samsung thì chúng đều là các tấm nền 1 tỷ màu thực sự.
Vậy tại sao màu sắc lại quan trọng như vậy? Đơn giả là các tone màu khác nhau, các sắc độ của cùng một màu sắc khác nhau khi được hiển thị cùng lúc trên màn hình sẽ cho người dùng cảm giác chân thực hơn nhiều. Bạn sẽ có thể cảm nhận được sự nhờ nhờ của ánh sáng chiều, sự tươi mới của cánh đồng lúa mới, bạn sẽ thấy hình ảnh trở nên nổi khối hơn rất nhiều so với những thứ “phẳng phiu” của các TV thế hệ cũ.
Đối với các TV hỗ trợ HDR thì nó buộc phải hiển thị được trên 90% phổ màu DCI-P3, phổ màu rộng hơn rất nhiều so với REC. 709 được sử dụng rộng rãi trước đó. Trước kia thì màu sắc của các TV OLED không rộng bằng phổ màu TV LCD cao cấp (chấm lượng tử), thế nhưng trên các dòng sản phẩm sau này thì phổ màu mà hai dòng sản phẩm này hỗ trợ gần như tương đương nhau. Thế nhưng TV OLED lại có một ưu điểm lớn là các màu sắc tổng thể mà nó hiển thị hài hòa, thực tế hơn rất nhiều. Nói nôm na là TV OLED có thể sẽ thua khi xét trên từng điểm ảnh một, nhưng tổn thể lại thì nó lại vượt trội hơn.
Lý do cho điều này đơn giản là vì mỗi điểm ảnh trên TV OLED đều có thể tắt mở độc lập, khi hiển thị màu đen thì màn hình OLED tắt hẳn điểm ảnh đó, không làm nó ảnh hưởng đến các điểm ảnh lân cận, không làm rối loạn màu sắc của điểm ảnh bên cạnh. Với các TV LCD thì để hiển thị màu đen được tốt, nhà sản xuất phải sử dụng đèn LED nền, với rất nhiều những ma trận khác nhau để hỗ trợ làm tối cục bộ. Việc này là cực kỳ phức tạp và sẽ làm TV dày hơn, nên kể cả với những mẫu TV cao cấp nhất thì rất hiếm nhà sản xuất dùng đèn LED nền mà chỉ yếu dùng LED viền với độ sâu của màu đen và khả năng hiển thị chắc chắn không tốt bằng. Và kể cả với LED nền thì việc hiển thị màu đen của LCD cũng sẽ không bao giờ bằng OLED. Trong năm 2018 này thì các nhà sản xuất TV đã chuyển sang sử dụng LED nền với tất cả các mẫu TV cao cấp nhất, nó sẽ là một thứ gì đó rất thú vì nhưng có lẽ tháng 4 hoặc 5, các mẫu TV này mới về Việt Nam.
Độ tương phản:
Khi một TV hỗ trợ HDR, nó sẽ không chỉ hiển thị được nhiều màu sắc hơn, mà nó còn phải sáng hơn nhiều so với các TV thông thương, màu trắng thực hơn, nhiều cấp độ trắng hơn trong khi màu đen phải sâu thẳm hơn rất nhiều. Khi kết hợp tất cả những thứ này lại bạn sẽ có hình ảnh tự nhiên hơn, gần gũi và chân thực hơn với con mắt của chúng ta.
Các tiêu chuẩn hình ảnh HDR hiện tại thường chia ra hai loại cho OLED và LCD riêng biệt, với OLED thì với độ sáng tối đa khoảng 540 nit, điểm ảnh màu đen không được sáng quá 0.0005 nit trong khi với LCD thì nó là 1100 nit và 0.05 nit. Chỉ riêng 2 con số này thôi thì các bạn đã thấy yêu cầu HDR cho hai nền tảng màn hình là quá khác biệt, và nó cũng là lý do một số người nói TV LCD có khả năng hiển thị nội dung HDR tốt hơn vì độ sáng tối đa của nó lên đến 1500 nit hoặc 2000 nit với các mẫu TV chấm lượng tử cao cấp nhất của năm 2017. Nhưng họ lại quên một điều: độ sâu và khả năng hiển thị màu đen vô đối của OLED.
Với các nội dung HDR, các điểm ảnh nằm kế cận nhau có thể sẽ chênh sáng rất nhiều, một điểm ảnh có thể sẽ ở mức tối nhất trong khi điểm ảnh còn lại ở mức sáng nhất của nó. Như đã nói ở trên thì mỗi điểm ảnh của OLED là hoàn toàn độc lập, không ảnh hưởng đến nhau trong khi LCD thì mỗi điểm ảnh còn phụ thuộc vào đèn nền phía sau để phát sáng, nên khi một điểm ảnh sáng hết mức thì dù điểm ảnh bên cạnh có được tối ưu tốt đến đâu thì nó sẽ không thể đen hoàn toàn được. Do vậy, nếu chỉ đo thông số để lấy những điểm cao nhất, những giới hạn thì rõ ràng OLED sẽ thua về độ sáng, nhưng nếu xét hài hòa toàn bộ nội dung hiển thị thì rõ ràng là OLED lại vượt trội hơn, nhất là khi sắc đen của nó là đen thật sự, xét về mặt toán học thì là vô hạn và không thể tính được.
Nói đi thì cũng phải nói lại, ở độ sáng tối đa trên các dòng TV 2017 của LG vào khoảng 800 nit thì rõ ràng là OLED vẫn thua kém TV chấm lượng tử về độ sáng, điều không thể phủ nhận. Có thể bạn vẫn đang thắc mắc 800 nit là bao nhiêu, có đủ sáng để xài không thì hãy an tâm, đơn giản là các TV LCD chúng ta sử dụng vài năm trước có độ sáng cũng chỉ vào khoảng 100-300nit mà thôi, với các TV dòng cao thì cũng chỉ lên đến 300-500 nit, được đẩy lên tầm 500-600 với các TV 4K hay 700 nit với các TV LCD HDR của năm 2015. Bây giờ có HDR thì người ta mới mở rộng ra lên đến 2000 nit với các mẫu TV chấm lượng tử cao cấp nhất. Tuy nhiên, với cá nhân mình, nếu xem TV trong nhà chỉ cần đến độ sang tối đa khoảng 600-700 nit là vừa.
Đến thời điểm này tất cả các mẫu TV OLED 2017 của LG là đều ứng dụng công nghệ Active HDR (phiên bản nâng cấp so với chuẩn HDR trước đây) hỗ trợ cả 3 định dạng HDR, bao gồm Dolby Vision (nội dung HDR cao cấp trên các phim bom tấn Hollywood), HDR10 (nội dung HDR căn bản), và HLG (chuẩn HDR trên truyền hình). Như vậy, bạn đã có một trả lời tương đối rõ ràng nếu đang phân vân chọn mua một chiếc TV cao cấp để thưởng thức phim ảnh chất lượng cao. Chúng ta sẽ trông chờ một sự phản công hứa hẹn sẽ rất mạnh mẽ của cả Samsung và Sony trong năm 2018 này. Nên nhớ cả 2 nhà sản xuất đều rất im ắng về các mẫu QLED cao cấp hay Bravia dòng cao, họ sẽ chỉ công bố chúng vào tháng 3 tới thay vì tháng 1 như mọi năm. Có một điều chắc chắn: đèn nền LED sẽ quay trở lại, và sự cạnh tranh sẽ giúp chúng ta có trải nghiệm hình ảnh tốt hơn với giá rẻ hơn.
– Theo Tinhte