Tựa sách đẹp dịu dàng như một lời tỏ tình, không chỉ với một con người, mà với một thành phố. Dẫu vậy, lời tỏ tình của chàng trai trẻ cũng gặp phải nhiều thách thức bởi đã, đang và sẽ có nhiều cây bút khác cũng viết về Sài Gòn với tất cả thiết tha và vô vàn thương mến. Đó cũng là lý do vì sao khi chọn sách về đề tài này, nhiều độc giả tỏ ra khá “khó tính”. Viết về Sài Gòn, bằng những trải nghiệm và cảm nhận chân thực của mình sau nhiều năm gắn bó với thành phố này là điều không khó, nhưng tìm ra trong đó những dấu ấn riêng khiến người ta phải nhớ là điều không hề dễ dàng. Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… em của nhà văn trẻ Anh Khang (do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM phối hợp với Công ty Phương Nam phát hành) đã làm được điều đó.
Sài Gòn của Anh Khang trước hết đa dạng từ góc nhìn – nhìn từ bên trong bởi một người con đã gắn bó với thành phố này từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành và nhìn từ bên ngoài khi kẻ ấy lãng du qua bao miền đất lạ. Dẫu vậy, góc nào cũng ngọt ngào, da diết, gần gũi mà thơ mộng. Những con đường, góc phố đã được tác giả “ngang nhiên” tự cho mình cái quyền đặt lại tên mà không cần ai cho phép. Thế nên “Đường Trần Hưng Đạo đã trở thành “Nhà của người thương”. Đường Phạm Ngũ Lão có tên mới là “Nơi nụ hôn đầu”. Cầu Calmette là “Nắm lấy tay anh”. Đại lộ Đông Tây lại ghi dấu “Cái ôm trọn đời không ai thay thế được””. Và có khi đó là những nỗi niềm đầy khắc khoải trước những đổi thay khác của thành phố, khi những mảng xanh hiền hòa, quen thuộc dần bị thay thế bởi những công trình mới: “…còn đâu những không-gian-chứng-nhân để ta tự nhắc nhở mình về một ký ức từng chung, về một ngày xưa còn gần? Vì đâu phải ai cũng còn nhớ mình đã từng có một tuổi thơ, coi cái cây như một người bạn trốn tìm, leo trèo, trốn nắng…”. Có khi đó là phút chùng lòng khi lướt qua (mà không thể bỏ qua) những phận người bé nhỏ đang mưu sinh ở khắp các ngã tư ồn ào, hối hả.
Những trang mới mẻ, thú vị và lôi cuốn nhất ở quyển sách này có lẽ là phần du ký – đi thật xa để nhận ra Sài Gòn vẫn là nơi mà trái tim mình luôn hướng về. Dù bị “ám ảnh” bởi quê nhà trong tim nhưng không vì thế mà phần du ký “Đi qua bao chốn xa” của Anh Khang kém phần đặc sắc. Người ta đi để khám phá, chàng trai trẻ này đi để chiêm nghiệm. Du ký của tác giả sẽ không khiến bạn ồ à với những cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ, tuyệt đẹp hay những đền đài nguy nga, tráng lệ mà luôn giữ cảm xúc của độc giả ở một cung khá trầm bởi những chiêm nghiệm ấy. Chẳng hạn như khi đến Cinque Terra, anh chợt nhận ra “tuổi trẻ cũng như hoàng hôn trên Địa Trung Hải. Đẹp vô cùng nhưng chóng vánh qua nhanh. Chính vào lúc mỹ miều hoan hỉ nhất cũng là khoảnh khắc phải tức tốc rời đi, nhất nhất không thể hồi đầu”.
Cùng khám phá những miền đất lạ với Anh Khang có phần thú vị hơn bởi ta được đi theo những lộ trình riêng, đôi khi tách khỏi đám đông của một lữ khách độc hành nhưng không cô đơn. Đi theo tiếng gọi của cảm xúc, tác giả đã mang đến cho người đọc một châu Âu với những mảng màu lạ. Đó là Venice của những người già trông có vẻ cô đơn nhưng không thể buồn khi xung quanh toàn những gam màu tươi tắn và rực rỡ. Đó là ngôi làng nhỏ trên cao nguyên Hallstall, chứ không phải thủ đô Vienne hay Salzburg – quê hương Mozart là nơi chốn quyến rũ nhất với những “kẻ lánh đời”…
Và sẽ thật thiếu sót nếu nói về Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… em mà lại bỏ qua văn phong thơ mộng, lãng mạn vốn là phong cách riêng đã được định hình một cách rõ ràng của Anh Khang xuyên suốt nhiều tác phẩm. Có lẽ bởi thế mà nhà văn, nhà báo lão thành Đoàn Thạch Biền đã ví những trang tùy bút, du ký của chàng trai trẻ này “như một bài thơ xuôi”. Những độc giả trung thành của nhà văn thế hệ 8X này từ quyển sách đầu tiên Ngày trôi về phía cũ, đến Đường hai ngả người thương thành lạ và Buồn làm sao buông chắc chắn sẽ không bị thất vọng với quyển sách thứ tư này.
Cúc Hoa (DNSGCT)