Ở tuổi 75, ca sĩ Khánh Ly lại có chuyến trở về quê nhà biểu diễn và làm từ thiện. Hai đêm nhạc thiện nguyện Vòng tay nhân ái kết thúc, bà mới được nghỉ ngơi sau khi đã đi liên tục từ Hà Nội, Quảng Ninh đến Huế và Sài Gòn, với những đêm diễn, gặp gỡ khán giả, thăm bệnh nhân nghèo, thăm các em nhỏ ở khoa nhi, hát tri ân lương y…
Một cách “góp gạo”
“Những công việc tôi đang làm không phải để được khen ngợi, cũng không vì danh vọng, tiền bạc, nhưng tôi lại cảm thấy mình đáng sống, không phải là thứ bỏ đi, vô dụng, nhất là ở tuổi của mình bây giờ, đâu còn được bao lâu. Tiếp tục làm những việc mình thích, cứ thế bước đi, tôi không ngại điều gì, kể cả sức khỏe, đến khi nào không đi được nữa thì mới ngừng lại. Tiền bạc có được bao nhiêu thì cũng để gọi là “góp gạo” cho những người kém may mắn”, Khánh Ly tâm sự.
Bà giải thích: “Gọi là góp gạo vì chỉ giúp một lần không thể nào đủ, mà cũng khó có thể giúp lâu dài, mãi mãi. Mình đi đến những nơi ấy còn để cho những người trẻ thấy việc mình làm, từ đó họ sẽ tiếp nối… Mình sẽ là viên gạch lót đường, là cây cầu bắc qua bờ yêu thương để người trẻ quan tâm đến lòng nhân ái”.
Thật ra, không phải đến thời gian gần đây Khánh Ly mới tham gia làm từ thiện nhiều như vậy. Bà cho biết đã làm từ thiện 40 năm nay rồi, nhưng lúc trước, không có cơ hội và điều kiện đi đến tận nơi cần sự giúp đỡ nên chỉ biết đóng góp bằng tiếng hát, tham gia các chương trình thiện nguyện ở nhà thờ, nhà chùa… “Bây giờ, tôi có thời gian để đi đến nhiều nơi, nhất là ở quê nhà, để làm từ thiện, từ đó cảm nhận được những ngày còn lại của đời mình có ý nghĩa, không vô vị… Tôi thấy mình làm được rất nhiều việc, nhất là từ khi có người bạn trẻ – ca sĩ Quang Thành – đi cùng. Rồi có thêm nhiều người rủ nhau cùng đi với chúng tôi. Tôi vui lắm. Việc gì có sự lan tỏa đều làm tôi vui”.
Dấu ấn hơn nửa thế kỷ
Không chỉ tạo dấu ấn với nhạc Trịnh Công Sơn, Khánh Ly còn khiến người ta nhớ đến với một chân dung gần như ít thay đổi từ bao nhiêu năm qua – một ca sĩ kỳ cựu mà ngoài giọng hát có hai đặc điểm không thay đổi theo thời gian là mái tóc dài và tà áo dài. Mái tóc đã luôn để xõa suốt thời tuổi trẻ đến tuổi trung niên, chỉ sau này khi đã ở tuổi U70 bà mới bới lên sau gáy, trên sân khấu hay ngoài đời, nhưng không bao giờ cắt ngắn: “Tôi thích kiểu tóc này, nó theo tôi từ khi mới vào nghề và khiến tôi thấy thoải mái, tự tin hơn khi xuất hiện, khi hát trước mọi người. Hay là vì tôi không biết kiểu tóc gì khác nhỉ?”.
Còn áo dài thì bà đã gắn bó từ khi khởi nghiệp, chưa bao giờ Khánh Ly lên sân khấu với kiểu trang phục khác: “Sở thích của mỗi người mỗi khác, với tôi, áo dài luôn là lựa chọn phù hợp nhất cho cách hát của mình, và cũng như mái tóc dài, tôi cảm thấy thoải mái khi hát trong trang phục này. Còn với các bạn trẻ, tôi nghĩ tùy mỗi dòng nhạc, phong cách biểu diễn mà người ta tìm cho mình loại phục trang ưng ý, thoải mái nhất khi trình diễn”.
Bà có nhớ mình có bao nhiêu bộ áo dài không?
– Chịu thôi, tôi không thể nhớ hết. Tôi cũng từng có ý định đem đấu giá một số áo dài của mình cho các chương trình từ thiện…
Hơn nửa thế kỵ qua, có khi nào bà mất bình tĩnh khi đứng hát trên sân khấu?
– Bạn có tin không, lần nào tôi cũng run cả. Bởi nếu không có khán giả thì không có mình như bây giờ. Cho nên tôi luôn có cảm giác vừa hoang mang vừa lo lắng, không biết làm thế nào để đền đáp sự tin yêu, kỳ vọng của khán giả dành cho mình. Khán giả bỏ tiền, bỏ thời gian đến nghe mình hát, phải đáp ứng nhu cầu thưởng thức đó của khán giả nhưng đáp ứng mà đầy lo âu, nên mỗi lần lên sân khấu là một cảm giác mới lạ. Hôm nay không giống hôm qua và hoàn toàn khác ngày mai. Phải nghĩ như thế thì mình mới bắt được những cảm xúc thật thà, nồng nàn nhất trong tiếng hát của mình!