Trong ngôi nhà Mông, thứ ám ảnh tôi nhất không phải là những bức tường trình đất hay mái ngói âm dương tối thẩm, mà là những ô cửa sổ. Những ô cửa tí xíu, hình vuông hoặc chữ nhật, được tạo ra từ khi những bức tường được trình lên…
LTS. Đỗ Bích Thúy ghi đậm dấu ấn trên văn đàn bởi những tác phẩm thấm đẫm phong vị miền núi. Trong hơn 25 năm cầm bút, chị đã xuất bản 20 tập sách là truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, kịch bản điện ảnh… Trong đó, vang dội nhất là Tiếng đàn môi sau bờ rào đá chuyển thể thành phim Chuyện của Pao. Lần đầu tiên viết cho Người Đô Thị, Đỗ Bích Thúy chọn thể loại tùy bút để phác họa đầy trắc ẩn ngôi nhà của người Mông. Ở đó, có những thân phận đàn bà “ngồi trong bóng tối nhìn ra cái ô cửa bé bé, trắng trắng, cố bấu víu lấy nó. Cố gắng để không tuyệt vọng…” như một cảnh trong phim Lặng yên dưới vực sâu do chị viết kịch bản, từng ám ảnh người xem gần đây.
***
Trong ngôi nhà Mông, thứ ám ảnh tôi nhất không phải là những bức tường trình đất hay mái ngói âm dương tối thẩm, mà là những ô cửa sổ. Những ô cửa tí xíu, hình vuông hoặc chữ nhật, được tạo ra từ khi những bức tường được trình lên. Nhà người Mông rất tối vì tường dày, ít cửa, cửa lại bé. Thường chỉ có một cửa ra vào và vài ô cửa sổ từ các căn buồng. Các ô cửa sổ thường không có cánh. Có lẽ vì nó bé quá nên cũng chẳng bõ làm cánh. Ngồi trong nhà nhìn ra chỉ thấy sáng sáng, trắng trắng. Khắp không gian trong nhà cứ mịt mùng, sáng trưa chiều lúc nào cũng nhá nhem, cũng không nhìn rõ mặt người nếu không ngồi ở ngay vị trí gần cửa ra vào.
Kiến trúc nhà ở của người Mông khá đơn giản. Thường có ba gian. Gian giữa làm phòng khách và nơi thờ cúng tổ tiên. Hai gian bên để ngủ và làm bếp. Nhà nào khá giả sẽ có sàn gác bằng gỗ, dùng làm nơi cất trữ ngô, lúa, đậu. Sàn gác cũng có thể có ban công để phơi phóng quần áo, phơi ngô hoặc đậu tương. Nhưng người ta không ngủ trên gác vì luôn có khói bếp, bồ hóng.
Nếu bạn vào nhà của người Mông, ở gian giữa, nhìn lên trên tường có dán một tờ giấy bản, và một cái lông gà, thì đó chính là nơi thờ tổ tiên. Cảm giác đơn giản vậy nhưng phong tục lại phức tạp, cầu kỳ. Suốt cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc qua đời, một người đàn ông Mông không biết phải trải qua bao nhiêu cái lễ. Người Mông coi trọng sự sống, và cũng coi trọng cái chết.
Cái chết thậm chí được coi trọng thế này: cho đến hiện tại đây, nếu lên vùng Mông ở Hà Giang, bạn sẽ thấy phụ nữ Mông mặc những bộ trang phục sặc sỡ, nhưng thực tế đó không phải trang phục truyền thống – tức những bộ váy áo được dệt từ vải lanh, qua khoảng bốn mươi công đoạn, mà hầu hết là váy áo mua ở chợ, là hàng may sẵn được mang về từ bên kia biên giới. Vừa rẻ, vừa tiện lợi.
- Xem thêm: Cửa sổ mùa đơn điệu
Vậy nhưng người ta vẫn trồng lanh. Vào mùa thu hoạch cây lanh, tầm tháng 6 – 7 hàng năm, hễ lên vùng Mông là đâu đâu cũng thấy những cô Mông, bà Mông đang phơi lanh, se lanh. Tại sao không mặc váy lanh nữa mà người ta vẫn trồng lanh, dệt lanh? Là vì lúc sống thì mặc gì cũng được, nhưng lúc chết, nhất định phải được quấn trong một tấm lanh trắng. Tuyệt đối không thể thay lanh trắng bằng bất kỳ cái gì. Người chết, về với tổ tiên, nhất định phải ở trong một tấm lanh được dệt từ những cây lanh trồng trên nương của người Mông. Đây chính là lý do khiến tôi luôn tin rằng dù văn minh vật chất miền xuôi có ảnh hưởng ghê gớm đến đâu thì cũng sẽ rất khó xóa bỏ phần linh hồn của văn hóa Mông trên núi đá.
Nghĩ đến văn hóa Mông, nhiều người cứ ngỡ khèn là thứ phổ biến dùng để các chàng trai… tán gái. Nhưng thực tế thì người dùng khèn nhiều nhất, lâu nhất, tận tụy và hết lòng nhất lại là các ông… thầy khèn. Tức là người dùng khèn để tiễn linh hồn người chết trong các đám tang. Khèn là một trong những nhạc cụ kết nối hai thế giới, chuyển tải thông điệp của người sống đến với cả thần linh lẫn ma quỷ. Và những bài khèn, dù chỉ có giai điệu thì cũng chứa đựng những nội dung cụ thể mà chỉ ông thầy khèn với… thần linh hiểu được. Đây là đoạn trích một bài khèn thổi trong đám tang:
Gầu li dâu chết đi ra
Ông ma cửa chính giang tay ngăn
Gầu li dâu những lối đi
Ông ma cửa chính về nói
Gầu li dâu ngươi là người trần gian
Ngươi chết ra đi làm gì?
Gầu li dâu sẽ nói
Ta là người trần gian
Ngã một thôi dậy không thành người
Ngã một trận đuổi không kịp bạn
Ông ma cửa chính mới tha
Gầu li dâu mới có đường chính đi ra…
“Gầu li dâu” là “tên” gọi người đã chết. Còn sống thì mỗi người một tên, chết thì ai cũng là “gầu li dâu”. Người giàu, người nghèo, người tốt, người xấu… như nhau cả. Đều là “gầu li dâu” cả. Đều phải từ bỏ cuộc sống dù nó đang vui vẻ hay buồn phiền.
Lại nói những cái ô cửa. Trong một cuốn sách, tôi hình dung cô gái, nhân vật của tôi phải đi qua một đoạn đời giống như địa ngục, trong một căn buồng mà niềm hi vọng cuối cùng và duy nhất chỉ từ cái ô cửa trăng trắng, mờ mờ, bé xíu ấy thôi. Trời mùa đông không có nắng, sương mù giăng kín, khoảng sân hẹp đi, bờ rào đá biến mất trong mù mịt. Chính vì thế mà tinh thần cô càng bị bó chặt lại, thít lại, cộng với những đau đớn thể xác khiến cô có lúc gần như không muốn thở nữa. Và ngày lại ngày, cô ngồi trong bóng tối nhìn ra ô cửa bé bé, trắng trắng, cố bấu víu lấy nó. Cố gắng để không tuyệt vọng. Không ai ngoài cô biết rằng cái ô cửa kia có ý nghĩa thế nào.
Sau này câu chuyện ấy thành phim, cô diễn viên vào vai nhân vật có lúc bật khóc nức nở vì không chịu nổi áp lực tinh thần từ nhân vật mà mình hóa thân. Tôi biết rằng cái cảm giác mà mình hình dung khi đặt nhân vật ngồi trong bóng tối của căn nhà cũng là bóng tối của số phận đã trở thành cảm giác của diễn viên. Đấy cũng là một trong những cảnh, những khung hình thành công nhất của bộ phim.
Con gái Mông lấy chồng sớm, làm mẹ sớm. Tuổi thanh xuân trôi đi rất nhanh. Những bông lê còn chưa nở bung hết cánh đã vội đậu quả. Quả non bấy, nhưng bắt chín thì cũng phải chín thôi. Lúc nào nhìn những ô cửa vuông vuông, trăng trắng tôi cũng tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu người ta làm nó to gấp hai, gấp ba lần? Ánh nắng ngoài kia sẽ ùa vào mỗi buổi sáng sớm mẹ già vãi ngô ra sân cho đàn gà lúc túc ăn no; những cơn gió mạnh mẽ của mùa đông giá sẽ gào rít ầm ào hơn. Và bóng dáng chàng trai nào đó với cái mũ nồi màu đen quen thuộc sẽ lấp ló nhiều hơn bên ngoài hàng rào rụng đầy cánh hoa kia.
Kiến trúc các ngôi nhà Mông khá giống nhau. Tuy nhiên, ở những gia đình giàu có thì sự phong lưu thể hiện rõ ở độ lớn của căn nhà. Tôi hay tìm đến những ngôi nhà cổ ở vùng cao nguyên. Không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và ngôi nhà với những tạo hình quả anh túc xuất hiện khắp nơi này là một ngôi nhà cổ có lẽ là bậc nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn. Nó được cho là xây dựng cùng thời điểm với dinh thự họ Vương ở Sà Phìn và là một trong những bản gốc của phong cách kiến trúc giao thoa giữa Mông và Hoa Nam. Toàn bộ tòa nhà được chia làm ba khu vực, gồm ba ngôi nhà sàn gỗ ghép lại với những cầu thang riêng để có thể đi từ tầng một lên tầng hai từ bên trong hoặc từ ngoài hiên nhà.
Điều đáng nói nhất là từ các viên đá kê chân cột cho đến từng ô cửa sổ nhỏ, xà nhà, cột kèo… tất thảy đều được chạm khắc tỉ mỉ. Nó tỉ mỉ tới nỗi người ta nói rằng để hoàn thiện ngôi nhà ấy, hàng trăm con người phải làm liên tục trong hàng chục năm trời. Điều đáng nói nhất là hình ảnh quả anh túc xuất hiện ở những viên đá kê chân cột, đầu gỗ ở lan can, bức bình phong che cửa… Những quả anh túc tròn trĩnh như thể chỉ cần khứa nhẹ là nhựa sẽ tứa ra. Cao nguyên đá Đồng Văn trong lịch sử từng là “vương quốc” thuốc phiện. Nhà nào càng giàu, gia thế càng lớn thì thuốc phiện càng nhiều. Người giàu sử dụng thuốc phiện như một cách hưởng thụ. Đã giàu càng giàu nhờ trồng, buôn bán thuốc phiện. Những bức tường, cánh cửa, mái ngói… đều có màu như ám khói, thậm chí tôi hình dung trong đó có cả khói thuốc phiện.
Những căn nhà như thế ngày một hiếm đi, rồi sẽ có ngày nó biến mất. Nó đang xuống cấp một cách tồi tệ. Những bức tường trình tróc lở, những thanh xà mục gãy, những đầu đao sứt mẻ. Thời gian trôi qua lâu đến mức cả những họa tiết chạm khắc trên đá cũng mòn đi, trơn nhẵn đi.
Hiện nay, trong ngôi nhà ấy vẫn còn đến 6 gia đình cùng sinh sống, đều là anh em nhà họ Vừ. Bà lão ngồi trong cái không gian như phim điện ảnh hay câu chuyện cổ tích này có lẽ là một trong số các cháu dâu. Tiếc là chẳng hỏi bà được câu nào. Tặng bà ít tiền thì bà nhận, mỉm cười rồi lại cắm cúi làm việc. Cái mẹt nhựa màu đỏ cứ chói gắt lên trong không gian u tịch tối sẫm. Gương mặt đẹp đẽ của bà nấp dưới tấm khăn cũ sáng lên ấm áp.
Tôi rất thích ngắm những bà lão đẹp. Cái đẹp hồi quang của một tuổi thanh xuân rạng rỡ, cái đẹp của cuộc đời chân thành và giản dị; của tuổi già phúc hậu, hiền từ. Ngay cả những nếp nhăn cũng đẹp, nó tuần tự, lớp lang trên làn da mịn màng rất ít đồi mồi. Ngắm bà, tôi hình dung thấy một thiếu nữ Mông tươi tắn, căng nở, quyến rũ như một bông anh túc vào khoảng nửa thế kỷ trước. Giờ thì tất cả đã ở lại phía sau.
Thời gian thật kỳ lạ. Nó cất giữ và không bao giờ trả lại những gì đã từng hiện diện, từng diễn ra. Nó đôi khi chỉ để lại cho các thế hệ tiếp nối những dấu ấn mà phải thật để ý mới nhận ra. Nhà Vừ như một dấu vết huy hoàng bị thời gian bỏ quên, nằm yên ắng quạnh quẽ trên đỉnh một ngọn đồi với lối đi lên hai bên xanh mướt cỏ voi và những bụi ngô mập mạp sắp thu hoạch. Người già qua đời, trẻ con cất tiếng khóc, không ai biết rõ ngôi nhà này đã từng có bao nhiêu thành viên, nhưng hẳn phải rất đông. Cứ tự nhiên sinh ra, mất đi, nối dài sợi dây dòng họ, kéo dài tuổi thọ của ngôi nhà, cho dù nó lúc nào cũng nhăm nhăm như muốn gục xuống vì quá già nua.
Một cô Mông ngồi giữa nhà đang quấn những cuộn lanh to tướng. Vì chưa khô hẳn nên nó rất nặng. Nặng tới nỗi cô không thể cầm trên tay mà phải lăn như lăn những quả bí ngô. Sau lưng cô là chiếc ban thờ dài, đen thẫm. Đây là một ban thờ rất hiếm, vì như tôi viết ở trên, người Mông hầu như không dùng ban thờ mà chỉ có dấu hiệu ở trên tường. Cô Mông cũng không nói được tiếng Kinh, hỏi gì cũng chỉ mỉm cười. Ngôi nhà này, như những ngôi nhà Mông có nhiều thế hệ sinh sống khác, luôn chứng kiến các bé gái chào đời, lớn lên và theo chồng, rồi lại đón các cô gái từ nơi khác đến. Phụ nữ Mông làm lụng, sinh đẻ, khổ cực vất vả cho đến tận lúc qua đời mà tiếng nói, vị trí trong gia đình luôn xếp sau những người đàn ông.
Tôi quay lại căn nhà quen thuộc, leo cái cầu thang đầy bồ hóng để lên gác. Mùi đậu tương mới thu hoạch còn thơm ngai ngái khắp cả không gian rộng mà thấp lè tè. Mạng nhện giăng đầy. Ở ngay bậu cửa có một cuộn chỉ màu xanh lá ai đó đánh rơi. Con gái Mông thích thêu thùa may vá. Giờ thì ra chợ mua là chính, nhiều, lại rẻ. Nhưng vẫn thích lẩn mẩn thêu thùa. Vài cái họa tiết trên tạp dề, cổ tay áo, nẹp viền áo. Sắp có chồng thì khâu cái áo tà pủ. Sắp có con thì thêu miếng địu… Trong lúc ngồi im lìm để đưa những đường chỉ thì có khi trong lòng đang rộn ràng như có một con chim nhỏ đập cánh và ríu ran hót…
Tôi không cho rằng người ta chỉ có thể hạnh phúc nếu không bao giờ buồn. Giá trị của nỗi buồn mang lại chính là để chúng ta nhận ra ý nghĩa của niềm vui lớn đến đâu. Thế nên, xét cho cùng thì những cái ô cửa to hay nhỏ chẳng quan trọng gì mấy. Đáng nói là khi ngồi ở bên trong nó nhìn ra thì người ta nuôi những ước mơ gì mà thôi.
Và tôi tin rằng, trong những ngôi nhà trình tường cũ kỹ như thể được sinh ra cùng với cao nguyên đá này vẫn đang chứa đựng trong nó sự vẹn nguyên của linh hồn, hơi thở vùng Mông.