Ngay từ cuối tháng Mười hai,Vasia đã xuất hiện ở trong làng. Hắn ta bao giờ cũng trở về vào các dịp lễ thường niên như Giáng sinh và mừng xuân mới, đúng lúc thời gian của tạo hóa cho phép tất cả mọi người đều được nghỉ ngơi thư giãn.
Mấy năm vừa rồi Vasia làm việc tại thành phố lớn với nghề lái xe và sửa chữa động cơ. Tuy mới ba mươi tuổi nhưng hắn đã có một đời vợ cùng lối sống lang bạt kỳ hồ. Thi thoảng Vasia có tạt về quê thăm bà mẹ góa bụa chừng dăm bữa nửa tháng, rồi lại bỏ đi. Đôi khi hắn tỏ ra hào phóng, đó là những lúc hắn kiếm được nhiều tiền, còn thường thì phải ngửa tay xin mẹ để trang trải cho những bữa nhậu khao đám bạn cùng làng.
Lần này Vasia ăn diện ngất trời với áo khoác da thuộc màu xanh rêu, trên đầu là kiểu nón mùa đông có tai bịt cũng bằng da cừu thuộc, còn dưới chân là đôi giày cao cổ đánh xi bóng loáng. Riêng nét mặt hắn trông thật giống loài mèo kiểng, tròn xoe và no đủ. Xe buýt chở Vasia từ trung tâm huyện lỵ dừng ở trạm sát bên hông xưởng cơ khí của làng, nơi lúc nào cũng có đôngngười tụ tập.
– Ở đâu về đấy, hả Vasia? – Mọi người nhao nhao hỏi – Trông mặt mũi đầy đặn thế kia chắc là quá sung túc. Hay là mới đi nghỉdưỡng sức về?
– Từ nhà tù ra… – Hắn ỡm ờ.
Lập tức những câu nói đùa cũng ùa theo:
– Cho tớ địa chỉ nhà tù với. Chúng tớ sẽ đến đấy ở tù cả đám cho vui.
– Tù cả đám không được đâu, người ta chia ra từng nhóm đấy – Vasia lên giọng cảnh cáo trước khi cho địa chỉ – Trại tù Svarsenpumpe.
– Đấy là đâu vậy hả? – Cả bọn ngạc nhiên.
– Tận Cộng hòa liên bang Đức kia.
Đám đông chợt im phăng phắc. Gã đồng hương dường như cố tình nói giỡn, nhưng nét mặt lại chẳng có vẻ gì là đùa cợt cả. Lấy từ trong túi xách ra cái chai chừng một phần ba lít màu xanh đục, bên trong chứa rượu mạnh của Đức, hắn lần lượt mời mọi người nhấp giọng, gọi là chào mừng ngày trở lại quê nhà theo tục lệ. Trong khi cái chai bầu bĩnh sản xuất từ Đức sắp cạn tới đáy, dần dà mọi người cũng hiểu ra đôi chút sự việc.
Thì ra có một nhóm người Chesnia và Gruzia cộng tác cùng Vasia, chuyên vận chuyển xe hơi từ Đức sang Nga. Đầu tiên là lén lút qua Đức, rồi có người bên ấy giao xe cho họ và cứ thế mà lái về. Tới Belarus có cơ sở tiếp quản những chiếc xe gian, thay đổi số khung số máy để có thể lưu hành trót lọt tại Nga. Vasia đã thân chinh vận chuyển quá cảnh được ba chiếc, nhưng đến lượt thứ tư thì bị người Đức giữ lại ở biên giới.
Trong tàng thư vi tính có tên hắn, nên nếu bỏ tiền ra nộp phạt tội nhập cảnh phi pháp là xong. Do không có nổi ba trăm euro trong túi nên Vasia bị buộc phải ngồi tù hai tháng. Hắn mãn hạn và bị trục xuất từ nhà tù Svarsenpumpe… Đại loại như vậy và những người nghe đều tin lời Vasia. Tin cả việc hắn đã ở Đức cũng như từng đi tù. Được thể Vasia nhẹ nhàng kể tiếp:
– Trong mỗi phòng giam đều có truyền hình cáp, tha hồ xem suốt ngày đêm với đủ các kênh. Mỗi phòng giam chỉ có từ một đến hai người, có buồng tắm nóng lạnh gắn vòi hoa sen, nhà vệ sinh với bồn cầu tự hoại nhập khẩu từ Italia…
– Thôi được rồi, Vasia! – Đám bạn bảo hắn – Cậu đã bươn chải nhiều rồi, giờ về nhà mẹ mà nghỉ ngơi đi.
Thực ra những kẻ ưa nói dóc trong làng không thiếu, nhưng chẳng ai như hắn. Nhất là lại đi ca ngợi cuộc sống tù tội. Dù gì đi nữa người làng cũng đã nghe nhàm tai về chốn lao tù rồi. Ví như gã Kostica từng ở tù ba năm vì xung đột với mẹ vợ. Còn Ivan như thiên hạ đồn đại, phải đi tù bởi quá say mê những vật sinh hoạt gia dụng hiện đại dẫn đến việc ăn trộm đồ trong cửa hàng điện tử trên phố huyện. Riêng Nikolai vốn kín tiếng đã ngồi tù những tám năm ròng… Vì thế cho nên hễ nói tới nhà tù, trại cải tạo, hay kỷ luật trong tù là họ rất rành, đừng hòng qua mắt được.
– Truyền hình cáp… Hai người một buồng giam… Rồi bồn tắm nóng lạnh… Phòng vệ sinh nhập cảng… – Mọi người bắt đầu bàn tán – Ngạn ngữ có câu “một tấc đến trời” tuy nhiên cũng cần mức độ thôi chứ.
– Đừng tưởng bọn tớ nhà quê thật đấy nhưng không phải chỉ rặt đầu óc bã đậu đâu. Đây cũng có đôi chút hiểu biết ít nhiều chứ…
– Nhưng dù sao thì cũng là ở ngoại quốc – Ai đó nêu nhận định – Sướng quá hóa rồ vậy thôi, cứ xem tivi thì biết.
– Tivi thì nói làm chi, thích gì họ đưa cái đó – Gã Kostica phẩy tay – Toàn trò quảng cáo phô trương.
Đột nhiên Nikolai xen vào:
– Hết thảy những chuyện đó là điều bịa đặt! – Hắn cáu tiết la lớn – Nói dóc quá đáng! Chỉ giỏi dọa đám trẻ nít! Vải trải giường ư! Tivi ư! Ta đây đã từng nếm trải… Vậy mà cứ kể khơi khơi như nhà tù là tụ điểm văn hóa giải trí không bằng.
- Xem thêm: Nhét nhạc vào tai và đi
Nhưng ngược lại, đa phần người làng lại rất mê những câu chuyện do Vasia mang về. Suốt cả tuần lễ liền người ta kéo hắn đi hết nhà này tới nhà khác, trong làng bất cứ chỗ nào cũng chỉ nghe về cái nhà tù ở Đức ấy, cho dù nhiều người chẳng tin mấy, bởi giống như chuyện cổ tích vậy.
– Buồng giam có loại cho một người, có loại cho bốn người – Vasia ngồi chễm chệ trên đi văng kê giữa phòng khách nhà trưởng thôn và cao giọng kể – Còn phòng của tớ chỉ gồm hai người. Chỗ vệ sinh, bồn rửa mặt, nhà tắm, nước nóng suốt ngày đêm…
– Hay quá nhỉ! Trong khi làng ta vừa buộc phải đóng cửa khu nhà tắm công cộng ngay đầu mùa đông – Chủ nhà buột miệng than vãn.
– Trong mỗi phòng giam đều có tivi màn hình phẳng chiếu đủ mọi kênh truyền qua vệ tinh.
– Ở tù gì mà sướng thế… – Ai đó buông tiếng thở dài.
– Nếu thích xem hoạt hình, có riêng hẳn vài chương trình. Muốn coi đá banh có cả chục kênh, muốn khúc côn cầu có khúc khôn cầu. Còn phim trinh thám hành động thì tha hồ xem thoải mái suốt ngày đêm. Mỗi buồng lại còn có cả tủ lạnh khổ lớn nữa chứ.
– Thế có những gì ở trong ấy? – Chủ nhà gặng hỏi, không giấu vẻ tò mò.
– Những thứ mua ở cửa hàng chứ còn gì nữa – Vasia tiếp tục hồ hởi kể – Cửa hàng tự phục vụ trong tù mở cửa hằng ngày, mà thứ gì cũng sẵn chứ không như cửa hàng tại làng ta đâu. Nếu thích thứ khác biệt thì cứ việc đặt trước, người ta sẽ mang tới vào ngay sáng hôm sau.
Những buổi nói chuyện như vậy thường xen lẫn với rượu và đồ nguội làm mồi. Mọi người có mặt uống hết chai này đến chai khác, còn đồ mồi là dưa leo muối, bắp cải muối, hay mỡ heo muối cũng được. Riêng khoản hút thuốc phải đi ra ngoài trời, nếu không thì khói thuốc dày đặc mù mịt có thể làm ô uế trần nhà vì lượng người quá đông.
– Ban ngày trại giam vẫn khóa cửa – Vasia tiếp – Nhưng nếu tù túng chân cẳng thì có thể đi dạo giữa các tầng. Muốn chơi thể thao hả, cứ việc đến phòng tập luyện. Ở đấy có đủ mọi loại dụng cụ như máy chạy bộ, xà đơn, xà kép, cử tạ… Nếu không thích chơi thể thao có thể vào thư viện. Tại đấy đầy các loại sách với đủ thứ tiếng. Có cả tiếng Nga, tớ đã mượn đọc vài quyển…
Vị khách vẫn ngự ở chỗ trang trọng nhất, vừa nốc rượu vừa nhắm đồ nguội trước khi buông lời trần thuật về chuyến đi xa của mình.
– Nhưng đồ nguội ở đấy lại chẳng có. Cái gì không có là dứt khoát không có theo văn hóa ẩm thực của nước sở tại. Các thứ còn lại thì cứ việc ních căng bụng. Riêng buổi sáng dứt khoát phải có yogurt…
– Cái gì, cái gì… – Mọi người nhao nhao hỏi.
– Yogurt. Một dạng sữa chua nhưng ngọt và có thêm vị trái cây. Cứ việc ăn thỏa sức đến no căng. Còn bữa trưa, hôm thì người ta cho ăn thứ xúp đặc nấu với khoai tây nghiền, hôm lại xúp đậu, hôm thì xúp rau giống như xúp củ cải đỏ nhà mình ấy.
– Thế có rượu champagne không? – Nikolai không nhịn được liền xen ngang.- Người ta tổ chức khiêu vũ một vài lần, có nhạc sống đi kèm. Đàn ông cũng như phụ nữ đều được thả hết ra để được dịp nhảy nhót với nhau. Khi đó thì đương nhiên phải có cả rượu lẫn bia.
– Mày không nói dóc đấy chứ? – Nikolai nhăn mặt, vẻ mất bình tĩnh – Trong nhà tù lại có cả khiêu vũ nữa…
Chưa nói hết câu, kẻ gây sự đã bị đám người ưa hóng chuyện đẩy ra phía ngoài.
– Rõ ràng là nó nói dối – Nikolai hậm hực giãi bày với những người đang đứng hút thuốc – Chính tớ đã từng đi hết nhà tù này đến trại giam khác… Cả trong các trại cải tạo kiểu mẫu cũng vậy, nơi thường giam giữ người ngoại quốc cũng đâu phải là các nhà nghỉ, cũng không phải trại điều dưỡng! Đấy là nhà tù có chấn song sắt! Hắn nói dối! Nói dóc quá trời…
– Nếu như không làm việc người ta vẫn cho năm mươi euro mỗi tháng để tiêu vặt. Cũng tạm đủ… – Tiếng Vasia vẳng ra – Còn nếu thích lao động thì được ba trăm euro. Đó là mức thu nhập tối thiểu ở nước người ta, không thể ít hơn được nữa. Đó là lương cho người làm vườn, quét dọn, trồng cây trong nhà kính, chăn thỏ, giặt giũ… Cũng có thể nhận được năm trăm, thậm chí bảy trăm euro.
– Nếu đổi ra tiền ta, ước chừng chỗ đó là bao nhiêu? – Chủ nhà phân vân.
– Thì cứ tính thử đi… Một euro ăn bốn chục rúp. Năm trăm euro vào khoảng hai chục ngàn gì đó.
- Xem thêm: Một ngày không vội vã
Lập tức những tiếng kêu xen lẫn tiếng tranh cãi bỗng rộ lên, bởi người ta chẳng bao giờ biết tới số tiền lớn như vậy. Lương hai – ba ngàn rúp nhưng còn lâu mới nhận được. Thôi thì đủ loại giấy tờ, rồi ký nhận để cuối cùng cứ dài cổ đợi…
– Đồ nói dối trơ trẽn! – Nikolai thò đầu qua cửa sổ mở hé la lớn – Tao điều khiển máy gặt lúa có đến cả tháng rưỡi trời. Làm suốt cả ngày lẫn đêm mới được gần năm ngàn rúp, mà số tiền đó cũng đã nhận được đâu… Đồ dối trá!
Mặc kệ, Vasia vẫn bình thản uống rượu kèm đồ mồi, đợi đến khi mọi người dịu xuống mới tiếp tục:
– Xà bông, kem đánh răng, nước gội đầu, bàn chải, dao cạo râu cũng như nhiều thứ khác đều được cho không. Mặc thì quần áo do họ phát. Khăn trải giường, khăn tắm, khăn mặt cũng như đồ lót đều được thay hằng ngày. Người ta vừa đẩy chiếc xe đựng đồ dọc hành lang vừa hỏi xem có ai cần giặt gì không. Chỉ việc quẳng đồ dơ vô đó rồi nhận lại quần áo mới giặt.
– Thế mới là cuộc sống chứ – Viên chủ nhà trầm trồ – Y như đi nghỉ ngoài biển vậy. Giá mà được đến đấy nhỉ…
– Xin cứ việc – Vasia khoát tay – Chỉ cần quý vị tới được Berlin và đến nhà ga xe lửa trung tâm. Cứ đi một vòng quanh ga sẽ tìm thấy cái văn phòng dành cho người lang thang cơ nhỡ. Tại đấy người ta sẽ phát cho bạn chiếc vé ngủ không mất tiền, rồi hướng dẫn cách đi đến khu tiếp nhận như thế nào.
– Còn chần chừ gì nữa, phải nhanh chân mà tới chỗ đó thôi! – Mọi người lại nhao nhao bàn tán.
Cứ như vậy các buổi chiều trôi nhanh. Hết chai rượu nọ đến chai rượu kia được đặt lên bàn kèm các món mồi tự làm, còn Vasia luôn ngồi ở chỗ trang trọng nhất từ nhà này tới nhà khác. Đến tối khi trở về nhà, hắn thường bị bà mẹ la rầy:
– Đừng có mà lê la các nhà mãi như vậy. Mày không thấy mắc cỡ hả con? Cả làng cứ ầm ĩ cả lên… Xóm giềng người ta chê cười cho… Mày còn trẻ, còn phải sống chứ con. Trong dòng họ nhà mình từ trước tới nay chưa ai bị tù đày bao giờ. Tự do vẫn là điều vô giá!
– Ôi dào… – Vasia phẩy tay – Mẹ chẳng hiểu gì cả, có giải thích cũng bằng thừa… Như mọi lần, Vasia sống ở nhà chừng hai tuần, chờ cho tới khi bà mẹ lãnh xong lương hưu đầu năm mới đi khỏi. Người ta nhìn thấy hắn bước lên xe buýt với bộ đồ da thuộc hầu như còn mới nguyên.
Vasia đã rời làng, dần dà người ta cũng quên hắn và cái nhà tù bên Đức. Cuộc sống hiện tại đâu có đơn giản. Ở thôn quê mọi thứ đều rệu rã. Đồng lương thì chậm trễ, mà phụ tùng thay thế cho máy móc nông nghiệp lại phập phù… Mùa gieo hạt sắp đến rồi, trong khi còn cả đống ruộng chưa kịp cày vỡ.
Từ sáng sớm trưởng thôn đã xuất hiện trong xưởng cơ khí:
– Mọi người còn chờ cái gì nữa đây?! Phải tự làm bằng sức của chính mình ấy.
– Nhưng sức người bì sao lại với máy móc kia chứ… – Ai đó lên tiếng.
– Hoặc là chúng ta từ bỏ tất cả rồi mang vợ con cuốn xéo khỏi đây, cùng nhau đi tới ngôi… nhà tù mà Vasia từng ngồi bên lò sưởi ấm cúng ấy. Ai có địa chỉ cái nhà tù đó không? Có ai ghi chép lời hắn kể không?
Thì ra chẳng ai nghĩ đến chuyện ghi lại… – Vậy thì hãy hồ hởi tiến ra cánh đồng phía trước. Chẳng ai vất vả giùm cho mình đâu, cũng như chẳng ai làm thay chúng ta cả. Không nên chờ đợi nữa. Thời gian không chờ đợi ai bao giờ đâu! Thời gian, quả thực đang trôi nhanh đến mùa xuân. Thử tính mà xem, đã là cuối tháng Một mất rồi. Tháng Hai đang ở ngay trước mặt. Cần phải chuẩn bị gấp. Kế đến là việc nọ tiếp nối việc kia. Nào bừa đất, gieo hạt, đánh luống… cứ thế cho đến tận mùa thu.
Tuy đang là cuối tháng Một, băng giá, tuyết rơi chất chồng. Nhưng ban ngày mặt trời sưởi ấm khiến băng bắt đầu tan chảy từ các mái nhà, làm thành những que nhũ tinh nghịch rủ xuống. Lũ trẻ ùa ra sân trường đón ánh nắng ấm áp, cả làng ngập tràn trong tiếng cười lanh lảnh của trẻ nít. Đó là dấu hiệu vô giá của sự tự do cùng mùa xuân đang đến.
Boris Ekimov (Nga)
Q. Long dịch