Coi các clip ở nước ngoài người ta gọt trái thơm, bỏ hết nguyên lớp thơm dày có chứa các mắt, nhanh chóng, xử lý gọn mà thương cách gọt thơm nước mình. Chắc chắn có người, không nói nam giới mà phụ nữ, cả đời chưa hề gọt một trái thơm. Thơm gọt sẵn bán ở chợ, siêu thị… mua về, rửa lại bằng nước muối (mục đích ăn không bị rát lưỡi), bỏ tủ lạnh, ăn sống, ép nước, ăn với đá đường, làm mứt… tiện lợi.
Để gọt thơm, trước hết phải có con dao thật bén, lưỡi mỏng là thứ không phải gia đình nào cũng có. Gọt xoay tròn trái thơm nhẹ nhàng sao cho đường cắt sắc, đẹp và không bị dập, mềm. Thể hiện đúng tính cần cù chịu khó, tiết kiệm của người Việt, bỏ đúng những gì cần bỏ. Có chị than thở, do mẹ mất sớm, chẳng ai bày mình cách gọt thơm nên không biết cách gọt cho đẹp.
Nhiều phụ nữ sống lâu năm ở nước ngoài nhưng vẫn duy trì cách gọt thơm kiểu truyền thống Việt Nam và tập cho con gái cách gọt thơm. Cũng có người cho rằng, do trái thơm ở nước ngoài có mắt cạn, gọt lớp vỏ đã không thấy mắt đâu nữa. Lại có người nói, gọt theo kiểu Việt rất mất thời gian, nếu mắt thơm sâu thì họ gọt bỏ hết lớp mắt do trái thơm của họ to, bỏ hết phần mắt không suy suyển gì mà ăn không bị rát lưỡi.
Nhiều nhà hàng Việt Nam có món cơm chiên dứa. Họ khoét ruột trái thơm, chừa vỏ nửa trái thơm để đựng cơm và trang trí thêm ít rau, củ… Tra Google, có rất nhiều cách gọt thơm. Có cách lấy mắt thơm bằng cái nhíp, gắp từng mắt, trái thơm thành phẩm có mặt ngoài như tổ ong, rất đẹp.
Lan man một chút, ra chợ thấy nhiều đàn ông rất khéo tay. Ví như anh bán thơm, nhìn bàn tay anh gọt trái thơm thật nhuyễn, sao mà khéo. Nghề dạy nghề thôi, ban đầu cũng lúng túng lắm, nhưng sau quen dần. Đó là lời anh bán thơm.
Cạnh hàng thơm là hàng quần áo, tiếp đó có hàng cá tươi (còn sống trong nước), xích chút có hàng rau, củ… Toàn các thanh niên trẻ đứng bán. Nói đến việc buôn bán ở chợ, người ta thường liên tưởng đến người phụ nữ.
Thế nhưng, gần như một quy luật khi tổng kết rằng, đàn ông thường chiếm vị trí đỉnh cao trong những công việc đòi hỏi sự khéo léo và chu đáo của phụ nữ như thợ may, đầu bếp, làm tóc, trang điểm… Và bán hàng ngoài chợ không nằm ngoài quy luật này. Biết bao doanh nhân thành đạt đã khởi nghiệp từ cái hàng nhỏ xíu trong chợ.
Bản tính nam giới thường trầm, ít nói, nhiều khi dẫn đến sự cách biệt, không hòa nhập với chung quanh. Bởi vậy, người đàn ông buôn bán đa phần có tính chan hòa, dí dỏm là một trong những yếu tố thu hút khách. Người trong cuộc cho rằng, buôn bán phải có duyên, biết lôi kéo khách hàng về mình một cách tế nhị. Biết ý người tiêu dùng (phụ nữ) là cả một bí quyết và nghệ thuật trong kinh doanh.
Để thấy, đôi khi chỉ cần gọt một trái thơm thật khéo léo, đã khiến cánh phụ nữ “nể nang” rồi. Yếu tố nữa là chiều khách. Một chia sẻ cho rằng, khách hàng là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất, khi khách cáu gắt đó là thông tin chân thật nhất.
Từ hàng trái cây đến gạo, mắm, đàn ông đều đảm đương được. Từ việc khéo léo gọt một trái thơm cho đến có sức khỏe để có thể giúp khách hàng (nữ) đưa vật nặng lên xe chẳng hạn; thêm nữa, họ không cò kè, có lời chút đỉnh họ bán ngay nên đánh đúng tâm lý người tiêu dùng.
Liên hệ trong gia đình, tất nhiên không ai yêu cầu người đàn ông phải biết gọt một trái thơm; vấn đề là, một gia đình có chồng/cha chan hòa, vui vẻ, tế nhị, thương vợ, chiều con… đó là thành công (với người phụ nữ) rồi. Và tất nhiên, vai trò của phụ nữ là tổ chức gia đình như kiểu gọt một trái thơm sao cho khéo léo, đẹp, tiết kiệm, không hoang phí.
Đi hết đoạn đường dài, nhiều người ngẫm lại, những điều ấy có “gian nan” lắm đâu mà sao con người ta cứ mãi đi tìm, rồi khát khao, tiếc nuối, ngậm ngùi cho rằng có được hạnh phúc khó như hái sao trên trời…