Đó là nhận xét của Roger Federer trước trận chung kết sau khi chứng kiến Jo-Wilfried Tsonga lần lượt đánh bại Novak Djokovic, Andy Murray và Grigor Dimitrov. Và đến lượt mình, Federer đã có dịp kiểm chứng “liệu Jo có gặp một ngày đẹp trời để thật sự chơi tốt hay không” như anh phát biểu.
Một thông tin khác giúp Tsonga tự tin trước trận đấu: anh từng đánh bại Federer hai lần. Đó là vào năm 2009 khi giải tổ chức ở Montreal, Federer đã dẫn trước 5-1 trong ván quyết định mà lại thua ở bàn tie-break. Lần thứ hai là tại Wimbledon 2011 khi Tsonga chơi thật tốt trong một thời gian dài. Vấn đề đối với tay vợt người Pháp, ngoài những chấn thương không tránh khỏi, là sự tự tin vì lối chơi của anh không có khoảng cách so với các tay vợt hàng đầu khác. Và một khi chơi đôi công tốt, Tsonga tạo được cách biệt bằng sự bùng nổ trong cú đánh thuận tay.
Việc xếp hạt giống thứ 13 tại giải giúp Tsonga không gặp sức ép về thành tích, dù người ta bắt đầu “thời sự hóa” anh sau khi lần lượt thắng Djokovic 6-2, 6-2, Murray 7-6 (5), 4-6, 6-4, rồi Dimitrov 6-4, 6-3. Trong khi đó, những trận thắng vất vả cùng trong ba ván của Federer trước Marin Cilic và David Ferrer ít thu hút hơn.
Tsonga chơi bùng nổ ở cú thuận tay có thể đánh bóng đạt vận tốc gần 150km/g
Và đúng như lo ngại của Federer, Tsonga phát huy tốt quả giao bóng. Tương tự trong trận bán kết thắng Dimitrov, dù tỷ lệ thành công của quả giao bóng đầu tiên chỉ đạt 50% trong toàn trận, nhưng Tsonga ghi điểm đến 94% từ quả giao bóng này để thắng 7-5, 7-6 (3) trong trận chung kết kéo dài 1 giờ 49 phút. Sau 10 bàn đầu diễn ra với nhịp độ tương đối lặng lẽ, trận đấu chỉ thật sự bùng lên khi Federer quyết định lên lưới để tăng sức ép lúc Tsonga bị dẫn 0-30. Ngay lập tức, Tsonga đáp trả bằng cú giao bóng ăn điểm trực tiếp, rồi cú đánh thuận tay cực mạnh có vận tốc lên đến 149km/g. Trong sáu bàn cầm giao bóng ở ván hai, Federer đều đối diện với nguy cơ thua bàn, trong đó có một nguy cơ thua trận ở tỷ số 5-4. Điều quan trọng nhất đối với Tsonga là anh không để cảm giác thất vọng xâm chiếm sau khi bỏ lỡ cơ hội, vẫn bình tĩnh thắng dễ bàn cầm giao bóng của mình. Trong bàn tie-break, Tsonga đã chơi bùng nổ và được tưởng thưởng ở cơ hội đầu tiên kết thúc trận đấu. “Hai năm trước, tôi bị chấn thương gối tại đây (phải khâu tám mũi). Nay tôi rất hài lòng khi trở lại với chiếc cúp”, Tsonga nói. Về phần mình, Federer thừa nhận anh đã không có một ngày thi đấu như mong muốn. Toàn trận, Federer thực hiện 26 cú đánh ăn điểm như Tsonga, nhưng phạm lỗi tự đánh hỏng nhiều hơn gấp đôi: 37 so với 18. “Tôi cảm thấy mình đã chơi chưa đủ hay để giành chiến thắng”, Federer nói với chút thất vọng vì đã ba lần thua trận chung kết trong mùa giải 2014.
Rogers Cup có lẽ là danh hiệu đẹp nhất trong sự nghiệp của Tsonga khi anh thắng cả bốn tay vợt trong Top 10 để trở lại Top 10 trong tuần này, đồng thời chấm dứt cơn khát thành tích sau 18 tháng. Đây là danh hiệu Masters 1000 thứ hai của Tsonga, sau Bercy 2008. Ngoài ra, anh còn trở thành tay vợt Pháp thứ hai kể từ Guy Forget tại Cincinnati 1991 đoạt giải Masters 1000 ngoài sân nhà. Tỷ số thắng thua của Tsonga trước Federer hiện giảm xuống còn 5-11.
Trong tuần này, hệ thống giải Masters 1000 tiếp diễn tại Cincinnati với đầy đủ các tay vợt hàng đầu, trừ Rafael Nadal đang dưỡng chấn thương cổ tay phải để có thể bảo vệ danh hiệu tại US Open. Nửa bảng trên tập trung các tay vợt hạt giống hàng đầu gồm Djokovic, Wawrinka, Ferrer và Dimitrov, trong khi nửa bảng dưới gồm Federer, Berdych, Raonic và Murray. Cincinnati cũng là giải WTA thi đấu cùng thời điểm và quy tụ các tay vợt nữ hàng đầu với Serena Williams là ứng viên nặng ký nhất. Tuy nhiên, dù đã từng đoạt danh hiệu tại tám thành phố khác nhau ở Bắc Mỹ, gồm Indian Wells, Los Angeles, New York City, Toronto, Scottsdale, Miami, Charleston và Stanford, nhưng Serena chưa hề đăng quang tại Cincinnati. Lần tiếp cận danh hiệu gần nhất của cô là năm ngoái khi thua Victoria Azarenka trong trận chung kết. Giải cũng chứng kiến sự trở lại của Simona Halep ở vị trí số 2 thế giới thay thế chỗ của Li Na.
Huỳnh Quang