Paul Finnis là Giám đốc Saigon Children’s Charity (SCC) – Tổ chức Từ thiện trẻ em Sài Gòn – vui vẻ, lịch thiệp theo kiểu “Ăng-lê”. Ông trông như một nghệ sĩ với mái tóc dài hơi xoăn. “Săn” được Paul để có vài tiếng đồng hồ trò chuyện không dễ. Paul cứ “thấp thoáng” liên tục. Lúc ở Hà Nội, khi ở văn phòng, lúc lại Đồng Nai… Chưa kể, có lần ông còn thành khẩn “xin lỗi và hứa sẽ đền bù” vì nhầm giờ cuộc hẹn mà khó khăn lắm chúng tôi mới sắp xếp được.
Paul có 18 năm làm việc và tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ ở Anh và Việt Nam, trong đó có Save The Children, Synergy, Breast Cancer Campaign. Ông từng nhận được nhiều giải thưởng từ Chính phủ Anh cho các hoạt động này.
____
Xin chào Paul! Sống ở Sài Gòn đã bốn năm, ông đã có cảm giác mình là “người Sài Gòn” chưa?
Hồi mới đến Sài Gòn, tôi cũng mất một thời gian để làm quen cuộc sống mới. Đặc biệt khi đây là công việc làm ở nước ngoài đầu tiên của tôi. Tôi nói tiếng Việt được “chút xíu” thôi! Tôi thực sự xấu hổ vì điều này. Gần đây tôi “tự cam kết” sẽ học nhiều tiếng Việt hơn nữa và tôi cũng có nhiều bạn bè Việt Nam đấy.
Món ăn Việt Nam thì quá tuyệt rồi! Tôi ăn các món ăn Việt Nam hằng ngày, tôi thích chả giò, bò kho. Tôi đặc biệt thích ăn phở. Ban đầu tôi chỉ nghĩ nó là một loại soup (canh) cho buổi sáng. Nhưng sau đó, tôi thấy rất tuyệt vời khi ăn phở vào cả buổi trưa, sau khi chạy trên đường vài ba tiếng (từ 6 giờ sáng) tô phở khiến tôi có cảm giác như vẫn còn là sáng sớm!
Tôi thường chạy xe máy hằng ngày từ Trần Não, quận 2 đến văn phòng SCC ở Trần Quốc Thảo, quận 3, hết khoảng 25 phút. Tôi bắt đầu chạy xe máy đi làm như vậy từ lúc sang đây được ba tháng. Ngày đầu tiên lái xe máy tôi thấy rất sợ xe cộ trên đường, nhưng sau đó thì quen dần.
____
Có điều gì ở đây khiến ông… không thích?
Sự ô nhiễm môi trường. Tôi rất lo lắng về chất lượng của nguồn nước. Quá nhiều số phận phụ thuộc vào nước mà nhiều người không có đủ nước dùng. Rồi các vấn đề như ô nhiễm, ngập nước… Tôi đặc biệt phẫn nộ khi thấy một số công ty quốc tế đã “quên mất” những giá trị tốt đẹp của họ khi hoạt động ở Việt Nam, như gây ra ô nhiễm môi trường chẳng hạn. Họ làm những việc xấu mà có “nằm mơ” cũng không dám làm ở đất nước họ.
Tôi đặc biệt phẫn nộ khi thấy một số công ty quốc tế đã “quên mất” những giá trị tốt đẹp của họ khi hoạt động ở Việt Nam, như gây ra ô nhiễm môi trường chẳng hạn. Họ làm những việc xấu mà có “nằm mơ” cũng không dám làm ở đất nước họ.
Tại sao SCC lại công khai tài chính vậy ông? Nhiều người ngạc nhiên khi đọc thấy các số liệu tài chính của SCC trên website.
Theo quy định của Ủy ban Từ thiện ở Anh (nơi chúng tôi đăng ký hoạt động) thì SCC phải công khai tài chính. Đây là điều rất tốt để cho các nhà tài trợ hảo tâm thấy được tiền của họ đã được sử dụng vào mục đích như thế nào. Có đến 88% số tiền gây quỹ sẽ được sử dụng trực tiếp vào các dự án cho trẻ em thiếu may mắn.
____
Ông Alain Cany – Chủ tịch Eurocham Vietnam, thành viên “hội đồng quản trị” của SCC cho biết SCC là một cái tên được “nhận biết” tốt. Điều này hẳn giúp việc gây quỹ dễ dàng phải không ông?
SCC là một quỹ cỡ “vừa”, hằng năm gây quỹ được khoảng 1,2 triệu USD. Những sự kiện như “Cuộc đua xích lô Sài Gòn” thì chúng tôi sẽ tìm nhà tài trợ riêng. May mắn là chúng tôi không phải quá khó khăn để quyên tiền cho SCC từ các doanh nghiệp và cá nhân ở châu Âu, Hongkong và Singapore. Việt Nam đang phát triển ở giai đoạn mà những đóng góp hảo tâm vào SCC có thể đem đến những kết quả rất “đáng đồng tiền bát gạo”. Ví dụ để xây một ngôi trường, cần đầu tư 20 đến 30 ngàn USD, nhà hảo tâm biết rằng ngôi trường sẽ được các em sử dụng và bảo quản, thầy cô sẽ được trả lương, và ngôi trường sẽ tồn tại lâu bền trong tương lai. Chứ thông thường, ở những nơi khác không dễ dàng để nhìn thấy đầu tư cho từ thiện mang tới những kết quả tuyệt diệu như thế nào.
____
Làm sao đánh giá được hiệu quả một NGO (tổ chức phi chính phủ), thưa ông? Ai cũng bảo mình “hay ho”, luôn giúp đỡ được người khác mà không cần đáp trả?
Nhiều NGO cho rằng, họ đang làm việc tốt, thế là đủ! Bạn có thể đánh giá hoạt động của NGO qua nhiều tiêu chí, nhưng đơn giản nhất là hỏi người đang được hỗ trợ ấy. Các em và gia đình.
Theo tôi, đánh giá hoạt động NGO không đơn giản là định lượng theo kiểu như: đã gửi tặng bao nhiêu quyển sách, giảm bao nhiêu tỷ lệ trẻ bỏ học, hay đã xây bao nhiêu trường học. Hãy hỏi, liệu những gì chúng tôi đang làm có giúp các em học tốt hơn, hay chịu khó ở lại trường không? Hoặc giúp các em tìm được việc làm tốt không? Các em có hạnh phúc hơn, tự tin hơn không? Điều này là cốt lõi vì nó đảm bảo mỗi “đồng” dùng vào sự phát triển cộng đồng được dùng tốt, không lãng phí.
____
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mục tiêu của SCC?
SCC là một NGO quốc tế nhưng chỉ mới hoạt động ở Việt Nam gần 20 năm. Chúng tôi xây dựng nhiều trường học, nhà trẻ, trao nhiều học bổng cho các em. Sứ mạng của SCC là “Vì một cuộc sống không nghèo khó”. SCC mong muốn “vực dậy” trẻ em và gia đình ra khỏi nghèo đói, bằng việc đảm bảo họ nhận được nền tảng giáo dục tốt.
Trong hơn mười năm gần đây SCC đã hỗ trợ cho hơn 40 ngàn trẻ em đi học, dưới nhiều hình thức khác nhau. Chương trình hỗ trợ giáo dục của SCC bao gồm cả học chính thức và học nghề, tại Trường dạy nghề Thăng Long và Trường Nghiệp vụ Khách sạn Sài Gòn. Tại Trường dạy nghề Thăng Long, nhiều trẻ em kém may mắn được học miễn phí những chương trình giáo dục có chất lượng cao. Đặc biệt, nội dung được biên soạn theo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Làm sao cho khi tốt nghiệp, các em có nhiều khả năng tìm được công việc có mức lương tốt.
____
Liệu chúng ta có thể nói rằng hiện nay đưa một đứa trẻ nghèo đến trường không phải là chuyện khó?
Đúng là việc đưa trẻ em từ các gia đình nghèo đến trường ngày càng dễ dàng hơn. Tuy vậy, chúng tôi cũng phải chật vật “chiến đấu” để giữ các em ở trường đủ lâu. Tại Trường Thăng Long, các em được chuẩn bị những kỹ năng như tiếng Anh, vi tính, và được giúp tìm được việc làm tốt. Làm sao để giúp các em hòa nhập được với công việc, làm sao đảm bảo giúp chúng những kỹ năng bổ ích và hấp dẫn được nhà tuyển dụng, đó là những trăn trở của chúng tôi! Có những em từ mái Trường dạy nghề Thăng Long được tuyển vào Ngân hàng HSBC, Khách sạn Renaissance… nữa đấy. Ngoài ra chúng tôi mong muốn mở những lớp kỹ năng giao tiếp cho các em. Chúng tôi còn dạy cho các em cả những kỹ năng nghệ thuật như vẽ, chụp hình…
Vấn đề “cơm áo gạo tiền hằng ngày” rất phổ biến trong các gia đình nghèo. Chúng tôi từng gặp thách thức lớn ở Tây Ninh khi hỗ trợ các em 16-17 tuổi đến trường. Nhiều cám dỗ khiến các em bỏ học. Ví dụ, nếu đi làm sẽ được nhận lương 2 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền “trong mơ” có thể phụ giúp đáng kể cho gia đình nghèo của mình. Nhưng các em cũng có thể đi buôn lậu qua biên giới kiếm nhiều tiền. Các em và bố mẹ không hình dung được liệu giáo dục sẽ giúp ích cuộc sống của các em như thế nào trong tương lai. Vì vậy, SCC còn muốn hằng tháng có thể hỗ trợ cho các em một số tiền, để các em yên tâm học tập. Như vậy may ra mới phá vỡ được “cái vòng luẩn quẩn” của sự thất học và nghèo đói.
____
Tiếp xúc nhiều với các em, có câu chuyện nào làm ông nhớ mãi?
Tôi cảm phục các em và gia đình mà chúng tôi làm việc hằng ngày. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, đa phần các em vẫn cam kết đi học và trên môi luôn có nụ cười. Đặc biệt, hình ảnh một cậu bé và bà mẹ nuôi luôn hiện lên trong tôi. Cậu bé bị bỏ rơi được người phụ nữ tìm thấy ở một khu rừng. Bà nhận em làm con nuôi mặc dù bà rất nghèo khó mà cậu lại bị bệnh tim. Sẽ khó khăn để chữa trị và tốn nhiều tiền lắm đây. Bị chồng bỏ, bà tự mình nuôi cậu bé, xoay xở làm việc và đưa cậu đi học mỗi ngày. Bệnh tật của cậu ngày càng tệ hại hơn, nhưng cậu vui thích được đến trường. Khi gặp tôi, môi cậu bé đã tím tái. Cậu không chơi đùa chạy nhảy với các bạn được vì hơi thở ngắn. Mẹ nuôi đã tìm mọi cách để giúp cậu nhưng bệnh viện địa phương không chữa nổi, vì không đủ máy móc, kỹ năng. Chúng tôi đã kết nối cậu bé với đồng nghiệp ở Quỹ Vina Capital. Họ đã nhận lời giúp và may mắn thay một bác sĩ tình nguyện nhận chữa trị cho cậu. Cậu bé đang hồi phục. Mặc dù chưa chơi bóng đá được với bạn nhưng cậu đã dễ thở hơn rất nhiều. Sự quyết tâm mạnh mẽ của con người như vậy khiến tôi nghĩ rằng mình không nên than phiền về bất cứ điều gì khác nữa!
____
Ông có nghĩ rằng xã hội hiện nay rất nhiều người có nhu cầu (people in need) được giúp đỡ phải không ông?
Tôi không thích dùng từ “people in need” – “người có nhu cầu” bạn ạ. Chúng ta người giàu cũng như người nghèo khó đều là những người có nhu cầu cả thôi. Nhìn chung nhu cầu của con người na ná nhau: đủ thức ăn, có mái nhà che nắng mưa và công việc ổn định.
Tôi thấy, nhiều trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn vì chính cái nhìn của xã hội. Nhiều người nghĩ rằng, trẻ em nghèo, gia đình nghèo thì cuộc sống buồn bã, bất hạnh, luôn gặp điều không may. Và nghĩ là họ không có gì cho người khác, mà chỉ chờ người khác chăm sóc họ thôi. Thật ra, tôi thấy nhiều gia đình Việt Nam tuy nghèo nhưng quây quần bên nhau, tình cảm gia đình rất nồng ấm. Các em được sống với đại gia đình, không chỉ bố mẹ anh chị em mà cả ông bà, cô chú, cậu dì, rồi bạn bè làng xóm nữa. Hạnh phúc đó không dễ gì có được!
Thậm chí tôi còn nghĩ, các em có thể lựa chọn một công việc ít tiền hơn, nhưng được sống với gia đình. Vì niềm hạnh phúc được sống với gia đình một cách bình an, trong một xã hội ngày càng công nghiệp hóa, không dễ gì có được!
Tôi thấy nhiều gia đình Việt Nam tuy nghèo nhưng quây quần bên nhau, tình cảm gia đình rất nồng ấm. Hạnh phúc đó không dễ gì có được!
____
Ông có gặp khó khăn gì lúc bắt đầu công việc mới ở đây?
Lần đầu tiên làm việc ở nước ngoài, nên tôi phải học hỏi rất nhiều. May mắn là nhân viên rất kiên trì với tôi. Phương pháp chính của tôi là để mọi người tự do phát triển và hoàn thành trách nhiệm của mình, dù vẫn được tôi và đồng nghiệp khác hỗ trợ khi cần. Tôi nhận ra có những nhân viên lúc đầu đã hơi “mệt” với cách làm việc này. Nhưng khi nắm bắt được thì họ trưởng thành nhanh chóng. Họ tự học từ những sai lầm thiếu sót của bản thân.
Là tổ chức NGO quốc tế, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy mình là NGO Việt Nam vì chỉ có hai nhân viên người nước ngoài trên hơn 20 nhân viên. Mơ ước của tôi là ngày nào đó một người Việt Nam sẽ sớm nắm vị trí của tôi và làm trưởng bộ phận gây quỹ.
____
Những lúc stress vì công việc thì ông làm sao để “thoát” ra?
Được làm công việc mình yêu thích nên tôi cũng ít căng thẳng. Nhất là khi thấy các em có nghị lực mạnh mẽ vượt khỏi hoàn cảnh khó khăn, tôi như được truyền thêm năng lượng trong cuộc sống. Tôi cảm thấy mình rất may mắn hơn nhiều người nên ít than phiền.
____
Thú giải trí của ông là…?
Tôi rất thích đi du lịch. Tôi mơ ước được đến tất cả các nước trên thế giới! Sẽ rất thú vị để khám phá sự khác biệt ở mỗi vùng, miền ở các nước khác nhau. Tôi cũng muốn tham gia các hoạt động thiện nguyện khi đi du lịch nữa. Tôi cũng mơ ước lập một trang trại sinh thái “xanh”.
____
Theo ông, làm sao để phát triển du lịch Việt Nam tốt hơn?
Thẳng thắn mà nói tôi nghĩ du lịch Việt Nam cần cải thiện hai lĩnh vực: dịch vụ khách hàng và chú ý tới chi tiết. Hai yếu tố này chưa hoàn thiện, cộng với chi phí cao so với những điểm đến tương tự ở châu Á sẽ tiếp tục giới hạn du lịch Việt Nam lại. Việt Nam rất may mắn nằm trong danh sách “điểm đến” của nhiều người và sẽ còn thế vài năm nữa. Nhưng, Việt Nam là điểm đến “chỉ một lần thôi”, đối với nhiều khách du lịch, không giống như Thái Lan. Người ta đến Thái Lan rồi quay lại mỗi năm. Tôi nghĩ Việt Nam nên làm sao để được như vậy, nếu muốn có vị trí đáng kể trên thị trường du lịch. Và còn một điều nho nhỏ nữa, nếu bạn đi du lịch bằng đường bộ thì cần phải có nhà vệ sinh tốt – hiện giờ nó hơi… kinh khủng quá.
____
Thế người Việt Nam thì thế nào ông?
Tôi hay kể cho bạn tôi nghe câu chuyện về người Việt Nam. Khi họ nhìn bạn, họ không mỉm cười ngay đâu, nhưng nếu bạn cười với họ thì họ luôn cười với bạn với cả trái tim! Những nụ cười như vậy luôn sưởi ấm trái tim tôi. Đa số người Việt Nam rất rộng rãi và hài hước nữa. Tôi rất kính trọng đất nước và con người Việt Nam. Tuy vậy, bức tranh của tôi về Việt Nam hơi xấu đi một chút, khi tôi tìm nhà thuê lại gặp phải những chủ nhà tham lam và ích kỷ. May mắn thay, cuối cùng tôi gặp được chủ nhà tuyệt vời hiện nay.
____
Có khi nào ông nghe nói đến những tiêu cực trong hoạt động từ thiện ở Việt Nam không? Ở Anh thì những tổ chức và hoạt động từ thiện có được tin tưởng không?
Tôi được biết người Việt Nam thường nói “Lá lành đùm lá rách”, có sự đóng góp của truyền thống giúp đỡ lẫn nhau như vậy là rất đáng quý. Tại Việt Nam tôi rất vui khi thấy rất nhiều hoạt động doanh nghiệp để phát triển cộng đồng. Không chỉ ở doanh nghiệp mà nhiều cá nhân cũng có lòng hảo tâm đóng góp. Có thể nói, “nhà nhà làm từ thiện, người người làm từ thiện” là điều rất đáng tôn vinh. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu các hoạt động từ thiện được quy tụ về một số đầu mối chuyên nghiệp thì việc hỗ trợ cộng đồng sẽ có hiệu quả tốt hơn.
Ở Anh, theo các nghiên cứu chính thống thì bộ phận NGO là một trong những nhóm được tin tưởng nhất trong xã hội, vượt xa các nhóm truyền thông, chính trị gia, nhà kinh doanh. Các tiêu chí để so sánh là: chất lượng dịch vụ, cách tiêu tiền, báo cáo tài chính thể hiện minh bạch. Điều này thực sự có ý nghĩa vì chứng tỏ người dân tin rằng đồng tiền đóng góp từ thiện thì sẽ được dùng đúng mục đích và mang lại hiệu quả.
____
Phải chăng đóng góp cho cộng đồng đã trở thành một phần của văn hóa của các doanh nghiệp châu Âu?
Theo tôi biết đại đa số các doanh nghiệp trong Eurocham đều đóng góp cho cộng đồng như tham gia cứu trợ đồng bào bị thiên tai, hay trao học bổng cho học sinh nghèo. Một trong những nhà hảo tâm của chúng tôi là Lufthansa HelpAlliance đóng góp 50 ngàn USD một năm.
Theo tôi, có rất nhiều việc phải làm để xây dựng niềm tin giữa những nhà hảo tâm tiềm năng (cá nhân và công ty) và những NGO địa phương Việt Nam. Tiến trình này sẽ mất thời gian nhưng cần thiết phải tới đó, vì những nguồn tài trợ quốc tế đang suy giảm trong mười năm sắp tới. Tôi nghĩ rồi đây nguồn tài trợ cần phải thực hiện bằng sự đóng góp của người Việt Nam. Hiện nay nhiều doanh nhân ở Việt Nam khá giàu, vì vậy nếu huy động được hỗ trợ tài chính từ họ sẽ giúp cho NGO rất nhiều. Ngoài ra, các NGO ở Việt Nam cũng có thể tìm đến một số nguồn quỹ trên thế giới như Bill Gates and Melinda, Children for A BetterWorld, JP Morgan (tại châu Á).
Ở Việt Nam có rất nhiều cá nhân hoạt động cộng đồng rất tốt. Đặc biệt mọi người rất có “tấm lòng” vì những người thiếu may mắn. Thái độ của con người là rất quan trọng.
____
Nghe nói, SCC có hợp tác với cả các NGO khác ở Việt Nam?
Vâng. Chúng tôi đang hỗ trợ một số NGO về phương thức làm việc, triển khai hoạt động và quản lý. Chúng tôi kết nối họ với các nguồn hỗ trợ tài chính hoặc các đối tác. Trong đó có tổ chức Hy Vọng ở quận Bình Thạnh, nơi có mái ấm cho trẻ em bị khiếm thính, thường các em phải mất gấp đôi thời gian để học. Tôi thấy ở Việt Nam có rất nhiều cá nhân hoạt động cộng đồng rất tốt. Đặc biệt mọi người rất có “tấm lòng” vì những người thiếu may mắn. Thái độ của con người là rất quan trọng trong hoạt động của NGO.
Cá nhân tôi cam kết hỗ trợ xây dựng một lực lượng NGO phát triển mạnh mẽ, lành mạnh và đầy sức sống ở Việt Nam. Điều này là cần thiết vì đất nước các bạn và nên giảm sự phụ thuộc vào những tổ chức phi chính phủ quốc tế.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.