Viết về Ấn Độ, là viết về một bề tầng thâm sâu và minh triết siêu hình. Với ‘Truyện ngắn về Ấn Độ’ (NXB Kim Đồng, 11.2023), Hồ Anh Thái chạm đến văn hóa của quốc gia Nam Á này từ chiều kích xã hội và chiều sâu tâm linh, và kết lắng những tham chiếu nào đó dành cho chính chúng ta.
Người viết tình cờ đọc được trên mạng một câu hỏi thú vị, tưởng như rất đặc thù, nhưng rất đỗi phổ quát: “Là người Ấn Độ, tại sao tôi nên đọc sách của tác giả nước ngoài viết về đất nước mình?”. Có thể thay thế “Ấn Độ” bằng “Việt Nam” hoặc bất kỳ quốc gia nào khác mà chúng ta có tư cách công dân. Có câu trả lời rằng, tác giả thì không có quốc tịch, một tác phẩm xuất sắc là tác phẩm vượt ra khỏi mọi ranh giới biên ải và nhận chân được văn hóa, con người bản địa.
Người cực đoan hơn lại nói, làm sao có ai hiểu chúng ta hơn chính chúng ta? Mọi cây viết nước ngoài, khi viết về một quốc gia hay dân tộc nào đó, chẳng qua là chỉ tạo ra một mô hình diễn giải, trong đó khách thể hóa đối tượng được viết đến. Những gì được mang lại không phải là hiện thực đời sống sinh động, chỉ là một phóng chiếu qua lăng kính chứa sẵn tiên kiến của nhà văn, người vốn chỉ là một “kẻ khác chuộng lạ” (exoticism).
Tiểu thuyết Đường đến Ấn Độ của nhà văn Anh E. M. Forster (được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 100 tiểu thuyết xuất sắc nhất), dù thể hiện đặc sắc những sắc thái văn hóa của Ấn Độ và đặt chúng bên cạnh chủ nghĩa thực dân Anh, vẫn làm dấy lên tranh luận về những vấn đề hậu thuộc địa và nữ quyền.
Nhưng cái nhìn khác đôi khi cũng phát sinh giá trị mới cần thiết, nhất là từ bối cảnh liên văn hóa. Với những đối tượng được người ta viết về họ, những góc chết sau lưng vốn không thể được tự thấy, nay được soi chiếu “hộ”. Hay những chuyện mặc nhiên thường ngày, vốn chẳng sản sinh nhiều thắc mắc, lại hiện ra những khía cạnh lạ lẫm dưới con mắt của người ngoài. Đấy là lý do tại sao nhiều người Ấn Độ rất thích thú khi được đọc các tác phẩm của người nước ngoài viết về họ. Còn người viết, khi nhìn vào một con người, văn hóa khác, là chính họ đang tạo ra một đối sánh tham chiếu nội tâm cho văn hóa của chính mình.
Riêng Hồ Anh Thái với Ấn Độ có những trải nghiệm đặc biệt. Năm 1987, nhà văn, lúc bấy giờ mới ra quân và trở lại công tác trong ngành ngoại giao, sang nghiên cứu và làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, sinh sống tại đất nước này sáu năm cho đến năm 1994. Truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng kim tước được Hồ Anh Thái viết năm 1994, và trở thành tên gọi của tập truyện ngắn mang cảm hứng Ấn Độ chủ đạo cùng tên xuất bản lần đầu năm 1998, là thành tựu của thời gian nghiệm sinh này.
Đôi dòng chấm phá lý lịch làm gợi nhớ tới một thi hào nổi tiếng khác, Octavio Paz. Paz vốn là một nhà thơ Mexico, người đoạt giải Nobel và đồng thời là một cựu đại sứ, sau khi trải qua những nhiệm kỳ công tác tại Ấn Độ (từ 1951 và từ 1962), ông đã cho ra đời tác phẩm Dưới ánh sáng của Ấn Độ. Tương đồng với Hồ Anh Thái, Paz rõ ràng là một người uyên bác, có kiến thức và khả năng phân tích sâu sắc đáng kinh ngạc, mặt khác, ba đất nước Ấn Độ, Mexico và Việt Nam đều từng có giai đoạn lịch sử phải gánh chịu chủ nghĩa thực dân. Điều này làm cho tác phẩm của cả hai thoát khỏi những khuôn mẫu tiêu chuẩn của phương Tây/kẻ khác vốn đã định hình hình ảnh toàn cầu của Ấn Độ.
Viết – Ấn – Độ, với Hồ Anh Thái, cũng là một sự phản tư, trong đó những ưu tư đời sống được chắt lọc, chưng cất và chiêm ngẫm qua nhân sinh quan Phật giáo.
Ấn Độ qua cái nhìn hời hợt đại chúng, chỉ biểu lộ một đời sống văn hóa có phần ca kỹ lê thê theo kiểu Cô dâu tám tuổi, chế độ đẳng cấp hà khắc, một bộ mặt cảnh quan nông thôn lẫn đô thị thậm chí có phần man di và thiếu vệ sinh… Đó mới chỉ là những chiều cạnh xã hội thể hiện trên bề mặt. Ẩn tàng phía dưới, thâm nghiêm và thiêng liêng, gần với Việt Nam hơn trong quá khứ, là một bề dày tâm linh – tư tưởng, cái nôi huyền bí của Phật giáo, những pho sử thi vĩ đại và tín điều tôn giáo diệu vợi.
Hẳn, như Paz, Hồ Anh Thái, sẽ chìm đắm vào say mê phân tích về thơ tiếng Phạn, khám phá những chủ đề trong triết học Ấn Độ và kinh điển Phật giáo, nghiên cứu so sánh về quan niệm thời gian trong vũ trụ học Ấn Độ, Trung Quốc, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo cũng như sự phá vỡ nó bởi ý tưởng hiện đại về tiến trình tuyến tính chẳng hạn.
Nhưng ga đi văn chương về Ấn Độ của Hồ Anh Thái, giống như hành trạng của Siddhartha, cũng phải tiệm ngộ từ phàm đến thiêng, từ đời đến giác ngộ, từ bề mặt đến bề sâu, từ xã hội đến tư tưởng. Mượn lời mở đầu cuốn biên khảo Namaskar! Xin chào Ấn Độ (2008) của chính tác giả, văn hóa Ấn Độ đối với ông “càng bơi càng khó thấy bờ”, “luôn luôn là một bảo tàng sống” và “lưu giữ hầu như nguyên vẹn mọi thứ. Không phải lưu giữ hiện vật chết trong bảo tàng, mà lưu bằng cả một đất nước, một xã hội sống động”.
Hai phương diện xã hội trình hiện rõ nét nhất trong các truyện ngắn về Ấn Độ của Hồ Anh Thái, là diện mạo cảnh quan và thân phận những người yếu thế. Diện mục Ấn Độ, dù là nông thôn hay đô thị, đều tồn hiện những lạc hậu, đối lập, giữa một bên là rác rưởi trôi nổi còn bên kia là đền đài nguy nga (Đàn kiến), một sinh thái bị đe dọa cả bởi sản xuất công nghiệp lẫn sinh hoạt đời sống và tâm linh (Người đứng một chân, Chia lìa, Vốc nước trong lòng bàn tay): nhà máy chất dẻo bao cao su gây thảm họa ô nhiễm cho môi trường, còn đàn bà bị chất thải của nhà máy làm cho vô sinh, người dưới mức trung lưu ở nông thôn hay thành thị đều hầu như không xây nhà vệ sinh…
Phụ nữ và trẻ em, hai đối tượng yếu thế được đề cao tôn trọng và bảo vệ nhất trong một xã hội tiên tiến văn minh, thì lại là hai đối tượng chủ yếu phải chịu sự câu thúc đến từ hủ tục vô nhân, định kiến giới và sự phân biệt đối xử, cũng như thảm trạng đói nghèo cùng cực ở Ấn Độ. Sông cạn khái quát điều này đã là một quy luật phũ phàng trong lịch sử: “Toàn bộ phụ nữ và trẻ em trong thành sẽ nhảy vào giàn thiêu”. Còn ở thế giới hiện đại, trẻ em không bị đưa vào các trại trẻ vô gia cư và khu ổ chuột, thì nhiều em bị bán vào nhà chứa như một loại mặt hàng, bị bạo hành và quấy rối.
Bi kịch của phái yếu, như Sabana (Đi khỏi thung lũng mới đến nhà), Nilam (Tiếng thở dài qua rừng kim tước), cô bé Kamla (Đàn kiến) đều là kết quả của việc nhà văn điển hình hóa thông qua văn chương và truy tìm căn nguyên từ cấu trúc xã hội. Quyền nhân thân quan trọng nhất – tự định đoạt số phận – đều nằm ngoài tầm tay họ, khi phải phụ thuộc vào cha mẹ, vào phong tục, tập quán, vào nhà chồng.
Rời khỏi mê cung u uẩn chốn đô thành, Hồ Anh Thái thả bước tới rừng cây nhiệm mầu, nơi chứng kiến bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật. Mọi hành trình của nhà văn ở địa hạt rừng cây tâm linh đều là Những cuộc kiếm tìm (tên một truyện ngắn thời kỳ đầu của nhà văn), khởi thủy từ suối nguồn thiêng liêng Ấn Độ. Truyện ngắn Tìm, khởi đầu chỉ như một ghi chép du khảo dân tộc chí ở vùng biên giới Nepal – Ấn Độ, với những quan sát “mắt thấy” của người kể (nhà văn) về kiến trúc, hội họa, để rồi đưa “tai nghe” người đọc vào thinh không, một tiếng chuông dẫn dắt tìm đến trạng thái thiền, không còn cái duy nhất nữa, chỉ còn Không. Hay Ahimsaka, nhân vật chính của truyện ngắn Kiếp người đi qua, cũng trải qua một cấu trúc ba hồi để tìm đến đạo: xuất thân giỏi giang, thông minh, để rồi lầm lỗi biến thành tên cướp đường tàn bạo, song được Đức Phật khai thị để phục thiện và giác ngộ trở thành bậc chân tu.
Đối thoại liên văn hóa Việt – Ấn được Hồ Anh Thái khái quát nhất thông qua hai truyện ngắn, hai thái cực đối lập. Nếu Không ra nước mắt hóa giải hoàn cảnh trớ trêu của một cô gái Việt Nam nơi đất khách xứ người bằng sự cưu mang ấm áp của gia đình một chàng trai Ấn Độ, thì cũng trên miền đất đó, là những lệch pha đến từ sự khác biệt văn hóa qua truyện ngắn Người lái xe ở sứ quán (“Đang ở Việt Nam muốn gì làm nấy, muốn gì ăn nấy, muốn bày bừa thì bày bừa, sang đến đây như sang một thế giới khác hẳn”). Viết – Ấn – Độ, với Hồ Anh Thái, cũng là một sự phản tư, trong đó những ưu tư đời sống được chắt lọc, chưng cất và chiêm ngẫm qua nhân sinh quan Phật giáo.
Vậy thử hỏi người Ấn Độ nghĩ thế nào về Hồ Anh Thái và những tác phẩm của ông? Xin dẫn lại nhận định của một người Ấn, tiến sĩ văn học K. Pandey, đã đăng trên tờ The Hindustan Times, rằng tập truyện ngắn viết về Ấn Độ của Hồ Anh Thái là “những mũi kim châm cứu Á Đông đã điểm trúng huyệt tính cách Ấn Độ”, khiến họ đã “nhìn thấy đúng cái bóng đang quẩn dưới chân mình”.
- Xem thêm: Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên