Hoạt động thay đổi danh mục đầu tư của các quỹ ETF trên thị trường chứng khoán tưởng chừng không có gì đáng nói bỗng trở nên “dậy sóng” với lần tái cơ cấu danh mục tháng 9 này. Những phiên tăng trần, giảm sàn liên tục của cổ phiếu BID (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam), xuất phát từ những thay đổi của hai quỹ ETF, khiến nhiều nhà đầu tư phải lao đao.
Cụ thể, ngày 4-9, quỹ FTSE công bố rằng trong kỳ điều chỉnh danh mục quý III-2015, FTSE Vietnam Index thêm ba cổ phiếu là BID, PDR và TTF vào danh mục. Ngay sau khi có thông tin này, phiên giao dịch tiếp theo (7-9), cổ phiếu BID bắt đầu tăng tốc. Đà lên của BID càng được tăng cường khi sáng 12-9, quỹ VNM ETF công bố thêm BID vào rổ Market Vectors Vietnam Index với tỷ trọng cao nhất (8%) trong danh mục mới. Cần biết rằng tỷ trọng này tương đương với 30-35 triệu cổ phiếu, tức là trong một thời gian ngắn họ sẽ phải mua vào số lượng rất lớn BID.
Không cần phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng thấy được cơ hội ngắn hạn từ việc đầu cơ BID. Chỉ cần mua được cổ phiếu này, sau khi hàng về tài khoản (T +3) đem bán ngay, lợi nhuận 10 – 20% trên danh mục hoàn toàn là có thể. Thực tế thị trường có vẻ cổ xúy cho lối suy nghĩ đó. Mở cửa phiên giao dịch tiếp theo (14-9), BID nhanh chóng đạt mức trần để rồi khi kết thúc phiên lượng dư mua giá trần lên đến hàng triệu cổ phiếu. Ngày tiếp theo (15-9), BID nhanh chóng đạt giá trần (đạt 28.500 đồng/cổ phiếu – mức giá cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu này). Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục mua vào. Riêng khối ngoại đã mua ròng tới hơn 155,2 tỉ đồng (hơn 5,46 triệu cổ phiếu) trong phiên giao dịch này. BID thực sự trở thành “ngôi sao sáng” trên thị trường.
Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi chỉ sau một phiên giao dịch. Cuối ngày 15-9, ETF Market Vector Vietnam ETF bất ngờ thông báo về kết quả rà soát danh mục cổ phiếu quý III-2015, theo đó Market Vectors Vietnam Index sẽ không đưa cổ phiếu BID vào danh mục. Ngày 16-9, đến lượt FTSE thông báo điều chỉnh danh mục và BID cũng là cái tên bị đưa ra khỏi danh sách. Nguyên nhân, hai quỹ này cho biết là do họ đã tính sai tỷ lệ cổ phiếu BID tự do chuyển nhượng, khi bỏ qua yếu tố từ việc sáp nhập Ngân hàng MHB.
Vậy là, thay vì lệnh mua, giới đầu tư đua nhau bán BID. Hàng triệu cổ phiếu BID được bán với giá sàn, thanh khoản đóng băng liên tiếp hai ngày giao dịch 16 và 17-9. Chỉ đến ngày 18-9, cùng với sự hưng phấn của thị trường, đà giảm của BID mới bớt dần. Chỉ cần vậy thôi, những nhà đầu tư lỡ mua BID ở mức giá đỉnh ngày 15-7 đã thiệt hại trên 15% rồi.
Thực ra, trong đầu tư chứng khoán, việc giá cổ phiếu lên xuống mạnh không phải có gì mới, tuy nhiên, việc một cổ phiếu đang “dư mua giá trần” chuyển sang “dư bán giá sàn” chỉ sau một phiên như BID là điều hiếm.
Bỏ qua câu chuyện lời lỗ, bởi mỗi nhà đầu tư đều có triết lý và nguyên tắc riêng và chấp nhận một mức độ rủi ro tương ứng. Điều đáng nói ở đây, truyền thông từ việc thông báo mua vào, cho vào rổ danh mục, rồi lại bị loại ra khỏi rổ của các quỹ ETF như vậy là không ổn. Quy trình công bố thông tin cần phải minh bạch hơn, thông tin được công bố chính thức phải được kiểm soát kỹ hơn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cá nhân cũng phải thận trọng và kiểm tra thật kỹ hơn thông tin trước mỗi động thái mua vào/bán ra cổ phiếu. Cuối cùng, những biến động ngắn hạn của thị trường chung cũng như từng cổ phiếu nói riêng cũng đã và đang tiềm ẩn những rủi ro bất ngờ đối với những người theo trường phái lướt sóng, vốn được nhiều nhà đầu tư cá nhân yêu thích hiện nay.
Ngọc Khang (DNSGCT)