Lần đầu tiên, trên sàn diễn của Triển lãm ôtô Việt Nam sẽ có mặt một thương hiệu đến từ nước Pháp từng rất quen thuộc với người Việt: Renault.
Và mặc dù không cùng hiện diện tại sự kiện này (sẽ khai mạc vào ngày 23-10 tới tại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Sài Gòn, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) song Citroën và Peugeot – hai thương hiệu xe hơi nổi tiếng khác của người Pháp cũng và đang chuẩn bị ngày chính thức trở lại tại thị trường Việt Nam.
Bộ tứ quyền lực
Không phải xe Nhật, xe Đức hay xe Mỹ, mà chính những chiếc xe hơi “made in France” mới lăn bánh sớm nhất trên đường phố Việt Nam. Từ năm 1927, Citroën đã có showroom chính hãng tại Sài Gòn. Hiện nay, trong các hội chơi xe cổ vẫn còn những chiếc Citroën được sản xuất thời kỳ 1930-1940. Cùng với những thay đổi của lịch sử, những chiếc xe Ford, Jeep của Mỹ tràn vào miền Nam và xe Volga ở miền Bắc, khiến thị phần của xe Pháp ngày càng bị thu hẹp và rồi gần như mất hẳn sau khi các đại lý Citroën, Renault, Peugeot rút khỏi thị trường sau năm 1975.
Pháp là một trong những cường quốc về sản xuất ôtô của châu Âu. Bốn thương hiệu lớn của xe hơi Pháp có thể kể đến là Citroën, Renault, Peugeot và Bugatti (nổi tiếng với chiếc Veyron 16.4 – siêu xe nhanh nhất thế giới). Trừ Bugatti chuyên sản xuất siêu xe thể thao, cả Citroën, Renault, Peugeot đều là những thương hiệu xe phổ thông.
Phát triển nhờ liên minh
Trong bộ tứ nói trên, từ năm 1998, Bugatti đã thuộc quyền sở hữu của Volkswagen – tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Đức đang mang tham vọng trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, còn Citroën, Renault và Peugeot thì đều phát triển thành những liên minh quốc gia và quốc tế.
Đầu tiên, phải nhắc tới một “liên minh kỳ lạ” trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới. Được thành lập từ năm 1899, đúng 100 năm sau (năm 1999), Renault hợp tác với Nissan lập ra Tập đoàn Renault – Nissan, tạo thành một liên minh Âu – Á đầu tiên và là nhà sản xuất xe hơi lớn thứ ba của châu Âu. Renault còn tiếp tục mở rộng vị thế quốc tế của mình sau khi mua tới 99,43% cổphần nhà máy sản xuất ôtô Dacia của Rumania và 80,1% cổ phần của thương hiệu ôtô Samsung. Ngoài ra, để Renault không rơi vào tay ngoại quốc, Chính phủ Pháp hiện vẫn nắm giữ 15% cổ phần của thương hiệu này.
Ra đời không lâu sau Renault (năm 1919), Citroën cũng là một thương hiệu xe hơi lâu đời của Pháp, được xem là nhà sản xuất xe hơi trên dây chuyền hàng loạt thứ hai trên thế giới bên ngoài nước Mỹ. Gia đình Peugeot vốn xuất thân từ những nhà sản xuất cà phê và xe đạp, đã mua lại gần 40% cổ phần của Citroën vào năm 1974 khi hãng xe từng đứng đầu châu Âu và đứng thứ tư thế giới này gặp khó khăn. Đến năm 1976, Tập đoàn PSA Peugeot – Citroën chính thức ra đời.Peugeot và Citroën chia sẻ một số công nghệ nhưng độc lập về thương hiệu và kinh doanh.
Thị trường chính của Renault, Peugeot và Citreon là châu Âu, trong đó dẫn đầu là Pháp và các nước Nam Âu. Sản phẩm chủ lực của cả ba thương hiệu này đều là các dòng xe nhỏ và hạng trung phổ thông. Nhìn chung, dòng xe châu Âu luôn được đánh giá cao về thiết kế lịch lãm và độ an toàn cao nhưng sự xâm lấn của các thương hiệu xe Mỹ, Nhật và Hàn, đánh trúng vào phân khúc xe phổ thông đã gây khó khăn không nhỏ cho các thương hiệu xe Pháp, chưa kể tới cuộc khủng hoảng kinh tế tại khu vực sử dụng đồng tiền chung euro kéo dài chưa có hồi kết. Là tập đoàn sản xuất xe hơi lớn nhất của Pháp, PSA Peugeot – Citroën liên tục bị trồi sụt doanh số trong khủng hoảng. Trong năm tháng đầu năm 2013, doanh số bán hàng của Peugeot và Citroën đã bị giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Tình hình của Renault có sáng sủa hơn nhưng chủ yếu nhờở các thị trường ngoài Pháp. Năm 2012, tập đoàn Âu – Á này đã lập kỷ lục về sốxe bán được tại các thị trường ngoài châu Âu, đạt gần 1,28 triệu xe các loại. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tập đoàn, tiền thu về nhờ bán xe tại các thị trường ngoài châu Âu chiếm hơn một nửa tổng doanh số. Hai thị trường lớn ngoài Pháp của Renault là Brazil và Nga đều đang có những bước phát triển ấn tượng. Doanh số Renault năm 2012 tăng tới 22,7% tại Nga và nắm giữ 6,2% thị phần xe hơi nước này, còn tại Brazil tương ứng là 24,3% và 6,6%. Tại những quốc gia Bắc Phi từng là thuộc địa cũ của Pháp như Algeria hay Morocco, Renault đang nắm giữ vị trí số 1 trên thị trường nhờ các dòng sản phẩm rất thành công như model Logan của thương hiệu Dacia và Clio của thương hiệu Renault. Tại Rumania và Thổ Nhĩ Kỳ, Renault cũng giữ vị trí số 1 trên thị trường xe du lịch phổ thông.
Tìm kiếm các thị trường mới, tìm kiếm các quan hệ hợp tác mới đang được xem là xu hướng sống còn của các thương hiệu xe hơi Pháp. Sự trở lại Việt Nam của các nhãn hiệu này cũng nằm trong xu thế đó.
Thị trường Việt Nam: Nhiều thách thức ngày trở lại
Từ tháng 10-2010, Renault là thương hiệu xe hơi Pháp đầu tiên chính thức quay trở lại Việt Nam dưới hình thức nhập khẩu chính hãng. Tới nay, Renault đã giới thiệu tới người tiêu dùng Việt Nam ba mẫu xe ở ba dòng, gồm sedan (Latitude), SUV cỡ nhỏ (Koleos), xe thể thao hai cửa Megane.
Trong phân khúc xe thể thao đa dụng cỡ nhỏ, Koleos có đối thủ là Volkswagen Tiguan (nhập khẩu) và Honda CR-V (lắp ráp). Với mức giá 1,368 tỉ đồng (bản một cầu) và 1,466 tỉ đồng (bản hai cầu) thì Koleos bản hai cầu đắt hơn Tiguan, còn bản một cầu đắt hơn CR-V đều khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, Koleos được nhấn mạnh tới độ an toàn cao (đạt điểm tối đa năm sao khi vượt qua các bài test va đập của Euro NCAP), hai lựa chọn hệ truyền động (một cầu hoặc hai cầu) và các trang bị tiện nghi và an toàn vượt trội so với các đối thủ trong cùng phân khúc (khởi động bằng nút bấm, điều hòa hai vùng tự động, chế độ kiểm soát tốc độ xuống dốc không cần phanh, đèn và gạt mưa cảm biến, cửa sổ trời…).
Dù phải cạnh tranh với Toyota Camry, Honda Accord hay Hyundai Sonata nhưng Latitude vẫn được áp giá nhỉnh hơn các đối thủ, cụ thể là bản 2.0L có giá 1,378 tỉ đồng và bản 2.5L có giá 1,65 tỉ đồng. Trong khi đó, bản cao cấp nhất của Camry là 2.5Q có giá 1,292 tỉ đồng, Honda Accord 2.4L có giá 1,435 tỉ đồng, Hyundai Sonata 2.0L có giá trên 1 tỉ đồng. Bù lại, điểm nhấn của Latitude là chiếc sedan cao cấp này có nhiều tính năng tuyệt hảo như bộ ghế da có chức năng sưởi và massage, kính chắn gió có khả năng lọc tia UV, hệ thống điều hòa ba vùng độc lập, thêm cả hệ thống khuếch tán hương thơm…
Còn chiếc thể thao Megane lấy cảm hứng từ những chiếc xe đua F1 chỉ mất sáu giây để tăng tốc từ 0 lên 100km/g cùng mức tiêu hao nhiên liệu chỉ 8,2 lít trên quãng đường 100km (đường hỗn hợp) và giá bán 1,499 tỉ đồng là một lựa chọn khác bên cạnh Volkswagen Scirocco 2.0L (giá bán 1,35 tỉ đồng).
Vào Việt Nam sau Renault chỉ vài tháng nhưng có vẻ Citroën vẫn chưa thoát khỏi tâm lý thăm dò. Cho tới nay, Citroën Việt Nam mới chỉ giới thiệu tới khách hàng duy nhất DS3 – mẫu xe thể thao cỡ nhỏ, ba cửa, năm chỗ ngồi, vốn là thế mạnh trong thiết kế của các hãng xe Pháp. Đó là đối thủ xứng tầm của Fiat 500 hay Mini Cooper với mức giá khá cạnh tranh (1,5 tỉ đồng). DS3 có thiết kế rất thời trang, nhưng cũng như các mẫu xe nhỏ châu Âu khác, vẫn chưa thật hấp dẫn về công nghệ (sử dụng hộp số tự động bốn cấp).
Riêng với Peugeot, nếu không có gì thay đổi, từ nay đến cuối năm có tới năm mẫu xe sẽ ra mắt giới tiêu dùng Việt Nam thông qua nhà phân phối độc quyền Trường Hải Thaco. Đó là chiếc hatchback 208, chiếc sedan 508, chiếc crossover 3008, xe đa dụng 5008 và chiếc coupé thể thao RCSZ đều được nhập khẩu từ Pháp.
Như vậy, Renault, Citroën, Peugeot đang cùng mang tới cho người tiêu dùng Việt Nam những lựa chọn mới mẻ, không chỉở từng mẫu xe, mà còn ở phong cách tiêu dùng (xe hơi tiêu chuẩn châu Âu có nhiều khác biệt so với sản phẩm cùng loại của Mỹ hay Nhật). Tuy nhiên, giá bán khá cao ở dòng xe phổ thông cùng những e ngại về độ bền, phụ tùng thay thế và cả thói quen lựa chọn xe của thế hệ người tiêu dùng trẻ vốn không có hoài niệm về các thương hiệu vang bóng một thời chính là những thách thức đối với các thương hiệu Pháp.