Với những biển cát vô tận, các đoàn lạc đà, những thành phố cổ bằng đất trộn rơm và đá, những vườn chà là xum xuê, Adrar của nước Mauritanie là điểm đến trong mơ của những kẻ đi trong sa mạc. Nhưng các phần tử khủng bố Hồi giáo đã biến nó thành đất chết suốt 10 năm dài. Giờ đây, du khách đã có thể quay trở lại…
Dù đứng ở đâu, ánh mắt cũng bị chìm trong một màu vàng mênh mông ngút ngàn, rải rác vài tảng đá và những bụi keo èo uột. Một chiếc bẫy của sa mạc, con chim sẻ xinh đẹp có bộ lông màu cát bay vút lên trời, trong không khí oi bức của buổi sáng sớm đầu tháng 4. Ở chân trời, xuất hiện láng trại Hssey al-Jidyan (Giếng dê con). Vài căn nhà bằng gỗ xiêu vẹo, mái tôn chắp vá.
Một chiếc xe cứu thương đậu ở đó, nghênh ngang. Bên dưới một túp lều, vài phụ nữ và trẻ em chen chúc, vây quanh Fatimatou Habat trong sự im lặng đáng sợ. Nằm dài trên chiếc chiếu trải dưới đất, sức tàn lực kiệt, người phụ nữ mở mắt ra rồi nhắm ngay lại. Bàn tay xăm chiếc lá móng của cô được nối với một túi nước biển. Đêm nay, Fatimatou, 30 tuổi, sinh đứa con trai.
Được quấn trong một chiếc khăn nằm gần mẹ, chú bé nằm im thin thít. Nhưng bà mụ, đến từ Chinguetti ngay sáng sớm, phán một câu chắc nịch: “Tốt lắm rồi!”. Bên dưới chiếc khăn che mặt màu xanh lá melhafa của phụ nữ Mauritanie, Fatimatou nở một nụ cười.
Chú bé sinh ra tại Adrar, một vùng sa mạc mênh mông nằm giữa Mauritanie, cách thủ đô Nouakchott 450km về hướng Đông Bắc. Trong ngôn ngữ Berbère, Adrar có nghĩa là “Núi”. Với những khối đá dựng đứng, thung lũng và các ngọn núi cao đến 800m, đây là rặng núi lớn nhất nước. Một nơi khô cằn như thế, với nhiệt độ thường xuyên 50oC vào mùa hè, chỉ có thể sống du mục.
Ngay cả Fatimatou Habat và gia đình cô cũng chỉ có một số ít người sống như vậy. Một vùng đất thử thách của nhà thám hiểm vĩ đại Théodore Monod mất tích năm 2000, Adrar từ lâu là một kinh nghiệm khởi đầu cho nhiều thế hệ nhà phiêu lưu trong sa mạc. Đi bộ trên những đồi cát, uống trà với dân du mục, nằm ngắm sao trời, nghỉ ngơi tại các ốc đảo, la cà đến những thành phố cổ Ouadane và Chinguetti… Một giấc mơ trong tầm tay cho đến khi bọn khủng bố nhấn chìm cả vùng trong cô lập.
- Xem thêm: Chuyện kỳ quái ở sa mạc Sahara
Năm 2007, vụ sát hại 4 người Pháp tại Aleg ở phía Nam – được Al Qaeda Bắc Phi (AQMI) khoe là thành tích của mình, rồi một sát thủ tấn công Tòa Đại sứ Pháp tại thủ đô Nouakchott năm 2009 đã khiến cho Chính phủ Pháp đưa vùng Sahara ở Mauritanie vào danh sách đỏ “chính thức cấm du khách đến viếng”. Từ tháng 3.2017, nước Pháp giảm bớt lệnh cấm. Vùng này không còn là nơi cấm đến, ngoại trừ lý do bắt buộc, đã mở đường cho nhiều chuyến bay từ Paris đến thủ phủ Atar.
Chuyến đầu tiên vào ngày 24-12-2017 đã làm cho người dân Adrar lóe lên hy vọng sau 10 năm sống èo uột. Trong lúc nhiều nơi khác tại Sahara như Algérie, Mali, Libye, Niger vẫn còn khó đến vì lý do an ninh, Mauritanie đã hồi phục được giấc mơ.
Giữa hai vách núi đá là thung lũng trắng, một đại lộ cát hoành tráng
Ra khỏi thành phố Atar, con đường dẫn đến đèo Amogjar, nơi hội tụ những ngọn núi có nhiều hang sâu, làm người ta tưởng như đó là Grand Canyon tại Mỹ. Tại Adrar, cát là vua. Bị gió thổi, nó bám vào vách đá như ma ám. Ngọn đồi Châtou el Kbir không biết cách chống cự: với thời gian, nó trở thành nửa-đụn cát, nửa-ngọn núi và là cửa vào của Thung lũng trắng (Oued-el-Abiot), một đại lộ cát hoành tráng với hai vách đá đen khổng lồ.
“Đại lộ Champs-Elysées” của Sahara này nhắc nhở rằng cách nay hơn 6.000 năm, nước đã từng chảy qua đây. Những con hưu cao cổ và bò được chạm khắc trên đá ở Argour, nơi được Théodore Monod phát hiện vào năm 1928 phía trên đèo Amogjar chứng minh cho thời kỳ này. Ở phía Tây Nam, người ta leo lên Azoueiga, đồi cát chóng mặt cao 200m nhìn xuống đại dương sóng cát Amatlich trải dài 400km đến tận Đại Tây Dương. Từ hừng đông, sóng cát đã chơi trò trốn tìm với những ánh nắng đầu tiên của ban mai.
Ở phía Bắc Azoueiga, một con đường dẫn đến đại ốc đảo Mhaireth, dưới chân một thung lũng, đáy dòng sông cũ. Một vương quốc của cây cọ chà là. Ahmed Mahmoud, 58 tuổi, cầm con dao to để cắt lá khô, rồi đặt trên đường một máy bơm để lấy nước giếng tưới cho 50 cây trước mùa thu hoạch vào hè. Với hơn 1 triệu cây cọ chà là, Adrar là vùng sản xuất lớn nhất Mauritanie.
Sinh ra tại ốc đảo, Ahmed có vợ và 6 con sống bằng nghề này. Ông kể: “Tôi thu hoạch được 1.500kg, đủ để sống được cả năm. Nhưng cũng còn tùy vào mưa. Thế mà cho đến nay, chúng tôi đang thiếu nước”. Tại các ốc đảo ở Adrar, những mảnh ruộng trồng đại mạch, lúa mì, cao lương nằm ngay bên cạnh các đám rẫy trồng cà rốt, mía, hành. Nông nghiệp chiếm 16% hoạt động. Các nghề khác là chăn nuôi, buôn bán hay làm công chức.
Cách Mhaireth vài km về hướng Tây, trong vườn cọ chà là của Terjit có một kho báu bất ngờ giữa sa mạc: suối nước nóng. Nước ở nhiệt độ 32oC phun ra từ trong lòng núi, chảy lặng lẽ xuống một cái vũng, nơi trẻ nhỏ vui đùa. Ở đây cũng như trong toàn vùng Adrar, mùa thu hoạch chà là vào tháng 7, tháng 8 tạo ra lễ hội mang tên guetna. Khi đó, hàng ngàn người Mauritanie đổ xô về những thành phố gần ốc đảo. Jamal Hajaj, chủ một nông trại ở Terjit, cho biết: “Người ta ăn trái chà là tươi vào mỗi bữa ăn.
Dân định cư sống trong nhà lợp bằng lá cọ, đón tiếp những kẻ du mục. Họ quay trở lại sa mạc vào mùa đông để tìm đồng cỏ cho lạc đà, dê và cừu”. Những trận đại hạn hán trong thập niên 1970 và 1990, đã giết chết hàng loạt gia súc, kết thúc chế độ du mục chiếm đến 75% dân số Mauritanie vào năm 1965. Đến năm 2013, chỉ còn lại 1,9% (và riêng vùng Adrar là 6,5%) theo thống kê mới nhất. Chính sách của các chính phủ liên tục mở ra trường học, bệnh viện, đại học làm tăng vọt số người sống định cư.
Người ta chuyển sang nghề đánh bắt cá, khai thác dầu hỏa, khí đốt ở ngoài khơi, làm việc tại hải cảng Nouadhibou, khai thác mỏ sắt tại Zoúerate và thủ đô Nouakchott. Ra đời năm 1958, thị trấn này quy tụ được 6.000 dân năm 1965 và ngày nay hơn 1 triệu người trong số 4,3 triệu trên cả nước. Du lịch bắt đầu từ cuối những năm 1990 là “cái phao cứu sinh” của vùng Adrar.
Trở thành điểm du lịch hàng đầu tại Mauritanie, thủ phủ Atar được Chính phủ đầu tư một bệnh viện, nhiều trường trung học, một sân vận động và một nhà máy đóng hộp chà là, mạng lưới điện, nước được cải tiến. Thống đốc Abdallahi Ewah cho biết: “Chính phủ muốn dân Adrar định cư tại chỗ. Nhưng người ta chỉ chờ đợi khách du lịch đến”. Alpha Boidiya, chủ nông trại tại Atar, nói: “Chẳng có gì để sống ngoài cây chà là. Chỉ có khách du lịch mới tạo được sức sống”.
Chaddad pha trà, một nghi thức kéo dài mấy giờ liền
Đi về hướng Đông Bắc là Ouadane, từ xa xa xuất hiện rải rác những điểm trắng của loại lều khaima cổ truyền của dân du mục. Người dân rất cởi mở với khách qua đường. Chaddad Youssef hỏi: “Echtari vikoum?” (Có gì mới không?) bằng ngôn ngữ Hassaniya của người Maures chiếm đại đa số tại Mauritanie. Người đàn ông 43 tuổi mặc chiếc áo dài màu xanh sậm, đội khăn màu đen, chuẩn bị pha trà: một nghi thức cố định kéo dài hàng giờ liền.
Ngồi xếp bằng, anh ta nấu nước sôi, pha trà lần thứ nhất. Thêm bạc hà và đường vào, nếm thử rồi thêm đường. Rất đậm đặc, trà chỉ được nhấm môi, chứ không phải uống. Chaddad lại đặt bình trà lên bếp, đổ nước ra ly, nếm một lần nữa, rồi mới đổ trở lại bình trà. Đêm xuống, mặt trăng sáng rực chiếu trên bầu trời từ một vầng hào quang lớn. Làn gió nhẹ ve vuốt cái lặng lẽ của sa mạc Sahara. Ngay sáng hôm sau, Lalla Habay, vợ Chaddad, lấy ra một túi da dê chekoua rót sữa đông zrig lấy từ dê, cừu, hay lạc đà mời khách.
Bên kia biên giới, Mali vẫn còn bị tàn phá
Tuy nhiên nền văn hóa du mục vẫn còn ăn sâu trong lịch sử vùng Adrar. Vào thời Trung cổ, đây là giao điểm trao đổi vàng, nô lệ, ngà voi từ Bilad al-Sudan (Nam Sahara) với muối, chà là, vải, đồ trang sức đến từ Sahara và Bắc Phi. Từ đó dẫn đến trao đổi văn hóa, xã hội và tôn giáo. Một thời vàng son mà thành phố Chinguetti cách Atar 24km về hướng Đông vẫn còn lưu giữ dấu vết. Trên đường đến đó, có một trạm kiểm soát chặn lại từng chiếc xe.
Người nước ngoài phải chụp lại bản sao hộ chiếu. Hướng dẫn viên du lịch phải nói rõ chương trình tham quan. Đóng chốt trên mọi con đường, cảnh sát kiểm soát người qua kẻ lại bởi vì sau 10 năm cố gắng, phục hồi, ngành du lịch vẫn còn là một thách thức nặng nề. Mối đe dọa thánh chiến vẫn còn ám ảnh vì có chung đường biên giới 2.000km với Mali, luôn bị Nhà nước Hồi Giáo Đại Sahara (EIGS), một chi nhánh của IS, và Nhóm Hỗ trợ Hồi giáo (GSIM), chi nhánh Al Qaeda, đánh phá.
Tướng Mohamed Ould Abdel Aziz, làm đảo chánh năm 2009, hiện là Tổng thống Mauritanie, xem chống khủng bố là ưu tiên trong chính sách. Với 20.000 quân trong tay, ông kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Mauritanie. Đại tá tham mưu trưởng Dia Saidou cho biết: “Mauritanie là một nơi ổn định trong vùng bất ổn. Bọn tù nhân thánh chiến thường xuyên được các giáo sĩ vào tận trại giam thuyết giảng, đưa trở lại chánh đạo.
Nhiều lớp học được trình chiếu trên truyền hình cho dân chúng biết”. Tuy nhiên, chính sách của Tổng thống Abdel Aziz cũng bị tố cáo là không minh bạch. Theo hãng thông tấn Reuters năm 2016, ông đã ký kết một hiệp ước bất tương xâm với AQMI, Al Qaeda tại Bắc Phi, cung cấp tiền bạc cho chúng và thả tù nhân. Những cáo giác này bị cả hai phía bác bỏ.
Theo Bộ trưởng Du lịch Dialel Guisset, tái lập an ninh vẫn chưa đủ cho vùng Adrar và Sahara thoát khỏi thánh chiến: “Phải phát triển kinh tế nữa. Du lịch có thể đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống khủng bố bởi nó tạo ra việc làm và thay đổi tư tưởng của các thanh niên quá khích. Đây là lãnh vực duy nhất có thể nối kết các nước vùng Sahara.
Tại Adrar, mùa du lịch 2017-2018 khá thành công. Với 2.000 vé máy bay từ Paris đi Adrar, người ta đã bán được 1.500 vé và thu hoạch toàn vùng được 600.000 euro. Mùa 2018-2019 ước tính kéo dài lâu hơn (từ tháng 10 đến tháng 4) với những chuyến bay đến cả thủ đô Nouakchott. Mauric Freund, giám đốc Công ty du lịch Pháp Point – Afrique, cho biết: “Mục tiêu là phát triển du lịch ra những vùng khác tại Mauritanie như Tagant, gần Adrar, công viên Banc d’Arguin trổ ra Đại Tây Dương, Diawling trên bờ sông Sénégal. Một viễn ảnh xán lạn trong một quốc gia có 1/3 dân số sống dưới mức nghèo khổ và được Liên Hiệp Quốc xếp hạng 157/188 về phát triển con người.
Sau khi vượt qua nhiều km sa mạc đầy sỏi đá, thành phố cổ Chinguetti xuất hiện giữa biển cát mênh mông Ouarane. Theo lời nhà phiêu lưu kiêm nhà văn Pháp Odette du Puigaudeau, trong những năm 1930-1950, nó giống như một viên ngọc trên cơ thể trần truồng đến chóng mặt của Sahara. Ngày nay, Chinguetti với 5.000 dân dường như đang ngủ quên trên vinh quang của quá khứ. Thành lập vào thế kỷ 13 và được xếp loại Di sản văn hóa nhân loại vào năm 1996, ngôi làng – pháo đài ksar này được xây dựng bằng đất sét trộn rơm và đá đẻo.
Giáo đường với tháp chuông hình vuông nhắc nhở thời kỳ mà Chinguetti là một trung tâm văn hóa của Hồi giáo. Được xem là thánh địa thứ 7 của Hồi giáo, từ thế kỳ 17, thành phố thu hút nhiều khách hành hương và các nhà nghiên cứu đến với các trường Kinh thánh. Đến thế kỷ 19, thành phố nổi tiếng trong thế giới Ả Rập đến mức Mauritanie được gọi là Bilad Shinqit (Xứ Chinguetti). Đầu thế kỷ 20, thương mại xuyên qua Sahara tàn lụi và thực dân Pháp chọn Atar là thủ phủ đã nhấn chìm nó vào quên lãng. Nhưng nơi đây vẫn còn 11 thư viện tư nhân, trở thành một niềm hãnh diện của cả vùng.
- Xem thêm: Tiến vào Sahara
Trong các con hẻm nhỏ, nhiều ngôi nhà gần như đã bị chôn lấp. Nhưng những hàng rào bằng lá cọ lại không hề hấn gì. Sự chôn vùi của Chinguetti, một thành phố cổ nằm giữa biển cát là điều không thể nào tránh né được. Từ những năm 1970, hạn hán, mưa bão, xói mòn, làm cho sa mạc lấn dần một cách gia tốc. Chẳng có phương tiện gì để chống đỡ. Ông thị trưởng Mohamed Amara giải thích: “Chúng tôi sống bằng du lịch văn hóa, nhưng từ 10 năm qua, gần như tất cả dân chúng đều phải thất nghiệp”.
Từ thế kỷ 17, thành phố này thu hút các khách hành hương và các nhà bác học của cả thế giới Hồi giáo. Ở đây có hàng ngàn văn bản viết tay, xứng đáng để mang biệt danh “Đại học Sorbonne của vùng sa mạc”. Chỉ riêng thư viện Habott đã có 1.400 quyển “bí kíp” trong đó có cái được viết từ thế kỷ 6 Công nguyên. Ông chủ Abdallah Ghoullam Habott cho biết: “Sách của chúng tôi viết về khoa học, thiên văn, văn phạm tiếng Ả rập và kinh Koran”.