Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp – Việt, ngày 13-12 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (64 Lý Tự Trọng, quận 1) đã khai mạc triển lãm ảnh có chủ đề “54…” của hai nhiếp ảnh gia Lê Vượng và Sébastien Laval do Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Pháp và Đại sứ quán Pháp tổ chức. Đây là sự kiện khép lại các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đã diễn ra trong năm 2013 ở cả hai nước, sẽ trưng bày đến hết tháng 12. Với tinh thần đó, thông qua hơn 70 tác phẩm ảnh màu và đen trắng, hai tác giả đã tái hiện lại một phần cuộc sống của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Đó là những khoảnh khắc đời thường giản dị trong sinh hoạt, lao động, vui chơi, lễ hội của những chị em phụ nữ, thanh niên, người già, trẻ em…, dù chỉ hiện lên vài giây sau ống kính, nhưng những nụ cười hồn hậu, trong sáng trên dáng người vất vả làm cho người xem thấy cuộc sống này thật đáng quý. Với người xa quê, những khung ảnh thân thương này còn gợi nhớ da diết một làng quê trong ký ức…
Nhiếp ảnh gia Lê Vượng là người đã gắn bó cả đời với Hà Nội. Với nghiệp nhiếp ảnh, nhắc đến ông, nhiều người nhớ đến mảng sáng tác mà ông say mê theo đuổi, làm nên tên tuổi ông là đề tài văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán của các địa phương. Ở tuổi 95 ông vẫn làm việc, nhưng mới vài năm gần đây, do sức khỏe không cho phép ông mới thôi rong ruổi săn ảnh. Với 18 tác phẩm là những bức ảnh màu trưng bày tại triển lãm, người xem cảm nhận được ảnh của ông giản dị mà nhiều tình ý, mỗi một tác phẩm đều thể hiện cảm xúc sâu lắng, một chút hoài niệm, xao xuyến, tình cảm trân trọng đối với những giá trị văn hóa tinh thần. Lễ hội qua góc nhìn của ông không chỉ rộn ràng sắc màu mà hiện lên sự nghiêm cẩn của việc gìn giữ đất lề quê thói. Những phiên chợ vùng cao nhộn nhịp, những chàng trai, cô gái bản làng vui tươi làm nên mùa xuân.
Ảnh củaLê Vượng
Nhiếp ảnh gia Sébastien Laval từ Pháp sang Việt Nam lần đầu vào năm 1995. Chất lang bạt trong người trỗi dậy sau nhiều chuyến đi, ông bắt đầu “ghi lại” nơi chốn ông đi qua bằng nhiếp ảnh. Chính sự đa dạng của các dân tộc làm cho ông bất ngờ thú vị khi có dịp tiếp xúc và tìm hiểu. Từ đó, ông có ý định hệ thống hóa dần thành một bộ sưu tập dân tộc học, mục đích sẽ giới thiệu bộ sưu tập ấy với mọi người như một sự chia sẻ góc nhìn của riêng ông về Việt Nam. Đặc biệt, ông chỉ chụp ảnh đen trắng để giữ lại không gian mộc mạc, xưa cũ. Từ Sài Gòn – Chợ Lớn, miền Trung, Tây Nguyên, Hà Nội, Đông Bắc, Tây Bắc, với chiếc máy ảnh luôn sẵn trên tay, nơi nào đến ông cũng bắt chuyện với người dân và bắt được những khoảnh khắc đời thường thật tự nhiên của họ. Bao nhiêu chân dung trong ảnh của ông là bấy nhiêu cá tính hiện lên sống động, không có dấu vết của sự sắp đặt. Phần lớn là sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số Ba Na, Ê Đê, Mông, Dao, Tày, Thái, Raglai… ở miền Trung, Đông Bắc, Tây Bắc… nên không thể thiếu những cô thiếu nữ với váy hoa, khi thì giã gạo bên mái nhà rông, lên nương rẫy, hay say sưa múa hát trong lễ hội ngày mùa. Trẻ em ở đâu cũng vô tư, hồn nhiên nghịch ngợm cùng nhau. Người nhà quê chân lấm tay bùn, một nắng hai sương nhưng không thiếu vắng nụ cười trên môi khi gặp khách. Sébastien không tham lam chi tiết, sự đơn giản đầy ẩn ý là cả nghệ thuật mà ông đặc tả để người xem dễ nhận ra cái tình mà ông muốn nói đến. Đó là đốm nắng len qua vách hay ô cửa sổ, đường chỉ may tay trên nẹp áo, đôi bàn tay thô ráp, đôi chân trần của trẻ con trên đường đến trường… Có thể cuộc sống của họ còn vất vả, thiếu thốn, nhưng họ vẫn có niềm tin vào cuộc sống, vẫn cần mẫn trên từng thước đất và hy vọng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Trong mắt ông, chính nụ cười tỏa nắng và tinh thần lạc quan làm nên vẻ đẹp và sức mạnh mềm Việt Nam.
Ảnh của Sébastien Laval
Với Việt Nam, Sébastien có rất nhiều kỷ niệm. Vui nhất là ông luôn được đón tiếp như người thân mỗi khi trở lại. Trong một lần trở lại với ê-kíp truyền hình Pháp, đến Hà Giang, ông tình cờ gặp lại nhân vật “người mẫu” trong bức ảnh của ông từ nhiều năm trước. Cô thiếu nữ năm xưa giờ đã là mẹ của các con, nhắc lại chuyện cũ, ai cũng vui mừng. Các con cô thì ngạc nhiên thích thú khi được xem hình của mẹ thời trẻ. Ông nói rằng có những khoảnh khắc rất nhiều cảm xúc mà ông không thể diễn tả hết bằng hình ảnh.
Trong kế hoạch, triển lãm này sẽ được giới thiệu tại bảo tàng Orangerie du Sénat tại Paris vào năm 2014 – năm Việt Nam tại Pháp. Ngoài mục đích giới thiệu về bản sắc và nét văn hóa đa dạng của các dân tộc Việt Nam, Sébastien muốn làm một kho lưu trữ dân tộc học phục vụ cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu về Việt Nam.
Thu Ngân