Các nhà bán lẻ thiết bị kỹ thuật số đang tiến về nông thôn để mở rộng địa bàn với sự tiếp sức của các nhà sản xuất vì họ hiểu khách hàng ở tỉnh là “một thế lực đang lên”. Còn với một số hãng sản xuất smartphone mới tham gia thị trường, tỷ lệ khách hàng ở tỉnh còn lớn hơn khách hàng ở các đô thị lớn.
Chung một chính sách
Chính sách ở đây bao gồm cả giá cả, chủng loại và những chương trình khuyến mại dành cho từng sản phẩm hoặc từng đợt bán hàng của các hãng sản xuất.
Khi nắm trực tiếp các kênh chuỗi, Samsung không hề lơ là với phần còn lại của thị trường bán lẻ như các hãng cùng đẳng cấp lúc bây giờ. Hiện nay, nếu các chuỗi bán lẻ lớn tự điều phối hàng hóa tùy theo nhu cầu và năng lực mua sắm của từng tỉnh, từng khu vực có cửa hàng thành viên đứng chân thì với các cửa hàng bán lẻ nhỏ khác, hàng của Samsung xuất hiện qua các đối tác phân phối theo khu vực. Đại diện truyền thông của Samsung Việt Nam cho biết rằng họ căn cứ vào từng đơn hàng của đối tác mà cung cấp hàng, còn những mặt hàng mang tính chiến lược (ví dụ dòng Galaxy J7 Prime) thì tùy theo năng lực bán hàng của từng đối tác mà phân chia lượng hàng ngay từ thời điểm mở bán đầu tiên. Không tiết lộ tỷ lệ khách hàng ở tỉnh so với khách hàng ở đô thị nhưng đại diện Samsung Việt Nam khẳng định: “Samsung luôn tôn trọng khách hàng nông thôn, từ khách hàng của các chuỗi đến khách hàng của cửa hàng nhỏ”.
Ngay từ ngày đầu có mặt tại Việt Nam (năm 2014), Oppo đã áp dụng chính sách “một thị trường”, không phân biệt đô thị hay tỉnh nhỏ. Ông Đặng Quốc Cường – Giám đốc tiếp thị của Oppo Việt Nam cho biết, hình ảnh của Oppo ở tỉnh thông qua các kênh chuỗi lan tỏa nhanh hơn vì chỉ cần làm việc với một đầu mối, còn với các cửa hàng độc lập ở các tỉnh, Oppo Việt Nam phải đến từng cửa hàng để nói chuyện với chủ, nếu đồng thuận mới cung cấp hàng, bảng hiệu… nên tốn nhiều thời gian. Sau đó, tùy theo năng lực bán hàng của các cửa hàng hay đối tác phân phối mà hãng giao lượng hàng, chủng loại hàng theo những mức khác nhau.
Ông Ngô Nguyên Kha – Giám đốc điều hành Mobiistar cho biết cũng không hề phân biệt giữa thị trường nông thôn và thị trường đô thị, nhưng tùy theo nhu cầu mua sắm của khách hàng ở từng tỉnh, từng vùng mà sắp xếp, cân đối hàng hóa cho phù hợp để các cửa hàng không bị thiếu hàng. Hiện nay, ưu thế của hãng là hàng giá thấp và trong năm nay sẽ bổ sung nhiều sản phẩm ở phân khúc 3 triệu đồng cho các cửa hàng nông thôn. Mobiistar là thương hiệu Việt, ngoài nhóm hàng smartphone còn có các dòng điện thoại phổ thông nên tỷ trọng hàng hóa ở thị trường nông thôn hiện nay chiếm hơn 50% tổng lượng hàng bán ra.
Những chuyến kinh lý
Dù không tổ chức thường xuyên như ở thị trường đô thị nhưng mỗi năm, tùy theo mục đích mà nhiều hãng sản xuất có những hoạt động khuyến mại ở các tỉnh.
Từ năm 2016 trở về trước, mỗi năm vài bận, trên những chuyến xe đò, ông Kha rong ruổi từ Bắc cho đến tận mũi Cà Mau để nhận định thị trường, kiểm tra xem sản phẩm của Mobiistar được các cửa hàng buôn bán ra sao để từ đó có những biện pháp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Năm nay, từ cuối tháng 2, Mobiistar đã cử nhóm nhân viên kinh doanh và tiếp thị đi từ Cà Mau ngược ra phía Bắc để hiểu được “độ mạnh” của các sản phẩm Mobiistar so với các đối thủ, tư vấn cho các cửa hàng cách hướng dẫn cho người tiêu dùng đánh giá sản phẩm về cấu hình, thiết kế…
Từ ngày 4 đến 18-3, Samsung Việt Nam cùng các ca sĩ Isaac, Đông Nhi, Soobin Hoàng Sơn, Phạm Hồng Phước, Thanh Duy… đã thực hiện chuyến lưu diễn với chủ đề “Trải nghiệm công nghệ và đại tiệc âm nhạc J-Volution” tại Bình Phước, Tây Ninh và Thanh Hóa. Đại diện Samsung Việt Nam cho biết rằng tại mỗi tỉnh trên, người tiêu dùng được trải nghiệm những công nghệ mới của dòng Galaxy J Prime (J2, J5 và J7), chơi game tương tác cùng điện thoại, nhắn tin trúng thưởng, tìm hiểu hệ sinh thái Gear VR, chụp ảnh với phông màn 3D, được hỗ trợ nhiệt tình khi mua sản phẩm Galaxy J Prime, ăn gà miễn phí tại các cửa hàng Lotteria và Jollibee, sau đó thưởng thức màn trình diễn của các ca sĩ, trong đó có ca sĩ Isaac – đại sứ của dòng J Prime. Trong tháng này, Samsung Việt Nam còn dành ưu đãi cho khách hàng ở các tỉnh Bình Định, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Bình…, cụ thể là họ được giảm giá khi mua J5 Prime và J7 Prime, trả góp không lãi suất, nhận phiếu mua hàng.
Còn ông Đặng Quốc Cường cho biết tháng nào cũng vẫn đi tỉnh để quan sát thị trường, thăm các chủ cửa hàng. “Mệt nhưng vui vì nhìn thấy sản phẩm của Oppo Việt Nam được người tiêu dùng đón nhận với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau” – ông chia sẻ.
Chọn nông thôn làm bàn đạp
Nếu các hãng lớn lấy đô thị làm địa bàn chính, sau đó mới tiến về nông thôn thì các hãng mới xâm nhập thị trường làm theo cách ngược lại, nghĩa là lấy nông thôn làm bàn đạp để tiến về thành phố.
Infinix là một thương hiệu mới “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, ông Trương Tuấn – người phụ trách truyền thông của Infinix Việt Nam tuần nào cũng cùng các nhân viên phòng kinh doanh đến các địa phương để tìm hiểu thị trường, mở rộng hệ thống phân phối, bán lẻ. Theo nhận xét của ông, trong lượng hàng bán ra khoảng 4.000 máy mỗi tháng thì thị trường các tỉnh chiếm hơn 2.000 máy. “Infinix cũng lấy nông thôn làm bàn đạp để tiến về thị trường đô thị. Những kinh nghiệm bán hàng ở nông thôn sẽ rất quý cho những thương hiệu non trẻ trên con đường tiến đến thị trường đô thị, nơi độ phức tạp cao hơn rất nhiều” – ông Tuấn nhìn nhận.
Những thương hiệu đã và đang làm như cách của Infinix là Obi, Wiko, Vivo, Coolpad, Philips và trong tương lai gần sẽ là Xiaomi. Vì sản phẩm của họ có giá thấp nên việc chọn xuất hiện ở thị trường các tỉnh trước hết là để làm quen với người tiêu dùng, sau đó tích lũy được vài phần trăm thị phần, từ đó nuôi hy vọng các chuỗi bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A… sẽ chìa tay hợp tác. Nếu hãng nào được các chuỗi bán lẻ lớn sở hữu khoảng 3.000 cửa hàng trên toàn quốc đồng ý hợp tác thì coi như “trụ hạng thành công” tại thị trường Việt Nam!
- Minh Tú
Xem thêm
Hoạt động bán lẻ điện thoại di động: Phải biết cách đấu để… sống!