Chuyến trekking qua bảy ngọn núi nổi tiếng nhất An Giang của chúng tôi bắt đầu từ núi Ông Két.
Đúng 3 giờ chiều cả nhóm đặt những bước chân đầu tiên lên bậc thang ở núi ông Két, đập vào mắt là hằng hà sa số những phiến đá xếp chồng phía trên tạo thành hình đầu chim két, vừa ngoạn mục vừa kỳ vĩ. Chưa hết, muốn lên tới đỉnh, cả nhóm phải vượt hàng loạt con dốc toàn đá hòn lớn nhỏ dưới tán lá rừng tái sinh.
Không như nhiều ngọn núi khác, càng lên đỉnh càng hẹp, đỉnh núi Ông Két là một khoảng sân tương đối bằng phẳng tỏa rộng đến tận mép vực theo hai hướng đông tây, còn hai phía nam bắc, nổi lên những chỏm đá khổng lồ dáng vẻ hùng vĩ. Từ đây có thể nhìn rõ trước mặt là ngọn núi Dài (Ngũ Hồ Sơn) sừng sững. Nhìn xa hơn chút về hướng Tha La – Châu Đốc lại chỉ còn màu trắng bàng bạc của biển nước mênh mông.
Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với núi Cô Tô, nơi đây còn được gọi là Phụng Hoàng Sơn bởi hình dáng tựa như chim phụng đang sải cánh bay giữa cánh đồng mênh mông. Có thể chia đường lên đỉnh núi Cô Tô thành hai chặng rành mạch. Chặng thứ nhất, từ khu du lịch Soài So phía chân núi tới Sân Tiên nằm ở lưng chừng núi, hầu hết là dốc đứng gần 40 độ, đi bộ khá vất vả lại tốn nhiều thời gian, còn đi xe ôm, chỉ mất vài chục phút. Chặng thứ hai từ Sân Tiên đến tận đỉnh, địa hình phức tạp nên chỉ có đường mòn dành cho khách hành hương.
Tuy nhiên, núi Cô Tô là một địa danh đáng để trải nghiệm bởi sắc thái nơi đây còn đậm chất hoang dã, thuần khiết vì dưới lũng thấp hay trên đồi dốc thoai thoải, nơi đâu cũng mang màu xanh mơn mởn của cây rừng, kể cả con suối vắt ngang lối đi cũng đượm mùi dị thảo.
Hành trình chinh phục núi Dài có thể nói vất vả và chông gai nhất trong bảy ngọn núi. Từ trưa, chúng tôi bắt đầu men theo con suối cạn để đi, thỉnh thoảng lại gặp mấy con dốc dựng đứng mà người dân địa phương đặt tên “dốc chó ngáp” để ví von sự hiểm trở của nó. Càng tiếp tục, ai nấy càng cảm giác như bước vào mê cung dày đặc những tán cây che khuất, cách quãng lại xen lẫn những sườn núi hay thung lũng, hay đồi cỏ tranh cao ngập đầu người, tầm nhìn dày đặc cây cối đến mức mọi người phải thay phiên nhau chặt cây, vạch lá tìm lối đi.
Núi Dài còn được gọi là Ngọa Long Sơn, xưa kia nơi đây là lãnh địa của cọp dữ, mỗi lần người dân có việc qua lại, dù cấp bách đến mấy cũng phải chờ đi thành nhóm năm bảy người hoặc nhờ phường săn đi theo bảo vệ. Những truyền thuyết về núi Dài ám ảnh thêm khiến cả nhóm đã mệt mỏi vì tìm đường càng thêm hoang mang, lo lắng, may mắn thay chúng tôi có dân bản xứ dẫn đường nên mọi việc thuận lợi hơn.
Sau một tối nghỉ ngơi, mọi người quyết định chinh phục ngọn núi được xem là linh thiêng nhất – núi Cấm vào sáng sớm. Không khí trên đường lên núi tinh khiết quyện lẫn sương sớm khiến cả nhóm bất chợt cảm nhận được sự linh thiêng nơi đây.
Có hai con đường lên núi Cấm, một là đường bê tông vòng vèo bên sườn núi dành cho xe ôtô chở khách từ khu du lịch Lâm Viên tới chùa Vạn Linh, và một lối nhỏ năm xưa dọc theo rừng với nhiều ngã rẽ vào chùa chiền, miếu mạo, thắng cảnh chung quanh. Theo lối nhỏ, chúng tôi mất khoảng hai tiếng đồng hồ vượt qua những bậc đá gập ghềnh, chật hẹp để lên tới đỉnh núi. Không gian trên núi cực kỳ yên tĩnh, khí hậu ôn hòa mát mẻ khiến hành trình không mấy vất vả. Đang cần mẫn leo núi, bất ngờ đập vào mắt tôi là bức tượng đức Phật Di Lặc cao vút tưởng chừng vươn tới tận trời xanh. Thật khó tin nổi giữa chốn thâm sơn cùng cốc, địa hình phức tạp như vậy mà người ta có thể xây dựng một tượng đài cao đến 33,6m.
Hành trình chinh phục Thất Sơn đọng lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng khó phai mờ, chặng đường vất vả khó có thể so sánh với những cảnh quan tuyệt đẹp trải dài ngút mắt. Hơn hết vùng đất linh thiêng này vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi khách du lịch, có lẽ vì vậy mà cảm giác như được đến nơi thâm sơn cùng cốc trong du khách phần nào trọn vẹn hơn.