Khoảng 12 triệu người trên cả nước cần đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý và tâm thần, đây là kết quả của một nghiên cứu về sức khỏe tâm thần người Việt Nam được thực hiện cách đây vài năm. Con số này cho thấy nhiều người trong chúng ta không dễ dàng có được một cuộc sống vui khỏe. Những nguyên nhân thường được đề cập đến là cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực hay con người trở nên vô cảm trong các mối quan hệ… Người ta thường tìm cách để giải quyết các nguyên nhân xuất phát từ bên ngoài hoặc thường muốn thay đổi người khác. Tuy nhiên, theo chị Trần Khoa Việt Nhi, Huấn luyện viên đồng thời là Health coach, người sáng lập Sunrise Yoga & Coach thì nguyên nhân chính là do chúng ta chưa hiểu được bản thân mình để từ đó nhận ra vấn đề. Chị cho biết:
Tôi từng gặp một số doanh nhân, những người mà đầu óc luôn quay cuồng với chuyện thương trường, vẫn giữ cho mình một cuộc sống an nhiên. Một trong những học viên mới đây của tôi là trưởng phòng nhân sự của một công ty lớn với hàng trăm nhân viên. Chị luôn xuất hiện tươi tắn và tràn đầy năng lượng mặc dù công việc của chị luôn căng thẳng mỗi ngày. Như vậy, chúng ta không thể đổ lỗi cho các yếu tố khách quan về tình trạng stress của mình.
Có thể thấy rằng với cùng một vấn đề, có người bị stress, có người lại xem rất nhẹ nhàng. Cùng một câu nói nhưng có người cảm thấy tổn thương, có người lại không. Đứng trước cùng một khó khăn, có người mạnh mẽ bước qua, có người lại nhanh chóng bỏ cuộc… Điều tạo ra sự khác biệt này nhiều khi xuất phát từ chính nhóm tính cách bẩm sinh. Như vậy, muốn giải quyết hoặc tránh stress thì điều đầu tiên là chúng ta phải tìm hiểu tính cách của mình. Có nhiều công cụ hỗ trợ như sinh trắc dấu vân tay, chỉ số phân loại tính cách MBTI, lập trình ngôn ngữ tư duy NLP, khai vấn cuộc sống (life coach)… Ngoài ra, trên thế giới có một số mô hình để đo lường chất lượng cuộc sống, ví dụ The circle of life của Institute for Integrative Nutrition (Hoa Kỳ), nhằm giúp chúng ta nhận diện nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng trong cuộc sống.
Liệu các chuyên gia tâm lý có giúp chúng ta giải quyết các vấn đề này?
Một chuyên gia tâm lý thường cho chúng ta một lời khuyên mà đôi khi chúng ta không muốn hoặc chưa sẵn sàng thực hiện. Một phương pháp mới đang phổ biến trên thế giới nhưng chưa được áp dụng nhiều tại Việt Nam chính là tìm đến một Huấn luyện viên về cuộc sống (Life coaching) hoặc Huấn luyện viên sức khỏe (Health coach) để có thể nhận ra khó khăn và tìm các nguồn lực giúp giải quyết vấn đề. Vì phương pháp huấn luyện sức khỏe cần có sự thống nhất thể chất và tinh thần, nghĩa là cần xem xét nhiều khía cạnh trong cuộc sống để tìm ra nguyên nhân của stress, đó là từ công việc hay trong các mối quan hệ, bạn có gặp vấn đề trong các thói quen sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ… hay không. Từ đó mới có thể đưa ra phương án giải quyết.
Tuy nhiên, khi lựa chọn phương án giải quyết thì cần phải có thời gian. Huấn luyện viên sẽ cùng bạn chọn ra các khía cạnh ưu tiên để thay đổi trước, cũng như đưa ra giải pháp kết hợp toàn diện dinh dưỡng – thể dục và tâm trí.
Về vấn đề dinh dưỡng, nhiều người cảm thấy thật khó có thể tuân thủ một chế độ ăn lành mạnh theo lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe…
Tôi thường không hướng dẫn học viên cách đong đếm calo trong từng bữa ăn vì tôi nghĩ, nếu cứ chăm chăm vào điều này, có lẽ chúng ta sẽ bị stress trước khi ăn. Tôi chỉ cố gắng tạo thói quen ăn uống lành mạnh hơn theo Mô hình Dinh dưỡng tổng hợp bao gồm sự cân bằng giữa rau xanh, trái cây, tinh bột, đạm chất lượng cao, các chất béo lành mạnh và nước. Chẳng hạn như ban đầu, tôi thường yêu cầu học viên hãy ăn từ 15-30 ngàn đồng trái cây mỗi ngày để cung cấp nhiều vitamin và chất xơ cho cơ thể. Sau đó, tôi hướng dẫn học viên biết ăn vừa đủ các thành phần: tinh bột, chất đạm, chất béo, rau củ và nước.
Xu hướng sống khỏe hiện nay là dùng thực phẩm organic, chị không cổ xúy cho xu hướng này sao?
Dùng thực phẩm organic thì hiển nhiên là rất tốt, nhưng thực tế thực phẩm này khá mắc tiền, không phải ai cũng có khả năng sử dụng. Hơn nữa, chúng ta có thể thấy một số người rất “kỹ tính” trong chuyện ăn uống, đầu tư nhiều tiền cho nguồn thực phẩm nhưng họ vẫn không thể sống vui khỏe, vì sao? Vì theo mô hình Primary food của Học viện Dinh dưỡng tích hợp IIN (Institute of Integrative Nutrition), bốn yếu tố quan trọng của một cuộc sống cân bằng bao gồm: tập thể dục thường xuyên, thực hành thiền, làm việc với niềm đam mê và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp. Nếu bốn “loại thức ăn” này được đảm bảo thì thỉnh thoảng chúng ta có ăn một chút thức ăn nhanh, một chút đồ nướng hay uống một chút bia rượu cùng bạn bè cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và cuộc sống.
Có nhất thiết phải tìm đến các trung tâm yoga để thực hành thiền không, thưa chị?
Nếu được hướng dẫn thiền bởi một huấn luyện viên chuyên nghiệp thì tốt, nhưng nếu không có điều kiện, chúng ta có thể thiền bằng cách dành thời gian thư giãn bằng âm nhạc, đọc sách và tắt điện thoại trong 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc hít thở đúng. Hít thở diễn ra tự động trong cơ thể nên chúng ta thường không quan tâm. Nhưng hít thở sâu mới giúp bạn có nhiều năng lượng, sống lâu hơn, làm việc năng suất hơn và sống hạnh phúc hơn. Chúng ta có thể hít thở sâu bất cứ lúc nào trong ngày và dần dần sẽ trở thành thói quen rất tốt cho sức khỏe.
Thể thao cũng vô cùng quan trọng vì khi chơi thể thao, cơ thể đào thải hormone cortisol được tiết ra khi stress và kích thích tiết ra endorphin, một liều thuốc giảm đau tự nhiên, cũng là hormone giúp chúng ta trở nên thư thái, vui tươi. Chính vì vậy, ai trong chúng ta cũng nên chơi thể thao, nhất là những người làm việc trí óc để giúp cân bằng cuộc sống, tăng sức bền và tăng chỉ số vượt khó.
Thể thao và chỉ số vượt khó có mối liên hệ như thế nào, xin chị giải thích rõ hơn?
Hệ vận động của chúng ta bao gồm vận động tinh (chủ yếu là các cơ bắp nhỏ của bàn tay và ngón tay như may vá, chơi đàn…) và vận động thô (phối hợp và kiểm soát sức mạnh cơ bắp, sự cân bằng, khả năng điều khiển và phối hợp bằng các môn thể thao nhảy, đá, ném, giữ thăng bằng…). Việc thực hành cả vận động tinh và vận động thô hằng ngày là cách giúp phát triển chỉ số vượt khó AQ, từ đó chúng ta ít bỏ cuộc hơn. Tôi từng giúp cho một nhà khởi nghiệp trẻ giảm đến 95% thói quen bỏ cuộc bằng cách hướng dẫn anh ấy tập yoga mỗi ngày vì yoga có cả vận động tinh và vận động thô.
Yoga là một môn thể thao vừa tốt cho cơ bắp vừa tốt cho trí óc. Tập yoga cũng là một trong những cách tốt nhất để sắp xếp cuộc sống loại bỏ dần stress. Khi đầu óc bạn quá căng thẳng thì việc tập trung vào vấn đề cơ thể là cách để bạn thư giãn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần sử dụng các công cụ quản lý thời gian, học cách tin tưởng và chia sẻ, hãy yêu cầu được hỗ trợ, đặc biệt là hãy biết yêu thương bản thân mình.
Vì sao cần phải yêu thương bản thân thì mới có sức khỏe tốt?
Trong nhiều nguyên nhân khiến chúng ta chưa có động lực để thay đổi lối sống, thì nguyên nhân quan trọng nhất là con người chưa biết yêu thương bản thân. Chúng ta thường thấy các bậc cha mẹ bỏ hàng chục triệu đồng để đầu tư giáo dục cho con nhưng lại tỏ ra ngần ngại với một gói chăm sóc sức khỏe giá vài triệu đồng. Thấy rõ nhất trong xã hội Việt Nam là những người phụ nữ thường chăm sóc gia đình đến quên cả bản thân mình. Nếu biết yêu thương bản thân thì chúng ta sẽ chú ý chăm sóc, điều chỉnh lối sống và đầu tư tốt hơn để có cuộc sống vui khỏe hơn.
Cảm ơn chị về những chia sẻ trên.
- Thanh Nhã