Sau một thời gian tạm yên ắng chờ các cơ quan chức năng giải quyết những vướng mắc chung quanh các trạm thu phí BOT theo chỉ đạo của Chính phủ, tuần qua các trạm thu phí trên quốc lộ 1 lại dậy sóng do phản ứng của giới tài xế.
Ở miền Tây Nam bộ, để giải quyết căng thẳng ở trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp ba ngày cuối tuần qua, TP. Cần Thơ đề nghị Bộ Giao thông miễn giảm phí xe qua trạm.
Sáng 6-1, nhiều tài xế tiếp tục chạy ôtô đến trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp dừng lại phản đối việc thu phí. Nhiều tài xế không chịu trả tiền, dàn xe hàng ngang, đậu ôtô trong thời gian dài phản đối mức phí còn cao. Một số trường hợp dùng tiền lẻ thấm ướt để mua vé qua trạm, khiến nhân viên mất thời gian kiểm đếm, gây ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1.
Để tránh ùn tắc kéo dài, bảo vệ trạm hướng dẫn dòng xe di chuyển sang làn đường khác. Vài phút sau, nhân viên phải mở trạm cho các xe phản đối đi qua, giải quyết tình trạng kẹt xe.
Cùng ngày, UBND TP. Cần Thơ có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ xem xét miễn phí cho ôtô không kinh doanh ở phường Ba Láng (quận Cái Răng, Cần Thơ), xã Tân Phú Thạnh, thị trấn Cái Tắc (Châu Thành A, Hậu Giang); giảm 50% đối với xe từ 10 chỗ trở lên và ôtô tải trên 1 tấn ở phường Ba Láng, xã Tân Phú Thạnh, thị trấn Cái Tắc.
UBND TP. Cần Thơ cũng đề nghị cho các hộ dân, doanh nghiệp có hợp đồng vận chuyển cụ thể, cố định trên ba tháng sử dụng dưới 5km tính từ trạm thu phí được hưởng chính sách miễn giảm. Ngoài ra, 23 ôtô không đăng ký chính chủ ở phường Ba Láng cũng được đưa vào danh sách miễn giảm.
TP. Cần Thơ cũng báo cáo tình trạng phản ứng của tài xế, doanh nghiệp những ngày qua và những giải pháp mà địa phương đã thực hiện để đảm bảo an ninh trật tự; đồng thời yêu cầu nhà đầu tư (Công ty TNHH BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp) phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương trong việc xử lý tình huống tài xế phản ứng, để đảm bảo an ninh trật tự.
Trong khi đó tại trạm BOT Sóc Trăng tài xế ôtô mang biển số xanh của tỉnh Cà Mau cũng tham gia về mức phí bằng cách bỏ ôtô không chịu mua vé qua trạm.
Chiều 7-1, ông Đỗ Minh Kha chạy ôtô mang biển số xanh của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau từ Cần Thơ về Cà Mau. Khi đến trạm BOT Sóc Trăng (xã An Hiệp, huyện Châu Thành), tài xế Kha không chịu mua vé qua trạm, đồng thời rời ôtô đến tranh luận với nhân viên thu phí.
Cùng dừng ôtô phản ứng, còn có nhiều tài xế khác. Họ đậu xe cả sáu làn thu phí từ hướng Sóc Trăng đi Cần Thơ và ngược lại, khiến giao thông ách tắc cục bộ, kéo dài gần 200m. BOT Sóc Trăng phải xả trạm lần hai.
Trước đó, trong buổi sáng, sau gần một giờ bị giới tài xế đồng loạt dừng xe phản ứng việc thu phí, trạm này cũng phải xả cửa cho xe qua miễn phí.
Theo lãnh đạo BOT Sóc Trăng, việc xả trạm khi lượng xe ùn ứ chưa nhiều là chủ trương hàng đầu của Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng (chủ đầu tư), để cho giao thông trên quốc lộ 1 được thông suốt, và sẽ thu lại khi tình hình ổn định.
Dự án mở rộng quốc lộ 1 và xây dựng tuyến tránh TP. Sóc Trăng dài hơn 16km, đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng, khởi công năm 2015.
Sau nửa năm thu phí, lãnh đạo nhà đầu tư cho rằng doanh nghiệp đang lỗ mỗi ngày khoảng 100 triệu đồng vì tiền bán vé không đủ đóng lãi và chi phí quản lý.
Các trạm BOT tại miền Trung cũng đang có vấn đề. Ngày 3-1, tài xế Nguyễn Minh Nghĩa (trú Vĩnh Long) cùng một số người ngồi trên xe bán tải đi trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc-Nam, khi đến trạm BOT Tam Kỳ (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành), tài xế dừng xe và hỏi nhân viên “ở đây thu phí gì” thì được trả lời “thu phí đường bộ”. Tài xế không đồng ý vì cho rằng xe anh đã đóng loại phí này. Sau đó nhân viên trạm vé giải thích “đây là thu phí dịch vụ”, những người ngồi trên xe dẫn quy định về việc khoảng cách đặt các trạm BOT tối thiểu là 70km, trong khi trạm gần nhất ở phía Bắc đến vị trí BOT Tam Kỳ này chỉ hơn 50km.
Với lý lẽ trên, tài xế yêu cầu gặp người đứng đầu trạm thu phí để “hỏi cho rõ”. Một người ở trạm thu phí với thái độ nhã nhặn đã trao đổi với các tài xế là “vị trí đặt trạm được Nhà nước đồng ý”. Người này nói thêm, doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường và thu phí để hoàn vốn, “mong tài xế thông cảm vì sợ xe đứng lâu sẽ ùn tắc giao thông”.
Sau hơn 40 phút đậu xe ở trạm vé, tài xế trả tiền phí 35.100 đồng gồm tiền giấy mệnh giá nhỏ và tiền xu; nhân viên trạm BOT Tam Kỳ hoàn trả lại 100 đồng cho tài xế.
Sự việc khiến trạm BOT Tam Kỳ ùn ứ dòng xe dài gần 100m, các nhân viên đã phải ra phân luồng, dựng biển hướng dẫn.
Các vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại trạm BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 liên quan đến việc thu phí quá cao và vị trí đặt trạm không đúng quy định của Chính phủ.
Trước tình hình các trạm BOT chưa được cải thiện, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc nghiên cứu, ban hành tiêu chí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Cụ thể, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng tiêu chí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, bảo đảm tuân thủ đúng Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành.
Trước đó, ngày 30-12-2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ và địa phương liên quan tiếp tục rà soát tất cả các dự án BOT giao thông đường bộ, có biện pháp giải quyết tối ưu, chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng như trạm thu giá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Theo ông, việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành một số dự án BOT thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế từ khâu chuẩn bị đầu tư (công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án) đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, xác định tổng mức đầu tư để làm cơ sở tính giá phí; việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu vẫn là chỉ định thầu, năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế; công tác huy động vốn còn nhiều tồn tại; thời gian thi công một số công trình còn kéo dài, chất lượng một số công trình chưa đạt yêu cầu; công tác khai thác, vận hành công trình chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, hợp đồng BOT nói riêng còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng theo hình thức BOT còn nhiều bất cập, thiếu kinh nghiệm, hiệu quả chưa cao; quy hoạch trạm thu phí chưa khoa học…
Hồi tháng 11-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đã có ý kiến về một số bất cập, hạn chế và cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh, liên kết.
Theo Thủ tướng, việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhất là hình thức đầu tư BOT và BT cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần tập trung khắc phục để đảm bảo các mục tiêu phát triển, hiệu quả kinh tế – xã hội và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hình thức đầu tư này.
Để hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện các biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là quản lý quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT.