Trải nghiệm khách hàng trong kỷ nguyên số được xem là hành trình của những “điểm chạm” – Touch point. Vậy “chạm” như thế nào cho đúng, “chạm” thế nào để trúng trái tim khách hàng?
Ông Nguyễn Dương, Chuyên gia trải nghiệm khách hàng, sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Cempartner cho biết, trong hành trình trải nghiệm của khách hàng (customer journey), việc thiết kế các điểm chạm (touch point) có chủ đích là yếu tố quyết định không chỉ việc kéo khách hàng chọn sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình, mà còn giữ chân họ trong những lần tiếp sau.
Không phải chạm càng nhiều càng tốt
Chính vì vai trò to lớn của điểm chạm trong trải nghiệm khách hàng, mà hầu hết các doanh nghiệp đều đổ không ít tiền của để thiết kế những ma trận tối ưu nhất để tiếp cận khách hàng trên mọi mặt trận, từ online đến offline. Thế nhưng kết quả lại không đạt như mong muốn.
“Theo nghiên cứu của Forbes năm 2018, 92% công ty muốn làm trải nghiệm khách hàng nhưng làm không tốt”, bà Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Publicis One Việt Nam, viện dẫn một con số minh họa. “Cũng trong năm 2018, đã có hơn 500 tỉ đôla chi phí cho việc xây dựng trải nghiệm khách hàng nhưng đa phần số đó bị đổ xuống biển, không tạo được trải nghiệm tích cực cho khách hàng của họ”, bà Mai Hương cho biết thêm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoài Trang, Phó giám đốc Kantar Insight Division bật mí, theo một số liệu do Kantar thu thập được thì cứ bốn quảng cáo online sẽ có một quảng cáo khiến khách hàng khó chịu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu được quảng cáo.
Điều đó cho thấy rằng, trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp đã đầu tư không ít công sức tiền của nhằm chạm đến gần hơn khách hàng của họ, nhưng thực tế lại đẩy khách hàng của họ ra xa hơn. Tại sao lại như vậy?
Bà Mai Hương lý giải, thực tế có tình trạng như vậy xảy ra không ít, là do doanh nghiệp đã chạm không đúng lúc, không đúng chỗ và không đúng đối tượng do không biết phân tích data. “Không phải càng chạm nhiều càng tốt. Có khi chạm một lần mà nhớ mãi”, bà Mai Hương cho hay.
Chạm sao cho khách hàng thích?
Theo bà Mai Hương, trong quá khứ, thương hiệu là người quản lý điểm chạm. Nhưng trong thời đại kỷ nguyên số như hiện nay, chính khách hàng mới là người quản lý điểm chạm. Người tiêu dùng hiện nay có quá nhiều kênh để chạm, để kết nối với thương hiệu. Điểm chạm bây giờ cũng có thể là điểm nổ bùng nếu thương hiệu không có chiến lược quản lý điểm chạm sao cho hiệu quả.
“Hiểu được touch points của khách hàng, ta có thể xây dựng được bản đồ customer journey từ không biết đến mua hàng và tiếp tục là khách hàng thân thiết”, bà Mai Hương cho hay.
Trong cuộc sống, “chạm” khác đụng chạm hay va chạm. Trong kinh doanh cũng vậy, nếu thương hiệu thiết kế điểm chạm không đúng, có thể biến điểm chạm thành ngòi nổ cho cuộc chiến giữa khách hàng và doanh nghiệp. Chạm sao cho khách hàng thấy thích, thấy dễ chịu, vì thế luôn là bài toán khiến doanh nghiệp đau đầu.
Theo bà Mai Hương, khi thiết kế các điểm chạm, bản thân doanh nghiệp phải luôn ý thức rõ, khách hàng của họ là “con người”, chứ không phải là “target, user, segment hay data”… Họ không chỉ đòi hỏi chất lượng, giá cả, dịch vụ hậu mãi và quan hệ song phương. Mà còn, đòi hỏi một trải nghiệm hoàn thiện, không phụ thuộc kênh, có tính xã hội và có thể chia sẻ trên mạng xã hội.
Trong kỷ nguyên số, khi mà mọi thông tin khách hàng đều có thể dễ dàng bị đánh cắp, phơi bày, người tiêu dùng hơn hết cần lòng tin ở thương hiệu. Ở đó, những thông tin, dữ liệu về khách hàng được minh bạch nhưng bảo mật và an toàn tuyệt đối. Khách hàng mong muốn được phục vụ tận tình hơn, riêng biệt hơn với từng cá nhân họ và không giống với bất kỳ cá nhân nào khác. Vì họ là cá thể riêng biệt, nên việc chạm với mỗi người cũng sẽ là khác nhau chứ không có công thức chung duy nhất.
Khi ai cũng sở hữu dữ liệu khách hàng khổng lồ và những công cụ tiếp cận khách hàng tối tân nhất thì việc thành công của thương hiệu lại không nằm ở việc thương hiệu đó sở hữu bao nhiêu data, tổ chức bao nhiêu chiến dịch digital, viral được bao nhiêu share và like, thậm chí bao nhiêu sales… mà sự khác biệt nằm ở chính yếu tố con người.
“Hãy cứ đắm đuối với những thứ thuộc về con người, chủ động cung cấp những gì phục vụ cho nhu cầu của con người, thực hiện nó với trái tim con người một cách chân thật, cố gắng thay đổi thế giới dù chỉ là thêm một nụ cười hay bớt đi một cọng rác”, bà Mai Hương đúc kết.