Đã có hai đột phá của TP. Hồ Chí Minh rất đáng được ghi nhận. Đầu tiên là kiên quyết thu gom, tập trung người nghiện để cai. Sau bảy ngày đồng loạt ra quân, đến ngày 12-12, TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hơn 1.200 người nghiện lang thang, đưa được hơn 800 người trong số đó đi cai. Nhờ đó, trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại những điểm nóng về tệ nạn này ở các quận 5, 6, 8, 12, huyện Hóc Môn…, việc mua bán và sử dụng ma túy đã giảm hẳn, bớt gây ám ảnh cho người dân.
Dạy nghề ở một trung tâm cai nghiện
Theo Phó chủ tịch UBND Hứa Ngọc Thuận, thành phố có khả năng tiếp nhận khoảng 20 ngàn người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính nên việc tập trung người nghiện sẽ tiếp tục được thực hiện triệt để. Khó khăn hiện nay là quy định thời gian xác định nơi cư trú của người nghiện chỉ trong năm ngày, nếu đối tượng là người thuộc các tỉnh gần như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh hay Long An thì lực lượng công an cấp phường, quận có thể xác minh ngay được, nhưng đối với các trường hợp quá xa TP. Hồ Chí Minh, cách giải quyết tạm thời là gửi đơn xác minh kèm công văn đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ.
Đột phá thứ hai là chính sách thu hút nhân tài mới được ban hành. Theo quy định đã được lãnh đạo thành phố phê duyệt, người tài có thể nhận được mức lương tháng lên tới 150 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Như vậy, đã khởi xướng từ năm 2002 nhưng sau 12 năm, đến nay TP. Hồ Chí Minh mới bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm tại bốn đơn vị nghiên cứu. Tất nhiên, đây chỉ là một trong nhiều nội dung của chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao mà TP. Hồ Chí Minh sẽ cố gắng vận dụng, cụ thể là nhân tài còn được bố trí nhà ở công vụ hoặc tạo điều kiện mua nhà, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho vợ (hoặc chồng), được tạm nhập miễn thuế một ôtô cá nhân…
Nguyễn Thắng (DNSGCT)