UBND TP. HCM vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ, đã hiện diện 118 năm. Theo đó, giao Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP. HCM và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức xem xét, lập hồ sơ đề xuất xếp hạng di tích đối với các hạng mục bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ theo quy định.
Đồng thời, căn cứ quy mô bảo tồn và các quy định có liên quan để xem xét, quyết định phân cấp cho đơn vị chức năng trực thuộc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thực hiện công tác quản lý, lưu giữ, bảo vệ và phát huy đầy đủ giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của các hạng mục được bảo tồn.
Mặt khác, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, đề xuất UBND TP. HCM bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn nêu trên theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND TP. HCM giao Sở Giao thông Vận tải TP. HCM phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM và các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông Vận tải thực hiện công tác bàn giao tài sản cho đơn vị chức năng được phân cấp quản lý bảo tồn theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Như Người Đô Thị đã đưa tin, cuối tháng 9.2019, Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi cho biết đang làm phương án thiết kế tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi cũ theo phương án mà Bộ Giao thông Vận tải và TP. HCM thống nhất là giữ lại hai nhịp cầu và một tháp canh phía bờ quận Thủ Đức, phần còn lại tháo dỡ.
Dự kiến trong tháng 9 hoàn tất về phương án tháo dỡ, lựa chọn nhà thầu, còn tới giữa tháng 10 sẽ tiến hành tháo dỡ phần cầu phía bên quận Bình Thạnh bàn giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thanh lý theo quy định pháp luật.
Cầu sắt Bình Lợi (nối quận Thủ Đức với quận Bình Thạnh) là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, được xây dựng hoàn thành vào tháng 2.1902. Cầu dài khoảng 276m gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại.
Cầu có kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh có một tháp canh. Trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi “Binh Loi Octobre 1948” (Bình Lợi, tháng 10.1948).
Ngoài phục vụ đường sắt còn có đường bộ dành cho xe 2 bánh. Cầu đường sắt Bình Lợi cũ có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn – TP. HCM và của ngành đường sắt Việt Nam.
Ngành đường sắt từng có dự định tháo dỡ cầu sắt có từ thời Pháp này khi dự án cầu sắt Bình Lợi mới hoàn thành. Phương án tháo dỡ này liền sau đó đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối của một số chuyên gia đô thị, nhà nghiên cứu di sản.
Diễn tiến tiếp đó, tháng 8.2019, UBND TP. HCM có công văn khẩn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho bảo tồn nguyên trạng một phần cầu sắt Bình Lợi, gồm hai nhịp cầu (trong đó có một nhịp cầu quay) và một tháp canh phía quận Thủ Đức.
Mục đích của việc bảo tồn nhằm lưu giữ dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch.