Sáng 13-7, tại buổi làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã xem xét và thông qua đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc điều chỉnh tăng học phí vì “cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục” vào thời điểm này. Theo đó, bắt đầu từ tháng 9 (khai giảng năm học 2013-2014), các trường công lập trên địa bàn TP.HCM sẽ bắt đầu thu theo mức học phí mới.
Do thực tế thu nhập của người dân ở các khu vực khác nhau nên mức đóng học phí được chia làm hai nhóm: Nhóm 1 là học sinh sống ở các quận nội thành (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân); Nhóm 2 gồm học sinh sống ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè. Cụ thể, nhà trẻ ở nội thành sẽ thu 150.000 đồng/tháng (mức thu hiện tại 50.000 đồng), còn mẫu giáo là 120.000 đồng (hiện tại 40.000 đồng)… Mức thu ở các huyện ngoại thành sẽ thấp hơn mức này.
Cũng trong phiên khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, thường trực Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã rút lại tờ trình “Điều chỉnh một số dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập” vì sợ tăng cả học phí và viện phí một lúc người dân sẽ rất khó khăn. Từ ngày 4-7, UBND TP đã có tờ trình gửi HĐND TP đề nghị xem xét thông qua việc tăng viện phí theo thông tư liên tịch của Bộ Y tế – Bộ Tài chính (năm 2012) quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Tuy nhiên, đến ngày khai mạc Ủy ban Nhân dân Thành phố bất ngờ rút tờ trình này.
Hằng năm ngân sách thành phố phải cấp cho ngành y tế đều tăng (năm 2012 là 2.054 tỉ đồng, năm 2013 cấp 2.415 tỉ đồng, tăng 17,6%), nhưng ngành y tế thành phố đang phải chịu trách nhiệm khám, chữa bệnh cho người bệnh của toàn bộ khu vực phía Nam.
Gia Minh tổng hợp