“Chúng ta hãy nhớ rằng một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cái bút có thể thay đổi cả thế giới” – Malala Yousafzai.
Thầy cô chính là người cầm tay, mở ra trí óc và chạm đến trái tim của mỗi học trò. Họ là những người truyền cảm hứng, đóng vai trò quan trọng trong mọi nền văn hóa của mọi đất nước.
“Trưởng thành qua từng trang sách” cũng là thông điệp Saigon Books muốn gửi gắm trong tháng này. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đang đến gần. Hãy cùng Saigon Books điểm qua Combo “Trưởng thành qua từng trang sách” nhé!
1. Nghệ thuật giảng dạy
Cuốn sách “Nghệ thuật giảng dạy” là kết quả đúc rút từ bề dày thực tiễn, chiều sâu tư duy, sức nóng nhiệt tâm của gần 30 năm kinh nghiệm làm nhà giáo của tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, cộng thêm 2 năm tham gia chương trình đào tạo Giảng viên khung (Học viện Hành chính Quốc gia hợp tác với Đại học Melbourne – Úc), 2 năm tham gia khóa đào tạo Thạc sĩ huấn luyện (Tổ chức Inwent hợp tác với Học viện Hành chính Quốc gia), và một số chương trình phương pháp sư phạm khác. Tất cả nội dung được trình bày một cách dễ hiểu và dễ áp dụng. Đặc biệt hơn, bạn sẽ tìm thấy trong cuốn sách này không chỉ kỹ năng giảng dạy mà là nghệ thuật giảng dạy, ở cả phương diện triển khai bài giảng và cách ứng xử sư phạm.
Cuốn sách này ra đời với mong muốn góp phần chỉ dẫn, đánh thức, khơi nguồn, cổ vũ và khẳng định những khả năng, tiềm năng của các bạn đồng nghiệp và bạn đọc quan tâm. Và sau tất cả, nhà giáo Nguyễn Thanh Hương kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng, đánh thức và thổi bùng ngọn lửa yêu nghề tới các đồng nghiệp gần xa. Mong các bạn chung tay nối dài sự sẻ chia và không ngừng tìm tòi sáng tạo để mọi người tiếp tục có thêm nhiều cuốn sách hữu ích cho nhau.
2. Giáo dục, Tương lai & đổi mới
Với Giáo dục Tương lai và Đổi mới, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu không im lặng hay nói những điều lớn lao về toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam mà anh lấy từ góc nhìn của mình trong việc quan sát cách giáo dục vận hành trong nhà trường, lớp học và cả gia đình.
Có rất nhiều tín hiệu tốt từ việc đã có nhiều hơn sự quan tâm và tập trung dành cho nền giáo dục hơn trước: Xã hội có nhiều tài nguyên để đầu tư cho giáo dục hơn; các bậc phụ huynh cũng chú ý nhiều hơn vào tầm quan trọng của giáo dục và những điều cần phải làm trong việc nuôi dạy con trẻ để bắt kịp sự phát phát triển của thế giới.
Tuy nhiên, ở mặt trái của vấn đề, khi mọi thứ phát triển quá nhanh, luôn có những điều bị chúng ta bỏ qua hay những điểm yếu mà một số người nhận thức được nhưng một số người khác thì không.
Có ba vấn đề mà Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu gọi là “ba điểm mù” của giáo dục:
- Điểm mù thứ nhất là việc mọi người tập trung quá nhiều vào các mục tiêu ngắn hạn. Ví dụ như ở trường, liệu học sinh có thể nói tiếng Anh thuần thục khi còn trẻ hay là các cuộc thi, giải thưởng và huy chương? Những thứ đó rất tốt nhưng không phải là tất cả. Và trong nhiều trường hợp thì đó cũng không phải là điều quan trọng nhất. Mục tiêu lâu dài nên là việc phát triển cá tính và tư duy của học sinh. Đó là hạn chế mà chúng ta nên tập trung vào.
- Điểm mù thứ hai là mọi người đang quá vội vã. Đó là cảm giác không chỉ môi trường xã hội hiện tại mang lại mà còn trong nhiều ngành nghề khác. Và bằng cách nào đó, nó dần lan tỏa và ảnh hưởng đến nhịp độ của nền giáo dục. Giáo viên vội vàng, phụ huynh vội vàng và cả những đứa trẻ cũng vội vàng. Họ gần như không có thời gian để dừng lại và đánh giá, ngẫm nghĩ về những chuyện đã và đang xảy ra.
- Điểm mù thứ ba đó là trẻ em ngày nay thiếu đi nền tảng về các mối quan hệ cũng như là trí tuệ cảm xúc. Bởi vì “họ” quá tập trung vào việc học trên trường, bài tập về nhà, học thêm, gia sư và sự cạnh tranh. Họ không có nhiều thời gian kết nối với bố mẹ, ông bà, những thành viên trong gia đình, anh chị em và hành xóm. Đôi lúc họ tự tách mình ra khỏi thế giới thực. Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, những điều đó có thể không quan trọng trong mắt một vài phụ huynh, nhưng về lâu dài lại cực kỳ quan trọng đối với việc trở nên thành công hay hạnh phúc trong tương lai.
3. Nghiện giấc mơ, bơ lối mòn
Hành trình tạo nên cuốn sách này như một chuyến thám hiểm thú vị, bởi cuốn sách mà bạn cầm trên tay là điều tác giả Nguyễn Chí Hiếu không thể hình dung trọn vẹn khi bắt tay viết những dòng đầu tiên. Cuộc đời này thú vị có lẽ bởi những điều ta không đoán được hết như thế, chỉ biết nỗ lực tiến về phía trước với trái tim chan chứa niềm tin mình sẽ làm được.
Những dòng đầu tiên của cuốn sách Nghiện giấc mơ – Bơ lối mòn được viết vào một ngày trước Giáng sinh 2017 tại tiệm sách Waterstone’s ở Oxford, Anh. Đó là một cuộc “đi trốn” nơi trời xa để viết sách. Những dòng cuối cùng của cuốn sách này được hoàn thành tại quê nhà Bình Định, khi đất trời và lòng người đang vui xuân Mậu Tuất 2018. Đó là những ngày ấm áp nơi gia đình.
Sách gồm 2 phần, Nó học – Tôi đi. Chủ ngữ khác nhau, giọng văn cũng đôi chút khác nhau ở mỗi phần, song đều là chuyện của một người trót dại nghiện những giấc mơ và sẵn sàng bơ đi những lối mòn để thấy mình thật sự thăng hoa, thật sự hạnh phúc. Sách gồm 18 bài viết, sẻ chia hơn 50 mẩu chuyện nhỏ, mỗi chuyện là một chút trải nghiệm, chút kiến thức, chút ưu tư, chút chuyện trò, một chút giá trị và nhiều chút vừa lạ vừa quen cho những ai cần đọc và muốn đọc.
Thật mong những ai đã có duyên đến với cuốn sách này sẽ đọc chậm từng trang, với tấm lòng mở, để cảm từng chặng hành trình lẫn lộn buồn vui của “nó” – “tôi”. Và cũng thật mong, những trang sách này có thể nhẹ nhàng đánh thức những giấc mơ “dữ dội và dịu êm” trong trái tim, truyền thêm cho bạn “bí kíp” và “nội công” để sẵn sàng gia nhập thế giới của những kẻ nghiện giấc mơ, bơ lối mòn.
4. Làm như lửa, yêu như đất
Làm như Lửa – Yêu như Đất là những mảnh ghép rất khác của cuộc đời chàng trai Nguyễn Chí Hiếu, bên cạnh đôi chân ngao du và trí óc không ngừng khám phá mà bạn đọc từng biết đến qua cuốn sách Nghiện giấc mơ – Bơ lối mòn.
Hai phần cuốn sách như hai góc cạnh đầy tương phản về một con người: bên cạnh một Hiếu hăng say và quyết liệt với đam mê trong công việc, là một chàng Hiếu khác, tinh tế và lãng mạn trong hành trình tìm kiếm tình yêu.
Nếu như ở nửa đầu cuốn sách, người ta dễ bắt gặp một Hiếu giỏi giang, tận tâm, quyết đoán và giàu chí hướng, thì ở nửa sau, người đọc biết đến một trái tim dễ rung động và tinh tế bên trong một chàng trai đa cảm, “đào hoa” và đầy lãng tử.
Bằng những lời tự sự gần gũi, Hiếu đưa người đọc vào những câu chuyện xuyên suốt tuổi trẻ của mình, để người đọc cũng dễ dàng tìm thấy bản thân mình ở đâu đó giữa những dòng văn – không phải là hành trình theo đuổi đam mê, thì là hành trình kiếm tìm hạnh phúc.
Làm sao để nắm bắt, nhen nhóm và giữ lấy ngọn lửa đam mê? Làm sao để giảng hòa cuộc đối đầu giữa đam mê và tình cảm? Phải chăng giữa sự nghiệp và tình yêu, khó lòng trọn vẹn cả đôi đường? Khi cả tình cảm và lý trí cùng lên tiếng, biết phải chọn nghe ai? Người đọc sẽ không khỏi băn khoăn những điều tương tự, bên những trang sách với những lời trải lòng chân tình của Nguyễn Chí Hiếu.
Nhà giáo được xem là một công việc đáng được tôn trọng và ý nghĩa. Cho nên ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một dịp quan trọng để các học trò thể hiện tấm lòng biết ơn với những thầy cô của mình. Hy vọng top 4 cuốn sách kể trên sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa để dành tặng các thầy cô ngày 20/11.