Thông tin từ Ủy ban Nhân dân TP.HCM cho hay đợt kiểm tra 1.200 chung cư đang có những vấn đề tranh chấp giữa cư dân và nhà đầu tư sẽ được tiến hành từ nay đến tháng 6, nhằm giải quyết các thắc mắc, khiếu nại tồn tại lâu nay.
Theo cơ quan chức năng, có 16 nội dung xem xét qua đợt tổng kiểm tra này được xem là khá phổ biến trong việc điều hành và trách nhiệm do nhà đầu tư để lại sau khi đã bán hết toàn bộ căn hộ cho cư dân, bao gồm: Tranh chấp về quyền sở hữu chung là vấn đề lớn nhất (diễn ra tại 21 chung cư); Kinh phí quản lý – vận hành (17 chung cư); An toàn phòng cháy chữa cháy (15 chung cư); Kinh phí bảo trì (13 chung cư); Hội nghị nhà chung cư (12 chung cư); Chất lượng công trình (11 chung cư); Chọn doanh nghiệp quản lý vận hành (11 chung cư); Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (tám chung cư); Phí giữ xe (tám chung cư); Hoạt động của ban quản trị (tám chung cư); Môi trường – vệ sinh (bảy chung cư); An ninh trật tự (bảy chung cư); Tranh chấp hợp đồng mua bán (sáu chung cư); chưa bàn giao hồ sơ hoàn công (sáu chung cư); Diện tích căn hộ (năm chung cư) và các vấn đề liên quan đến bảo hành nhà chung cư (năm chung cư).
Rất nhiều chung cư tồn tại nhiều vấn đề cùng lúc, điều này cho thấy có những vướng mắc trong hoạt động đầu tư và kinh doanh phát sinh sau khi các căn hộ đã thuộc quyền sở hữu của cư dân.
Báo Tuổi Trẻ ghi nhận phản ánh của người dân đã nêu ra một vài sự việc khá tiêu biểu trong các tranh chấp. Như tại chung cư 450/1 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, chủ đầu tư vẫn còn giữ quyền quản lý chung cư, nhận giữ xe của người bên ngoài. Báo này cũng ghi nhận tại chung cư Phú Mỹ, đường Hoàng Quốc Việt, quận 7, cư dân bức xúc về việc chủ đầu tư được chia 50% doanh thu kinh doanh tầng hầm để xe và được cấp giấy chủ quyền phòng đọc sách, phòng tập thể dục thẩm mỹ… Tại chung cư Giai Việt ở đường Tạ Quang Bửu, quận 8, theo bài báo nói trên đang tồn tại hàng loạt vấn đề như cơ sở vật chất không đúng hợp đồng như chủ đầu tư từng hứa hẹn.
Thực tế cho thấy, nhiều hội nghị nhà chung cư phải tổ chức lại đôi ba lần mới hình thành được một ban quản trị được chính quyền địa phương chuẩn y công nhận. Nguyên nhân là do một số nhà đầu tư đã tìm mọi cách đưa người của mình vào bộ máy đại diện cư dân để thực hiện các quyết định chi tiêu hoặc tranh chấp có lợi cho mình, coi nhẹ quyền lợi chính đáng của cư dân. Nhiều hội nghị nhà chung cư diễn ra như một phiên chợ, các phe phái phê phán nhau rất thiếu văn hóa và phải tổ chức lại với sự chủ trì của chính quyền địa phương.
Hy vọng đợt tổng kiểm tra chung cư lần này, cơ quan chức năng sẽ giải quyết các tranh chấp giữa quyền lợi của chủ đầu tư và cư dân đang sở hữu căn hộ chung cư trên cơ sở của Luật Nhà ở ban hành năm 2005 đang có hiệu lực thi hành cũng như Luật Nhà ở sửa đổi ban hành năm 2014, có hiệu lực từ tháng 7-2015.
Kinh nghiệm giải quyết tại chung cư Lai Khê – Hà Nội về quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư và cư dân rất cần được nghiên cứu bởi có những nội dung tương tự các tranh chấp tại các chung cư ở TP.HCM. Ngày 22-1, báo VietnamNet đưa tin: “Sau hàng chục lần kêu cứu khắp nơi, những kiến nghị của người dân chung cư Lai Khê đã được lắng nghe khi đại diện quận Hà Đông khẳng định: diện tích sử dụng chung cư để vận hành tòa nhà như nơi để xe, phòng kỹ thuật thì chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị tòa nhà chung cư theo đúng Luật Nhà ở quy định tại khoản 3, điều 10”.