Herb nói tiếng Việt không nhiều nhưng phát âm rất chuẩn! Ông đã lãnh đạo đội ngũ AmCham Vietnam góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đi đến những thành tựu đáng kể như: Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ 2001, Hiệp định Thương mại may mặc Việt Nam – Hoa Kỳ 2003, Việt Nam gia nhập WTO 2007. Năm 2010 Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã trao tặng các bằng khen cho Herb Cochran và AmCham Vietnam về các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, trao tặng học bổng cho sinh viên và các dự án từ thiện xã hội.
____
Xin chào Herb Cochran, vì sao ông lại chọn ở Việt Nam lâu như vậy?
Tôi quyết định trở lại Việt Nam vì tôi cảm thấy sống ở đây rất thoải mái. Tôi đã từng học tiếng Việt và làm việc ở Cần Thơ trong mấy năm trước 1975. Sau đó tôi đến Nhật Bản và sống ở đó trong gần 15 năm. Tôi cũng ở Bangkok, Thái Lan. Tôi rất thích thú và muốn làm tiếp công việc mình đã làm trong nhiều năm, đó là thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và các nước Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam.
____
Vậy, ông hòa nhập cuộc sống ở TP.HCM thế nào?
Khá dễ dàng. Có nhiều “thế giới khác nhau” ở TP.HCM – một thành phố lớn, với nhiều ngành nghề như giáo dục, giải trí, kinh doanh và công nghiệp,… Bạn bè bảo tôi khá tập trung vào công việc. Phần lớn cuộc sống của tôi quay xung quanh con người và những tổ chức liên quan đến công việc. Tất nhiên, tôi cũng thích thăm thú các nơi khi đi công tác tới những vùng xung quanh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Thơ. Còn để du lịch, giải trí thì tôi thích đi Phan Thiết, Đà Lạt, Cần Thơ và Phú Quốc. Tôi chơi golf hoặc chơi các môn thể thao dưới nước ở đó.
____
AmCham Vietnam tổ chức những hoạt động gì để thúc đẩy thương mại và đầu tư Hoa Kỳ – Việt Nam vậy, thưa ông?
Hoạt động của AmCham Vietnam tập trung vào networking (kết nối doanh nghiệp), trao đổi thông tin và hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh. Tất cả nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ. Tôi rất thích câu tục ngữ Việt Nam “Buôn có bạn, bán có phường” vì nó diễn đạt đúng tinh thần công việc chúng tôi đang làm đấy!
AmCham Vietnam tại TP.HCM có hơn 450 công ty thành viên, hơn 1.000 đại diện. Từ năm 1996, AmCham Vietnam tại TP.HCM là thành viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (có hơn ba triệu doanh nghiệp ở 82 nước). Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp. Chúng tôi cũng thường kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, nhằm mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam những thông tin rất chuyên biệt phục vụ cho công cuộc kinh doanh của họ. Chúng tôi cũng đăng tải các bài thuyết trình lên website của AmCham Vietnam.
Đa số các hoạt động tại AmCham là “mở rộng”, dành cho cả những công ty chưa phải là thành viên.
____
Ông đã sống ở đây 15 năm, theo ông kinh tế Việt Nam có thể chia làm mấy giai đoạn?
Từ góc nhìn về quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – Hoa Kỳ thì có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất – “tiền BTA” tháng 7-1995 đến 12-2001. Các mối quan hệ được bình thường hóa vào tháng 7-1995, hiệp định song phương BTA được thương thảo từ 1996-2000, và có hiệu lực vào tháng 12-2001. Trong giai đoạn này, đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam chủ yếu đến từ các công ty hàng tiêu dùng nhanh nhằm xây dựng nền tảng cho các thương hiệu của họ một cách chiến lược, nhắm tới phục vụ cho tương lai 10, 15, 20 năm. Giá trị thương mại còn nhỏ, ít hơn một tỉ USD một năm.
Giai đoạn thứ hai chính là “hậu hiệp định song phương BTA, tiền WTO”, từ tháng 1-2002 khi hiệp định song phương BTA được ký kết đến tháng 1-2007 khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Các đầu tư liên quan đến Hoa Kỳ trong giai đoạn này không đến trực tiếp từ Hoa Kỳ, mà từ “các công ty đối tác” của họ, tức các công ty Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong. Họ chuyển sản xuất từ Indonesia và Mỹ Latin tới Việt Nam nhằm cung cấp hàng hóa có thương hiệu cho hàng ngàn chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Hoa Kỳ. Khi hiệp định song phương có hiệu lực, thuế nhập khẩu vào Mỹ của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam giảm từ trung bình 45% xuống còn 3%, làm cho hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh cao. Nhập khẩu vào Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, từ 1 tỉ USD năm 2001 đến 8,57 tỉ USD năm 2006. Đặc biệt hàng may mặc tăng cao.
Giai đoạn thứ ba, hậu WTO, bắt đầu từ tháng 1-2007 đến hiện nay nhờ quota hàng may mặc của Việt Nam vào Hoa Kỳ được xóa bỏ nên hàng may mặc Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh hơn nữa. Từ 3,4 tỉ USD năm 2006 nó tăng đến 7,3 tỉ USD năm 2011, và hiện chiếm tới 42% tổng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, còn có làn sóng thứ ba: các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào sản xuất hiện đại ở Việt Nam, được dẫn dắt bởi nhà máy lắp ráp và sản xuất thử nghiệm Intel 1 tỉ USD tại Công viên Công nghệ cao Sài Gòn. Những công ty Hoa Kỳ chuyển dịch sản xuất phục vụ cho “thị trường toàn cầu” tới Việt Nam và đang xây dựng một nền tảng để xuất khẩu mạnh mẽ hơn, tạo nhiều giá trị gia tăng hơn cho sản xuất Việt Nam.
____
Vậy, trong ba giai đoạn đó, đâu là giai đoạn ấn tượng nhất đối với ông?
Đó là giai đoạn thứ hai, tình cờ trùng hợp với nhiệm kỳ thứ hai của cựu Thủ tướng Phan Văn Khải. Tôi có cơ hội làm việc với cựu Thủ tướng Phan Văn Khải hồi tháng 10-2004 tại Hà Nội và cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trong suốt giai đoạn 2002-2008 do AmCham hợp tác chặt chẽ với Bộ Thương mại và VITAS để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trong thương mại hàng may mặc Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi có ấn tượng về họ, đó là những nhà lãnh đạo sâu sắc, tập trung mạnh mẽ vào các chính sách phát triển kinh tế xã hội bền vững và lành mạnh của Việt Nam, vào sự chuyển tiếp từ nền kinh tế mệnh lệnh sang nền kinh tế thị trường.
____
Là cầu nối giữa doanh nhân Mỹ và chính phủ cũng như doanh nhân Việt Nam, chắc hẳn ông hài lòng về công việc của mình?
Chúng tôi thúc đẩy hiểu biết giữa các doanh nghiệp Hoa Kỳ về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, những lĩnh vực họ có thể đầu tư. AmCham Vietnam cũng đưa ra nhiều đề xuất để Chính phủ Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh tốt hơn để thu hút các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào mạnh mẽ hơn. Ví dụ các công ty thành viên AmCham dự định đầu tư ở Việt Nam mời Ủy ban Nhân dân, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đến thăm các khu công nghệ cao ở Malaysia để có những “ví dụ” cho chính phủ tham khảo về cách thức tổ chức chúng tốt nhằm thu hút nhà đầu tư đến TP.HCM.
Một số nhà đầu tư đã đến Việt Nam sau những chuyến “networking” do chúng tôi tổ chức. Đó là Jabil Vietnam đầu tư 70 triệu USD để xây nhà máy mới ở SHTP (Công viên Công nghệ cao Sài Gòn). Trên thế giới, Tập đoàn Jabil có mặt ở 22 nước với hơn 100.000 nhân viên và doanh số hằng năm là 13,4 tỉ USD. Đó là Tập đoàn Intel với nhà máy hơn một tỉ USD. Hoặc Honeywell đã mở văn phòng tại TP.HCM và ký hợp đồng lọc dầu trị giá 17,5 triệu USD với Petro Vietnam Refinary. Tại Việt Nam, có 42% sản lượng sản phẩm công nghiệp được sản xuất bởi các doanh nghiệp nước ngoài – một con số không nhỏ. Rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đến Việt Nam đầu tư.
Tại Việt Nam, có 42% sản lượng sản phẩm công nghiệp được sản xuất bởi các doanh nghiệp nước ngoài – một con số không nhỏ. Rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đến Việt Nam đầu tư.
____
Nếu có một lời nhắn gửi thì theo ông doanh nhân Việt Nam nên chú ý đến tính cách nào của doanh nhân Hoa Kỳ để việc hợp tác dễ dàng hơn?
Đầu tiên là tính độc lập của doanh nhân Hoa Kỳ. Dù phần lớn đều biết cách làm việc trong một tổ chức, họ rất thích được làm chủ chính mình. Thứ hai, họ cực kỳ đam mê công việc, thường bắt đầu từ công việc “làm nhiều mà… lương ít”. Thứ ba, họ tự tin. Doanh nhân cần phải cực kỳ tự tin để đối phó với các rủi ro khi điều hành kinh doanh. Kế đó, họ thường rất kỷ luật. Những doanh nhân Hoa Kỳ thành công chống lại cám dỗ của những thứ kém quan trọng hoặc dễ dàng, nhưng có khả năng nghĩ tới những gì quan trọng nhất. Và, họ tập trung vào lợi nhuận. Những doanh nhân thành công luôn nắm vững tỷ lệ lợi nhuận cần đạt tới, và biết rằng lợi nhuận là một thước đo quan trọng. Cuối cùng, doanh nhân Hoa Kỳ rất ghét phí phạm thời gian. Vì họ rất bận rộn nên không muốn phí thời gian vào những việc không mang đến hiệu quả.
____
Vậy thì ông đánh giá thế nào về tính chủ động của doanh nhân Việt Nam?
Theo kinh nghiệm của tôi thì doanh nhân Việt Nam rất chủ động. Tôi muốn nhấn mạnh rằng doanh nghiệp không có nghĩa là nhỏ nhé! Những doanh nghiệp thành công ban đầu có thể nhỏ, nhưng sau đó công cuộc kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp lớn và phức tạp. Hãy nghĩ đến Steve Jobs, Bill Gates, Les Wexner (LIMITED Brands), Andy Grove (INTEL), Henry Ford (FORD),… Là doanh nhân quốc tế, họ phải lãnh đạo, thuyết phục và quản lý nhiều mối quan hệ khác nhau từ khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, nhà cung ứng,… và những quy định của chính phủ.
Nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam vào Hoa Kỳ có giá trị từ 50 triệu USD năm 2001 đến 7,3 tỉ USD năm 2011 và ước tính sẽ đạt 10 tỉ USD vào năm 2015. Nó bắt đầu nhỏ và tăng trưởng rất nhanh. Một đối tác quan trọng chính là ông Lê Quốc Ân, cựu chủ tịch VITAS và VINATEX. Với tôi, ông ấy là một doanh nhân. Chúng tôi làm việc với nhau để thúc đẩy hoàn tất “Hiệp định dệt may song phương” 2002-2003, hợp tác thành lập hệ thống quota Việt Nam “minh bạch, hiệu quả và công bằng” 2003-2007, và tiếp tục hợp tác sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO năm 2007 để xây dựng “Hệ thống giám sát xuất khẩu” của Chính phủ Việt Nam. Hệ thống này nhằm đối ứng thành công với “Hệ thống giám sát nhập khẩu” của chính phủ Hoa Kỳ, tránh nguy cơ bị chính phủ Hoa Kỳ kiện phá giá 2007-2008. Ông ấy rất chủ động, là nhà truyền thông tốt và là người có tầm nhìn xa!
Tôi từng làm việc chặt chẽ với lãnh đạo các hiệp hội doanh nhân, hiệp hội công nghiệp như VCCI, VITAS, HAWA, LEFASO và lãnh đạo các khu công nghiệp, khu công nghệ ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tôi rất có ấn tượng về hiểu biết sâu sắc, kinh nghiệm và kỹ năng kinh doanh của họ.
____
Ông đã sống ở cả hai miền Bắc, Nam, vậy theo ông khác biệt giữa doanh nhân hai miền? Theo ông, phong cách kinh doanh nào dễ tiếp cận hơn đối với doanh nhân Hoa Kỳ?
Tôi dùng cách diễn đạt Nhật Bản để giải thích sự khác biệt một cách ngắn gọn nhé. Tôi ở Nhật Bản gần 15 năm, làm cả ở Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tokyo và Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Osaka. Những người bạn ở Osaka có thành ngữ về sự khác biệt giữa Tokyo và Osaka. Họ nói rằng Tokyo thì “Dono-sama shobai”, nghĩa là “làm kinh doanh với chính phủ”. Có lẽ sự khác biệt giữa Hà Nội – TP.HCM tương tự sự khác biệt giữa Tokyo – Osaka.
Với doanh nhân Hoa Kỳ, ai dễ tiếp cận hơn còn phụ thuộc vào sản phẩm và dịch vụ họ kinh doanh.
____
Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam làm sao để lớn mạnh lên tầm quốc tế?
Thời gian và kinh nghiệm hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành tới tầm quốc tế. Và tất nhiên sẽ xuất hiện nhu cầu hoàn thiện giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Số lượng các đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại AmCham đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2005. Bạn nghĩ xem, các công ty Hoa Kỳ đã có mặt ở Việt Nam hơn 15 năm rồi. Nhiều người Việt Nam đã làm việc với các công ty này, là nhân viên, nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ, nhà phân phối,… Họ đã học hỏi qua hợp tác, chuyển giao kiến thức và công nghệ hằng ngày. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển lên tầm quốc tế.
Thời gian và kinh nghiệm hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành tới tầm quốc tế.
____
Dường như hoạt động cộng đồng là một trong những việc làm khá ấn tượng của AmCham?
Chúng tôi tổ chức và tham gia nhiều hoạt động cộng đồng như Chương trình học bổng AmCham, nhóm AmCham CSR (Social Corporate Responsibilities – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), Ngày làm sạch biển Quốc tế, Ngày hiến máu Quốc tế… Tỷ lệ máu cần thiết để cứu người ở Việt Nam mới chiếm 40% và vì vậy chúng tôi muốn “làm gương” để hiến máu. Chúng tôi cũng tài trợ một số tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.
Hiện nay chúng tôi vừa trao hơn 400 triệu đồng học bổng AmCham cho 68 bạn sinh viên (từ hơn 400 ứng viên ban đầu). AmCham Vietnam và Intel Vietnam cũng cùng thông báo “Học bổng kỹ sư nữ AmCham – Intel 2011” nhằm khuyến khích và hỗ trợ nữ sinh viên theo đuổi nghề nghiệp kỹ thuật.
Chúng tôi cũng có chương trình HEEAP (Higher Engineering Education Alliance Program) – Chương trình liên minh chính phủ, công nghiệp và những đại học kỹ thuật hàng đầu ở Việt Nam nhằm cải tiến chương trình học Kỹ sư cơ khí, mục đích chính là phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thu hút và đảm bảo cho ngành công nghệ cao, từ đó mới định vị được vị thế cạnh tranh của Việt Nam với các nơi khác. Và cũng từ đó tạo ra cả ảnh hưởng kinh tế lẫn xã hội.
____
Ngoài việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, AmCham góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đang nhìn vào nhóm thị trường ở khu vực. Ví dụ, nhấn mạnh cho các nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hoa Kỳ sự quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cơ sở hạ tầng hỗ trợ liên kết vùng như cảng (Cái Mép), sân bay (Tân Sơn Nhất và Long Thành), và đường bộ (Đại lộ Đông Tây, đường vành đai) và các tuyến Metro.
Chúng tôi cũng giải thích sự quan trọng của vùng Mekông mở rộng. Hiện nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang làm việc với chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar về huy động vốn và lên kế hoạch xây dựng đường bộ, đường xe lửa, viễn thông, quy trình thông quan,… Và sẽ quảng bá cho sự hội nhập kinh tế của vùng Mekông mở rộng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của vùng.
____
Vì sao ông hay nhấn mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng như vậy?
Ở Việt Nam, chi phí vận chuyển nội địa chiếm tới 25% giá thành sản phẩm (tính theo GDP). Trong khi đó, ở Hoa Kỳ chi phí này chỉ 8%. Mọi thứ được vận chuyển nhanh và rẻ, nên hiệu quả kinh doanh tăng cao. Cơ sở hạ tầng tốt là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế. Khi là tùy viên thương mại ở Osaka, Nhật Bản, tôi đã góp phần thuyết phục chính phủ chú trọng xây dựng hạ tầng tốt và sử dụng nhiều yếu tố nước ngoài vào đó. Ví dụ, dùng nhà thiết kế nước ngoài để xây dựng sân bay Kansai nhằm phát triển kinh tế ở đây. Họ phát triển hình thức PPP (Public Private Partnership) – Hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp. Sau khi sân bay Kansai được xây nửa năm thì xảy ra cơn động đất ở Kobe, cách đó 25km. Nhưng khi đó sân bay Kansai vẫn nguyên vẹn. Không một chi tiết nào bị phá vỡ. Mà ở Kobe có tới 6.000 người bị chết.
Những năm 1970, Nhật Bản mới chỉ có một tòa nhà cao hơn 30 tầng, còn bị Hoa Kỳ áp đặt mức quota xuất khẩu. Vậy mà giờ đây Nhật đã trở thành nền kinh tế thứ ba thế giới. Cơ sở hạ tầng tốt góp phần quan trọng trong sự phát triển thần kỳ đó! Và đó là lý do AmCham Vietnam luôn mong muốn thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng tốt là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế.
____
Một câu hỏi riêng tư, ông có thể chia sẻ câu ngạn ngữ yêu thích của mình?
Tôi thích nhiều câu, mỗi câu phù hợp với hoàn cảnh nhất định của kinh nghiệm và tuổi tác. Tôi thích câu “Well begun is half done” (Khởi đầu tốt là đã hoàn thành một nửa công việc), nhấn mạnh sự quan trọng của chuẩn bị, lên kế hoạch. Hoặc “Non sibi” (Không chỉ riêng mình), chỉ ra cuộc sống dựa trên cộng đồng, sự phục vụ và nghĩa vụ. Tôi cũng thích câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chúng tôi nghĩ nhiều về điều đó trong chương trình học bổng AmCham và những chương trình chính phủ khác. Tôi thích câu “Buôn có bạn, bán có phường” và dùng nó để thúc đẩy ký kết Hiệp định song phương Việt Nam – Hoa Kỳ tháng 7-2001.
____
Câu hỏi cuối cùng, thưa ông, đâu là bí quyết quản lý thời gian của người bận rộn như ông?
Tôi nghĩ là “động lực”. Tôi hay muốn làm việc theo kế hoạch, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Nó có thể là vấn đề của “quản lý thời gian” trong mối tương quan với “quản lý công việc”. Nếu tôi thực sự thích thú một công việc, tôi sẽ quên bẵng mất thời gian.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Xem thêm: