Nhắc tới người Aryan là nhắc tới nỗi kinh hoàng lớn nhất thế kỷ XX. Để sàng lọc giống nòi, giữ cho người dân toàn quốc đều là người da trắng Aryan thượng đẳng, Đức Quốc xã điên cuồng thảm sát người Do Thái, chủng tộc mà họ miệt thị gọi là Semitic. Nhưng bạn có biết nguồn gốc của sắc tộc Aryan vốn chẳng liên quan gì đến Đức hay châu Âu cổ đại, mà bắt đầu từ châu Á, cụ thể là khu vực Ấn-Iran? Ngày nay, sâu trong vùng Ladakh thuộc phía Nam dãy Himalaya ở Ấn Độ, những hậu duệ thuần chủng của chủng tộc này vẫn đang sinh sống. Họ rất có thể còn là các Aryan “thuần Aryan” cuối cùng.
Ladakh: Vùng đất đèo cao
Từ lâu, Ladakh đã nổi tiếng là vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhưng đầy màu sắc văn hóa Aryan của bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Tọa lạc trên vùng đất cao 3.000m so với mực nước biển, nó là cao nguyên cao nhất ở Jammu & Kashmir. Hầu hết các ngọn núi của Ladakh đều được hình thành từ khoảng hơn 45 triệu năm về trước. Nó có đỉnh cao nhất là Nun-Kun (7.000m), còn lại dao động trong tầm 5.000-6.000m. Trong Ladakh cũng bao gồm rất nhiều các thung lũng như Baltistan, Indus, Zanskar, Lahaul… đích thực là khu vực lắm lũng sâu, đèo cao, dốc ngược, không thuận tiện cho việc sinh cư lập nghiệp. Ngay cả khi so với vùng Jammu-Kashmir vốn không mấy đông đúc, Ladakh vẫn thưa người nhất.
Phần lớn cư dân sống trong Ladakh là người Hồi giáo dòng Chiite (chiếm 46,4%), kế đến là tín đồ Phật giáo Tây Tạng (39,7%), Ấn giáo (12,1%) và 1,8% còn lại theo giáo phái Sikh. Trong ngôn ngữ Tây Tạng, Ladakh được gọi là La-dvags, có nghĩa là “vùng đất của những đèo cao”. Thuở xưa, nó là khu vực liên kết Ấn Độ với Con đường Tơ lụa. Theo phân tích khảo cổ thì từ thời kỳ Đồ đá mới (khoảng năm 10.200 trước Công nguyên – TCN), Ladakh đã có người cổ đại đến sống. Những cư dân đầu tiên này là sắc tộc hỗn hợp Indo-Aryan.
Aryan: “Người quý phái” châu Á
Có khá nhiều giả thuyết về nguồn gốc của người Aryan thuần chủng, tuy không có bằng chứng xác thực. Theo nhà ngôn ngữ và phương Đông học người Đức Friedrich Max Muller thì người Aryan chính là người da trắng châu Á đã di cư đến châu Âu, sau đó chiến đấu mở rộng địa bàn. Bên cạnh đó là giả thuyết cho rằng Aryan là hậu duệ của Alexander Đại đế (336-323 TCN), một quốc vương thuộc La Mã (châu Âu) cổ đại. Người ta cho rằng nhà vua này từng dẫn quân chinh phạt châu Á, và quân lính của ông để lại những đứa con mà sau đó sẽ trở thành người Aryan. Nguyên nhân có lẽ là vì ngoại hình của người Aryan. Họ có đôi mắt màu xanh lam, xanh lục hoặc xanh nhạt như người phương Tây cùng gò má cao, làn da trắng hơn so với kiểu da vàng quen thuộc của châu Á.
- Xem thêm: Lạc vào cõi thiên đường Ladakh
Vào khoảng thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, trong thời đại phân biệt chủng tộc cực đoan, cái ý tưởng “thuần chủng” mới nổi lên. Người ta tin rằng người Aryan chính là tổ tiên tôn quý của người da trắng, tuyên bố họ đến từ thảo nguyên phía Tây Nam Á-Âu (tức Nga và Ukraine), cuối cùng hình thành nhận thức người Aryan “khai sinh” tại Đức hoặc vùng Bắc Âu. Vin vào niềm tin vô căn cứ này, Đức Quốc xã vẽ ra cái gọi là “Aryan – người da trắng thượng đẳng”, sau đó khởi động chiến dịch sàng lọc nòi giống, tự tin với toàn bộ con dân đều là người Aryan thuần chủng, siêu việt thì sẽ thừa sức thôn tính, thống trị toàn cầu.
Đối với thế giới, “Aryan” vẫn là một thuật ngữ mang ý nghĩa tiêu cực, gọi nhớ vết thương đau đớn, sâu sắc nhất thế kỷ XX. Để giữ cho người dân toàn quốc đều là Aryan thuần chủng, Đức Quốc xã điên cuồng thảm sát người Do Thái, chủng tộc mà họ miệt thị gọi là Semitic, không cho phép người Đức kết hôn với dân tộc khác. Họ không biết rằng người Aryan vốn chẳng liên quan gì đến nguồn gốc Đức hay Bắc Âu, mà bắt đầu từ Iran tiền sử, là người Indo-Aryan.
Trong tiếng Phạn, từ “Aryan” mang một ý nghĩa hoàn toàn cao đẹp. Nó bắt nguồn từ từ “arya” có nghĩa là “quý phái”. “Aryan” vì thế là “người quý phái”. Ban đầu, thuật ngữ này được dùng để gọi nhóm sắc tộc nói tiếng Ấn-Iran nói chung. Còn bây giờ thì nó đơn giản là tên gọi các bộ lạc đang sinh sống dọc theo thung lũng sông Ấn, trong vùng cao nguyên Ladakh.
Với các cư dân địa phương, Ladakh thường được gọi là “Thung lũng Aryan”. Trong thung lũng này có tổng cộng 5 ngôi làng Aryan, mỗi làng đều từ 2.000 – 4.000 dân. Do chiến sự liên miên trên biên giới Ấn Độ – Pakistan (vùng Kashmir), và địa hình hiểm trở khó ra, khó vào, các làng này gần như bị cô lập hoàn toàn. Trải qua hàng ngàn năm, họ vẫn định cư tại vị trí cũ, bằng lòng với cuộc sống vất vả nhưng yên bình. Thế nên nguồn gien mà họ sở hữu trong cơ thể là huyết thống Aryan thuần nhất.
Nguy cơ mất bản sắc vì hiện đại hóa
Kể từ năm 2003, sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan được ký kết, chuyện liên hệ với thế giới bên ngoài trở nên dễ dàng hơn với các cư dân Aryan tại Ladakh. Trước đó, vì địa hình cao, đất đai nghèo dinh dưỡng và khí hậu khắc nghiệt (mùa đông xuống tới -35oC), cuộc sống ở Ladakh không mấy dễ dàng. Người Aryan chỉ có thể trồng lúa mạch và lúa mì nhờ nước băng tan. Nhưng hiện giờ, nhờ được Chính phủ Ấn Độ trợ cấp, họ đã có lúa gạo để ăn với giá rẻ. Ladakh tuy không dễ sống nhưng cảnh sắc lại tuyệt đẹp. Cộng với lợi thế lưu giữ văn hóa Aryan thuần khiết, nó sớm trở thành địa điểm du lịch được yêu thích hàng đầu. Kỳ thực thì chỉ có 4% dân số Ladakh tham gia ngành du lịch, nhưng lại chiếm hẳn 50% thu nhập toàn vùng.
Đến với Ladakh là hòa mình vào bản sắc Aryan nguyên dạng nhất. Cư dân ở đây vẫn giữ nếp sống cũ, mặc trang phục truyền thống là áo khoác da cừu và đội tepi, một kiểu mũ hoa vô cùng rực rỡ. Điều thú vị là không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông Aryan cũng đội mũ hoa. Chúng được làm bằng vải và gắn đầy hoa lá cùng đồ trang sức. Mặc dù đàn ông ở Ladakh chỉ mặc y phục cổ truyền trong ngày lễ, nhưng với phụ nữ tại đây lại là chuyện mỗi ngày, cả trong lúc lao động.
- Xem thêm: Những tu viện ở miền cao Ladakh
Bình minh ngày tổ chức lễ hội tôn vinh văn hóa dân tộc vừa lên, các bà mẹ Aryan ở Ladakh đã sẵn sàng chuẩn bị đầu tóc, quần áo cho con gái. Họ hạnh phúc tết từng lọn tóc, chỉnh trang từng cánh hoa, hạt cườm trên chiếc tepi rồi đội lên đầu cho con. Các thiếu nữ hớn hở khoe áo váy diễm lệ và mũ hoa lộng lẫy, hòa mình vào dòng người rộn rã. Vũ điệu truyền thống được biểu diễn tưng bừng, khiến không khí mỗi lúc một náo nhiệt. Thêm vào đó, ngày diễn ra lễ hội cũng đồng thời là lễ cưới chung. Các cô dâu Aryan giấu mặt sau khăn trùm đầu kết hoa giấy phức tạp, được người nhà dẫn qua đám đông trong những tiếng xì xầm ngưỡng mộ, chúc mừng.
Đáng tiếc là những tiện nghi công nghệ, hiện đại như Internet, đường trải nhựa lại đang khiến cho việc giữ gìn bản sắc cổ truyền ở Ladakh ngày một khó. Thanh niên Aryan cũng có xu hướng kết hôn với người bên ngoài, đến các đô thị nhộn nhịp để học tập, tìm kiếm việc làm. Họ cũng thích âu phục đơn giản hơn là váy sống cổ truyền rườm rà, khó mặc. Sớm thôi, các thế hệ Aryan tương lai sẽ mang trong mình gien hỗn hợp. Sự thuần chủng có lẽ sẽ kết thúc tại đây, với những Aryan thuần Aryan cuối cùng.