Khoảng 10 phút sau khi máy bay cất cánh nhắm hướng Leh Ladakh, bang Jammu và Kashmir, phía bắc Ấn Độ, tôi đã thấy nhấp nhô những mỏm núi dưới chân mình, rồi càng lúc càng nhiều hơn, từng lớp, từng lớp nối tiếp nhau như một bức ký họa không gian ba chiều. Hành khách trên máy bay có người đã bay chặng này nhiều lần, có người mới lần đầu, nhưng ai cũng cố nhìn ra cửa sổ không chớp mắt, nín thở ngắm cảnh mặt trời nhô lên trên những đỉnh núi tuyết, thỉnh thoảng có vài người đứng dậy xin chuyển chỗ như muốn đến gần hơn với Himalaya.
Những con đường hoang vắng và đèo dốc hiểm trở
Suốt một tuần liền mỗi ngày liên tục di chuyển từ điểm này đến điểm khác, chúng tôi vẫn không ngớt sửng sốt trước các con đường uốn quanh những dãy núi tuyết trắng xóa và hoang mạc bao la. Ngoài kia hùng vĩ quá, hành khách chỉ ao ước được bay ra khỏi chiếc xe bảy chỗ đang bon bon vượt qua bao ngọn đèo cao, dọc theo bao nhiêu dòng sông băng và thung lũng tuyết. Đã là tháng Năm rồi, tuyết ngừng rơi từ hơn ba tháng trước, nhưng băng vẫn chưa tan hết dưới những tia nắng cực mạnh giữa ban ngày ở cái vùng núi rất gần mặt trời ấy.
- Xem thêm: Tây Sikkim – Hạnh phúc ghi dấu trong tim
Con đường từ thung lũng Nubra đến làng Turtuk bắt đầu làm chúng tôi “đau tim”. Không, không phải vì sợ đường đèo, mà bởi những dãy núi trắng cứ hiện ra phía trước, rồi những bụi cỏ khô nhiều màu sắc ở những sườn núi hai bên đường y như những nét chấm phá cho hành trình khám phá thiên đường càng hấp dẫn hơn. Rồi không chỉ một, mà nhiều con đường khác làm chúng tôi không thể ngồi yên trong xe, đường từ thung lũng Nubra đi hồ Pangong, từ Pangong trở về thị trấn Leh, đường đi qua đồi Magnetic đến địa hình mặt trăng. Đường nào cũng quá đẹp, chúng tôi cứ liên tục năn nỉ tài xế dừng lại chụp vài tấm ảnh.
Ladakh có nghĩa là vùng đất của những ngọn đèo cao, bởi nơi đây sở hữu những con đèo cao nhất, cao nhì thế giới. Những con đèo cao trên 5.600m xe cộ không được phép đi qua, ngoại trừ đèo Khardung-La, cách trung tâm thị trấn Leh tầm 40km. Ở độ cao ấy, du khách không được ra khỏi xe quá 15 phút bởi cái lạnh đóng băng của vùng tuyết phủ ngàn năm. Chinh phục đèo Khardung-La chính là mơ ước của những bước chân đam mê khám phá, của những trái tim gan dạ không sợ hiểm nguy. Đến được đây không dễ chút nào, nhất là du khách phải vượt qua giới hạn của bản thân mình, phải chấp nhận để cơ thể thích nghi với một nơi có nồng độ oxy loãng ở mức báo động, và khả năng gây sốc độ cao có thể xảy ra đối với bất cứ ai.
Thung lũng Nubra yên bình, hồ Pangong và cuộc sống an nhiên
Cách thị trấn Leh 150km về phía đông bắc, Nubra là thung lũng ẩn mình bên dãy Karakoram (thuộc Himalaya), ở vùng biên giới giữa Pakistan và Ấn Độ. Thung lũng Nubra trù phú quanh năm xanh mướt nhờ nằm giữa hai dòng sông Shyok và sông Nubra. Gọi là thung thũng nhưng Nubra vẫn cao 3.048m trên mực nước biển, bởi độ cao trung bình của toàn bộ vùng Ladakh này là 3.500m.
Tên gốc của Nubra, Ldumra, có nghĩa là thung lũng của những loài hoa, nhưng người ta lại tìm đến Nubra không vì những mùa hoa, mà vì nó đã từng là điểm kết nối với con đường tơ lụa huyền thoại. Làng Hunder thuộc thung lũng Nubra hiện vẫn còn những cồn cát và những chú lạc đà hai bướu, giống lạc đà được các thương nhân dùng thồ hàng ngược xuôi từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải. Khách đến tham quan Nubra, ngoài việc ngắm không gian yên bình của thung lũng, ngắm những hàng cây popla ẩn mình bên những rặng núi tuyết trắng, còn được cưỡi lạc đà băng qua những cồn cát.
Lúc anh lái xe đưa chúng tôi đến hồ Pangong (một bối cảnh trong phim Ba chàng ngốc nổi tiếng của Ấn Độ), tôi không tin vào mắt mình khi chứng kiến khung cảnh lãng mạn, đẹp đến mê hồn. Khi xem phim, tôi đã nghĩ các nhà làm phim hẳn đã sử dụng quá nhiều kỹ xảo, thế rồi tôi biết mình đã sai khi hiện diện ở đây. Chân bước đi giữa con đường rẽ đôi dòng nước, mắt nhìn vào mặt hồ và bầu trời hòa chung màu xanh, tai lắng nghe tiếng gió lướt qua đỉnh núi tuyết rồi vờn vào vách đá, tôi ngỡ mình đang lạc vào xứ thần tiên. Pangong là hồ lưu vực nằm bên dãy Himalaya, trải dài 134km từ Trung Quốc sang Ấn Độ, Pangong là hồ nước mặn nằm ở độ cao 4.350m.
Ladakh được ví là Tiểu Tây Tạng bởi những điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình và những nét văn hóa tương đồng. Nhịp sống của người Ladakh an nhiên đến lạ. Người Ladakh có niềm tin tuyệt đối vào tín ngưỡng tôn giáo. Hầu như mỗi gia đình đều gửi một người con trai vào tu viện từ lúc còn nhỏ tuổi. Tâm lành của họ thể hiện qua những cử chỉ, dáng đi, lời nói luôn nhẹ nhàng, khoan thai, không xô bồ, bon chen.
- Xem thêm: Shillong, miền cao xanh mát giữa xứ Ấn
Những ngày ở Ladakh, tiếp xúc với người bản địa mới thấy nghị lực của họ thật phi thường. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, người Ladakh vẫn duy trì nếp sống dung dị, mộc mạc. Ở nơi mà hơn một nửa thời gian trong năm phải sống trong tuyết thì mùa hạ là thời gian để gieo trồng, thu hoạch, phơi khô lương thực dự trữ cho cả năm. Cả những loại rau mùi, rau thơm cũng được phơi khô dùng cho mùa đông. Có lẽ chính điều kiện khắc nghiệt đó đã hình thành nên tính cách chịu thương chịu khó nhưng kiên cường đầy nghị lực của những con người sống trong vùng núi tuyết khắc nghiệt.
Ngoài người Tạng chiếm đa số, Ladakh còn có nhiều tộc người thiểu số khác sống ở những vùng tiếp giáp với các nước lân cận. Đến thăm làng Turtuk ở biên giới Ấn Độ và Pakistan, nơi sinh sống của nhóm dân tộc thiểu số Balti, tôi cảm nhận một cuộc sống an yên đang diễn ra ngay giữa vùng “chiến sự” Kashmir không mấy yên bình. Người Balti ở làng Turtuk sống tách biệt với thế giới bên ngoài và canh tác nông sản theo kiểu tự cung tự cấp. Họ không muốn tiếp xúc với người nước ngoài, đặc biệt phản đối gay gắt việc du khách chụp hình họ. Họ cũng hoàn toàn không quan tâm đến chiến sự. Có lẽ người Balti đã quá quen sống dưới sự tranh chấp quyền kiểm soát lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan? Khi chiến tranh giữa hai nước tạm kết thúc năm 1947, họ là người Pakistan. Hai mươi bốn năm sau, năm 1971, khi quân đội Ấn giành lại quyền kiểm soát Turtuk, họ là người Ấn. Nhưng dù chiến sự thế nào, cuộc sống của người Balti vẫn bình yên tiếp diễn như không có chuyện gì, cho dù chỉ cách đầu làng chừng hơn cây số là những đoàn xe quân đội Ấn đang ầm ầm di chuyển.
Có lẽ với người dân xứ Hymalaya, cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, núi rừng, sông suối mới là điều đáng quan tâm.