Đoàn Giỏi (1925-1989) là tên thật, thường gọi là anh Năm Đoàn Giỏi vì ông là con thứ tư trong gia đình. Ông còn có tên là Đoàn Văn Hòa, có bút danh khác: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư. Sinh ra tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), Đoàn Giỏi thuộc thành phần gia đình giàu truyền thống cách mạng, xuất thân là điền chủ tầm cỡ, sở hữu đến hàng trăm mẫu ruộng vườn cò bay thẳng cánh nằm ven sông Tiền.
Nhà cửa Đoàn Giỏi ngày xưa là tòa ngang dãy dọc, bây giờ trở thành trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành do gia đình ông tự nguyện hiến trọn nhà đất cho cách mạng ngay từ đầu mùa Nam bộ kháng chiến. Cha của Đoàn Giỏi là Đoàn Văn Vàng và mẹ là Nguyễn Thị Kiểu, cả hai ông bà có 10 người con. Trong đó, ba người con trai là Đoàn Giỏi, Đoàn Phú, Đoàn Nhân đã nhiệt tình tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp và được xem là những chiến sĩ bất khuất, trung kiên, dũng cảm trên khắp chiến trường.
Thuở nhỏ học ở trường Trung học Mỹ Tho, sau đó Đoàn Giỏi – thường được gọi là Công tử Đoàn vì xuất thân từ một gia đình giàu có tại quê nhà – lên Sài Gòn vào học tiếp Trường Mỹ thuật Gia Định (1939-1940) lại hăm hỡ đi vào nghiệp văn. Đầu tiên, Đoàn Giỏi có một truyện ngắn được nhà văn Hồ Biểu Chánh chọn đăng trên tờ Nam Kỳ Tuần báo (1943), nên ông kính trọng tác giả Cha con nghĩa nặng như một người thầy dạy văn chương cho mình.
Những truyện ngắn khác, Đoàn Giỏi viết sau này cũng được sự góp ý chân tình của Hồ Biểu Chánh trước khi hoàn thành. Do vậy, tác phẩm của Đoàn Giỏi gần gũi với người dân lao động và cách tư duy của Hồ Biểu Chánh. Nhưng phong cách và văn chương của Đoàn Giỏi lại mạnh mẽ và cuồng nhiệt hơn theo cá tính của ông. Khi cuộc kháng chiến Nam bộ nổ ra sau Cách mạng tháng Tám, với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc ngoại xâm, Đoàn Giỏi hăng hái tham gia cách mạng trong ngành an ninh, văn nghệ thông tin, giữ chức Phó Trưởng Ty Thông tin Rạch Giá (1949) và công tác trong Chi hội Văn nghệ Nam bộ (1949-1954), viết bài cho các tạp chí: Lá Lúa, Văn nghệ Miền Nam. Sau Hiệp định Genève (1954), Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc, chỉ một năm sau chuyển sang sáng tác, biên tập sách báo rồi công tác tại đài Tiếng Nói Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam. Đoàn Giỏi là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III.
Dù bản thân là chiến sĩ công an luôn bận rộn với công tác an ninh quan trọng, nhưng với sự say mê cầm bút lao động mài miệt, Đoàn Giỏi đã sở hữu một sự nghiệp văn chương phong phú và đa dạng. Trong khối tài sản tinh thần gồm có: truyện dài (4), truyện ngắn (1), truyện ký (6), ký (5), thơ (3), kịch thơ (2), biên khảo (2) mà tác phẩm nào cũng in đậm dấu ấn bản sắc hoạt động và tính khí, tình cảm của người Nam bộ: Người Nam Hà chết không hàng (1947), Chiến sĩ Tháp Mười (1949), Trần Văn Ơn (1955), Ngọn tầm vông (1956), Đất rừng phương Nam (1957),…
Nổi tiếng nhất từ trong nước đến thế giới là truyện dài Đất rừng phương Nam (tái bản đến lần thứ 14) được dịch ra tiếng nước ngoài: Liên Xô, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hungari, Trung Quốc, Cuba,… và được dựng thành phim 11 tập, đồng thời đoạt giải thưởng A của Hội Điện ảnh Việt Nam (1997). Sau đó, ông Gerald Herman, đại diện cho Công ty Dicovery Commumication (Singapore) đã chuyển phim Đất phương Nam từ băng VHS sang DVD để xuất khẩu – lần đầu tiên – và phát hành được hoan nghênh nồng nhiệt tại Mỹ
Tác phẩm làm nên tên tuổi của Đoàn Giỏi chính là truyện Đất rừng phương Nam viết theo thể loại tiểu thuyết truyền thống, gồm 20 chương. Dù có người coi là tiểu thuyết viết về thiếu nhi nhưng vẫn được xem là tác phẩm giá trị nói chung về con người và đất rừng Nam bộ bằng óc nhận xét tinh tế và phong cách độc đáo của Đoàn Giỏi. Từ những truyện: Ông lão bán rắn, Đi câu rắn, Đi lấy mật, Chạm trán với hổ, Phường săn cá sấu, Sân chim, Rừng đước Cà Mau,… mỗi chương là một truyện ngắn khiến cho người đọc mỗi lúc càng thêm say mê, thích thú.
Để giới thiệu Đất rừng phương Nam, Đoàn Giỏi mượn chuyện về cậu bé An bị lưu lạc trong thời kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Bé An sống cùng với cha mẹ tại thành phố. Sau Cách mạng tháng Tám chưa bao lâu, thực dân Pháp lật lọng, quay trở lại âm mưu xâm lược Việt Nam, bắt đầu đổ quân vào Nam bộ. Thực dân mở đường trước từ những trận đánh nơi thành thị khiến cho người dân phải xác xơ di tản. Bé An và ba mẹ cũng phải bỏ nhà cửa để chạy giặc.
Trong lúc hối hả lo lánh nạn, bé An nhớ đến một anh bạn đi tàu đã tặng cậu chiếc la bàn mà cậu không kịp mang theo. Cùng cha mẹ chạy hết từ vùng này đến vùng khác của miền Tây Nam bộ, An kết bạn với những đứa trẻ cùng trang lứa và có được một cuộc sống tuổi thơ ở vùng nông thôn thật hồn nhiên, êm đềm. Nhưng cứ vừa tạm ổn định được mấy hôm thì giặc lại đánh tới và cả nhà đành phải tiếp tục chạy.
Trong một lần mải mê chơi đùa cùng các bạn, giặc đánh đến bất ngờ khiến An chạy lạc cha mẹ: Tan nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ, bầy chim dáo dác bay (Chạy Tây – Nguyễn Đình Chiểu). Bé An trở thành đứa trẻ một mình sống lang thang. Trong hoàn cảnh lưu lạc, An đã gặp và tiếp xúc với nhiều người. Dì Tư Béo là một trong những người đầu tiên quan tâm đùm bọc An khi cậu bé bị lạc ở một xóm chợ. Từ đó, An đã về làm giúp cho quán ăn của dì Tư và không còn phải chịu cảnh đói khổ từng ngày như trước.
Tại quán ăn của dì Tư, An đã gặp anh Sáu Tuyên truyền, các anh bộ đội, vợ chồng Tư Mắm, lão Ba Ngù, ông Lão bán rắn và thằng Cò – tất cả đang đi tìm một người tên là Võ Tòng. Vợ chồng Tư Mắm là khách thương hồ, làm nghề bán mắm dọc theo các con kênh rạch. An tình cờ biết được hai vợ chồng Tư Mắm là Việt gian đang âm thầm làm tai mắt cho Pháp.
Bị họ phát hiện là người lạ mặt nên An chạy trốn. Hai vợ chồng Tư Mắm đốt cháy quán dì Tư rồi bỏ đi. Dì Tư Béo định dẫn An lên Thới Bình sinh sống nhưng An quyết định ở lại và tiếp tục cuộc sống không nơi nương tựa. Thời gian sau, An gặp lại cha con ông lão bán rắn và Võ Tòng. An đã đi theo họ và trở thành con nuôi của ông lão bán rắn, anh em của thằng Cò.
Tuy là nghèo khó, sống vất vả nhưng vợ chồng ông Lão bán rắn, tía má nuôi của An rất thương nó, coi cậu bé như con ruột do mình sinh ra. An còn được tía nuôi và thằng Cò dẫn đi câu rắn, đi vô rừng tìm lấy mật ong. An đã học được nhiều kinh nghiệm và thấy được nhiều điều mới lạ mà nó chưa từng biết. Tía nuôi An đẫn nó đi thăm chú Võ Tòng. Võ Tòng sau này đòi đi giết tên Việt gian định mua chuộc ông Ba Ngù. Trong lần phục kích giặc trên cây Da, Võ Tòng đã giết chết tên Việt gian và một tên lính giặc.
Nhưng cuối cùng, bị mụ Tư Mắm chỉ điểm, Võ Tòng đã bị thực dân bắn chết. Ba Ngù bảo An chỉ mụ Tư Mắm, được biết thói quen của mụ là thường đi tắm vào buổi chiều. Ba Ngù tìm cách núp dưới đám bèo rồi dùng nỏ bắn chết mụ. Thời gian sau đó, bọn giặc cũng phải tiếp tục chịu nhiều lao đao vì ông. Khi vùng U Minh Thượng bị giặc đóng chiếm, gia đình tía nuôi và An rời đi U Minh Hạ sinh sống rồi gia nhập vào phường săn cá sấu. Sau đó, cả nhà tới Sroc Miên, chợ Mặt Trời, Năm Căn. Nơi đây, An gặp lại dì Tư Béo rồi An đi luôn theo các anh du kích.
Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi giúp cho người đọc cảm thấy thú vị khi được biết thêm con người nơi miền đất mới Nam bộ với nhiều tầng lớp, đủ ngành nghề giống như một bức tranh sinh động thu hẹp của xã hội hoạt động trong suốthai triền sông Tiền và sông Hậu – không gian rộng lớn của một vùng cây cối xanh um lan rộng đến U Minh bát ngát rừng tràm đước và xuống đến tận đất Cà Mau khỏe khoắn như một mũi tàu hăm hở rẽ sóng vượt ra biển khơi.
Đọc Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, ta cảm thấy hấp dẫn, thú vị không kém gì thưởng thức các tác phẩm của Tô Hoài, những truyện Nghìn lẻ một đêm, Thủy Hử, hoặc tác phẩm của Charles Dicken, Mark Twain,.. hoặc Harry Potter sau này. Từ chuyện bắt rắn, câu cá sấu, đi lấy mật ong trong rừng đến chuyện Võ Tòng một mình tự tay giết 20 con hổ hay chuyện anh Huỳnh Tấn từng tháp tùng thủ lĩnh Trần Văn Giàu đi gặp tướng giặc và chứng kiến những người lính Bình Xuyên chặt ngón tay ngâm rượu đưa đi trình các tướng lĩnh để bày tỏ quyết tâm theo kháng chiến.
Văn phong của Đoàn Giỏi đậm chất Nam bộ thể hiện trong hầu hết tác phẩm, cụ thể là ở Đất rừng phương Nam. Từ nhân vật chính xưng tôi trong truyện tức là bé An, vợ chồng dì Tư Béo, đến vợ chồng gã Việt gian Tư Mắm đều được mô tả nhất quán theo ngôn ngữ địa phương chừng mực, làm rõ tính chất bạn-thù, ta-địch rất sắc nét. Đôi lúc người đọc cũng có thể cảm giác ngây ngất bắt gặp những đoạn văn tả cảnh đầy màu sắc hiện thực chứng tỏ người viết có kiến thức văn học và trải nghiệm thực tế cuộc sống cũng như lịch lãm trong nghề văn.
Như đoạn tác giả tả vẻ đẹp rừng U Minh vàng óng, lung linh dưới ánh mặt trời: “Những cây tràm vỏ trắng vươn thẳng lên trời, chẳng khác gì những ây nến khổng lồ, đầu lá rũ phất phơ như những đầu lá liễu bạt ngàn. Từ trong biển lá xanh rờn đã bắt đầu ngã sang màu úa, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng… tiếng chim không ngớt vang ra, vọng mãi lên trời caoxanh thẳm không cùng…”. Và cá nổi rợp trên mặt nước sông Năm Căn: “Nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa đầu sóng trắng… Con sông rộng hơn ngàn thước, hai bên bờ rừng dưới dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành lòa xòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai ”.
Cùng với thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, chân dung con người Nam bộ cũng được Đoàn Giỏi phác họa sắc sảo bằng những đường nét khỏe khoắn, sắc màu rực rỡ và tràn đầy sức sống. Chỉ với vài nét chấm phá linh động, nhân vật trong truyện đã hiển thị rõ trước mắt người đọc nhân vật nào ra nhân vật nấy. Ví dụ lời nói ngọt ngào, đãi bôi của dì Tư Béo mập ú, cái áo vắt vai, thái độ dở tỉnh dở say với những câu đối thoại hài hước của lão Ba Ngù,… Đoàn Giỏi tập trung khắc họa hai nhân vật: ông Hai bán rắn và chú Võ Tòng, cả hai đều có những nét đặc trưng về cá tính và lối hành xử mà người đọc không thể nào quên đã khi đã đọc một lần qua tác phẩm, rất xứng với câu nói của giới giang hồ thượng võ “danh bất hư truyền”.
Có nhà văn đã xem Đoàn Giỏi như một nhân cách nghệ thuật hội tụ đủ yếu tố của một nhà văn – nhà thơ, điển hình nhất là qua tiểu thuyết Đất rừng phương Nam nghĩ ra cũng không phải là cường điệu. Đọc tác phẩm của Đoàn Giỏi, ta thấy được tất cả cái tinh túy của hồn đất hồn người một vùng châu thổ sông Cửu Long giàu có, thể hiện ở những con người cần cù, hào hiệp mà vô cùng dũng cảm – những tấm lòng đinh ninh theo kháng chiến – chống kẻ thù hai chân và bốn chân ở một vùng vùng đất nguyên sơ hoang dã đầy cây tràm đước, cọp voi và cá sấu như rừng U Minh.
Đó là chưa nói đến ai ai cũng ngưỡng mộ gia đình và “Đoàn Công tử” đã sớm nhận đường, hào phóng hiến tặng cả khối nhà cửa đồ sộ nguy nga và bao nhiêu thửa vườn ruộng bạt ngàn cho sự nghiệp lớn của dân tộc mà đến ngày cuối đời sau này nhà văn vẫn không có được một căn nhà để ở. Nói về phong cách sáng tác của Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, một nhà văn đồng hương Nam bộ có ý kiến tích cực: “Trong con mắt tôi, với nhà văn Đoàn Giỏi, sự sáng tạo đồng nghĩa với một cuộc đấu tranh, một cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt”. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng chân thành phát biểu ngợi khen văn tài của Đoàn Giỏi: “Năm Căn tôi đã đến rồi, cây đước tôi đã thấy rồi, bà má Năm Căn và hàng ngàn bà má khác tôi đã thấy rồi, thế sao đọc các bài văn kia tôi vẫn xúc động! ”.
Trong lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước của dân tộc, ‘từ thuở mang gươm đi mở cõi’ đến nay được trên ba thế kỹ, Nam bộ đã trở thành chiếc nôi trù phú của dân tộc trên con đường Nam tiến. Với bàn tay dũng cảm khai phá không sợ thú dữ rừng hoang và cần cù lao động, lưu dân Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét nơi miền đất mới. Bên cạnh Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc,.. Đoàn Giỏi là nhà văn kháng chiến nổi tiếng trong hai thời kỳ, đã vẽ lại trong những trang viết cảm động, nồng ấm tình đất tình người giữa rừng núi bạt ngàn và sông nước mênh mông qua cuộc sống chiến đấu và lao động của người dân phương Nam.