Làm sao để học sinh đi từ biết đọc đến thích đọc, đọc có trách nhiệm và đọc như một nhu cầu? – Điều trăn trở của người làm công tác giáo dục về dự án phát triển văn hóa đọc trong học sinh tiểu học tại TP. HCM.
Góc nhìn người trong cuộc
Chia sẻ trong chương trình “Tiết đọc hạnh phúc” diễn ra vào ngày 26.10 vừa qua, bà Trần Thị Vương Nhi – Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lê Quý Đôn, Quyết Thắng, Biên Hòa, Đồng Nai cho biết: “Trường chúng tôi luôn tạo tạo mọi điều kiện để học sinh được tiếp cận với sách một cách dễ dàng, hướng đến sự trưởng thành của học sinh qua quá trình đọc sách, duy trì thói quen và tình yêu đối với “người bạn chân thành và thầm lặng”; từ nhiều năm qua, cuộc thi “Lớn lên cùng sách” được nhà trường tổ chức hằng năm trở thành cơ hội để học sinh bày tỏ tình yêu và sự quan tâm của mình đối với sách. Và, chương trình “Tiết đọc hạnh phúc” đang bổ sung thêm một hoạt động thú vị để học sinh tiểu học của trường chúng tôi được truyền cảm hứng nhằm tiếp tục duy trì tình yêu với sách.”
Bà Ngô Phương Thảo – Đại diện Ban tổ chức chương trình “Tiết đọc hạnh phúc” cho biết: “Rất vui và đầy ấm áp khi chương trình tìm được sự đồng thuận từ Ban lãnh đạo trường TH – THCS – THPT Lê Quý Đôn – Quyết Thắng trong việc hướng con trẻ đến tình yêu sách. Là đơn vị chủ trì và triển khai dự án này, những hoạt động như trường Lê Quý Đôn – Quyết Thắng là niềm vui, là động lực, là lửa cho Ban tổ chức chương trình tiếp tục lan tỏa nhiều hơn hiệu ứng chương trình đến các tỉnh thành bạn. Hiện tại, chúng tôi đã nhận được lời mời từ một số đơn vị giáo dục tại các tỉnh. “Cú hích” từ trường Lê Quý Đôn sẽ là một lực đẩy tốt, để chương trình “Tiết đọc hạnh phúc” lan tỏa đến được nhiều địa phương hơn”.
Song, cũng theo bà Vương Nhi, “chặng đường” này sẽ còn lắm chông gai, vì “Liệu những giáo viên chưa mặn mà với việc đọc sách có thể nào khơi gợi tình cảm của các em học sinh với sách? Liệu thành viên đang triển khai phát triển văn hóa đọc nhưng không tham gia vào một hoạt động đọc cụ thể thì làm sao có thể truyền cảm hứng đến các em học sinh?”
Bà Thảo chia sẻ: “Không dừng lại ở việc tổ chức chương trình “Tiết đọc hạnh phúc”, chúng tôi còn mong muốn “dài hơi hơn” về việc đào tạo và chuyển giao mô hình “Tiết đọc hạnh phúc” đến với 60 trường tiểu học trong địa bàn Tp. HCM và các tỉnh lân cận; để sau khi chúng tôi rời đi, chính các thầy cô giáo tại trường sẽ là những đại sứ đọc để mỗi ngày, mỗi ngày, thông qua hoạt động giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa, tình yêu với sách của các em học sinh mới được “tiếp lửa” và duy trì.”
“Với hiệu ứng từ chương trình “Tiết đọc hạnh phúc” dù chỉ trong 45 phút cũng đã ươm mầm cảm xúc nơi 500 học sinh tiểu học tại trường, cộng thêm sự đồng thuận về mặt định hướng từ Ban lãnh đạo Hệ thống Giáo dục Thành Thành Công Education, tôi tin tưởng, một khi đã được thắp lên tình cảm với sách, trách nhiệm với sách thì sau chương trình này, những đồng nghiệp của tôi sẽ vận hành tốt Dự án phát triển văn hóa đọc, mỗi người sẽ là sứ giả văn hóa đọc và học sinh sẽ đi từ biết đọc đến thích đọc, đọc có trách nhiệm và đọc như một nhu cầu” – Bà Vương Nhi cho biết thêm.
Đại diện Reading Vietnam, bà Dương Hoài Giang Hà bày tỏ mong muốn tất cả các em nhỏ có những buổi đọc hạnh phúc (Happy Reading) thường xuyên trên khắp đất nước Việt Nam. Vì thế, đồng hành cùng chương trình “Tiết đọc hạnh phúc”, Reading Vietnam thực hiện sứ mệnh “trao quyền đọc cho trẻ em”. Và, những cảm xúc tích cực từ chương trình “Tiết đọc hạnh phúc” cùng những hoạt động tương tự như thế, phối kết hợp với nhau sẽ trở thành cánh tay nối dài, giúp học sinh tiểu học dần phát triển thói quen đọc sách.
Chương trình “Tiết đọc hạnh phúc” tại trường Lê Quý Đôn nằm trong chuỗi chương trình thử nghiệm mô hình kịch bản nhằm tiến tới sự điều chỉnh tốt nhất phù hợp với học sinh tiểu học, cũng như đạt được hiệu quả tối đa nhất cho chương trình. Đồng hành cùng chương trình có nhà báo Đông Quân và tác giả Trần Tấn Sâm. “Tham gia ‘Tiết đọc hạnh phúc’, tôi ngạc nhiên và xúc động. Ngạc nhiên vì khả năng tương tác tự tin và sự hào hứng của các em học sinh, và xúc động vì cảm nhận được sự nhiệt tình, tận tâm của đội ngũ làm chương trình, cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương, tự hào của các thầy cô giáo và phụ huynh đối với con trẻ của họ” – tác giả Trần Tấn Sâm chia sẻ.
Chương trình mong muốn tiếp cận và truyền cảm hứng đọc cho 30.000 em học sinh tiểu học, trong đó có 20.000 em học sinh lớp 1 – 3, nhóm học sinh quan trọng nhất trong việc hình thành niềm yêu thích với sách từ sớm thông qua hoạt động Đọc To Nghe Chung, đặt nền móng quan trọng cho việc hình thành thói quen đọc cho trẻ khi vào cuối tiểu học.